Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Giáng Sinh

LỄ ĐỨC MARIA MẸ THIÊN CHÚA

NĂM MỚI BÌNH AN VÀ HẠNH PHÚC

duc me.jpg

Vào ngày thứ tám tuần bát nhật lễ Giáng sinh, chúng ta cử hành lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, cao rao Ngài thật có phúc vì đã đón nhận Đấng Cứu thế bằng niềm tin. Chính trong Đức tin mà Mẹ khám phá ý nghĩa của việc Giáng sinh đầy mầu nhiệm. Nhưng chính Đức tin ấy đã đem lại cho Mẹ tước hiệu vinh quang nhất là Mẹ Thiên Chúa, nền tảng cho chức phận là Mẹ thiêng liêng của mọi người tín hữu.

Sách Dân số 6, 22-27

Vào thời các tổ phụ và Mô sê, chúc lành cũng có giá trị như lời cầu nguyện. Những lời cầu chúc cho một người quyết định số phận của người đó. Dòng dõi được chúc phúc sẽ hoàn thành sự mong đợi của tổ tiên và như thế có nghĩa là được sinh ra một lần nữa bằng cách cho thấy bước đường tương lai sẽ đến.

Thánh Vịnh 66

Người ta hát thánh vịnh nầy để tạ ơn Thiên Chúa sau mùa gặt. Phụng vụ Ki tô giáo dùng để tạ ơn những gì Chúa Giê su đã ban, biểu hiện lòng tốt lành của Thiên Chúa đối với chúng ta.

Thư gửi Ga 4, 4-7

Đây là bản văn duy nhất trực tiếp nói đến Mẹ của Chúa Giê su. Trong Giáo Hội tiên khởi, Đức Maria dường như còn trong bóng tối. Nhưng hơn bất cứ ai khác, Mẹ đã hoàn thành việc biến đổi thiêng liêng và Ki tô hữu đích thực. Được thấm nhuần Thánh Thần, mẹ đã yêu thương đáp lại tình yêu của Thiên Chúa Cha. Chính vì thế mẹ đã chọn cách sống ầm thầm trong bóng tối.

Tin mừng Lc 2, 16-21

NGỮ CẢNH

Đoạn tin mừng nầy thuộc phần Tin mừng thời thơ ấu Chúa Giê su. Qua đó, tác giả Luca muốn làm nổi bật sự cao cả của Chúa Giê su bằng cách đối chiếu Ngài với Gioan Tẩy giả. Cuộc sinh hạ của Gioan Tẩy giả được bà con láng giềng đến chúc mừng (1, 57-58), còn khi Chúa Giê su giáng sinh, thì chỉ có các mục đồng đến viếng thăm (2,16-20). Gioan Tẩy giả được cắt bì theo lề luật và phong tục Do thái (1,59-79), và Chúa Giê su cũng thế (2,21).

TÌM HIỂU

Ra đi: Như Đức Maria (1,39), các mục đồng cũng phải lên đường vượt một quảng đường xa, và cũng như Ngài, họ phải hối hả ra đi. Đó là sự thúc đẩy của đức tin để đáp trả cho lời mời gọi của Thiên Chúa (1,39; 19,5-6). Họ đã nhìn thấy đấu chỉ đúng như lời đã loan báo (15).

Kể lại: Nguyên bản Hi ngữ dùng một động từ giống như trong câu 15: họ đã kể lại những gì mà Chúa đã cho họ biết. Nhận được mạc khải, họ liền lãnh nhận sứ mạng truyền lại mạc khái đó (1 Cr 15,1).

Bà Maria: sự chú ý giờ đây quay sang Đức Maria. Chính Ngài cũng đã nghe lời các mục đồng thuật lại chứng thực những gì Ngài đã nghe thiên sứ Ga bri ên nói. Những gì ca khúc Magnificat tiên báo đã được thực hiện: vì chính những người nghèo loan báo tin mừng. Đức Maria là người tín hữu tuyệt vời.

