Suy Niệm Lời
Chúa Chúa Nhật XXXI Thường Niên C
ĐÓN
NHẬN LÒNG XÓT THƯƠNG
Trong những tuần vừa qua, cả nước hướng về miền
Trung để chia sẻ với đồng bào những khốn khó do nhân tai và thiên tai gây ra
khiến cho hàng chục ngàn người bị ngập lụt, đói khát. Nhờ các trang mạng xã hội,
chúng ta có thể thấy, người dân Việt Nam có một tấm lòng hết sức quảng đại, sẵn
sàng chia sẻ với đồng bào ruột thịt. Một anh chàng MC Phan Anh kêu gọi trên
facebook chỉ một ngày mà số tiền mọi người nhờ anh chuyển ra miền Trung đã gần
20 tỉ. Còn rất nhiều các cá nhân, tổ chức tư nhân khác nữa cũng đem những nhu yếu
phẩm ra cho đồng bào. Những thông tin ấy cho thấy tấm lòng quảng đại chạnh thương
của rất nhiều người. Ngược lại cũng có những người đã ăn chặn những đồng tiền
đóng góp đó. Một số cán bộ tìm cách cho con cháu, người nhà của mình được nhận
quà, còn người nghèo thực sự thì không được, hoặc bị ăn chặn dưới nhiều hình thức.
Hành động này cho thấy sự gian dối, vô cảm và ác tâm của những người có trách
nhiệm.
Ông
Giakêu ngày xưa, dù là một quan chức chính quyền giàu có, là đội trưởng đội thu
thuế, nhưng trong cộng đồng Do Thái, ông đã bị coi thường, bị tẩy chay, loại trừ.
Ông bị coi là hạng tội lỗi, bởi vì ông thường xuyên tiếp xúc với dân ngoại, đã
gian tham để trở nên giàu có. Ông bị khinh coi như những kẻ tham ô phản quốc.
Dù
trong mắt người Do Thái, ông là kẻ tội lỗi, nhưng ông lại có một tâm hồn rất đẹp
và thiện chí. Ông chỉ nghe đồn về thầy Giêsu nhưng chưa có dịp gặp Ngài. Hôm
nay có cơ hội, thầy Giêsu đi ngang qua, không phải vì tò mò cho bằng ông đã
nuôi trong lòng sự khát khao tìm kiếm Ngài, ông đã quyết định xem cho biết Đức
Giêsu là ai. Lọt trong một đám rất đông, lại vì thấp bé, ông không mặc cảm tự
ti hay tự ái, ông quyết định trèo lên cây sung bên đường để xem Đức Giêsu sắp
đi ngang qua.
Trong
lúc mọi người không quan tâm đến sự hiện diện của ông, thì Chúa Giêsu đã nhìn
thấy ông. Ánh mắt của lòng xót thương đã chạm đến tâm hồn Giakêu. Ngài thấu suốt
thiện chí thành tâm của ông, Ngài gọi ông: Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay,
tôi phải ở lại nhà ông. Chúa Giêsu đã đáp ứng hơn cả sự khát mong của Giakêu.
Ngài không chỉ nhìn và gọi tên ông, nhưng Ngài còn muốn bước vào nhà ông và ở lại
đó.
Thánh
Luca cho thấy, lòng xót thương của Chúa Giêu như dòng suối tuôn trào, đã gặp được
một mảnh đất khô cằn nứt nẻ đang khát khao dòng nước. Dòng nước đem lại sự tươi
mát, hồi sinh cho mảnh đất và còn làm cho mảnh đất trở nên màu mỡ và trổ sinh
hoa thơm trái ngọt. Giakêu đã mở lòng để Chúa Giêsu bước vào tâm hồn khô cằn của
ông và biến đổi ông. Không quan tâm đến những lời xì xèo của đám đông, Giakêu
như một mảnh đất đã hồi sinh, ông đã được biến đổi hoàn toàn nhờ tình thương
Chúa dành cho ông.
Trước
đây làm nghề thu thuế, Giakêu chỉ biết vơ vét về cho mình; trước đây chưa biết
Chúa, ông hành xử gian tham dối trá để được lợi; trước đây cuộc đời ông, tâm hồn
ông khép kín bởi chức vị, tiền bạc, của cải, nay khi đón nhận lòng thương xót của
Chúa, ông đã được biến đổi, đã mở lòng mình, đã để cho tình yêu tuôn chảy đến
người khác. Ông đứng lên công khai thưa với Chúa Giêsu: Thưa Ngài, tôi xin lấy
phân nửa gia sản tôi có để phân chia cho người nghèo; nếu tôi chiếm đoạt của ai
điều gì, tôi xin đền gấp bốn. Với hành động này, ông đã khai thông được sự bế tắc
trong tâm hồn, khai thông được ao tù ích kỷ đã tích tụ lâu ngày trong cuộc đời
ông. Từ nay, tâm hồn ông như một dòng chảy, đón nhận nguồn nước tình thương từ
nơi Thiên Chúa, và để qua ông, dòng chảy tiếp tục lan tràn tình thương đến với
người khác, đặc biệt là những người nghèo và những người bị thiệt hại.
Chúa
Giêsu đã thấy thiện chí của ông, đã biến đổi ông, Ngài cũng không chịu thua
lòng quảng đại của ông. Chúa Giêsu đã tuyên bố: Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho
nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Apbraham, vì Con Người đến để
tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất. Với lời tuyên bố này, Chúa Giêsu cho
thấy ơn cứu độ Ngài đem đến, hôm nay, đã khởi đầu và đã sinh hiệu quả cho
Giakêu và gia đình ông. Sự khởi đầu này bắt đầu từ những con người bị coi là tội
lỗi, bị loại trừ khinh miệt, nhưng lại có một tâm hồn rộng mở, đã tin và đón nhận
sứ điệp của Chúa Giêsu, đã chấp nhận để cho lời Chúa biến đổi nên những con người
mới.
