Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm
Bát Nhật Phục Sinh
CHỨNG NHÂN PHỤC SINH
Lời Chúa: Lc 24, 35-48
35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy
ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. 36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng
giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!” 37 Các
ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. 38 Nhưng
Người nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? 39
Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương
có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” 40 Nói
xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. 41 Các
ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh
em có gì ăn không?” 42 Các ông đưa cho Người
một khúc cá nướng. 43 Người cầm lấy và ăn trước
mặt các ông. 44 Rồi Người bảo : “Khi còn ở với
anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các
sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” 45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh
Thánh 46 và Người nói: “Có lời Kinh Thánh
chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại;
47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn
dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.
Suy niệm:
Lại một lần nữa Đức Kitô lại hiện ra với các môn đệ,
lần này Ngài không hiện ra đơn lẻ với từng người như đã hiện ra với Maria, với
hai môn đệ trên đường Em-mau, nhưng hiện ra với số đông các môn đệ, các tông đồ
đang hội họp để tàn tán về sự phục sinh của Đức Giêsu.
Tin mừng Lu-ca hôm nay thuật lại rằng, khi các ông
đang bàn tán với nhau về sự phục sinh của Ngài, thì Ngài hiện ra với họ. Điều
này cho thấy rằng, lòng tin vào Đức Kitô phục sinh không phải đã có nơi tất cả
những người đã từng theo gót Đức Giêsu, có người tin, nhưng cũng có kẻ cứng
lòng, họ rất khó chấp nhận điều mà những bạn hữu của mình đã kể về Đức Kitô phục
sinh.
Chính trong bối cảnh đó, Đức Giêsu hiện ra với các
tông đồ, để khắc phục tình trạng yếu lòng tin nơi các ông (x. cc 36-43) bằng những
dấu chỉ cụ thể chứng tỏ Ngài đã phục sinh. Điều đầu tiên mà các ông cần đó là sự
bình an “Bình an cho anh em”, bởi lẽ trước một biến cố lạ thường ngoài sức tưởng
tượng của con người, thì hoang mang, lo lắng, sợ hãi là điều khó tránh khỏi.
Bình an là điều quan trọng lúc này, sự bình an chỉ có thể là toàn vẹn khi chính
điều các ông đang hoang mang, khó hiểu ấy được thể hiện và chứng thực cách sống
động. Chính Đức Giêsu đã đi bước trước để tháo cởi những hoài nghi và lo lắng nơi
lòng các ông: ““Sao lại hoảng hốt? Sao
lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem,
ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” Nói xong, Người đưa tay
chân ra cho các ông xem. Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ
ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?” Các ông đưa cho Người một
khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông”. Các môn đệ không chỉ
được chứng kiến tận mắt, nhưng được rờ tận tay. Như vậy thì còn gì để ngờ vực nữa,
còn gì để lo lắng hoang mang nữa.
Chúng ta ngày nay, không được diễm phúc thị kiến Đấng
phục sinh như các tông đồ xưa, nhưng qua dòng lịch sử với ánh mắt đức tin của
bao thế hệ trong Giáo Hội, ta có thể cảm nếm được Đấng Phục Sinh bằng đôi mắt đức
tin nơi mình. Các cử hành phụng vụ về cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Giêsu,
Chúa chúng ta, cũng như những mạc khải Kinh Thánh giúp tâm hồn ta sống lại cuộc
gặp gỡ ấy. Tuy vậy, niềm tin nơi ta không tự mình mà có, nhưng có được là nhờ
tác động của Thánh Linh, Đấng bảo trợ khác mà Đức Kitô đã ban cho nhân loại.
Quả thế, Các môn đệ đã thấy Chúa Phục Sinh cách tỏ
tường, nhưng tâm trí các ông còn mụ mẫm, chưa thể hiểu thấu được những mạc khải
của Thiên Chúa. Hai môn đệ trên đường Em-mau cho ta thấy điều đó (x. cc 25-27),
dù đã được nghe Đức Kitô dùng Kinh Thánh để nói về Ngài. Chính lẽ đó, Đức Kitô
giúp các ông hiểu rõ Kinh Thánh, tức là những điều Thiên Chúa đã mạc khải với
cha ông họ phải được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi (x. cc 44-46): “Một Đức Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày
thứ ba, từ cõi chết sống lại”. Và kèm theo đó, Đức Giêsu đã xác định nhiệm
vụ của các ông là làm chứng Ngài đã phục sinh. Chỉ khi các ông hiểu rõ về chân
lý mạc khải, kèm theo những việc chứng kiến Đấng Phục Sinh thì các ông mới can
đảm ra đi, đi trong niềm hoan lạc và lòng xác tín, đầy can đảm. Đọc sách công vụ
tông đồ sẽ giúp ta khám phá ra lòng can đảm và niềm xác tín ấy của các môn đệ.
Chúng ta ngày nay cũng vậy, cũng được mời gọi ra
đi: “Chính anh em là chứng nhân những điều này”. Các môn đệ được lệnh ra đi từ
Giê-ru-sa-lem, là trung tâm của sự gặp gỡ mà đến với muôn dân, vậy người tín hữu
chúng ta ra đi từ đâu? Ngày nay Hội Thánh hằng nhắc nhở con cái mình, hãy sống
“chứng nhân” hơn lời nói. Thế thì, mỗi người chúng ta cần ra đi nơi chính con
người của mình, ra đi nơi chính lối sống lành thánh nơi mình, ra đi từ ngôi nhà
của mình bằng những gương lành đầy thuyết phục, để cho mọi người xung quanh,
hay những ai gặp gỡ đều nhận ra giá trị chân thật của niềm tin Công Giáo. “Lời
nói gió bay, gương bày lôi cuốn” là vậy. Chứng nhân phục sinh là thế đó, rất
đơn giản nhưng cũng không phải dễ làm, đòi hỏi nơi mỗi người Ki-tô hữu niềm tín
thác, khiêm nhu để nhận lãnh sự trợ lực của Thánh Thần.
Lạy Chúa Kitô Phục Sinh là niềm tin, niềm hoan lạc
cho chúng con, xin ban ơn trợ lực cho niềm tin yếu kém của chúng con, để nhờ
Ngài chúng con thành những chứng nhân không do trí lực của mình, nhưng do tình
yêu thương của Chúa hướng dẫn. Amen!
(Xuân Hạ, OMI)