Suy đi nghĩ lại: Trong khi dân chúng ngạc nhiên, thì Đức Maria suy đi nghĩ lại về các biến cố vừa là lời và sự kiện. Ngài đám mình trong suy niệm để tìm hiểu ý nghĩa. Đó là mẫu mực cho Giáo Hội tiếp nhận Lời và giúp cho con cái mình sống Lời Chúa.

Tôn vinh ca tụng Thiên Chúa: Các mục đồng sau khi đã chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa và nghe thiên thần ca tụng, đã tôn vinh Ngài nơi trẻ thơ mà họ đã nhận ra qua các dấu chỉ mà họ đã được báo trước.

Đủ tám ngày: Xem câu 1, 59. Luca đã mô tả vắn tắt cuộc sinh ra của Gioan và đã nhấn mạnh nhiều đến sự cắt bì của ông. Đối với Chúa Giê su thì ngược lại. Nhưng biến cố chính thức đầu tiên của Chúa Giê su là vâng phục lề luật: là người Híp pri, Ngài cũng phải được cắt bì để gia nhập dân Giao Ước.

Giê su: Thánh Mát thêu cho biết ý nghĩa của tên gọi nầy (1,21) và xác định rằng do chính Giu se đặt cho (1,25). Đối với Luca tên gọi đã được Thiên Chúa đặt cho trong lời loan báo với Đức Maria (1,31). Tước hiệu Đấng Cứu thế mà thiên thần Bết lê hem loan báo là một cách cắt nghĩa. Tên gọi nầy gợi lên cả một chương trình.

SỨ ĐIỆP

Hôm nay ngày đầu năm mới, người ta thường chúc cho nhau một năm an lành. Đó là truyền thống mở ra cho chúng ta cơ hội đến gần nhau hơn và rất hạnh phúc. Thời khắc nầy cho phép chúng ta suy nghĩ về thời gian đã qua, thời gian đã mất và thời gian tìm lại. Một năm mới mang lại một cơ hội nữa để đạt tới những gì mà chúng ta chưa thể thực hiện trong thời gian qua.

Là người tín hữu, chúng ta muốn phó thác năm mới nầy cho Chúa, và cầu nguyện cho tất cả những người chúng ta yêu mến cũng như cho những ai mà chúng ta chưa yêu thương đủ. Rồi sẽ có một ngày Ngài nói với chúng ta rằng Ngài đến nhóm một ngọn lửa dưới đất. Chúng ta cầu nguyện xin Ngài ban cho chúng ta được chia sẻ mong muốn được thấy ngọn lửa tình yêu ấy được bành trướng ra khắp thế gian.

Đặc biệt hôm nay, Giáo hội mời gọi chúng ta hướng về Đức Maria. Các sách tin mừng nói rất ít về Ngài, nhưng điều mà chúng ta nghe được lại rất quan trọng. Sau khi được truyền tin, Ngài đi mang tin mừng đến nhà ông Gia ca ria. Và Mẹ có thể nhìn thấy những gì thiên sứ nói với Mẹ được hoàn thành: Êlisabet mang thai được sáu tháng.

Trong bài tin mừng hôm nay, các mục đồng cũng bị thôi thúc ra đi chia sẻ tin mừng như thế. Giống như Đức Maria, họ đi loan báo những điều đã xảy ra đúng y như thiên thần đã nói với họ. Trong Kinh Thánh, các bài trình thuật một cuộc can thiệp của Chúa thường kết thúc bằng các phản ứng của các chứng nhân. Ở đây cũng thế. Tất cả ngạc nhiên vì những gì các nhân chứng thuật lại. Họ đang đối diện trước một biến cố thật lạ lùng: nơi đứa trẻ được bọc trong tả là một Đấng Cứu độ, Đức Ki tô và là Chúa được sinh ra cho chúng ta. Trong ngày Phục sinh, các phụ nữ, các tông đồ cũng ngạc nhiên như thế trước sự kiện ngôi mộ trống trước khi ra đi loan tin mừng  Chúa Giê su sống lại. Đối với Đức Maria, các mục tử và tất cả các chứng nhân các điều kì diệu Thiên Chúa thực hiện niềm vui và niềm tạ ơn.

