Thứ
Tư Tuần Bát Nhật Phục Sinh
ĐƯỜNG VỀ EMMAU
Lời
Chúa: Lc 24, 13-35
13 Vào ngày thứ nhất
trong tuần, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmau,
cách Giêrusalem chừng mười một cây số. 14 Họ trò chuyện với nhau về
tất cả những sự việc mới xảy ra. 15 Đang lúc họ trò chuyện và bàn
tán, thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ. 16 Nhưng mắt
họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. 17 Người hỏi họ: “Các anh vừa
đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.
18 Một trong hai người
tên là Clêôpát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà
không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay”. 19 Đức
Giêsu hỏi: “Chuyện gì vậy? Họ thưa: “Chuyện ông Giêsu Nadarét. Người là một ngôn
sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân.
20 Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người
bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. 21 Phần chúng
tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israen. Hơn nữa
những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. 22 Thật ra, cũng có
mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra
mộ hồi sáng sớm, 23 không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy
thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. 24 Vài người trong nhóm
chúng tôi đã ra mộ và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ
không thấy”.
25 Bấy
giờ Đức Giêsu nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh
thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! 26 Nào Đấng Kitô lại chẳng phải
chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” 27
Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những
gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.
28 Khi tới gần làng họ
muốn đến, Đức Giêsu làm như còn phải đi xa hơn nữa. 29 Họ nài ép Người
rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn”. Bấy
giờ Người mới vào và ở lại với họ. 30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm
lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. 31 Mắt họ liền mở
ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. 32 Họ mới bảo nhau:
Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng
chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?”
33 Ngay
lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu
đang tụ họp tại đó. 34 Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy
thật rồi, và đã hiện ra với ông Simôn”. 35 Còn hai ông thì thuật lại
những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ
bánh.
SUY
NIỆM
Mỗi ngày trong cuộc mưu sinh, chúng ta lại đi trên những con
đường. Có con đường đến trường, đường đến chợ, đến công ty, nhà máy... Có con
đường gồ ghề sỏi đá, lại có con đường cát trắng mịn màng. Mỗi con đường đều ghi
dấu
những kỷ niệm đáng
nhớ như “con đường Duy Tân cây dài bóng
mát” hay “con đường có lá me bay, chiều
chiều ta lại cầm tay nhau về”. Và trừu
tượng hơn nữa còn có con đường thiêng liêng, đường hạnh phúc, đường hy vọng và
con đường giải thoát. Hôm nay cùng với hai môn đệ trên đường
trở về làng Emmau, chúng ta
cũng đi để gặp gỡ Đấng Phục Sinh.
Buổi chiều hôm ấy,
một môn đệ có tên là Cléophas và một người bạn rời Giêrusalem để trở về quê ngang qua làng Emmau. Suối quãng đường dài khoảng 28 cây số, cả hai
đều mang tâm trạng hoang mang buồn bã, họ
mất hết định hướng vì niềm hy vọng đã tan tành, nhưng họ đã gặp một người khách
cùng đi trò chuyện và giải thích về các biến cố trong Kinh Thánh có liên quan Đức Giêsu. Môn đệ có tên là Cléophas đã ân cần nài nỉ vị khách mới quen vào nhà dùng bữa
tối đạm bạc và một điều bất ngờ đã xảy ra. Họ đã nhìn thấy Chúa Giêsu Phục Sinh
thật sống động, cái nhìn này soi sáng vào nỗi thất vọng khiến họ được biến đổi
hoàn toàn. Và kìa họ lại lên đường trở lại Giêrusalem với niềm phấn khởi tràn
trề, họ đã nói và làm chứng về Đấng Phục Sinh. Hy vọng đã cho họ can đảm lên
đường giữa mệt nhọc và đêm tối.
Đường về Emmau khởi
đi là sự buồn bã, nặng nề nhưng kết thúc là niềm vui trào tràn vì hai môn đệ đã
tìm ra được ý nghĩa cho cuộc đời mình. Khởi đi, họ mang theo hình ảnh Thầy
Giêsu còn nằm im trong mồ đá đã ba ngày nhưng khi trở về, các ông gặp được Thầy
Giêsu thật sống động, thân thiết như thuở nào. Khởi đi là dáng vẻ u buồn của
mùa đông nhuốm màu tang tóc, nhưng khi trở lại các ông bắt gặp mùa xuân trẻ
trung tươi mới đầy hứa hẹn. Hy vọng lớn lao đã bùng vỡ sau cuộc Phục Sinh vinh
quang vì Thầy Giêsu đã chiến thắng thế gian và sự chết.
Tiến trình
gặp gỡ và nhận ra Đấng Phục Sinh của hai môn đệ trên đường Emmau trải qua từng
bước. Trước hết là sự lắng nghe, kế đến là gặp gỡ, hiểu và tin. Lúc đầu cả hai
ông đều không có khả năng liên tưởng, xâu chuỗi các sự kiện ở Cựu ước với Tân
ước nên Đức Giêsu trách khéo “Các
anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ
hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” Sau khi được Đức Giêsu gợi mở, được
nhìn thấy cử chỉ “bẻ bánh” quen thuộc, hai ông nhớ lại tất cả và nhận ra Đấng
Phục Sinh.
Biết bao lần trong
cuộc sống chúng ta cũng từng đi trên “con đường Emmau” với nỗi chán chường đè
nặng vì gặp thất bại trong công việc làm ăn, thất vọng vì bị phản bội, bị bóng
tối tội lỗi. Đôi mắt
chúng ta có thể bị che mờ bởi tiền bạc, chức quyền danh vọng hay vẻ quyến rũ
của thế gian. Để nhận ra sự hiện diện của Chúa đòi hỏi chúng ta phải có thái độ khiêm tốn lắng nghe lời Chúa dạy
và khám phá ra thánh ý Chúa qua những biến cố đang xảy ra hàng ngày. Khi chưa gặp
Chúa, mỗi người
đều đi trên con đường của riêng mình, nhưng khi gặp Chúa, chúng ta có thể lội
ngược dòng mà đi trên con đường Chúa muốn. Khi chưa gặp Chúa, chúng ta thường
suy nghĩ và hành động theo sở thích, chỉ khi có ơn Chúa trợ giúp, chúng ta mới
quảng đại cho đi, mới dấn thân vì hạnh phúc của tha nhân.
Thánh Augustinô
thành Hippone đã chỉ cho chúng ta khi đối diện với những nỗi sợ hãi là ngay lúc
ấy hãy hát lên lời ca “Allêluia” để một ngày kia
chúng ta có thể hát với niềm xác tín bình an ở trên trời. Hát không phải để thư
giãn, nhưng để nâng đỡ những khó nhọc của chúng ta. Hát trên đường đi, hát với
niềm hy vọng cho dù hy vọng ấy mỏng manh như làn khói. Hát với tất cả nỗi lòng
của mình cùng với anh chị em, với cộng đoàn. Đừng lười biếng, đừng đầu hàng vô
điều kiện vì như Thánh tông đồ Phaolô nói rằng: “Thiên Chúa là Đấng trung tín và Người không để cho chúng ta bị thử
thách vượt quá sức lực của chúng ta” (1 Cr 10, 13).
Người kitô hữu không
có lý do gì để thất vọng vì Thiên Chúa của chúng ta đã chiến thắng tất cả, đã
đánh đổi mạng sống mình để chuộc lấy chúng ta. Và hơn thế “Thánh Thần của Đấng đã làm cho Đức Kitô sống lại từ cõi chết sẽ ban sự
sống cho thân xác chúng ta” (Rm 8, 11). Thật thế, sức mạnh của Chúa Thánh
Thần đã giúp Đức Giêsu vượt qua cõi chết thế nào thì cũng đưa chúng ta thoát
khỏi mọi đau khổ như vậy. Cuộc Phục sinh của Chúa Giêsu chính là ánh bình minh
xua tan bóng tối sự chết, ánh sáng ấy còn chiếu soi vào mọi ngóc ngách trong
tâm hồn chúng ta. Đức Giêsu
Phục Sinh đã cất đi chiếc khăn tang u buồn bao trùm lên vũ trụ mà thay vào đó
màu nắng mới huy hoàng rực rỡ.
Ngày nay Chúa Giêsu Phục sinh cũng đang hẹn hò và chờ đợi chúng ta không chỉ ở Giêrusalem mà trong thánh lễ mỗi ngày, qua Bí tích Thánh Thể, qua Lời
Chúa, chúng ta sẽ được gặp và được Người nâng đỡ để vượt qua mọi sợ hãi và sóng
gió của cuộc sống trần gian, đem đến cho chúng ta
niềm vui hân hoan.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin ở lại với chúng con lúc này vì
nếu không có Chúa chúng con cảm thấy đường về xa xôi thăm thẳm. Không có Chúa
chúng con không có sức mạnh để chiến đấu với tội lỗi và sự yếu hèn. Xin ban cho
chúng con niềm vui và ơn thánh để vững bước trên hành trình đi về miền hạnh phúc vĩnh cửu là chính
Chúa. Amen.
Nt. Maria Anh Thư, OP