Suy
Niệm Lời Chúa Thứ Ba Lễ Đêm Mừng Chúa Giáng Sinh
LOAN BÁO TIN MỪNG CHO TOÀN DÂN
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 2, 1-14.
(1)
Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số
trong khắp cả thiên hạ. (2) Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện
thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri-a. (3) Ai nấy phải về nguyên
quán mà khai tên tuổi. (4) Bởi thế, ông Giu-se từ thành Na-da-rét miền
Ga-li-lê, lên thành Bê-lem miền Giu-đê, là thành vua Đa-vít, vì ông
thuộc về nhà và gia tộc vua Đa-vít. (5) Ông lên đó khai tên cùng với
người đã đính hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai. (6) Khi
hai người đang ở đó thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. (7)
Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng
cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ. (8) Trong vùng
ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ
đàn vật. (9) Và kìa sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của
Chúa chiếu tỏa chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. (10) Nhưng
sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng
trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: (11) “Hôm nay, một Đấng Cứu
Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít. Người là Đấng Ki-tô
Đức Chúa. (12) Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: Anh em sẽ gặp
thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ. (13) Bỗng có muôn
vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: (14)
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.
2. Ý CHÍNH:
Bài tin mừng hôm nay nhằm trình bày
việc Chúa Giê-su giáng sinh là một tin vui cho nhân loại. Ta có thể
chia làm 2 phần chính như sau:
- Phần thứ nhất (1-7): Cuộc kê khai
nhân khẩu là nguyên nhân khiến hai ông bà Giu-se Ma-ri-a phải lên đường
trở về Giê-ru-sa-lem là quê hương của vua Đa-vít. Tại đây bà Ma-ri-a
tới ngày sinh. Bà đã phải sinh con trong cảnh nghèo khó tột cùng vì
hai ông bà quá nghèo không tìm được chỗ nơi nhà trọ.
- Phần thứ hai (c. 8-14): Một sứ
thần của Chúa đã hiện đến báo tin vui cho các mục đồng ở ngoại ô
Bê-lem. Sứ thần cũng cho biết dấu chỉ để họ nhận ra Đấng Thiên Sai
là “Một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”. Rồi có rất nhiều
thiên thần đến hợp lời ngợi khen Thiên Chúa.
3. CHÚ THÍCH:
- C 1: + Hoàng đế Au-gút-tô: Hoàng đế Rôma cai trị từ năm 29 trước Công nguyên (CN), đến năm 14 sau CN).
- C 2: + “thành vua Đa-vít”: Khi gán tước hiệu
“thành Vua Đa-vít” cho Bêlem (x. Mt 2,6),
Tin Mừng
dựa vào lời sấm của ngôn sứ Mi-kha về quê hương của Đấng Cứu Thế (x. Mk 5,1).
- C
5: + “Người đã đính hôn với ông Giu-se là bà Ma-ri-a đang có thai”: Câu này nhắc lại
việc sứ thần Gáp-ri-en đến truyền tin cho Trinh Nữ Ma-ri-a (x. Lc 1,27).
- C
7: + Bà sinh con trai đầu lòng: Sinh “Con đầu lòng” chỉ có nghĩa là sinh “đứa con đầu tiên
hay con thứ
nhất”, không nhất thiết sẽ phải sinh thêm con kế tiếp. Sở dĩ Luca đề
cập đến “con trai đầu lòng” ở đây là muốn
nhắc đến điều luật Môsê qui định phải dâng “các con đầu lòng cho Chúa”(x. Xh 13,2), và cách cha mẹ phải làm để chuộc lại con, sắp được
hai ông bà Giu-se Ma-ri-a thực hiện cho
Hài Nhi
Giê-su (x. Lc 2,23). + Không tìm được chỗ trong nhà trọ:
Các chủ quán từ chối không cho ở trọ phần vì dáng vẻ quê mùa nghèo
khó của hai ông bà Giu-se Ma-ri-a, phần vì họ sợ đón phụ nữ mang bầu vào
nhà sẽ mang lại xui xẻo cho việc kinh doanh của họ!
