ĐỨC MARIA MẸ THIÊN CHÚA
CẦU NGUYỆN CHO HÒA BÌNH THẾ GIỚI
Đã hơn hai ngàn năm trôi qua, kể từ ngày vị Hòang
Tử Bình An xuất hiện, thế giới dường như vẫn chưa được hòa bình. Mỗi ngày theo
dõi tin tức, chúng ta thấy chiến tranh, bạo lực đang diễn ra ở khắp nơi trên thế
giới giữa các quốc gia, dân tộc. Trong gia đình, nạn bạo lực bạo hành đang hết
sức nghiêm trọng. Chiến tranh và bạo lực đang diễn ra trong các gia đình, ngoài
xã hội và trong nơi tâm hồn nhiều người. Trong dịp cử hành lễ Đức Maria Mẹ
Thiên Chúa, cầu nguyện cho hòa bình thế giới năm nay, Đức Thánh Cha Fancis đã gửi
cho thế giới một thông điệp hòa bình với chủ đề: Bất bạo động: Một kiểu chính
sách hòa bình.
Thư Galat hôm nay trình bày cho thấy, Thiên Chúa
là Đấng giàu lòng thương xót, do tình yêu thương thúc đẩy, Ngài đã chấp nhận
cho Con của mình là Chúa Giêsu, vua Hòa bình đến trong trần gian. Con Thiên
Chúa bước vào thế gian không bằng một vụ nổ chấn động, nhưng Ngài đã chọn một
con đường hết sức bình thường, đó là được sinh ra bởi một người mẹ trong một
gia đình như bất cứ ai khác. Khi xuống thế làm người, Con Thiên Chúa không đòi
một sự ưu tiên nào, nhưng đã chấp nhận hoàn toàn sự giới hạn của con người và
còn chấp nhận cả những luật lệ của con người. Là Hoàng tử Bình an, Chúa Giêsu
không chọn con đường bạo lực để cứu độ nhân loại, nhưng Ngài đã chọn con đường
yêu thương và dùng sức mạnh của tình thương để tha thứ, canh tân biến đổi nhân
loại.
Đến thế gian với sứ mạng cứu chuộc, giải phóng
nhân loại khỏi tình trạng nô lệ bởi ma quỷ và tội lỗi, Chúa Giêsu đã không dùng
vũ lực để đáp lại bạo lực, nhưng Ngài đã chọn con đường khiêm tốn vâng phục
thánh ý Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã quy tụ muôn loài muôn vật dưới quyền bính của
mình và còn thực hiện một cuộc trao đổi diệu kỳ đó là cho con cái loài người được
trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa, được chia sẻ vào vinh quang chức vị của người
Con Một của Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là Abba – Cha ơi! Kể từ đây, con
người được trở nên người nhà của Thiên Chúa, được cùng chung hưởng vinh quang với
Thiên Chúa.
Ngày xưa trong công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã
dành một vị trí đặc biệt cho gia đình đầu tiên là Adam - Eva, cho họ được sống
trong khung cảnh của hạnh phúc vườn địa đàng, nhưng gia đình này đã không chu
toàn được sứ mạng của mình, là biến gia đình trở thành cộng đoàn của lòng xót
thương. Họ đã để cho gia đình tách rời khỏi mối tương quan tốt đẹp với Thiên
Chúa, đã để cho bạo lực tràn ngập trong gia đình. Kể từ sau khi phản bội lại
Thiên Chúa, gia đình của Adam trở thành nơi cãi vã, đổ lỗi cho nhau và bạo lực
đã xảy ra trong gia đình, khiến cho anh em trong nhà trở nên thù hận và giết
chóc nhau. Từ kinh nghiệm của gia đình này cho thấy: hạnh phúc và tình yêu
thương trong gia đình là do Chúa ban tặng, nhưng để gìn giữ và làm cho hạnh phúc
và tình yêu thương trổ sinh hoa trái phải cần có sự nỗ lực vun đắp của từng
thành viên trong gia đình.
Trong chương trình cứu chuộc, Thiên Chúa cũng bắt
đầu từ một gia đình, đó là gia đình của Maria -Giuse. Các mục đồng, sau khi
nghe các sứ thần báo tin, họ đã hối hả đi đến Belem. Khung cảnh những mục đồng
gặp thấy đó là một gia đình nghèo khó, gồm có hai vợ chồng và một đứa con; một
khung cảnh hết sức thanh bình, thánh thiện đầy tràn tình yêu và hạnh phúc. Cũng
từ kinh nghiệm của gia đình này cho thấy: Tình yêu thương và hạnh phúc của gia
đình không tùy thuộc vào nhà cửa hay của cải vật chất, giàu nghèo, sang hèn,
nhưng tùy thuộc nơi tâm hồn của mỗi thành viên trong gia đình. Thánh Luca ghi lại:
Nghe các mục đồng kể lại về những việc lạ lùng họ đã nghe và được thấy, Maria
đã ghi nhớ tất cả các sự kiện để suy niệm trong lòng. Tức là Maria - Giuse đã
đón nhận các sự kiện xảy ra trong gia đình với một thái độ bình tâm và để cho Lời
Chúa, Ý Chúa thanh luyện tất cả mội sự kiện, cũng như hướng dẫn mọi hành vi và
phản ứng của mình.