Thánh Luca còn ghi lại một lời quan trọng: « Đức Maria ghi nhớ tất cả các biến cố ấy và suy đi nghĩ lại trong tâm hồn ». Mẹ đã dùng kí ức nối kết các trang đời sống mà qua đó, Thiên Chúa đã vạch ra một con đường dẫn đưa Mẹ đến đó. Tất cả đã xảy ra rất nhanh, vì thế cần phải để giờ nghiền ngẫm, suy niệm để dâng lời tạ ơn đối với những điều kì diệu mà Thiên Chúa đã thực hiện dọc suốt lịch sử Kinh Thánh.

Chúng ta cũng thế, sống trong một thế giới với nhiều biến động quay cuồng theo một nhịp độ chóng mặt, chúng ta nên dành thời gian để gợi nhớ và suy niệm các biến cố xảy ra trong tâm hồn cũng như chung quanh mình. Trước các thử thách của cuộc đời, bệnh tật, thiên tai, chiến tranh, xung đột chúng ta dễ bị nhận chìm trong buồn thảm và thất vọng. Chính sự thất vọng đó đi ngược lại với tin mừng, thậm chí là những cơn cám dỗ có nguy cơ khiến chúng ta quay lưng lại với Thiên Chúa và sứ mạng chúng ta.

Đối với Đức Maria, tất cả đều ngược lại. Như những người đương thời, Mẹ đã chứng kiến biết bao nhiêu chuyện lành dữ xảy ra chung quanh. Mẹ phải phân định, tìm hiểu các biến cố để ghi nhớ những kì công của Thiên Chúa đã thực hiện trong chương trình cứu độ ngang qua cuộc đời mình. Và nhất là cố gắng khám phá đâu là sứ mạng phải thực hiện cùng với Đức Ki tô. Chắc hẳn Ngài chưa nắm bắt hết mọi điều khi xảy ra. Vì thế Mẹ phải kiên trì cầu nguyện và tìm kiếm để biết biết điều Chúa chờ đợi nơi Mẹ. Mẹ cảm nhận mình quá bé nhỏ nhưng luôn tin tưởng vào Đấng nâng những kẻ khiêm nhu.

Cùng với Maria và bắt chước Ngài, chúng ta được mời gọi suy niệm các biến cố trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta có cơ may thực hiện điều đó dưới ánh sáng tin mừng. Dù mọi điều xấu xa vẫn đã, đang và sẽ xảy đến, nhưng đừng bao giờ quên rằng Chúa luôn luôn ở giữa cuộc đời chúng ta và không gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu thương của Ngài. Niềm tin vào Đức Ki tô phục sinh phải làm cho chúng ta thay đổi cách nhìn về chính mình và về người khác. Như đối với các môn đệ làng Em maus, sự thay đổi chỉ có thể có được nếu chúng ta dành thời giờ nuôi dưỡng tâm hồn bằng Lời Chúa và Thánh Thể.

Ngày đầu năm mới phải là lời mời gọi chúng ta hướng tới tương lai mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Bắt đầu một năm mới, là khởi sự đối diện với tương lai bất định. Chúng ta muốn thấy trước nhưng ý chí lại mong manh và thường đi ngược lại những gì chúng ta muốn. Tương lai dành cho chúng ta luôn luôn chứa đựng những bất ngờ: Năm mới nầy là sẽ như thế nào đây? Cho thế giới? Cho gia đình? Cho bản thân? Những bất định đó không được làm chúng ta sợ hãi hay thất vọng. Nhiều khi chúng ta bị cám dỗ buông xuôi mọi sự vì cho rằng không còn gì để làm khi tất cả đã được an bải, đặt định trước. Điều đó không đúng. Thiên Chúa là tình yêu, và Ngài không muốn con người phải bất hạnh. Năm nay sẽ như Thiên Chúa muốn nhưng cũng sẽ là điều mà chúng ta sẽ thực hiện, trong niềm tin tưởng và bình an. Hãy nhớ lời thánh Phao lô: “Chúng ta sẽ toàn thắng nhờ đấng đã yêu mến chúng ta”.