- C 11: + Đấng Ki-tô Đức Chúa: Đức Giê-su
là Đấng Mêsia. Quyền Chúa Tể và Vương Đế của Người được chính Thiên
Chúa trao ban (x. Cv 2,36).
- C 14: + Bình an dưới thế”: Lời của
các sứ thần ca ngợi chúc tụng Thiên Chúa cho thấy sứ mệnh của Hài
Nhi Cứu Thế là làm vinh danh cho Thiên Chúa và thiết lập một nền hòa
bình vĩnh cửu (x. Is 9,5-6 ; Mk 5,4).\
4. HỎI ĐÁP:
HỎI: Phải chăng bà Ma-ri-a chỉ đồng trinh
trước khi thụ thai Đấng Cứu Thế (x. Is 7,14), rồi sau khi đã sinh “con
trai đầu lòng” (x. Lc 2,6) thì sống đời vợ chồng bình thường với ông
Giu-se, và từ đó đã sinh thêm nhiều con trai con gái khác (x. Mt
13,55-56)?
ĐÁP: Thực ra không phải như vậy. Vấn đề ở đây là ý
nghĩa thực sự của từ “cho đến khi” và “anh em và chị em của Đức Giê-su” như thế
nào? :
+ “Cho đến khi”: Câu Mt 1,24-25 nên được diễn
giải như sau: Khi tỉnh giấc, ông Giu-se đã thi hành 3 lệnh truyền của
sứ thần trong giấc mộng: Một là ông “tổ chức lễ cưới chính thức để
rước cô dâu Ma-ri-a” về nhà mình; Hai là ông “không ăn ở với Ma-ri-a như vợ
chồng” vì Ma-ri-a đã được thánh hiến dâng mình phục vụ Thiên Chúa như
một nữ tu khấn trọn; Ba là “cho đến khi” Ma-ri-a sinh con thì ông “đặt tên
cho con trẻ là Giê-su” như lời sứ thần truyền để nhìn nhận trẻ Giê-su là
con chính thức của mình về luật pháp (x. Lc 3,23). Tin Mừng không viết: hai
ông bà đã không ăn ở cho đến khi Ma-ri-a sinh con thì lại ăn ở với
nhau, như có người lầm tưởng!
+“anh em và chị em của Chúa Giê-su”: Trong Tin Mừng Mát-thêu, các từ “anh em ông”, “chị
em ông” (x. Mt 13,55-56) hay “mẹ và anh em của Người” (x. Mt 12,46-47) chỉ
là các anh chị em bà con mà thôi. Vì Chúa Giê-su là “con trai đầu
lòng”, là người con thứ nhất, nên nếu Đức Ma-ri-a có thêm các người
con khác thì họ phải được gọi là “các em trai” và “các em gái” thay
vì được gọi chung chung là “anh em” và “chị em” như ở đây. Hơn nữa,
bằng chứng quan trọng nhất cho thấy Đức Ma-ri-a chỉ có một con trai
duy nhất là: Chúa Giê-su đã trối Mẹ Người làm mẹ của môn đệ Gio-anvà
“Kể từ giờ đó, người môn đệ đã rước bà về nhà mình” (Ga 19,26-27).
Chắc Đức Giê-su sẽ không trối Mẹ Ma-ri-a cho môn đệ Gio-anrước về nhà mà phụng
dưỡng sau khi Người chết nếu Mẹ Ma-ri-a còn có nhiều người con khác
ngoài Người.
II. SỐNG LỜI
CHÚA
1. LỜI CHÚA:
“Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho
toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành Vua
Đa-vít. Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa” (Lc 2,10-11).
2. CÂU CHUYỆN:
1) CHÚA CỨU THẾ
ĐÃ GIÁNG SINH CHO CHÚNG TA:
Ở nước Nga
thời trung cổ, có một hoàng tử tên là A-lếch-xích (Alexis) rất yêu
quí những người nghèo khổ bệnh tật. Mỗi ngày chàng ta bỏ nhiều
thời giờ đến nhà thăm họ và sẵn sàng giúp đỡ những ai cần được
trợ giúp. Có điều là hoàng tử thấy dân chúng vẫn dửng dưng thờ ơ
khi chàng đến với họ. Rồi hoàng tử để tâm tìm hiểu lý do thì được
biết sở dĩ dân chúng không mấy phấn khởi khi gặp gỡ chàng vì chàng
không đáp ứng được các nhu cầu thực tế của họ. Từ đó hoàng tử
A-lếch-xích âm thầm học hỏi chuẩn bị giúp dân một cách thiết thực
hơn.
