Suy Niệm Lời
Chúa Thứ Sáu Mùa Giáng Sinh
LIÊN
ĐỚI TRÁCH NHIỆM
Lời
Chúa: Mc 1, 7-11
(7) Ông rao
giảng rằng: "Có Ðấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng
cúi xuống cởi quai dép cho Người. (8) Tôi đã làm phép rửa cho anh em
nhờ nước; còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần".
(9) Hồi ấy, Ðức
Giêsu từ Nadarét miền Galilê đến, và được ông Gioan làm phép rửa dưới sông
Giođan. (10) Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra,
và thấy Thần Khí tựa chim bồ câu ngự xuống trên mình. (11) Lại có
tiếng từ trời phán rằng: "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về
Con."
Suy Niệm:
Khởi đầu sứ vụ loan báo
Tin Mừng, Chúa Giêsu đã đến sông Giođan để xin Gioan làm phép rửa để tỏ lòng
sám hối ăn năn. Một hành động quả là lạ lùng, khó hiểu, bởi vì Chúa Giêsu là
Đấng Thánh, hoàn toàn vô tội mà lại xin Gioan làm phép rửa cho mình. Lời đề
nghị ngược đời, khó hiểu đến nỗi Gioan phải từ chối không dám làm. Thế nhưng
Chúa Giêsu đã buộc Gioan phải làm khi giải thích rằng: “Bây giờ cứ làm như thế
để chúng ta chu toàn bổn phận”. Câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao Chúa Giêsu
lại tình nguyện chịu phép rửa của Gioan? Chắc chắn có nhiều lý do, ở đây xin
được đưa ra một lý do quan trọng sau đây: đó là vì Chúa Giêsu muốn dấn thân,
nhập cuộc với nhân loại tội lỗi để giải thoát con người khỏi nô lệ tội lỗi, để
gánh lấy toàn bộ tội lỗi và hậu quả tội lỗi của nhân loại. Đây cũng chính là
lúc Chúa Giêsu mạc khải sứ vụ chính yếu của Người khi đến trần gian này. Trong
dòng nước của sông Giođan, Chúa Giêsu đã hòa mình với đám đông đang sám hối và chịu
thanh tẩy. Qua đó, Chúa Giêsu liên đới với mọi người, sẵn lòng gánh lấy tội lỗi
của họ. Tuy nhiên việc lãnh nhận phép rửa của Chúa Giêsu vào thời khắc ấy chỉ
mang tính tượng trưng, bởi vì sau đó, Chúa Giêsu sẽ trở thành Con Chiên gánh
tội trần gian một cách thật sự và trọn vẹn khi Người bị treo trên thập giá,
chịu đau khổ, chịu chết và sống lại để mọi người được sống như lời thánh Phêrô
xác tín rằng: “Tội lỗi của chúng ta, Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây
thập giá” (1Pr 2,24).
Chúa
Giêsu là người hoàn toàn vô tội: "Nơi Người không có tội lỗi" (1Ga
3,5). Thế mà vì yêu thương nhân loại, Ngài đã sẵn sàng nhận hết tội lỗi của cả
nhân loại về cho mình. Điều đó chẳng làm cho chúng ta suy nghĩ và rút ra một
bài học sao?
Nhìn vào gương Chúa Giêsu, chúng ta thấy mình hoàn toàn
ngược lại với Chúa Giêsu. Chúng ta ai nấy đều có tội không nhiều thì ít, thế mà
rất nhiều khi ta lại không muốn nhìn nhận mình là kẻ có tội. Ta tìm đủ cách để
người khác nghĩ về ta tốt hơn thực trạng hay bản chất của ta. Nhiều khi ta còn
giả hình để người khác lầm tưởng rằng ta rất tốt, ta vô tội. Nếu có ai nói xấu
ta, thậm chí rất đúng, ta cũng tỏ ra bực bội hay thù ghét người ấy. Ta không
muốn nhìn nhận thực trạng xấu xa của mình. Trong những cuộc tranh luận, nhiều
khi ta thấy mình sai trái, nhưng ta không có can đảm nhận phần sai trái về phía
mình, mà cứ cãi lại để khỏi phải nhận lỗi, thậm chí còn kết án ngược lại cho
người khác. Như thế, ta đã tự chứng tỏ mình thiếu thành thực và không ngay
thẳng. Như thế, chúng ta còn rất xa lạ với khuôn mẫu
thánh thiện của Chúa Giêsu.
Chúa
Giêsu vô tội hoàn toàn, nhưng Ngài sẵn sàng nhận lấy trách nhiệm của cả nhân
loại về phía mình. Ngài
đã hành xử như một kẻ có tội cần phải sám hối, phải xin lỗi trước mặt Thiên Chúa
bằng nghi thức rửa tội. Không chỉ như thế, Ngài còn sẵn sàng đền bù với giá cao
nhất là mạng sống của Ngài những tội lỗi mà Ngài đã tự qui về cho mình thay cho
cả nhân loại. Hành động của Ngài thật hết sức anh hùng và dũng cảm.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, xin Chúa giúp
những bậc làm cha, làm mẹ có lòng can đảm như Chúa Giêsu, dám sẵn sàng nhận lỗi
về phía mình, cho dù mình hoàn toàn vô tội. Và khi có những chuyện đáng tiếc
xảy ra nơi gia đình, xin Chúa giúp các bậc cha mẹ đủ can đảm để dám nhận lãnh
trách nhiệm về phía mình, không đổ lỗi cho người khác, nhất là cho những người
cấp dưới mà họ có bổn phận phải bao bọc, chở che. Amen.
Lm. J.P