Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Phục
Sinh Năm B
CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI THẬT ALLELUIA
Thưa
quý OBACE, khác hẳn với bầu khí trầm buồn của Tam Nhật Vượt Qua, hôm nay, cả
Giáo Hội sống trong niềm hân hoan vui mừng và cùng nhau tuyên xưng: Chúa đã sống lại thật! Alleliua. Tin Mừng
Phục Sinh quả là vô cùng lớn lao cho toàn thể Giáo Hội. Cũng chính Tin Mừng này
đã trở thành sức mạnh thay đổi hoàn toàn các tông đồ và thúc đẩy các ông trở
thành những người dám sống chết cho niềm tin phục sinh.
Lời
Chúa hôm nay và trong suốt mùa phục sinh này, muốn ghi lại tâm trạng của các
tông đồ lần đầu tiên khi đón nhận Tin Mừng Phục Sinh và việc các Ngài cũng như
Giáo Hội sơ khai đã được Chúa Phục Sinh biến đổi. Sự kiện Chúa phục sinh là mầu
nhiệm vượt quá kinh nghiệm của con người và suy luận của lý trí. Vì thế, để đón
nhận niềm tin này cần phải có những bước nhảy thật dài, vượt qua lý luận thông
thường, mới có thể đón nhận được.
Tác
giả Gioan thuật lại: “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà
Maria Madalena đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ”. Bầu trời còn tối
ở đây không chỉ là cái tối của không gian, mà tác giả Tin Mừng còn muốn nói đến
cái tăm tối của tâm hồn. Bà ra mộ chỉ để tìm gặp Chúa Giêsu đã chết và để ướp
xác Người. Bóng tối của cuộc tử nạn kinh hoàng vẫn còn đang bao trùm trên các
tông đồ và các phụ nữ này nỗi ám ảnh sợ hãi. Vì thế, khi thấy hòn đá đã bị lăn
ra khỏi mồ, điều đầu tiên bà nghĩ đến đó là: “đã có ai đến lấy trộm xác Chúa
Giêsu”. Bà đã chạy về nói với Simon và các môn đệ như vậy.
Tin
Mừng cho thấy, các tông đồ cũng không dễ dàng đón nhận được Tin Mừng Phục Sinh.
Các ông cũng phải trải qua những bước đi trong đức tin để có thể tiếp cận được
mầu nhiệm lớn lao này. Khi nghe bà Madalena báo tin, Phêrô và môn đệ kia (tác
giả Gioan) đã chạy ra mộ. Chi tiết này cũng phản ánh tâm trạng của các tông đồ
khác. Lúc đó, các ông sống co cụm với nhau trong nhà đóng kín vì sợ hãi. Bóng tối
sợ hãi đã làm các ông tê liệt hoàn toàn cả tinh thần lẫn thể xác. Vì vậy, khi
được báo tin trọng đại như thế, không thấy các ông kia phản ứng gì, chỉ có
Phêrô và Gioan chay ra mộ. Tại sao chỉ có hai ông này? Gioan khéo léo cho thấy:
Người môn đệ kia chính là người được Chúa yêu thương nhất trong anh em và Phêrô
là người đã công khai bày tỏ mình là người yêu Chúa hơn các anh em. Điều đó chứng
tỏ rằng, do tình yêu thúc đẩy khiến cho hai môn đệ này vượt qua nỗi sợ hãi, trỗi
dậy khỏi bóng tối để chạy ra mộ. Tin Mừng khi nhắc tới Phêrô, còn muốn nói đến
vai trò của ông là anh cả trong tông đồ đoàn, là thủ lãnh của Giáo Hội, đại diện
Giáo Hội, nhân danh Giáo Hội. Chính Phêrô sẽ phải là người đầu tiên tiếp cận với
mầu nhiệm Phục Sinh này. Vì thế, thánh Gioan diễn tả sự kính trọng của anh em
tông đồ dành cho Phêrô qua chi tiết: “Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy
nhanh hơn và đến mồ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó,
nhưng ông không vào”. Mặc dù nhường bước cho Phêrô, nhưng Gioan cho thấy niềm
tin của ông vào Chúa Phục Sinh ngay khi nhìn thấy những lý chứng đầu tiên, đó
là những băng vải vẫn còn ở đó, được xếp lại gọn gàng. Do trực giác của tình
yêu, do được ở bên cạnh Thầy nhiều nhất, Gioan đã đọc được tín hiệu và dấu vết
Thầy để lại qua việc những tấm khăn được xếp gọn gàng loại nào vào loại đó. Tuy
nhiên, Gioan cũng cho thấy, trước những dấu hiệu đó vẫn cần phải có một thái độ
xứng hợp đó là phải cúi xuống thì mới thấy được. Cúi xuống là thái độ của sự
khiêm tốn tìm hiểu; cúi xuống còn là thái độ của sự cung kính trước một mầu nhiệm
vượt qúa sức tưởng tượng của con người và cúi xuống trước quyền năng của Thiên
Chúa, thì mới có thể đón nhận được đức tin về Chúa Phục Sinh. Ông Simon Phêrô
theo sau cũng đến nơi. Ông đi thẳng vào trong mộ, thấy những băng vải và khăn
che đầu được xếp gọn ghẽ và để riêng. Mặc dù Gioan không có nhận định gì về đức
tin của Phêrô, nhưng qua cách diễn tả Phêrô trong vai trò là thủ lãnh Giáo Hội,
ông bước vào mộ không chút rụt rè, không lăn tăn, vì ông đã tin ngay từ khi
nghe bà Madalena báo tin. Việc ông chạy ra mồ không phải để kiểm chứng, cho bằng,
với tính cách là thủ lãnh, ông hiện diện trong mọi biến cố của Giáo Hội và là
người có tiếng nói chung cuộc trong mọi vấn đề liên quan đến đức tin của cả
Giáo Hội.