Ngày đầu năm mới nầy cũng là ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới.

Đấng mà chúng ta mừng sinh nhật được gọi là « Hoàng tử Bình an ». Ngài đã giao hòa mọi người với Thiên Chúa qua thập giá. Ngài đã tiêu diệt hận thù một lần dứt khoát. Và trong ngày Hiện xuống, Ngài đã sai Thánh Thần tình yêu xuống tâm hồn con người. Như Đức Maria và với Ngài, chúng ta hãy học suy niệm các kì công của Thiên Chúa trong tâm hồn chúng ta. Hãy đễ cho Đức Ki tô dẫn dắt chúng ta. Ngài là Đường, Chân lí, và Sự sống. Cùng với Ngài, năm nay sẽ là Năm tốt đẹp.

ĐÀO SÂU

 

Ds 6,22-27 Lời chúc bình an và hạnh phúc

Tv 67,2 Xin Thiên Chúa ban ơn phúc và chúc lành cho chúng con.

Gl 4,4-7 Con Thiên Chúa sinh bởi người phụ nữ

Lc 2,16-21 Đức Giê-su con bà Maria

1. HỎI: Các bài đọc được liên kết theo chủ đề gì?

THƯA: THIÊN CHÚA BAN PHÚC LÀNH. Thiên Chúa truyền cho các tư tế hãy chúc phúc cho dân (Bđ1). Lời chúc lành tuyệt vời nhất Thiên Chúa ban cho loài người chính là Đức Giê-su, con Đức Ma-ri-a (Bđ2 và BTM).

2. HỎI: Sách Dân số là sách gì?

THƯA: Sách Dân số là quyển thứ tư trong bộ Ngũ Thư, kể lại lịch sử dân Ít-ra-ên từ năm thứ hai sau ra khỏi Ai cập cho đến lúc ông Mô-sê qua đời, một khoảng thời gian dài (= k 39 năm) lang thang trong Sa mạc. Tựa sách tiếng Híp pri là “Trong hoang địa”. Bản dịch Hi lạp và bản dịch La tinh gọi sách nầy là “Sách Dân số”. Tựa nầy không thích hợp với nội dung lắm vì việc kiểm kê dân số chỉ chiếm một phần nhỏ, còn phần lớn kể lại những biến cố chính yếu xảy ra cuộc hành trình trong sa mạc tiến về đất hứa. Sách khởi đầu bằng lệnh Thiên Chúa truyền cho ông Mô-sê kiểm kê dân chúng. Kết quả cho thấy là Thiên Chúa đã thực hiện lời Ngài đã hứa với ông A-bra-ham, là sẽ cho dòng dõi ông đông như sao trên trời như cát dưới biển (Stk 22,17). Khi vào đất Ai cập gia đình ông Gia-cóp chỉ có 70 người, giờ đây sau sau 450 năm, dân số đã lên đến 600.000 người.

3. HỎI: Nội dung bài đọc 1 như thế nào?

THƯA: Bài đọc một trích từ sách Dân số (Ds 6,22-27) ghi lại công thức chúc lành Thiên Chúa truyền cho các tư tế Híp-ri phải thực hiện cho dân Người. Đó là lời chúc bình an, ân sủng và phúc lành của Thiên Chúa Cha trên mọi người thành tâm thiện chí.

4. HỎI: Lời Chúc lành có liên quan gì đến lịch sử dân Ít-ra-ên không?

THƯA: Có. Trọn lịch sử dân Ít-ra-ên chính là lịch sử lời Thiên Chúa chúc lành cho ông A-bra-ham: “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành” (Stk 12,2) và sẽ được ban cho nhân loại trong Đức Giê-su ‘quả phúc bởi lòng Đức Ma-ri-a’ (Lc 1,42).

