Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần II Phục Sinh
CHUYỆN DƯỚI ĐẤT
LỜI CHÚA: Ga 3, 31-36
31 Đấng từ
trên cao mà đến thì ở trên mọi người; kẻ từ đất mà ra thì thuộc về đất và nói
những chuyện dưới đất. Đấng từ trời mà đến thì ở trên mọi người;32 Người
làm chứng về những gì Người đã thấy đã nghe, nhưng chẳng ai nhận lời chứng của
Người.33 Ai nhận lời chứng của Người, thì xác nhận Thiên Chúa là
Đấng chân thật.34 Quả vậy, Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói
những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn.35
Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người.36 Ai
tin vào người Con thì được sự sống đời đời; còn kẻ nào không chịu tin vào người
Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ
ấy."
SUY
NIỆM: “Đấng từ Trời mà đến thì ở trên mọi người ?” (Ga 3,31)
1. Có lẽ không ít người trong tôi, bạn, anh chị
và quý vị cảm thấy khó hiểu, khó cảm nhận với Tin Mừng hôm nay. Nhưng nếu đặt
trong mạch văn(từ câu 22), ta có thể thấy rằng: Gioan Tẩy giả đang nỗ lực giải
thích về ý nghĩa phép rửa ông thực hiện tại E-nôn (sự việc gây ra cuộc tranh luận
giữa môn đệ ông và một số người Dothái) và vai trò cao trọng của Chúa Giêsu. Có
thể mạch văn chỉ là ý đồ của soạn giả Tin Mừng thứ tư, nhưng chắc chắn hàm chứa
thông điệp Tin Mừng trong đó.
Hơn nữa, đặt trong khung cảnh phụng vụ mùa
Phục sinh, việc chân nhận sự khác biệt thấp với cao, trời với đất, lời Thiên
Chúa và lời người phàm, chúng ta càng được thúc đẩy đi sâu và cuộc gặp gỡ, vào
giờ suy niệm Lời Chúa.
2. Lẽ thường, óc tò mò và thói đố kỵ của con
người luôn cản bước họ tận hưởng trọn vẹn những mới mẻ, những đẹp đẽ vốn được
khởi phát từ sự ngạc nhiên trước những điều xem ra vượt quá khả năng tưởng suy
của họ. Còn nhớ, khi về quê Nadarét rao giảng, Chúa Giêsu gây ra sự ngạc nhiên
và thu hút lớn nơi người đồng hương; nhưng chẳng mấy chốc sau đó, Ngài bị coi
thường vì những người này không đánh giá cao gốc gác và nhân thân của Ngài (x.
Mc 6, 1-6).
Chuyện dưới đất là vậy. Và còn nhiều điều
khác nữa. Chẳng hạn như thói cậy quyền, cao ngạo; thói ganh đua chiếm giữ chữ nhất càng nhiều càng tốt, càng lâu càng
tốt trong các lãnh vực; thói khoe khoang và tự tôn đôi khi lố bịch, dù thường
là tinh vi. Nguy hiểm nhất là não trạng loại trừ (diệt trừ nếu cần) khi sự giàu
có, danh tiếng, uy tín và cả các hành vi tội lỗi xấu xa bị của mình bị vạch trần;
hoặc tham vọng bản thân có nguy cơ vụt mất. Chuyện
dưới đất, đôi khi đáng thương biết chừng nào. Bởi đó là những chuyện đưa
con người vào chỗ chết, đẩy xã hội vào vòng xoáy của hủy diệt.
3. Hơn ai hết, Thiên Chúa giàu lòng xót thương
thấu tỏ tình cảnh đáng thương, đáng nguy của các chuyện dưới đất, nên Ngài đã sẵn lòng hiến dâng Con Một làm đấng cứu
chuộc loài người – những kẻ ở dưới đất và
đang thuộc về đất. Qua cuộc khổ nạn,
phục sinh và lên trời vinh hiển, Chúa Giêsu trở thành đấng trung gian, làm làm
người dẫn đường con người lên cao,
nơi Thiên Chúa Ba Ngôi hiển trị.
Phụng vụ Lời Chúa mùa Phục Sinh cho thấy rõ
tính thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất của các đối tượng khác nhau. Đồng
thời, cũng cho thấy sức sống, niềm vui và sự năng động của những ai tin vào người Con, đón nhận vị trí ở trên mọi người của Người và nhận lời chứng của Người.
Tôi, bạn, anh chị, quý vị và các bạn ?
Chúng ta đang ở đâu ? thuộc về đất, nói những chuyện dưới đất, để cho những
chuyện dưới đất lôi kéo và làm chủ mình ; hay thuộc về Đấng từ trên cao, cũng
được sai đi loan báo Tin Mừng, được lãnh nhận Thần khí vô ngần vô hạn để nói Lời
của Thiên Chúa ?
4. Lạy Chúa Giêsu chấp nhận đi xuống đất với
con để nâng con lên với Chúa, con thực sự muốn được thuộc về Chúa, thật sự nói
Lời của Chúa (chứ không phải lời của con) trong hành trình loan báo Tin Mừng.
Xin đến với con, xin thanh tẩy và thánh hóa con bằng lửa yêu thương và hồng ân
vô ngần vô hạn của Thánh Thần. Amen.
Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng
Dòng Đa Minh Thánh Tâm