Đức Thánh Cha Fancis đã nhấn mạnh trong Sứ Điệp
Hòa Bình: bạo lực và bạo động không thể xây dựng hòa bình, cũng không thể hàn gắn
những mãnh vỡ của gia đình và thế giới, chỉ có tình thương mới có thể đem đến
hòa bình. Để có thể xây dựng hòa bình cho thế giới và gia đình, cần phải giải
quyết được cuộc xung đột trong chính tâm hồn mỗi người, dùng hòa bình để chiến
thắng khuynh hướng bạo lực trong tâm hồn.
Đức Thánh Cha kêu gọi : Bất bạo động là một chính
sách đem lại hòa bình. Ngài giải thích thêm: bất bạo động không phải là sự đầu
hàng, buông xuôi, trước bất công, cũng không phải là không dấn thân, thụ động.
Ngài trích lại lời Mẹ Teresa Calcutta nói rằng: “Trong gia đình, chúng ta không
cần bom đạn và võ khí, không cần tàn phá để mang lại hòa bình, nhưng cần ở với
nhau, cần yêu thương nhau [...] Và cùng nhau có thể vượt thắng mọi sự ác trên
thế giới”.
ĐTC cũng xác tín rằng, nếu nguồn mạch phát sinh bạo
lực là tâm hồn của con người, thì điều căn bản là thực hiện bất bạo động trước
tiên ở trong tâm hồn và gia đình. .. Gia đình là nơi, trong đó, đôi vợ chồng,
cha mẹ, con cái, anh chị em học cách cảm thông và chăm sóc nhau một cách vô vị
lợi, là nơi mà những sầu muộn và thậm chí những xung đột phải được vượt thắng
không phải bằng võ lực, nhưng bằng đối thoại, tôn trọng, tìm kiếm thiện ích cho
người khác, từ bi và tha thứ.
Hàng năm, chúng ta cử hành ngày lễ Đức Maria Mẹ
Thiên Chúa, cầu nguyện cho hòa bình thế giới, có thể chúng ta đã nghe, đã nói
nhiều về hòa bình và nguyên nhân gây ra chiến tranh, nhưng chúng ta đã không
làm gì để cải thiện tình hình.
Trước hết hãy học nơi gia đình của Giuse Maria, lấy
tình yêu thương, sự quảng đại để đối xử với nhau. Vợ chồng, cha mẹ, con cái đừng
cư xử với nhau bằng lý, nhưng bằng tình thương, không dùng bạo lực và bạo hành,
nhưng dùng chính sách bất bạo động, quảng đại và tha thứ để đối xử với nhau. Bạo
lực bạo hành chỉ đem đến đổ vỡ và bất hạnh, gây những tổn thương lâu dài trên
cuộc đời những đứa trẻ. Vì thế, cha mẹ đừng vì nóng giận mà biến con cái thành
những nạn nhân của bạo lực bạo hành. Một đứa trẻ sống trong sự sợ hãi của bạo lực
bạo hành, sẽ biến nó thành những kẻ hung ác sau này và là kẻ bạo lực bạo hành
người khác. Một đứa trẻ sống trong bất hạnh sẽ không biết phải làm thế nào để
xây dựng cuộc sống của gia đình riêng sau này được hạnh phúc.
Để có thể dùng phương pháp bất bạo động, loại trừ
bạo lực bạo hành góp phần xây dựng hòa bình, tình yêu cho gia đình và xã hội, mỗi
người cần phải tạo lập được sự hòa bình, bình an trong tâm hồn. Một tâm hồn phạm
tội sẽ không có bình an, một tâm hồn nuôi dưỡng sự hận thù sẽ không thể có niềm
vui và một tâm hồn dễ dàng nổi nóng, là dấu hiệu của sư bất an nội tâm. Hãy tái
lập sự bình an hòa thuận với Thiên Chúa bằng cách loại trừ khỏi mình tình trạng
tội lỗi, hãy thường xuyên đón rước Thiên Chúa vào tâm hồn, vì Ngài là hoàng tử
đem lại bình an. Hãy quyết tâm loại trừ khỏi tâm hồn sự hiện diện của ma quỷ và
sự ác, vì ma quỷ không thể làm điều thiện, cũng không thể đem đến hạnh phúc
đích thực, chúng chỉ có thể lừa dối và tìm cách gây bất hòa bất ổn mà thôi.
Kế đến là hãy học nơi Chúa Giêsu sống khiêm nhường
và hiền lành. Khiêm nhường để trở nên nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa và trước mặt
mọi người, khiêm nhường để biết đón nhận sự hướng dẫn của Thiên Chúa và để cho
Lời Chúa uốn nắn mọi hành vi và phản ứng của con người. Hiền lành để biết cư xử
quảng đại nhân ái, bao dung với người khác, hiền lành để biết thông cảm và tha
thứ cho những ai gây tổn thương cho mình. Sự hiền lành và khiêm nhường sẽ giúp
lọai trừ khỏi tâm hồn sự nóng nảy bạo lực bạo hành, đem niềm vui và bình an đến
cho gia đình và mọi người.
Xin cho mỗi người chúng ta trở nên sứ giả xây dựng
gia đình thành cộng đoàn hòa bình, giàu lòng xót thương, theo tinh thần Tin Mừng
và trở thành những người đón nhận được lời chúc phúc của Chúa Giêsu: Phúc cho
những người hiền lành, phúc cho người có lòng thương xót, người xây dựng hòa
bình, người có tâm hồn thanh khiết, những người đói khát sự công chính, vì nước
Trời là của họ. Amen.