Gioan
đã vào mộ sau Phêrô, ông chia sẻ: “Môn đệ kia, kẻ đã tới mồ trước, ông cũng đi
vào. Ông đã thấy và đã tin”. Mặc dù đã tin Chúa Phục Sinh ngay từ khi cúi mình
trước nấm mồ trống, mặc dù đến trước trong đức tin, nhưng Gioan khiêm tốn đợi đến
khi người anh cả của mình bước vào, có tiếng nói chính thức, lúc đó Gioan mới
bước vào và đi đến cùng một niềm tin với vị thủ lãnh. Tuy nhiên, Gioan cũng cho
thấy, tất cả các lý chứng về cuộc phục sinh của Chúa không phải là tuyệt đối cần.
Vì thực tế, chỉ có hai môn đệ Phêrô và Gioan ra mộ và được thấy những dấu vết của
cuộc phục sinh, còn các môn đệ khác tuy không cùng chạy ra mộ, nhưng họ vẫn
tin. Họ tin vì lời chứng của các ông và nhất là họ tin Chúa đã sống lại, dựa
vào lời chứng của Kinh Thánh: “Thật vậy, trước đó hai ông chưa hiểu rằng: Theo
Kinh Thánh, Đức Giêsu phải chỗi dậy từ cõi chết”.
Chắc
chắn niềm tin vào Chúa Phục sinh phải là một niềm tin hết sức mãnh liệt và đã
làm thay đổi hoàn toàn Phêrô và các tông đồ. Nếu như trước đây các ông sợ hãi,
nay các ông trở nên mạnh mẽ. Trước đây Simon Phêrô khiếp sợ trước một câu hỏi
vu vơ của một đứa đầy tớ gái, khiến ông chối không dám nhận mình là môn đệ của
Giêsu, thì nay tại nhà ông Corneliô ở Cesarea, Phêrô đã mạnh dạn nói lên niềm
tin của mình. Phêrô không ngần ngại, trái lại, ông rất tự hào vì được gọi, được
chọn làm môn đệ Chúa Giêsu Kitô. Trong bài giảng ngắn gọn của mình, Phêrô đã
tóm lược lại toàn bộ cuộc đời Chúa Giêsu, những việc Chúa đã làm, những lời
Chúa đã nói. Ông đã tuyên bố: “Chúng tôi đây là chứng nhân về tất cả điều đó”.
Phêrô cũng không ngần ngại nói cho người Do Thái về trách nhiệm của họ trong việc
đóng đinh Chúa Giêsu và treo Người trên thập giá. Tuy nhiên, Phêrô cũng cho thấy
sự khôn ngoan của Thiên Chúa thì vượt trên con người, quyền năng của Thiên Chúa
không ai dò thấu được. Trước sự độc ác của con người gây ra cho Chúa Giêsu, khiến
Ngài phải chết, Thiên Chúa Cha đã dùng quyền năng để làm cho Ngài trỗi dậy từ
cõi chết. Phêrô đã làm chứng mạnh mẽ rằng: “Chúng tôi là những người được chọn
để làm chứng về điều này. Chúng tôi đã cùng ăn uống với Ngài sau khi Ngài từ
cõi chết sống lại. Chính Ngài sai chúng tôi đi rao giảng Tin Mừng Phục Sinh này
cho toàn dân và làm chứng cho mọi người biết Ngài là Thiên Chúa, là Vị Thẩm
Phán”.
Thưa
quý OBACE, là những tín hữu sau các tông đồ, chúng ta không được nhìn thấy ngôi
mộ trống, cũng không nhìn, không đụng chạm đến những khăn liệm và khăn che đầu
còn để lại trong mộ, nhưng chúng ta vẫn đón nhận và tuyên xưng Chúa đã sống lại
thật. Chúng ta tin, dựa vào lời chứng của Phêrô và các tông đồ, tức là dựa vào
niềm tin của Giáo Hội. Chính Giáo Hội đang không ngừng: “Loan truyền Chúa chịu
chết và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới Chúa lại đến”. Để có một đức tin vững
chắc vào mầu nhiệm Chúa Phục Sinh, chúng ta cần phải đọc và suy gẫm lời Kinh
Thánh, vì như Gioan đã nhắc, Kinh Thánh sẽ nói và làm chứng cho chúng ta về việc
Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết. Sau cùng, để có thể đón nhận được tin vui
Phục Sinh chúng ta cần phải có một thái độ phù hợp, đó là khiêm tốn cúi mình
mình xuống để lắng nghe lời chứng của Kinh Thánh và lời chứng của Giáo Hội, cúi
mình xuống với thái độ cung kính tôn thờ Đấng đã phục sinh và cung kính trước
quyền năng của Thiên Chúa đã thực hiện nơi Chúa Giêsu.
Chúng
ta họp mừng và tuyên xưng mầu nhiệm Chúa đã sống lại, xin cho niềm tin này thực
sự thấm sâu vào cuộc đời mỗi tín hữu, giúp chúng ta vượt qua được những khó
khăn đau khổ và cả cái chết thể xác. Xin cho niềm tin Phục Sinh này biến đổi mỗi
chúng ta, để chúng ta trở nên những con người mới, sống và hành động trong niềm
tin vào mầu nhiệm phục sinh. Xin cho chúng ta trở thành những nhân chứng, mạnh
dạn can đảm loan truyền Tin Mừng Phục Sinh cho anh chị em chung quanh trong niềm
tin, hy vọng cùng được phục sinh với Chúa. Amen.
Linh mục Giuse Đỗ Đức Trí – GP
Xuân Lộc