Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Bát Nhật Giáng Sinh Năm A
Mầu nhiệm Thánh Gia
Lời Chúa: Mt 2, 13-15.19-23
13
Khi các nhà chiêm
tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: "Này
ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi
báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy! "14 Ông
Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập.15
Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua
miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập. 19 Sau khi vua
Hê-rô-đê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập,20 báo
mộng cho ông rằng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en,
vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi."21 Ông liền trỗi dậy
đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en.22 Nhưng vì nghe biết
Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rô-đê, cai trị miền Giu-đê, nên ông sợ không
dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Ga-li-lê,23 và
đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng
các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Na-da-rét.
1. Các gia đình và Thánh Gia
Trong bối cảnh hiện nay,
có nhiều yếu tố làm lung lay mái ấm gia đình, vốn là nền tảng cho sự lớn lên
của từng người, của Giáo Hội, trong đó có đời tu, và của cả xã hội. Khi chiêm
ngắm Thánh Gia, chúng ta đặc biệt cầu nguyện cho tất cả các gia đình, nhất là
gia đình của những thân yêu, và cho cả các mái ấm nữa, vốn là “gia đình” của các
trẻ em mồ côi, khuyết tật, thiếu thốn, thiệt thòi, cùng khổ... Và chúng ta cũng
xin Chúa chúc lành cho gia đình và cộng đoàn của chúng ta, để chúng ta được
liên kết và hiệp nhất với nhau bằng Lời Chúa, giống như Thánh Gia, qua đó làm
chứng cho tình yêu thương xót và cứu độ của Chúa.
Thật là ý nghĩa khi chúng
ta chiêm ngắm Thánh Gia, ngay sau khi chiêm ngắm mầu nhiệm Giáng Sinh. Bởi vì
hình ảnh Thánh Gia làm sáng tỏ một chiều kích đã có trong mầu Giáng Sinh, nhưng
không được chú ý: đó là, dù Hài Nhi Giêsu là “Ngôi Lời từ trời xuống”, được
hoài thai, được cưu mang và sinh ra lạ lùng như thế nào đi nữa, thì cũng phải
được đón nhận vào trong một gia đình cụ thể, và qua một gia đình, một “gia
thất” như cách nói của phụng vụ, một gia tộc, vào một dân tộc và vào gia đình
nhân loại. Thánh Gia chính là con đường tất yếu để Ngôi Lời hội nhập vào
một nền văn hóa cụ thể, để Ngôi Lời đến, ở lại và lớn lên trong Ngôi Nhà nhân
loại của mình (x. Ga 1, 11). Ngày nay, Ngôi Lời đến với từng dân tộc bằng cùng
một con đường là các gia đình, các mái ấm, các cộng đoàn.
Nói đến Thánh Gia, có lẽ
chúng ta nghĩ đến những em bé sinh ra trong bất hạnh: sinh ra trong một gia
đình đổ vỡ về tương quan; sinh ra thiếu cha, thiếu mẹ; sinh ra ngoài ý muốn hay
vì bị cưỡng bức; những em bé được sinh ra trong lén lút và bị bỏ rơi… Mầu nhiệm
Thánh Gia mà chúng ta mừng kính và chiêm ngắm muốn nhắn gởi cho loài người
chúng ta một sứ điệp: các em bé sinh ra trong bất hạnh này cũng phải được đón
nhận vào một “gia đình”. Các gia đình nhận con nuôi và các mái ấm thực hiện sứ
mạng cao cả này; đối với các mái ấm, dù là Kitô giáo hay Phật giáo, hoặc thuộc
bất cứ tôn giáo nào khác hay thậm chí phi tôn giáo, điều quan trọng là tình
người, là bầu khí đón nhận và yêu thương. Vì ở đâu có tình thương ở đó có Thiên
Chúa.
2. Nước Trời và Thánh Gia
Ngoài ra, xét cho cùng
Thánh Gia là một “mái ấm” hơn là một gia đình thực sự! Vì tương quan của mọi
người với nhau trong Thánh Gia không dựa trên huyết thống, nhưng dựa trên Lời
Chúa: Đức Giê-su, với tư cách là Ngôi Lời, đã nhập thể theo ý định của Thiên
Chúa Cha; Đức Maria đã thưa với sứ thần: “xin xẩy ra cho tôi, theo như lời sứ
thần nói”; và với Thánh Giuse, ngài đã vượt qua tương quan máu mủ huyết thống
để đón nhận Đức Maria và Hài Nhi Giêsu theo ý muốn của Thiên Chúa. Thế mà,
tương quan thân thiết dựa trên việc vâng theo ý muốn của Thiên Chúa, chính là
tương quan của Nước Trời. Thánh Giuse đã không nghe đuợc câu nói này của Đức
Giêsu « Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em, là
mẹ tôi » (Mc 3, 35), nhưng ngài đã sống trọn vẹn điều này trước đó thật
lâu.
Có thể nói, sứ điệp mạnh
mẽ nhất của Thánh Gia, chính là xây dựng tương quan Nước Trời bằng cách vượt
qua tương quan huyết thống ngay trong gia đình ruột thịt của mình, và từ đó mở
rộng ra bên ngoài. Và đặc biệt với ơn gọi sống đời dâng hiến, tuy chúng ta
không lập gia đình, nhưng chúng ta thực sự sống sứ điệp rất căn bản của Thánh
Gia: trở nên người thân của nhau, trở nên một mái ấm trên nền tảng lắng nghe và
thực thi Lời Chúa. Theo nghĩa này, thánh Giuse không chỉ là “Thánh Cả”, nhưng
còn là “Tu Sĩ Cả” của đời tu trong Giáo Hội.