5. HỎI: Như thế lời hứa chúc lành liên quan mật thiết đến việc Đức Ma-ri-a là mẹ đấng Cứu thế?

THƯA: Đúng vậy. Chính nhờ Đức Ma-ri-a mà lời chúc lành tuyệt vời nhất của Thiên Chúa là Đức Giê-su, Con yêu dấu của Cha đã đến với chúng ta. Chính Đức Ma-ri-a đã nhắc chúng ta nhớ trong Kinh Magnificat rằng lòng thương xót Thiên Chúa là đối tượng của lời Ngài hứa cho ông A-bra-ham và dòng dõi ông (Lc 1,55).

6. HỎI: Và ở cuối lịch sử cứu độ được ghi lại trong Thánh Kinh?

THƯA: Lời chúc lành cũng hiện diện ở cuối lịch sử cứu độ. Thật vậy, sau khi đã hoàn thành công trình cứu độ trên trần gian, Đức Giê-su đã giơ tay chúc lành cho các môn đệ trước khi về trời (Lc 24,50). Và sách Khải Huyền, quyển sách cuối cùng Kinh Thánh cũng kết thúc bằng lời chúc lành:  “Xin ân sủng của Chúa Giê-su ở cùng tất cả anh em” (Kh 22,21).

7. HỎI: Chúc lành có nghĩa gì?

THƯA: Chúc lành từ tiếng La-tinh: bene (tốt)-dicere (nói), là ‘chúc, cầu mong điều tốt lành cho ai đó’. Vì yêu thương, nên Thiên Chúa chỉ nghĩ và nói điều tốt lành về chúng ta. Người chỉ nhìn thấy nơi chúng ta những điều tốt đẹp. Mà Lời Thiên Chúa là hành động, Ngài nói tức thì mọi sự liền có (Stk 1). Nên khi Thiên Chúa nói điều tốt lành về chúng ta, thì Lời của Người hành động trong chúng ta để biến đối chúng ta và làm điều tốt đẹp cho chúng ta. Khi chúng ta xin Thiên Chúa chúc lành, chúng ta tự hiến cho Người để Người đổi mới chúng ta.

8. HỎI: Thiên Chúa chúc lành nhưng cũng cần phải tiếp nhận?

THƯA: Đúng thế. Được Thiên Chúa chúc lành, đổi mới không phải đương nhiên mọi sự đều tốt đẹp. Cũng phải trải qua nhiều nỗ lực, nhiều khó khăn, nhiều thử thách. Dân Ít-ra-ên được Thiên Chúa chúc phúc, không đương nhiên trở thành một dân theo như lòng Người mong muốn. Họ cũng phải trải qua thử thách, khó khăn, vấp ngã, phản bội. Nhưng trong những giờ phút ấy, họ biết rằng Thiên Chúa không bỏ rơi mà vẫn đồng hành với họ.

10. HỎI: “Nguyện ĐỨC CHÚA chúc lành và gìn giữ anh (em)” có nghĩa gì’?

THƯA: Lời chúc nầy quan trọng vì hai điều: một là cho thấy tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta, và hai là nói đến chiều kích thời gian. Thiên Chúa luôn chúc lành và gìn giữ con cái của Người. Nhưng vấn đề là chúng ta có kiên trì giữ những gì Người ban cho không. Với thời gian, người ta luôn bị cám dỗ bỏ quên Thiên Chúa. Các tiên tri này xưa không ngừng khuyên bảo dân Ít-ra-ên hãy ‘giữ vững Giao ước với Thiên Chúa’. Vì thế chúng ta xin Người ‘gìn giữ’ chúng ta trong tình yêu của Người.

