Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Giáng Sinh

LỄ THÁNH GIA 2017:

GIA ĐÌNH LÀ DẤU CHỈ LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

noel2.jpg

Một trong các vấn đề đang được xã hội quan tâm lên tiếng, đó là nạn bạo hành trong gia đình. Vợ chồng bạo hành đánh đập lẫn nhau, cha mẹ hành hạ con cái, anh chị em trong nhà bạo hành với nhau. Tình trạng này không chỉ gây căng thẳng trong gia đình, nhưng nó còn để lại vết thương tâm lý lâu dài trên các trẻ em. Các nhà nghiên cứu cho thấy, có một tương quan mật thiết giữa tình trạng bạo hành trong gia đình và bạo lực, các nạn nhân của bạo hành sẽ trở thành kẻ bạo lực trong tương lai. Viện Nghiên cứu Phát triển Tp.HCM cho rằng, trường hợp đôi vợ chồng bị ngược đãi đánh đập từ thuở nhỏ, sau này lại lặp lại cách đối xử đó với con cái mình không phải là hiếm. Sự bạo hành của cha mẹ đối với con cái có ảnh hưởng xấu không chỉ trong thời gian ngắn mà còn để lại di chứng suốt cuộc đời một con người. Trước mắt bạo hành là nỗi khiếp sợ và căm ghét của trẻ, nhưng tới khi trưởng thành, những đứa con, lại có xu hướng “lặp lại” cách cư xử độc ác đó với người thân. Khi thực hiện hành vi bạo lực, họ dường như không còn kiểm soát được hành vi của mình. Như vậy, di chứng tinh thần của bạo lực gia đình đã in sâu vào tiềm thức và điều khiển hành vi của đứa trẻ.

Theo số liệu thống kê của Viện KSND Tối cao cho thấy 71% trẻ vị thành niên phạm pháp là do không được quan tâm chăm sóc đúng mức. Một nghiên cứu của Bộ Công an cũng chỉ ra nguyên nhân phạm tội của trẻ vị thành niên xuất phát từ gia đình: 8% trẻ phạm tội có bố mẹ ly hôn, 49% phàn nàn về cách đối xử của bố mẹ. Theo số liệu điều tra 2.209 học viên các trường giáo dưỡng, có tới 49,81% trong số này sống trong cảnh bị đối xử hà khắc, thô bạo, độc ác của bố mẹ. Số em bị bố hành hạ chiếm 23%; bị dì ghẻ, bố dượng đánh chiếm 20,3%. Bạo lực bạo hành trong gia đình sẽ cướp đi niềm vui, tuổi thơ và tương lai của gia đình. Nó sẽ biến gia đình trở thành tù ngục hơn là một tổ ấm yêu thương. 

Hôm nay mừng lễ Thánh Gia Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse, chúng ta được chiêm ngắm một gia đình thánh thiện, nghèo khó, nhưng ngập tràn tình yêu thương. Gia đình Thánh này trở thành mẫu mực và là tấm gương để mỗi người cùng xây dựng gia đình mình, trở thành nơi tình yêu thương được tuôn tràn trên mọi thành viên và trở thành dấu chỉ lòng thương xót của Thiên Chúa.

Gọi là gia đình thánh, vì gia đình này được xây dựng bởi những con người thánh thiện. Giuse, Maria cũng phải trải qua khó khăn như biết bao gia đình khác, phải đối diện với cuộc sống cơm áo, cũng trải qua những khó khăn hiểu lầm nhau, nhưng họ đã cùng nhau vượt qua tất cả. Chúng ta có thể nhắc đến một vài sự kiện đặc biệt: Ngay từ những ngày đầu trước khi về chung sống với nhau, Giuse đã phát hiện Maria đã có thai mà ông không phải là tác giả. Đây là một thử thách hết sức cam go trong tình nghĩa vợ chồng. Giuse có quyền nghi ngờ về sự thủy chung của Maria, có thể đặt lại vấn đề về tình cảm giữa hai người và cũng có quyền từ chối đón nhận đứa bé và tố cáo người vợ. Trong hoàn cảnh này, Giuse không cư xử theo phản ứng tự nhiên, cũng không theo sự nóng nảy bộc trực, nhưng Giuse đã dành một khoảng lặng cho riêng mình, để suy gẫm và tìm ra hướng giải quyết. Trong lúc rối trí như thế, Thiên Chúa đã giải gỡ cho Giuse, mời gọi Giuse đón nhận Maria về làm vợ và đón nhận đứa trẻ trong dạ Maria như con ruột của mình, không nghi kỵ, không hắt hủi. Sự đón nhận cách quảng đại của Giuse được thể hiện qua việc ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu. Dù ông không sinh ra trẻ Giêsu từ máu huyết của mình, nhưng ông đã thực sự sinh ra trẻ Giêsu từ nơi trái tim yêu thương của ông, qua việc ông đón nhận Maria và thai nhi về nhà mình.

