Suy
Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Bát Nhật Phục Sinh
MẺ CÁ LẠ
LỜI
CHÚA: Ga 21, 1-14
1 Bấy giờ Đức Giêsu lại tỏ
mình ra cho các môn đệ ở biển hồ Tibêria, Người tỏ ra như thế này. 2Ông Simon Phêrô, ông Tôma gọi là Điđymô, ông
Nathanaen người Cana miền Galilê, các người con ông Dêbêđê và hai môn đệ khác nữa,
tất cả đang ở với nhau. 3 Ông Simon
Phêrô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây”, các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với
anh”. Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.
4 Khi
trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển nhưng các môn đệ không nhận ra đó
chính là Đức Giêsu. 5 Người nói với
các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các ông trả lời: “Thưa không”. 6Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn
thuyền đi, thì sẽ bắt được cá”. Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên
nổi, vì lưới đầy những cá. 7 Người
môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với ông Phêrô: “Chúa đó!” Vừa nghe nói
“Chúa đó!”, ông Simon Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển.
8Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ
kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần 100
thước.
9
Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên và có cả bánh
nữa. 10Đức Giêsu bảo các ông: “Đem ít
cá mới bắt được tới đây!”. 11Ông
Simon Phêrô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một
trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. 12Đức Giêsu nói: “Anh em đến mà ăn!” Không ai
trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. 13Đức Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho các ông;
rồi cá, Người cũng làm như vậy. 14 Đó
là lần thứ ba Đức Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.
SUY
NIỆM
Một buổi chiều trên biển hồ Tibêria,
đám dân chài bận rộn với nhiều công việc, vài thanh niên đang dọn dẹp ở trong
khoang, còn mấy phụ nữ ngồi giặt và vá lưới. Nhịp sống vẫn đều đặn trôi qua, thế
nhưng các tông đồ còn cảm thấy rã rời và buồn nản sau cái chết của Thầy Giêsu.
Chẳng biết làm gì, các ông lại trở về với thuyền xưa lưới cũ chèo chống cho qua
ngày. Để xua tan không khí ảm đạm ấy, ông Phêrô lên tiếng nói “tôi đi đánh cá
đây”, các môn đệ khác đồng thanh đáp lại gợi ý của vị tông đồ niên trưởng. Và họ
ra khơi nhưng tiếc thay họ vất vả suốt đêm mà không một con cá nào dính lưới.
Khi trời đã sáng, Đức Giêsu xuất hiện
trên bãi biển trong dáng vẻ một dân chài chủ động bắt chuyện làm quen: “Này các
chú, không có gì ăn ư?”. Câu chuyện dẫn các ông đến một kinh nghiệm “thả lưới
bên phải mạn thuyền” và các ông đã bắt được rất nhiều cá đến nỗi thuyền gần như
chìm. Để bù lại công lao vất vả và để đáp lễ với bác ngư dân tốt bụng kia đã
“hiến kế”, các ông liền mở một “quán cá nướng” ngay trên bờ biển. Cá mới bắt được
còn tươi roi rói, các ông quây quần bên bếp than hồng cùng chia sẻ bữa ăn đầy ý
nghĩa. Bên bếp than đỏ hồng, mùi cá nướng bốc lên thơm phức và câu chuyện trao
đổi càng ngày càng rôm rả vì các ông chưa từng chứng kiến mẻ cá lạ lùng như thế. Trong khung cảnh đầm ấm ấy, vị khách lạ ngồi ở
giữa bẻ bánh và cá trao cho từng người. Cử chỉ thân thương ấy như một kỷ niệm lại
ùa về trong ký ức khiến các ông nhận ra vị khách đang ngồi giữa các ông chính
là Thầy Giêsu vừa sống lại từ cõi chết.
Thánh sử Gioan quả là người quan sát rất
tinh tế khi lưu ý đến hai từ “đêm tối” và “trời sáng”. Các môn đệ ra khơi thả
lưới trong đêm tối và các ông chẳng làm nên trò trống gì. Phải chăng ở đây “đêm
tối” của không gian hay còn là “đêm tối” của đức tin, đêm tối của nỗi chán chường
thất vọng. Khi ra đi trong nghi ngờ, chán nản thì các ông không thể nhận ra sự
hiện diện của Đấng Phục Sinh. Chỉ khi “trời sáng” các ông mới nhận ra những cử
chỉ thân thương gần gũi của Thầy Giêsu. Có lẽ, không bao giờ Phêrô quên được mẻ
cá lạ lùng đó, vì ông còn nhớ chính xác đã bắt được 153 con cá.