Sau một
thời gian, một hôm dân chúng lại thấy một người ăn mặc đơn sơ đến thăm
họ. Anh ta thuê một túp lều trong hẻm sâu làm nơi trú ngụ. Hàng ngày
anh đến từng nhà và khám bệnh bốc thuốc miễn phí chữa bệnh cho các
người nghèo. Chẳng bao lâu sau, anh ta gây được thiện cảm của mọi
người chung quanh. Uy tín anh ngày một gia tăng khiến nhiều người nghe
tiếng tìm đến nhờ anh giúp đỡ giải quyết những khó khăn họ đang gặp
phải. Hôm nay anh dàn xếp được một cuộc tranh chấp đất đai giữa hai
gia đình. Hôm sau, anh lại làm cho một đôi vợ chồng sắp ly hôn làm hòa
với nhau và yêu thương nhau như trước. Anh động viên mọi người tương trợ
lẫn nhau và nhờ đó ai cũng mến anh vì anh đã hy sinh giúp đỡ cho họ.
Thật ra ông
thầy lang ấy chính là hoàng tử A-lếch-xít. Hoàng tử đã rời bỏ cung
điện phú quí, đến sống giữa đám dân nghèo đói dốt nát, và sống
hòa mình với họ. Về nhau khi biết thầy lang chính là hòang tử A-lếch-xít
thì dân chúng càng quý trọng hòang tử hơn rất nhiều.
Hoàng tử
A-lếch-xít trong câu chuyện trên là hình ảnh của Đức Giê-su Đấng Cứu
Thế. Người đã giáng sinh trong cảnh nghèo hèn để chia sẻ cảnh nghèo
khó với lòai người chúng ta. Người đã yêu thương chúng ta và tình nguyện
xuống trần gian để ban cho chúng ta sự sống đời đời.
2) NGƯỜI VỐN DĨ
VÔ TỘI NHƯNG ĐÃ TRỞ THÀNH TỘI NHÂN VÌ CHÚNG TA:
Một vị
quan lớn gửi thiệp mời các người thân quen đến dự tiệc mừng sinh
nhật thất tuần của ông. Tất cả quan khách đến dự buổi liên hoan đều
ăn mặc sang trọng và có xe hơi đưa đón. Một vị quan cao tuổi là bạn
chí thân của chủ tiệc cũng đến dự. Do già yếu nên khi bước xuống xe,
ông bị trượt chân té xuống một vũng nước dơ khiến các gia nhân gần
đó cười ồ lên. Trước tình trạng quần áo bị hoen ố nước dơ, vị quan
cảm thấy xấu hổ trước trăm con mắt nhạo cười và quyết định lên xe ra về.
Các gia nhân hiện diện đã năn hỉ hết cách mà vị quan kia nhất định không
vào nhà dự tiệc. Bấy giờ chủ nhà được gia nhân cấp báo liền vội vàng
chạy tới. Khi ngang qua vũng nước, ông lại cố tình té ngã vào vũng
nước và quần áo ông cũng vấy bẩn không khác vị quan khách kia bao
nhiêu. Lần này bọn gia nhân không ai dám cười nữa. Sau đó chủ nhà đã
nắm tay vị khách quý kia mời vào phòng dự tiệc, và ông này không còn
viện lý do gì để từ chối nữa.
Việc làm
của chủ nhà trong câu chuyện trên là một hành động tế nhị và đầy
tình người, khiến chúng ta hiểu được phần nào lý do tại sao Đức Giê-su
vốn là Con Thiên Chúa mà lại hạ mình xuống làm một người phàm. Người
muốn trở nên giống như chúng ta để ban ơn cứu độ cho chúng ta.