Sự kiện Tin Mừng hôm nay kể lại một khó khăn khác: Khi cuộc sống chưa yên ổn, thì nguy hiểm đã đe dọa đến đứa con: vua Herode tìm cách để giết Hài Nhi. Trước thử thách này, Giuse đã bảo vệ con của Maria như chính con ruột của mình. Vốn trở thành một nếp sống mỗi khi gặp khó khăn, Giuse đã để lòng mình trầm lắng để nghe được tiếng nói của Thiên Chúa. Chúa đã nói với Giuse qua sứ thần: Hãy trỗi dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập và ở đó cho đến khi tôi báo lại ông. Giuse đã ngoan ngoãn làm theo lời sứ thần, ông không hề thắc mắc, cũng không đắn đo xem tương lai phía trước là những gì. Dù biết rằng, cuộc di cư này sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống gia đình, nhưng vì sự an toàn cho vợ, con, Ông đem cả gia đình trốn thoát sự bạo hành, bạo lực của Hêrôđê để bảo vệ hạnh phúc cho gia đình.

Sự kiện tiếp theo xảy ra sau khi vua Hêrôdê băng hà: Cuộc sống gia đình vừa ổn định, thay vì chú tâm lo làm ăn sinh sống nuôi vợ con, Giuse vẫn để tâm lắng nghe tiếng Chúa. Sứ thần lại báo cho ông phải trỗi dây đem Hài Nhi và mẹ Người trở về đất Israel. Trở về quê với hai tay trắng, làm lại sự nghiệp từ đầu, nhưng điều này cũng không khiến cho Giuse ngại ngần nấn ná. Ông không hề đặt vấn đề với Chúa. Khi nhận ra được tiếng Chúa mời gọi, ông đã mau mắn thi hành, đem hài nhi và người vợ của ông về quê. Về đến quê hương, Giuse lại phải chọn lựa nơi ở ổn định cho cả gia đình. Trong lần này, mặc dù không được mộng báo như những lần trước, nhưng Giuse đã chọn theo lời Kinh Thánh đã nói, ông đưa Hài nhi và gia đình về sinh sống tại miền Galilêa.

Qua một vài sự kiện được Tin Mừng thuật lại, chúng ta có thể thấy nơi gia đình của Giuse Maria bầu khí êm ấm thuận hòa. Dù có nhiều biến cố thăng trầm xảy ra trong gia đình, nhưng chúng ta không thấy một tiếng ồn áo cãi vã nào, trái lại chúng ta có thể thấy sự tận tâm và quan tâm đến nhau. Dù không giàu có, nhưng gia đình, vợ chồng, con cái ngập tràn niềm vui hạnh phúc vì mỗi thành viên trong gia đình hết lòng yêu thương chăm sóc cho nhau, đồng thời cảm nhận được mình được yêu thương, được đón nhận, trong chính gia đình của mình. Chắc chắn để tạo được bầu khí yêu thương và đón nhận nhau, mỗi thành viên đã phải gạt bỏ khỏi mình sự tự ái, ích kỷ, để dành phần ưu tiên và quan trọng cho các thành viên còn lại.