Trong cuộc sống, khi xa nhau người ta
thường nhớ về nhau với những kỷ niệm của một thời dấu yêu. Kỷ niệm ấy có thể là
những lời nói, chiếc áo, chiếc khăn hay một đồ vật mang tính cá nhân. Với các
tông đồ, kỷ niệm còn ghi đậm dấu ấn đó là cử chỉ “bẻ bánh”, cử chỉ của tình thầy
trò, tình huynh đệ và của sự sẻ chia. Cử chỉ ấy có sức lay động và biến đổi khiến
các tông đồ nhận ra đó là thầy Giêsu.
Thánh sử Gioan mô tả mẻ cá lạ lùng ở những
điểm sau: Thứ nhất, các môn đệ ra khơi lúc ban đêm trời tối, nhưng khi trời đã
sáng các ông mới bắt được cá. Thứ hai, các môn đệ phải thả lưới bên phải mạn
thuyền theo lời Chúa Giêsu chỉ dạy thì mới bắt được cá. Thứ ba, con số 153 chính là tượng
trưng cho các loài cá có ở trong lòng đại dương. Đây là con số biểu hiện tính
phong phú đa dạng. Một khi có sức mạnh và sự trợ giúp của Đấng Phục Sinh, các
môn đệ có thể thu phục và đưa dẫn được nhiều người về với Chúa.
Mẻ
cá lạ được diễn tả qua ba yếu tố về thời gian đánh bắt cá, số lượng cá và nơi
chốn thả lưới. Điều này cho thấy, Chúa Giêsu Phục Sinh đã làm thay đổi lối suy
nghĩ, công việc và cuộc sống của các môn đệ. Từ nay các ông không đánh bắt cá
lúc ban đêm nhưng là khi trời sáng. Các ông đã biết thả lưới “bên phải mạn thuyền”
và có thể bắt được nhiều vô số các loại cá mà lưới không bị rách.
Nhận ra Đấng Phục Sinh phải là điều dễ
đối với các môn đệ và đối với mỗi chúng ta. Bởi tâm trí chúng ta còn đầy những
nghi ngờ cố chấp, chúng ta không có những kỷ niệm thân thương với Chúa, còn
loay hoay trong “đêm tối” của những hẹp hòi, ích kỷ, nhát đảm và sợ hãi. Chúng
ta không chịu “thả lưới bên phải mạn thuyền”, không lắng nghe sự gợi ý của Chúa
nên không vượt qua được nỗi sợ hãi, nỗi thất vọng cô đơn. Khi chúng ta có sự gắn
bó thiết thân với một người nào đó, chúng ta dễ dàng nhận ra “tín hiệu” của người
ấy. Các môn đệ đã từng ăn uống với Chúa Giêsu, không nhiều thì ít các ông cũng
còn nhớ hành động cử chỉ của Thầy. Nhưng có lẽ kỷ niệm ấy chưa đủ sâu đậm, tình
yêu chưa đủ độ chín nên phải có cơ hội, có dấu chỉ cụ thể các ông mới nhận ra
Thầy mình.
Hàng ngày, Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn tỏ
hiện trong cuộc đời chúng ta qua những cử chỉ yêu thương. Ước gì chúng ta luôn
ghi nhớ những kỷ niệm thiết thân với Chúa, luôn khát khao tìm kiếm Ngài như Đấng
giải thoát chúng ta khỏi nỗi sợ hãi và chán chường để niềm vui Phục Sinh luôn
chiếu sáng cuộc đời chúng ta.
Giữa biển đời đầy khó khăn, đôi lúc
chúng ta cũng loay hoay mất định hướng, vất vả mà chẳng làm được việc gì. Xin
cho chúng ta biết lắng nghe và nhận ra những dấu chỉ của Chúa, biết đâu là lúc
thuận tiện, đâu là nơi chốn phải dấn thân phục vụ, để dẫn đưa nhiều người về với
Chúa.
Nt. M. Anh Thư, OP