GIA ĐÌNH LÀ MÁI ẤM YÊU THƯƠNG
LỜI CHÚA Lc 2, 22.39 – 40
(22) Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria
và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa. (39) Khi
hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là
Nadarét, miền Galilê. (40) Còn Hài Nhi, ngày càng lớn lên, thêm vững
mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.
SUY NIỆM
Đời
sống kinh tế của các gia đình một khi khá lên, người ta thường nghĩ ngay đến việc
xây nhà. Việc xây nhà đối với người Việt Nam là hết sức quan trọng, nó được xếp
vào vị trí thứ hai sau việc lập gia đình. Ngày xưa, khi mới ra ở riêng, các cặp
vợ chồng chỉ ước mơ một căn nhà nho nhỏ, ấm cúng, làm không gian riêng cho hai
vợ chồng là đủ. Nhưng khi làm ăn khấm khá, thì căn nhà thường tỉ lệ thuận với mức
độ thu nhập hoặc là tỉ lệ với mối quan hệ của gia đình. Tuy nhiên trong thực tế,
có nhiều căn nhà to, đẹp nhưng lại thiếu niềm vui, tiếng cười trong gia đình.
Căn nhà to, nhưng mỗi người lại cảm thấy thật trống vắng, lạnh lẽo, cô đơn
trong căn phòng riêng của mình. Nhiều người nay chỉ lo xây nhà mà không quan tâm
đến việc vun đắp cho gia đình. Họ lẫn lộn giữa căn nhà và gia đình (house-home).
Vì thế, nhiều người đã chỉ chú tâm vào căn nhà mà bỏ rơi gia đình.
Căn
nhà chỉ là nơi che nắng che mưa. Còn gia đình là nơi mà mỗi thành viên không chỉ
có liên hệ huyết thống với nhau, mà mỗi người còn cảm nhận được tình yêu
thương, sự tha thứ, cảm thông và đón nhận từ nơi các thành viên khác; có một sợi
dây vô hình thiêng liêng nối kết cha mẹ và con cái với nhau.
Hôm nay, ngày lễ Thánh Gia của Chúa Giêsu,
Đức Mẹ và Thánh Giuse, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm đời sống của gia đình thánh
này để mỗi người cũng biết học hỏi và xây dựng gia đình mình theo mẫu gương gia
đình Nazareth này.
Gia
đình của Giuse và Maria là một gia đình giống như tất cả các gia đình khác. Hai
ông bà không xây nhà, nhưng họ đã xây dựng được một mái ấm gia đình thực sự và
đã làm cho gia đình mình trở nên gia đình thánh. Đôi vợ chồng trẻ này ngày từ
những ngày đầu sau khi đính hôn đã gặp thử thách, đó là việc Maria có thai mà
Giuse không phải là tác giả. Điều này không dễ dàng để một người chồng chấp nhận.
Tuy nhiên, trong trường hợp của Giuse, anh đã có cách cư xử hoàn toàn khác.
Giuse đã không nóng vội khi biết sự việc, không gây áp lực, cũng không làm
toáng lên để làm nhục người bạn mình. Giuse đã hết mực tôn trọng và yêu thương
Maria. Vì thế, chàng đã tìm cách rút lui âm thầm thay vì tố cáo. Toan tính rút
lui của Giuse không phải là sự trốn tránh cho bằng Giuse tôn trọng và hoàn toàn
tin tưởng vào sự nết na đạo hạnh của Maria và để cho Chúa định liệu. Thiên Chúa
đã muốn Giuse vượt qua cảm xúc và cách ứng xử tự nhiên để thuận theo chương
trình của Chúa. Trong một giấc chiêm bao, Giuse đã nhận ra ý Chúa và ngay lập tức
ông đã tuân theo và đón nhận Maria về nhà mình. Để có thể nhận ra được ý Chúa
qua giấc mộng như vậy, chắc chắn Giuse đã phải là một một người đạo đức có tâm
hồn nhạy bén trước những dấu chỉ của Chúa.
Cái
nghèo và cái eo luôn đeo bám gia đình của Giuse và Maria. Tin Mừng cho thấy, cuộc
sống gia đình của họ tuy nghèo nhưng thật ấm cúng. Giuse chăm chỉ với công việc
và tay nghề của mình, Maria lo việc nội trợ trong gia đình. Lệnh điều tra dân số
quả là một thử thách cho đôi vộ chồng mới cưới này. Một hành trình dài từ bắc
xuống nam không chỉ vất vả cho người người phụ nữ bụng mang dạ chửa, những chi
phí dọc đường, nơi ăn chốn ở trong suốt hành trình quả là thử thách. Tuy nhiên,
hai vợ chồng Giuse và Maria vẫn luôn bên nhau, cùng nhau vượt qua khó khăn. Họ
không một lời than thân trách phận hoặc oán trách Thiên Chúa, nhưng đón nhận tất
cả với niềm tin tương và phó thác cho Chúa. Về đến quê hương Belem không nhà cửa,
hai vợ chồng phải tá túc trong một hang súc vật và Maria đã sinh con trong cảnh
khó nghèo ấy. Hai vợ chồng trẻ vẫn bên nhau, sưởi ấm cho nhau bằng niềm tin vào
Thiên Chúa và bằng tình yêu thương họ dành cho nhau.
Mặc
dù nghèo khó, thiếu thốn nhà cửa, tiền bạc vật chất, nhưng Giuse và Maria không
để cho cái nghèo làm cho mình lười biếng và không để cho những khó khăn làm
mình xa Chúa. Gia đình của đôi vợ chồng Giuse lúc này có có lẽ chưa có được một
căn nhà của riêng mình, nhưng gia đình họ lại đầy ắp niềm vui, tiếng cười, hạnh
phúc và nhất là gia đình các ngài đầy ắp lòng đạo đức vì có sự hiện diện của
Chúa. Mặc dù Giuse biết rất rõ Hài Nhi mới sinh không phải là con mình, nhưng
Giuse đã đón nhận Hài Nhi trong đức tin và với tình phụ tử thiêng liêng, để hết
mình yêu thương, chăm sóc cho Hài Nhi Giêsu như chăm lo cho con ruột mình. Ông
đón nhận Hài Nhi như chính Thiên Chúa của mình.
Sau
bốn mươi ngày sinh nở, Giuse và Maria đã đem Hài Nhi lên đền thờ để hiến dâng
con của mình cho Thiên Chúa và thực hành việc dâng của lễ thanh tẩy cho Maria
theo như luật định. Việc làm này một lần nữa cho thấy, cho dù hoàn cảnh của hai
vợ chồng vẫn còn rất nhiều khó khăn: không nhà, không tiền, không người thân,
nhưng hai ông bà vẫn đặt lề luật của Thiên Chúa làm ưu tiên và cố gắng để chu
toàn lệnh Chúa truyền. Thay vì dâng cho Chúa những của lễ như chiên bò, gia
đình Giuse Maria chỉ đủ tiền để dâng một của lễ tượng trưng đó là một cặp bồ
câu non. Qua việc làm này cho thấy Chúa không cần của lễ, nhưng Chúa cần tấm
lòng của chúng ta dành cho Chúa.
Tin
Mừng còn cho thấy, mặc dù gia đình Giuse Maria không phải là gia đình khá giả,
hai ông bà cũng phải chật vật với cuộc sống. Tuy nhiên, Giuse và Maria vẫn dành
ưu tiên cho việc thờ phượng Chúa, tập cho trẻ Giêsu có thói quen đến hội đường
hàng tuần và lên đền thờ hành hương hằng năm theo quy định. Chính đời sống đạo
đức, siêng năng này đã tạo nên niềm vui và hạnh phúc cho gia đình Thánh Gia và
tạo nên nếp sống đạo cho trẻ Giêsu ngay từ thuở thơ ấu. Tin Mừng thánh Matthew
đã thuật lại việc gia đình lên Giêsrusalem và còn nhấn mạnh “hàng năm cha mẹ Đức Giêsu có thói quen trẩy
hội lên đền thờ” như thế. Còn thánh Luca khi thuật lại việc Đức Giêsu vào
giảng dạy trong các hội đường đã nhấn mạnh: Ngài vào hội đường như thói quen
thường làm. Điều đó cho thấy thói quen đạo đức là thói quen phải được thực hành
thường xuyên và cha mẹ là những người tạo nên thói quen đạo đức đó.