3. Thánh Giuse và Thánh Gia
Bài
Tin Mừng của Lễ Thánh Gia năm nay (Phụng Vụ Năm A) mời gọi chúng ta chiêm ngắm
thánh Giuse đã đảm nhận sứ mạng bảo bọc Thánh Gia như thế nào: Thánh Giuse đưa
Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-Cập, và sau một thời gian ở Ai cập, thánh nhân
đã đưa Thánh Gia về Đất Israen; trong thử thách lớn lao này và chắc chắn trong mọi
thử thách khác của Thánh Gia, thánh Giuse đã không làm điều khác hơn là lắng
nghe và thực thi Lời Chúa. Xin cho chúng ta cũng biết như thánh Giuse, gắn bó,
yêu mến và ưng thuận trọn vẹn đối với Lời Thiên Chúa. Ngoài
ra, chúng ta được mời gọi hiểu biến cố này ở tầm lịch sử cứu độ, vì có liên
quan đến cách Đức Giê-su, Ngôi Lời nhập thể đảm nhận lịch sử các dân tộc, và
lịch sử của mỗi người chúng ta.
Thực
vậy, theo bản gia phả, Đức Giê-su thuộc về một dân tộc: «Đức Giê-su Ki-tô, con
vua Đa-vít, con tổ phụ Abraham» (Mt 1, 1; đây là câu đầu tiên của Tin Mừng theo
thánh Mát-thêu, nên có ý nghĩa thật sâu rộng) ; trong biến cố lánh sang
Ai-Cập, Người «mang vào mình» lịch sử của dân tộc mà Người muốn thuộc về cách
tự nguyện, và qua đó, Người mang vào mình lịch sử của mỗi người chúng ta.
Đặc
biệt, lời Kinh Thánh «Ta gọi con Ta ra khỏi Ai-cập» nhắc nhớ biến cố Xuất Hành.
Trong đêm Vượt Qua, theo lệnh của Đức Chúa, người Do Thái sát tế chiên con. Sự
vô tội của con chiên tượng trưng cho sự vô tội của các con trai đầu lòng Ai Cập:
«Ngài sát hại các con đầu lòng Ai Cập» (Tv 136, 10). Con chiên chính là món nợ
của Israel. Khi nào Israel trả được nợ cho Ai Cập, và hai dân tộc được giao
hòa ? Đó là lúc Đức Giê-su mang lấy chỗ của Con Chiên, Ngài sẽ làm cho Ai
Cập (nghĩa là dân ngoại) và Israel (nghĩa là dân được tuyển chọn) trở thành một
dân tộc duy nhất và thánh thiện bằng chính máu của Ngài ; và giữa chúng
ta, nếu có mắc nợ hay hận thù gì, Ngài cũng hòa giải và làm cho chúng ta nên
một, bằng chính máu của Ngài, được hiện tại hóa mỗi ngày nơi Bí Tích Thánh Thể.
* * *
Thánh
Giuse hoàn toàn vắng mặt trong thời gian Đức Giêsu công bố mầu nhiệm Nước Trời,
và chắc chắn ngài cũng không có mặt thật trọn vẹn trong thời gian Đức Giêsu
sống ẩn dật. Tuy nhiên, những gì xẩy ra cho Đức Giêsu từ lúc sinh ra cho đến
khi từ Ai Cập trở về (Mt 2, 1 – 23) như đã báo trước cả cuộc đời của Đức Giê-su
rồi.
+ Người được nhìn nhận bởi các đạo sĩ đến từ phương xa, nhưng cũng có biết
bao nguy hiểm rình rập gây ra bởi vua Hêrôđê, các thượng tế, các luật sĩ (Mt 2,
1-12). Như thế, những gì sẽ xẩy ra cho Đức Giê-su trong thời gian rao giảng Tin
Mừng Nước Trời như đã được báo trước ở đây.
+ Lánh sang Ai Cập, nhưng những trẻ vô tội phải đổ máu (2, 16-18). Sau này
chính Đấng Vô Tội sẽ đổ máu trên Thập Giá.
+ Trở về «Đất Hứa» bình an để làm nên «Tổ Ấm Thánh Gia» (2, 19-23). Chúng ta
có thể nhận ra nơi biến cố trở về này hình ảnh của ơn Phục Sinh và Đại Gia Đình
Nước Trời.
Thánh
Giuse đã có mặt suốt cuộc hành trình này, hành trình họa lại lịch sử cứu độ và
loan báo cuộc đời Đức Giêsu; ngài không chỉ có mặt thôi, nhưng còn gánh vác
bằng cách liên tục vâng theo sự dẫn dắt của chính Thiên Chúa.
Đức
Maria đã có mặt dưới chân Thập Giá, còn thánh Giuse có mặt trong biến cố loan
báo Thập Giá, và cũng là biến cố làm tái hiện lại biến cố Ai Cập xưa của dân
Thiên Chúa. Dưới chân Thập Giá, Đức Maria thinh lặng và đứng vững ; và
trong suốt cuộc hành trình giữa Israel và Ai-Cập, thánh Giuse cũng «thinh lặng
và đứng vững».
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc