LỄ
THÁNH TÔMA TÔNG ĐỒ
KHÔNG CHẤP NHẬN LỐI MÒN
Mỗi khi nhắc đến Thánh Tôma Tông đồ, chúng
ta hay có tư tưởng, đây là vị Tông đồ cứng lòng, “có thấy mới tin”. Nhưng thực
ra, khi nhìn toàn bộ những trang Kinh Thánh nói về ngài, thì chúng ta sẽ thấy
ngài thuộc mẫu người “không chấp nhận lối mòn” trong cách sống, trong suy nghĩ,
để tìm ra được cách tốt nhất đi theo Thầy Giêsu.
1/ Không chấp nhận lối mòn
suy nghĩ.
Trong Tin mừng Gioan 10, 22-39, kể sự kiện tại
Giêrusalem, nhân lễ Cung Hiến Đền Thờ, Chúa Giêsu xưng mình là Con Thiên Chúa
trước mặt những người Do Thái, vì thế họ đã lượm đá để ném Chúa Giêsu, nhưng
Người đã thoát khỏi tay họ. Sau đó Chúa Giêsu nghe tin Lazarô qua đời, và Người
quyết định trở lại Giêrusalem, để hồi sinh cho anh, thì bị các môn đệ ngăn cản:
“Thưa Thầy, mới đây người Do Thái tìn cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó
sao? Thế nhưng Người vẫn cương quyết đi, chính lúc này thánh Tôma đã tỏ thái độ
ủng hộ Chúa Giêsu: “cả chúng ta nữa, chúng ta cùng đi để cùng chết với Thầy”.
Điều này cho thấy, thánh nhân là một mẫu người, không chấp nhận lối mòn suy
nghĩ, không chấp nhận một kiểu định kiến, không chấp nhận điều gì mà không thử
sức mình, đây là kiểu đặc trưng của dân tộc Do Thái, cho đến hôm nay họ vẫn vậy.
Còn chúng ta thì sao? phải chăng chúng ta dễ bị bước tường định kiến ngăn chặn
bước tiến của chúng ta, trên con đường đức tin, con đường sống đạo, và ngay cả
trên con đường học tập và sự nghiệp.
2/ Không chấp nhận làm điều
mình không hiểu.
Sự kiện diễn ra ở chương 14 Tin mừng Gioan,
khi Chúa Giêsu loan báo cuộc ra đi của Người là để dọn chỗ cho các ông, để các
ông cùng ở với Người, và Chúa Giêsu khẳng định: “Thầy đi đâu, anh em biết đường
rồi”. Nơi ở, đường đi, điều này làm cho các ông rối trí, thế nhưng không một ai
dám hỏi lại Người. Nhưng Tôma thì khác, ông không chấp nhận làm điều mình không
hiểu, không làm điều mình không biết, vì thế Tôma đã mạnh dạn hỏi Chúa Giêsu
thay cho anh em: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được
đường?” Nhờ câu hỏi này mà các môn đệ và cả chúng ta hôm nay nữa đã được Chúa
Giêsu đưa ra câu định nghĩa thời danh: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống.
Không ai có thể đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy”. Vâng chúng ta hãy cám
ơn Tông đồ Tôma, vì nhờ ông mà hôm nay chúng ta hiểu ra con đường Giêsu, và dám
sống cho sự thật, có biết bao người kitô hữu chân chính, thà ngheo, thà khổ, vì
can đảm đi trên con đường Giêsu.
3/ Không chấp nhận niềm tin
áp đặt, nhưng phải tự mình khám phá
Trong ngày mừng kính Thánh Tôma hôm nay, với
sự trân trọng và yêu mến, hẳn là những gương sáng, những nhân đức hay con đường
linh đạo của ngài, sẽ được phơi bầy ra cho cộng đoàn học hỏi chứ không phải là
những khuyết điểm của vị thánh. Trong lập luận đó, chúng ta nhìn vào bài Tin mừng
hôm nay. Lần hiện ra lần thứ nhất không có Tôma, điều này cho phép chúng ta hiểu,
ngài đã đi vào nơi thanh vắng để khám phá lại những gì đã xẩy ra cho Thầy của
mình. Nếu như hai môn đệ trên đường Emmau phải được Chúa Giêsu Phục Sinh cắt
nghĩa kinh thánh, mới hiểu được mọi điều đã được loan báo về Đức Giêsu, thì có
thể chính Tôma, đã tự mình khám phá ra điều đó. Vì thế khi thánh Tôma nói: “Nếu
tôi không thấy dấu đanh nơi bàn tay Ngài, và không xỏ ngón tay vào các lỗ đinh,
và không đặt bàn tay tôi vào cạnh sườn Ngài, thì tôi không tin” (Ga 20,25), hẳn
là thánh Tôma đã khám phá ra một điều quan trọng. Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16
nói rằng: “ Tôma cho rằng, các dấu hiệu hùng hồn nhất về căn cước của Chúa
Giêsu từ nay chính là các vết thương, đó là dấu tích tỏ lộ Chúa yêu thương chúng ta biết chừng nào” (Bài
huấn từ thứ tư 27. 9. 2006) Về điều này thánh nhân không sai lầm, Cứu Chuộc
không thập giá thì không phải cứu chuộc, môn đệ chối từ thập giá không phải là
môn đệ. Vì thế 8 ngày sau, khi Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra, thánh nhân đã tuyên
xưng một cách hùng hồn nhất trong toàn thể Tân Ước: “Lạy Chúa của con, lạy
thiên Chúa của con”.
Hôm nay chúng ta mừng lễ Thánh Tôma Tông đồ,
là cơ hội để chúng ta “Tân Phúc Âm Hóa” nơi mỗi người chúng ta, nhớ đó làm mới
lại niềm tin, mới lại tình yêu và mới lại cách sống đạo, hãy nhìn vào mẫu người
Tôma, để chúng ta “Tân Phúc Âm Hóa” nơi chính mình.
Tam
Thái