Thưa quý OBACE, một gia đình trở nên một mái ấm yêu thương, không có
nghĩa là gia đình đó phải giàu có, cũng không có nghĩa là gia đình đó không gặp
khó khăn thử thách, nhưng là gia đình dù nghèo khó những vẫn ngập tràn niềm
vui, tình yêu thương và nhất là luôn có Chúa hiện diện. Gia đình là một mái ấm,
cho dù khó khăn thử thách vẫn yêu thương nhau, cho dù thất bại cũng không thất
vọng nhưng luôn tin tưởng vào Chúa và không xao nhãng bổn phận đối với Chúa.
Như
đã gợi ý ở trên, ngày nay nhiều người trong chúng ta nhầm lẫn việc xây nhà với
việc xây dựng gia đình. Việc xây nhà, mua sắm, làm ăn, là để phục vụ cho các
thành viên trong gia đình có một cuộc sống thoải mái hơn là điều tốt. Tuy nhiên,
nhiều người đã đi trật đường, họ tìm kiếm của cải, lao vào công việc chỉ để cho
có thật nhiều tiền, nhiều tài sản mà quên sự hiện diện của vợ chồng, con cái
trong gia đình. Nhiều gia đình có ngôi nhà đẹp, có nhiều của cải, sang trọng,
nhưng lạnh lẽo, trống vắng vì thiếu hơi ấm tình yêu, thiếu tiếng cười hạnh phúc.
Nhiều người khác bị say mê cuốn hút vào công việc và các quan hệ làm ăn, sáng
đi tối về, đến độ bỏ quên người thân trong gia đình, thì cho dù có sống trong
ngôi nhà sang trọng, cũng không khác gì là phòng trọ mà thôi.
Giáo
Hội đang mời gọi chúng ta xây dựng và biến gia đình mình trở thành mái ấm của
lòng thương xót. Muốn được như thế, chúng ta nhìn vào tấm gương gia đình của
thánh Giuse và Mẹ Maria, dù lúc vui lúc buồn, dù những lúc khó khăn thư thách xảy
đến, luôn để Chúa hiện diện trong gia đình. Những người chồng noi gương thánh
Giuse khi gặp thử thách, trước tiên tìm đến Chúa qua lời cầu nguyện, tin tưởng
và tôn trọng nhau, cùng nhau lắng nghe và nhận ra ý Chúa qua các biến cố xảy ra
và sẵn sàng làm theo sự soi sáng của Chúa. Các bà mẹ noi gương Đức Maria, thay
cho những kêu than, oán trách bằng việc đón nhận tất cả những sự việc xảy ra và
suy gẫm trong lòng, để nhận ra sự hướng dẫn của Chúa. Các người con được mời gọi
noi gương trẻ Giêsu, sống yêu mến vâng lời và thảo hiếu với cha mẹ, mỗi ngày
thêm tuổi thêm khôn ngoan và đạo đức.
Cuộc
sống gia đình không phải lúc nào cũng thanh bình, yên hàn, nhưng sẽ có nhiều
lúc sóng gió khó khăn xảy đến. Càng những lúc như thế, chúng ta lấy tình yêu
thương của Chúa để cư xử với nhau; dùng tình yêu thương, lòng nhân từ, sự quảng
đại để cảm thông; thay vì lớn tiếng, vung tay nóng giận, thì hãy cùng cầm lấy
tay nhau để dìu nhau vượt qua sóng gió và nói với nhau những lời tích cực, động
viên nhau.
Xin
Chúa thương gìn giữ các gia đình và giúp các gia đình trở nên những tổ ấm yêu
thương và ngập tràn lòng xót thương của Chúa. Amen.
Lm Đỗ Đức Trí