11. HỎI: “Nguyện ĐỨC CHÚA tươi nét mặt nhìn đến anh (em) và dủ lòng thương anh (em)” có nghĩa gì?

THƯA: Lời chúc lành nầy gợi lại nhiều lời cầu khẩn trong các Thánh Vịnh: ‘Lạy CHÚA, xin toả ánh tôn nhan Ngài trên chúng con’(Tv 4,7); ‘Xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên tôi tớ Ngài đây, và lấy tình thương mà cứu độ’ (Tv 31,17); ‘Lạy Thiên Chúa, xin phục hồi chúng con, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời để chúng con được ơn cứu độ’ (Tv 80,4). Thiên Chúa không ngừng chúc lành cho con cái, nhưng cầu xin Người chúc lành có nghĩa là chuẩn bị tâm hồn chúng ta cho xứng đáng lãnh nhận phúc lành của Người.

12. HỎI: “Nguyện ĐỨC CHÚA ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh (em)” có nghĩa gì?

THƯA: Những cuộc thần hiển của Thiên Chúa trong CƯ (x. Xh 24,16; 33,18-23; 1V19,11-13) không còn nữa vì trong Đức Giê-su Thiên Chúa đã mang lấy dung mạo con người và cho phép họ nhìn thấy Người. Và việc nhìn thấy dung nhan Thiên Chúa là nguồn mang lại bình an như chính Đức Ki-tô phục sinh ban cho các môn đệ của Ngài.

13. HỎI: Nội dung bài đọc 2 (Gl 4,4-7) như thế nào?

THƯA: Đây là đoạn thư duy nhất Thánh Phao-lô nhắc đến người phụ nữ trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Qua Đức Ma-ri-a Thiên Chúa đã nhận tất cả làm nghĩa tử trong Đức Ki-tô.

14. HỎI: Ngữ cảnh bài tin mừng (Lc 2,16-21 )như thế nào?

THƯA: Bài Tin mừng Lc 2,16-21 nằm trong trình thuật Đức Giê-su giáng sinh (2,1-20), và được tiếp nối bằng trình thuật dâng vào Đền Thánh (2,22-28).  Đoạn nầy thuật lại việc các mục tử tìm đến nơi Chúa sinh ra và phản ứng của họ. Có 4 ý chính sau đây: - 1. Các mục tử ra đi đén nơi và gặp Đức Giê-su (2,16); 2.  Họ kể lại những gì đã nghe biết và phản ứng (2,17-19); 3. Họ ngợi khen Thiên Chúa về điều đã thấy (2,20); 4. Đức Giê-su được cắt bì (2,21).

15. HỎI: Bết-lê-hem có nghĩa gì?

THƯA: Đó là kinh thành nơi đấng Mê-si-a phải sinh ra trong dòng tộc Đa-vít. Bết-lê-hem có nghĩa là ‘nhà bánh’ và đứa trẻ mới sinh ra được đặt nằm trong máng cỏ, đó là hình ảnh đẹp về đấng đến để tự trở nên lương thực nuôi sống nhân loại.

16. HỎI: ‘Giê-su’ có nghĩa gì?

THƯA: Thánh danh ‘Giê-su’ đã cho thấy trước mầu nhiệm của Ngài: Giê-su có nghĩa là ‘Thiên Chúa cứu độ’. Một vài câu sau đó (Lc 2,11) thiên thần của cho biết: ‘Một đấng Cứu độ sinh ra cho anh em’.

17. HỎI: Tại sao “Đức Ma-ri-a suy niệm trong lòng” các biến cố ấy?

THƯA: Khác với các mục đồng lớn tiếng kể lại những gì họ đã thấy, Đức Ma-ri-a, đã im lặng chiêm ngắm và suy niệm biến cố trong lòng. Thánh Lu-ca dường như muốn so sánh với thị kiến Con người trong sách tiên tri Đa-ni-ên. Sau thị kiến tiên tri Đa-ni-ên thú nhận: “Các tư tưởng của tôi, Đa-ni-en, làm tôi rất xao xuyến; mặt tôi biến sắc. Nhưng tôi giữ những sự ấy trong lòng” (Đn 7,28). Có thể đó là cách mà thánh Lu-ca muốn cho chúng ta thấy trước số mệnh vĩ đại của đứa bé mới sinh nầy.