3) CHÚA ĐẾN BAN HÒA
BÌNH CHO NHÂN LOẠI:
Vào ngày lễ
vọng Giáng sinh năm 1914, những quân lính Đức và Anh đối đầu với nhau, tại các
hào chứa đầy bùn lầy và chuột cống. Tại các hào của quân Anh, những lá thư và
tấm thiệp được gửi đến từ gia đình, và anh em binh lính khá vui vẻ. Đến nửa
đêm, một số người trong bọn họ bắt đầu ca hát. Thế rồi đột nhiên, một người
lính gác la lên một cách đầy phấn khích : “Anh em hãy lắng nghe đi !”. Họ lắng
nghe, và nhận thấy những quân lính Đức cũng đang ca hát. Một lúc sau, hai người
lính can đảm, do mỗi phe cử một người, đến gặp nhau tại bãi đất trống. Thêm
nhiều quân lính khác đi theo họ. Theo quan điểm quân đội, điều này không có ý
nghĩa gì cả. Với tư cách là những người lính, người ta cho rằng họ đến đánh
nhau. Đột nhiên ngừng lại và trở nên bạn bè không tạo nên ý nghĩa. Nhưng trong
đêm hôm đó, có sức mạnh còn lớn lao hơn cả quân đội tại nơi chiến trường.
Khi
ngày lễ Giáng sinh bắt đầu ló rạng, với gương mặt tươi cười, các binh lính đi
dạo chung quanh vùng Đất Không Người. Người ta không nhìn thấy một dấu vết nào
của sự hận thù. Họ trao đổi với nhau lương thực, đồ kỷ niệm và thuốc lá. Khoảng
giữa trưa, khi tình thân thiện đang gia tăng, thì lại có một trận đấu bóng đá
giữa hai phe. Nhưng trận đấu này không kéo dài lâu. Tin này đã lan tới tai các vị
tướng đôi bên, và họ đã ban bố những mệnh lệnh gay gắt phải chấm dứt ngay mọi
chuyện. Các sĩ quan dồn binh lính trở lại vào chiến hào. Tất cả mọi chuyện đều
kết thúc. Sau lễ Giáng Sinh, cuộc giao chiến lại bắt đầu trở lại.
Khi Đức
Giê-su sinh ra, các thiên sứ hát rằng “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời,
bình an dưới thế cho người Chúa thương”. Đây là một câu, trong số những lời nói
đầy yêu thương nhất ở Tin Mừng. Bạn sẽ làm gì để đem sự bình an cho gia đình và
nơi bạn đang sống?
4) THĂM
HANG ĐÁ:
Vào một dịp lễ Giáng
Sinh, người ta thấy có một đoàn người đến viếng thăm Hang đá trong nhà thờ Đức
bà Paris. Đây là một ngôi Nhà thờ cổ kính và rất nổi tiếng tọa lạc ngay giữa
thủ đô. Hoà trong đoàn người kính viếng hang đá năm ấy, người ta thấy có nhiều
người khôn ngoan tài giỏi cũng cùng đi viếng hang đá.
Đầu tiên là một hoạ sĩ
chuyên về mầu sắc: Đứng trước máng cỏ của Chúa Giê-su, ông nhìn ngắm và lắc đầu
tỏ ý như những màu sắc trang hoàng trong hang đá không mấy hài hòa theo con mắt
thẩm mỹ của ông. Một vài phứt sau, ông đi ra chỗ khác. Tiếp đến là một kiến
trúc sư chuyên việc xây dựng. Người ta thấy ông cũng nhìn ngắm rồi ông
cũng lại lắc đầu bỏ đi, có lẽ cách kết cấu hang đá đã không theo đúng kỹ thuật
khoa kiến trúc. Sau đó ông cũng lặng lẽ đi ra.
Tiếp theo đó là nhà điêu
khắc chuyên tạc đắp tượng. Tượng Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh Giuse trong hang
cũng là do những người làm nghề điêu khắc làm. Nhà điêu khắc này đứng ngắm hang
đá lâu hơn hai người trước. Hình như ông thấy các bức tượng nơi hang đá có vấn đề.
Sao nó không đúng với thực tế mấy: Chúa thì to mà con bò con chiên thì lại quá
nhỏ, thiếu sự cân đối hài hòa. Rồi người ta cũng lại thấy ông lắc đầu bỏ ra chỗ
khác.
Sau cùng người ta thấy
một bà cụ già dắt theo một em bé gái khoảng 5 tuổi. Em bé mặc bộ đầm trắng toát
như tuyết. Vai em còn mang thêm một chiếc khăn quàng cũng màu trắng. Hai bà
cháu đứng ngắm nhìn hang đá một hồi lâu. Bỗng người ta thấy em bé mon men tìm
đường leo lên hang đá, đến tận chỗ người ta đặt tượng Chúa Giê-su Hài đồng.
Em bé ngắm nhìn Chúa
Giê-su và xúc động. Em nghĩ: giữa cảnh đêm đông giá lạnh như thế này mà Hài nhi
Giê-su lại không có được một chiếc mền để đắp cho ấm... Rồi em cởi chiếc áo len
trắng em đang mặc đắp lên máng cỏ che ấm cho Chúa Hài đồng.
Sau đó hai bà cháu cùng nhau
ra về, nhưng họ thấy tràn ngập niềm vui trong tâm hồn vì được gặp gỡ Chúa và đã
được Chúa yêu thương.
Trong những ngày này, ước
chi mỗi chúng ta cũng có được niềm vui hạnh phúc, nhờ biết cảm thông và sẵn
sàng chia sẻ cơm áo cụ thể cho những người nghèo đói noi gương em bé trong câu
chuyện trên.
3. SUY NIỆM:
1) ĐÊM THÁNH VÔ CÙNG:
Vào dịp
lễ Giáng Sinh, chúng ta lại được nghe những bài hát du dương thánh
thót có khả năng đánh động lòng người, nhất là bài SAI-LÂN NAI, HÔ-LI
NAI (Silent Night, Holy Night), lời Việt là “Đêm Thánh vô cùng, giây phút
tưng bừng”. Quả thực, đêm Giáng Sinh thật là một Đêm thiêng liêng, vì
là giờ phút thiêng liêng, đất trời hòa hợp nhờ việc Con Thiên Chúa
giáng sinh làm người. Mùa Vọng là thời gian trông mong Đấng Cứu Thế
mau đến. Hôm nay, Thiên Chúa đã đáp lại sự mong mỏi của lòai người bằng
việc sai Con Một Ngài xuống thế làm người, đầu thai trong lòng Trinh Nữ
Ma-ri-a, trở thành một người giống như chúng ta mọi đàng, chỉ trừ
không có tội.
Làm sao
hiểu được chuyện đó ? Làm sao Thiên Chúa lại trở thành một phàm nhân
yếu đuối nghèo nàn ? Làm sao Đấng Vô Cùng lại có thể trở thành một
con người hữu hạn ? Làm sao Đấng siêu thời gian lại đi vào trong thời
gian và chịu sự chi phối của thời gian ? Làm sao Đấng Tạo Hóa hằng
sống lại phải trở thành một loài thụ tạo hay chết ? Tóm lại: Tại
sao Thiên Chúa lại giáng sinh làm người ? Chúng ta chỉ có thể trả
lời rằng: Tất cả là do TÌNH THƯƠNG.
Vì yêu
thương loài người chúng ta và vì muốn cứu độ chúng ta, Con Thiên Chúa
đã xuống thế để ở cùng chúng ta, để dạy loài người chúng ta nhận
biết Đấng tạo dựng nên mình và mở ra cho loài người một con đường
sống, để về trời hưởng hạnh phúc với Chúa Cha. Chúa Giê-su đã thể
hiện tình thương của Thiên Chúa bằng việc thiết lập một Nước Trời
là Hội Thánh, và đã chịu chết trên cây thập giá để đền tội thay cho
loài người, rồi sống lại để trả lại sự sống cho loài người. Tóm
lại đêm nay kỷ niệm “Con Thiên Chúa giáng trần làm con loài người, để
con loài người được nên Con Thiên Chúa”.
Như thế,
lễ Giáng Sinh là lễ của tình thương. Tin mừng trong ngày lễ Giáng
Sinh hôm nay công bố sứ điệp: Thiên Chúa yêu thương loài người nên đã
sai Con Một xuống thế để công bố cho loài người biết tình thương bao
la của Thiên Chúa. Người muốn chúng ta đáp lại tình thương của Ngài
bằng việc yêu mến Ngài và yêu thương nhau.
2) NGHÈO KHÓ CHÍNH
LÀ DẤU CHỈ CỦA ĐẤNG CỨU THẾ:
Chúa Giáng
Sinh là một Tin mừng cho mọi người thiện tâm trên trần gian. Các mục
đồng sau khi được thiên thần báo tin đã lập tức lên đường tìm kiếm
Hài Nhi và cuối cùng đã gặp được Người. Rồi họ lại đi loan Tin mừng
cho kẻ khác. Đấng Cứu Thế đã chọn mang thân phận nghèo hèn đến với
nhân loại, để chia sớt nỗi khổ đau với những người nghèo. Dấu chỉ giúp
các mục đồng nhận ra Người : “Một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng
cỏ”. Trước dấu chỉ nghèo khó này, các chủ quán ở Bê-lem đã xua
đuổi hai ông bà Giu-se Ma-ri-a khỏi nhà trọ, đang khi các mục đồng
nghèo khó lại vui mừng đón nghe Tin mừng về sự giáng sinh của Người.
Ngày nay
Chúa Giê-su vẫn tiếp tục đến với chúng ta qua những dấu chỉ khiêm
tốn và nghèo hèn. Người trở thành một tấm bánh với vẻ bề ngoài
tầm thường, Người hiện thân trong những kẻ tàn tật què quặt đui mù,
Người đến trong những người nghèo khó bị người đời hắt hủi bỏ rơi.
Đây là lúc chúng ta phải xác định lập trường, để biết mình thuộc
hàng người nào:
- Là chủ
quán giàu có khi thiếu lòng từ tâm xua đuổi người nghèo?
- Hay là các
mục đồng tuy nghèo khó, nhưng sẵn sàng đón nhận Tin mừng Chúa Giáng
Sinh và quyết tâm đi tìm kiếm Chúa để đón nhận niềm vui ơn cứu độ?
4. THẢO LUẬN:
1) Giáng Sinh là lễ của tình thương. Vậy bạn đã
làm gì để đáp lại tình thương của Thiên Chúa trong những ngày qua ?
2) Tặng quà là một hình thức biểu lộ tình thương cụ thể, vậy trong
mùa Giáng Sinh này bạn sẽ tặng gì cho những người thân trong gia đình,
những bè bạn, những người làm ơn cho bạn suốt trong năm qua, và hết
những ai nghèo khổ cô đơn, những bệnh nhân liệt giường không tiền thuốc
thang chữa trị… là hiện thân của Chúa Giê-su ?
5. LỜI CẦU:
Lạy Chúa Giêsu,
Hôm nay bắt đầu một mùa Giáng Sinh nữa. Trần gian rực sáng, cờ xí giăng
đầy, người người nô nức mừng Chúa giáng sinh trong những bữa tiệc vui
vẻ sang trọng, rượu thịt ê hề. Nhưng những người lữ hành năm xưa vẫn
còn đang lỡ bước và đang tiếp tục bị xua đuổi ra đầu đường xó chợ
trong đêm nay, vì các chủ quán ngày này năm xưa vẫn còn đó: Những ai đi
xe hơi và ăn mặc bảnh bao sẽ được chủ quán ân cần đón tiếp vào nhà,
còn những người nghèo khó cũng lại bị đuổi ra hầm cầu qua đêm! Xin cho
chúng con biết luôn nhìn thấy Chúa đang hiện thân trong những người
nghèo khó, những cụ già neo đơn không ai chăm sóc, những trẻ em mồ côi
bụi đời… để chúng con ân cần thăm hỏi và sẵn sàng khiêm nhường phục vụ
như phục vụ chính Chúa. Nhờ đó chúng con sẽ trở nên những môn đệ
đích thực của Chúa.
X) HIỆP
CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH - HHTM