Điểm nổi bật nơi các sự kiện của gia đình Thánh Gia là thái độ lắng nghe: lắng nghe nhau và lắng nghe tiếng Chúa. Thánh Kinh không ghi lại một cuộc nói chuyện nào giữa Giuse và Maria, ngoại trừ một lần khi Chúa Giêsu ở lại đền thờ Giêrusalem, khiến cho Giuse Maria phải vất vả tìm kiếm. Lần này, mặc dù cả hai ông bà đều vô cùng lo lắng, nhưng họ không hề nặng lời trách cứ lẫn nhau, cũng không đổ lỗi cho nhau, nhưng họ vẫn hiểu nhau và cùng nhau trở lại Giêrusalem để tìm kiếm Hài Nhi. Hai ông bà lắng nghe nhau không chỉ bằng tai, nhưng lắng nghe nhau bằng cả con mắt và trái tim, để hiểu, để thông cảm cho nhau và đi đến chung một quyết định trở lại Giêrusalem. Vì thế, khi gặp lại trẻ Giêsu, Đức Maria đã không nghĩ đến sự vất vả của mình, nhưng nghĩ đên người chồng trước tiên và nói với Chúa Giêsu: Con ơi! Sao con để cha và mẹ phải vất vả tìm con như thế?

Quan trọng hơn, chúng ta có thể học nơi gia đình Thánh Gia đó là thái độ lắng nghe và suy gẫm Lời Chúa. Giuse và Maria đối diện với các biến cố của cuộc sống bằng việc thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa, dù chỉ là tiếng nhắc bảo trong giấc mơ, nhưng Họ đã sẵn sàng thi hành không thắc mắc. Chính vì thế gia đình này luôn ngập tràn sự bình an và niềm vui. Bình an vì làm theo ý Chúa, và vui vì có Chúa luôn hiện diện trong gia đình.

Mừng lễ Thánh Gia, xin Thánh Gia Chúa Giêsu Đức Mẹ và Thánh Giuse giúp mỗi gia đình biết học nơi gia đình thánh, biết đặt Chúa ở trong gia đình, biết tôn trọng và lắng nghe nhau. Xin cho các gia đình biết loại trừ khỏi gia đình mình mọi hình thức nóng nảy, bạo lực, bạo hành bằng lời nói hoặc hành động, để làm cho gia đình thực sự trở thành một tổ ấm yêu thương. Xin cho các gia đình biết lắng nghe và nhận ra sự hiện diện của Chúa, đem tình yêu thương để chia sẻ với nhau và để giải quyết những khó khăn xảy ra trong gia đình.

Xin Chúa ban niềm vui, bình an và hạnh phúc xuống trên các gia đình, hàn gắn những gia đình rạn vỡ, an ủi các gia đình đau khổ và chữa lãnh những gia đình thương tích. Amen.

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba tuần I Mùa Chay - Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần I Mùa Chay_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Sau Lễ Hiển Linh_Nt. Maria Nguyễn Kim Khánh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Sau Lễ Hiển Linh_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Sau Lễ Hiển Linh_Nt. Maria Trần Thị Thu Trang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Sau Lễ Hiển Linh_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Sau Lễ Hiển Linh_Lm. Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Sau Lễ Hiển Linh_ Nt. Maria Phạm Thực

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần Bát Nhật Giáng Sinh: NGÔI LỜI NHẬP THỂ
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Bát Nhật Giáng Sinh Năm A_Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Bát Nhật Giáng Sinh_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần Bát Nhật Giáng Sinh Năm C_Lm. Mi-ca-e Vũ An Lộc
     HÃY THẮP LÊN NGỌN LỬA YÊU THƯƠNG NƠI THA NHÂN_ Lm. Đan Vinh
     ĐẠI LỄ GIÁNG SINH 2017: THIÊN CHÚA - ĐẤNG CỨU CHUỘC ĐÃ ĐẾN_ Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     LỄ ĐÊM GIÁNG SINH 2016: NHÂN LOẠI BƯỚC VÀO THỜI ĐẠI MỚI_ Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Chúa Nhật Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa: Hòa nhập với đời_ Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
     LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: THIÊN CHÚA HOÀ MÌNH VỚI CON NGƯỜI_ Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa C: LUÔN SỐNG HIẾU THẢO ĐỂ LÀM VUI LÒNG CHÚA CHA_ Lm. Đan Vinh