18. HỎI: Tại sao Thánh Lu-ca muốn như vậy?

THƯA: Vì hai lí do: một là sách tiên tri Đa-ni-ên rất thịnh hành đương thời Đức Giê-su, hai là sách loan báo một vị Mê-si-a-Vua chiến thắng tất cả các thù địch của Ít-ra-ên

19. HỎI: Việc cắt bì có ý nghĩa gì??

THƯA: Việc cắt bì cho thấy Đức Giê-su đồng hành và thực sự liên đới với dân Ngài. Như mọi đứa bé Do thái, Ngài chịu cắt bì vào ngày thứ tám sau khi sinh. Thánh Phao-lô sau nầy có nói đến: “Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật,5 để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4-5).

20. HỎI: Tại sao hai ông bà đã tuân theo luật ấy?

THƯA: Vì đối với tất cả người Do thái vào thời đó, tuân theo luật Mô-sê là cách tốt nhất để thi hành thánh ý Thiên Chúa. Thánh Lu-ca thích nhấn mạnh điểm nầy. Một vài hàng sau, ngài còn kể lại truyện dâng con trong đền thờ cũng để cho thấy hai ông bà một mực tuân giữ luật Mô-sê (Lc 2,22-24)

21. HỎI: Sứ điệp Lời Chúa như thế nào?

THƯA: 1. “Hãy làm tất cả những gì Ngài truyền dạy” (Ga 2,5). Đức Maria là gương mẫu trong việc ngoan ngoãn vâng nghe lời Thiên Chúa. 2.Anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa” (Gl 4,7). Ước gì điều tốt đẹp ấy theo chúng ta trong suốt năm mới nầy.

GLCG 527 580 1214. Việc Đức Giê-su chịu cắt bì ngày thứ tám sau khi sinh (x.Lc 2,21) là dấu chỉ việc Người hội nhập vào miêu duệ Áp-ra-ham, vào dân Giao Ước; là dấu chỉ việc Người phục tùng lề luật ( x.Gl 4,4), việc Người gia nhập phụng tự Ít-ra-en, nền phụng tự Người sẽ tham gia suốt đời. Dấu chỉ này báo trước "phép cắt bì của Đức Ki-tô" là bí tích Thánh Tẩy (Cl 2,11-13).


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba tuần I Mùa Chay - Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần I Mùa Chay_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Sau Lễ Hiển Linh_Nt. Maria Nguyễn Kim Khánh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Sau Lễ Hiển Linh_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Sau Lễ Hiển Linh_Nt. Maria Trần Thị Thu Trang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Sau Lễ Hiển Linh_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Sau Lễ Hiển Linh_Lm. Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Sau Lễ Hiển Linh_ Nt. Maria Phạm Thực

Các bài viết cũ hơn
     LỄ THÁNH GIA 2017: GIA ĐÌNH LÀ DẤU CHỈ LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần Bát Nhật Giáng Sinh: NGÔI LỜI NHẬP THỂ
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Bát Nhật Giáng Sinh Năm A_Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Bát Nhật Giáng Sinh_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần Bát Nhật Giáng Sinh Năm C_Lm. Mi-ca-e Vũ An Lộc
     HÃY THẮP LÊN NGỌN LỬA YÊU THƯƠNG NƠI THA NHÂN_ Lm. Đan Vinh
     ĐẠI LỄ GIÁNG SINH 2017: THIÊN CHÚA - ĐẤNG CỨU CHUỘC ĐÃ ĐẾN_ Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     LỄ ĐÊM GIÁNG SINH 2016: NHÂN LOẠI BƯỚC VÀO THỜI ĐẠI MỚI_ Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Chúa Nhật Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa: Hòa nhập với đời_ Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
     LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: THIÊN CHÚA HOÀ MÌNH VỚI CON NGƯỜI_ Lm. Giuse Đỗ Đức Trí