Do
sự trợ giúp của Thiên Chúa, ông Giakêu đã bước được một bước dài trong đức tin,
ông đã tin thầy Giêsu là Thiên Chúa và là Đấng Cứu độ. Ông tin rằng, khi ông
đón Chúa vào tâm hồn và vào gia đình ông là ông có tất cả. Trước đây, ông tìm
niềm vui trong công việc, ông cậy dựa vào tiền bạc và địa vị, nay biết Chúa
Giêsu và tin Ngài, những thứ kia chẳng còn giá trị gì nữa, ông không giữ lại
cho mình, nhưng cho đi tất cả để được Đức Kitô và ơn cứu độ của Người. Chúa
Giêsu còn khẳng định: Bởi người này cũng là con cháu Apbraham. Chúa Giêsu muốn
cho những người Do Thái khác thấy rằng, họ tự hào là dòng dõi Apbraham, nhưng họ
đã không có đức tin như tổ phụ Apraham, không dám bước theo lời mời gọi của
Thiên Chúa như Apbraham. Trái lại, ông Giakêu bị mọi người loại trừ, nhưng
Giakêu lại tin vào Thiên Chúa, dám từ bỏ quyền lực địa vị và tiền bạc vì tin
vào Chúa Giêsu, như thế, Giakêu mới xứng đáng là con cháu Apbraham.
Thiên
Chúa không bao giờ chịu thua lòng quảng đại của con người. Lòng thương xót của
Chúa không bao giờ bị giới hạn bởi bất cứ sự cản trở nào. Lòng thương xót của
Chúa tuôn trào như sương mai rơi trên mặt đất; Ngài không tìm cách hủy diệt con
người, cho dù tội của con người có tràn lan thì lòng thương xót của Thiên Chúa
như biển cả nhấn chìm tất cả mọi loài mọi vật trong đại dương yêu thương của
Ngài. Sách Khôn Ngoan đã khẳng định như thế. Tác giả còn lý luận rằng: Thiên
Chúa yêu thương mọi vật mọi loài, không bao giờ chê bỏ nó, vì nếu Chúa không
yêu thương nó, thì Ngài đã chẳng dựng nên nó làm chi.
Ánh
mắt cảm thông và trái tim chạnh thương của Thiên Chúa đã đụng chạm đến tâm hồn
của Giakêu cũng đang dành cho chúng ta. Cái nhìn của Thiên Chúa không bao giờ
là cái nhìn thất vọng, nhưng là cái nhìn khích lệ và nâng đỡ, mời gọi chúng ta
chỗi dậy đón Người vào nhà và vào tâm hồn mình. Chúa cũng ngỏ lời với mỗi người
như Chúa đã nói với Giakêu : Hôm nay, Ta muốn cư ngụ tại nhà con.
Vì
thế, hãy sẵn sàng vượt qua tất cả các mặc cảm tội lỗi và những trở ngại là những
lười biếng ngại ngùng để mỗi người vui mừng đón Chúa bước vào tâm hồn qua Bí
tích Thánh Thể và Thánh lễ mỗi ngày. Có Chúa trong tâm hồn, chúng ta sẽ tìm lại
được bình an và niềm vui thật sự. Khi có niềm vui và bình an của Chúa trong tâm
hồn, chúng ta sẽ không còn những bực bội, nóng nảy, cãi vã nữa, nhưng sẽ sống
trong niềm vui, cư xử vui tươi và là người đem niềm vui đến cho người khác. Có
Chúa bước vào tâm hồn, giống như Giakêu, chúng ta sẽ không tìm kiếm lợi lộc của
thế gian, không thu vén về cho mình, không còn chỉ nghĩ đến bản thân, nhưng biết
nghĩ đến, quan tâm đến và chia sẻ cho người khác những gì Chúa đã ban cho mình.
Có Chúa trong tâm hồn, chúng ta sẽ không còn khép kín trong ích kỷ và cái tôi tự
mãn, nhưng biết mở lòng ra với anh em để cảm thông và yêu thương.
Hôm
nay, tôi muốn cư ngụ tại nhà ông - Chúa đang muốn vào cư ngụ và dùng bữa với mỗi
gia đình chúng ta. Hãy mở rộng cửa nhà để mời Chúa bước vào và dành cho Chúa sự
tiếp đón chân thành. Mỗi gia đình hãy dành cho Chúa một vị trí trong bàn ăn và
trong sinh hoạt của gia đình, làm cho bữa cơm gia đình đậm đà hơn. Hãy cùng trò
chuyện, tâm sự với Chúa mỗi ngày qua các
giờ kinh, dù đó là một ngày thành công hay một ngày thất bại. Hãy trao đổi với
Chúa về những toan tính, dự định của gia đình và tâm sự với Chúa về những vướng
mắc, khó khăn của gia đình. Chúa sẽ giải gỡ những khó khăn cho chúng ta.
Tin
vào lòng thương xót của Thiên Chúa, noi gương ông Giakêu, hãy mạnh dạn vứt bỏ
khỏi gia đình những nóng nảy cãi vã, sự tham tiền tham việc để có nhiều giờ
dành cho Chúa và cho nhau hơn, giúp gia đình mỗi ngày nên tốt hơn, ấm cúng, thuận
hòa, hạnh phúc hơn. Amen.