Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Giáng Sinh

HÃY NÊN SẠCH

2011.jpg

LỜI CHÚA: Lc 5, 12-16

12 Khi ấy, Đức Giêsu đang ở trong một thành kia; có một người toàn thân mắc bệnh phong vừa thấy Người, liền sấp mặt xuống, xin Người rằng: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. 13 Người giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh hãy được sạch”. Lập tức, bệnh phong biến khỏi anh. 14 Rồi Người ra lệnh cho anh không được nói với ai, và Người bảo: “Hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được sạch, thì hãy dâng của lễ như ông Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết”.

15 Tiếng đồn về Người ngày càng lan rộng; dân chúng lũ lượt tuôn đến để nghe Người và để được chữa bệnh. 16 Nhưng Người lui vào những nơi hoang vắng mà cầu nguyện.

SUY NIỆM

Vào lúc sáng tạo, Thượng đế tạo ra muôn loài muôn vật với số tuổi thọ nhất định. Trước hết một con lừa bước tới hỏi: - Thưa Thượng đế, ngài cho con được sống bao nhiêu năm ạ? Thượng đế trả lời: - Ba chục năm, ngươi có hài lòng không? Con lừa than van: - Xin Thượng đế rủ lòng thương, đó là thời gian quá dài đối với cuộc sống đầy vất vả của con. Từ sớm đến khuya, lúc nào con cũng phải kéo xe chở hàng, xin giảm cho con ít năm thôi. Thượng đế liền giảm xuống còn 18 năm. Đến lượt con chó chạy tới. Thượng đế hỏi: - Ngươi muốn sống bao lâu? Con chó thưa: - Nếu Thượng đế cho sống lâu, chân con chắc không chạy nổi, sủa không ra tiếng, bấy giờ con chỉ chạy quanh xó nhà gầm gừ. Thượng đế nghe thấy thế liền cho chó sống khoảng 10 năm. Thượng đế lần lượt quy định số năm sống cho từng con vật.

Cuối cùng, với dáng vẻ khỏe mạnh và  vui tươi, con người tiến đến xin Thượng đế ban cho tuổi thọ. Thượng đế nói: - Ta cho ngươi sống ba mươi năm đã đủ chưa? Con người giãi bày: - Ba mươi năm quả là thời gian ngắn ngủi. Lúc ấy con chưa được thưởng thức điều gì, con mới trồng cây chưa kịp ăn quả, xin tăng thêm tuổi thọ cho con. Thượng đế nói: - Ta cho ngươi sống hơn tuổi của con lừa, con chó và nhiều con vật khác nữa. Ngươi sẽ sống một thời gian vừa đủ để nếm trải mọi vui buồn cay đắng lẫn ngọt ngào hạnh phúc, bởi vì ta yêu con người hơn tất cả.

Được sống lâu, mạnh khỏe và hạnh phúc là khát vọng ngàn đời của con người. Người bệnh phong trong Tin Mừng hôm nay sống mà như không tồn tại. Thời Chúa Giêsu, người mắc bệnh phong bị loại ra khỏi cộng đồng xã hội. Họ bị cô lập và không được giao tiếp với ai. Người mắc bệnh phong không chỉ mang nỗi đau về thể lý mà còn bị tổn thương về tinh thần, họ phải chịu sự khinh miệt của người xung quanh. Đi tới đâu, họ cũng phải la lớn ‘Tôi mắc bệnh phong’ để người khác biết mà tránh xa. Bệnh phong bị xem như di chứng của tội lỗi xấu xa. Vì vậy khi chữa bệnh xong, Đức Giêsu đề nghị anh hãy đi trình diện với tư tế, để anh được công nhận, được sống hòa nhập với cộng đồng.

Khi giơ tay chạm đến người bệnh phong, Đức Giêsu diễn tả cử chỉ của Thiên Chúa Đấng cứu vớt, chữa lành con người. Người bệnh phong bị xã hội loại trừ xa lánh, họ như rơi xuống vực thẳm của sự tủi nhục. Đức Giêsu đã đưa tay nâng họ lên khỏi hiện trạng ô nhục. Con Thiên Chúa cúi xuống nâng con người dậy từ tình trạng thấp hèn, từ bất hảo sang hoàn hảo, từ bất chính sang công chính.

Con người ta ai cũng có phẩm giá vì được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Bị loại trừ ra khỏi xã hội cũng chính là bị tước mất phẩm giá, không còn được tôn trọng và yêu thương. Với sứ mạng là Đấng Thiên Sai, Đức Giêsu đến nâng con người lên, trả lại cho họ phẩm giá nguyên vẹn của buổi đầu sáng tạo. Người không đến để phá hủy nhưng để kiện toàn, không đến để giết chết nhưng làm cho sống, đến để yêu thương và cứu chuộc con người.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay là lời mời gọi đầy hy vọng cho mỗi người chúng ta. Cách nào đó chúng ta cũng là tội nhân, cũng đang mang trong mình căn bệnh thể lý hoặc tinh thần. Vì thế chúng ta cần được chữa lành, được yêu thương và được tôn trọng. Lời Chúa cũng mời gọi chúng ta khiêm tốn nhìn nhận những giới hạn của chính mình mà biết tôn trọng người khác.

Thiên Chúa là Đấng tự hữu và viên mãn, nhưng nơi Người có một điểm yếu đó là yêu thương loài người đến quên cả thân mình. Thánh Gioan đã định nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 16), hay nói cách khác yêu thương là bản tính của Thiên Chúa. Người luôn thi hành sứ mạng yêu thương cho dù phải hy sinh cả Người Con Một để cứu chuộc nhân loại. Chúng ta cũng được mời gọi sống yêu thương như Thiên Chúa. Điều này chỉ xảy ra khi chúng ta biết khiêm tốn nhìn nhận hiện trạng con người của mình. Người bệnh phong hôm nay tỏ rõ nỗi khát vọng được chữa lành. Vừa thấy Đức Giêsu, anh liền sấp mặt xuống đất nài xin được chữa lành (c. 12). Khi con người khiêm tốn cầu xin thì Thiên Chúa sẽ đưa tay nâng đỡ, cứu giúp thoát khỏi mọi chứng bệnh và nỗi sầu khổ.

Đây là phép lạ thứ hai Đức Giêsu thực hiện khi Người khởi sự sứ vụ công khai tại miền Galilê. Người thi hành sứ mạng của Đấng Thiên Sai, đến giải thoát con người khỏi sự kìm kẹp của đau khổ, tội lỗi và sự chết. Được chữa khỏi bệnh phong, người đàn ông như vừa sống lại từ cõi chết. Anh đi trình diện với tư tế như là cách để được xã hội công nhận, được tôn trọng phẩm giá và được yêu thương. Anh đi dâng của lễ như ông Môsê truyền để làm chứng cho mọi người biết anh đã được sạch (c. 14).

Khi chữa lành cho người bệnh phong, Đức Giêsu chứng tỏ quyền năng khôn lường của Thiên Chúa. Người làm chủ thiên nhiên vũ trụ, điều khiển ma vương quỷ thần. Người không chữa bệnh để được ái mộ tôn vinh theo kiểu thế gian nhưng muốn cho con người được chạm đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Mẹ Têrêsa Calcutta cảm nhận rằng: “Sự toàn năng của Thiên Chúa là toàn năng của sự hiện diện”. Thiên Chúa Đấng quyền năng, khôn ngoan vô lượng nhưng lại hiện diện cách âm thầm khiêm tốn. Người tràn đầy sức mạnh nhưng lại giới hạn mình trong sự tự do của con người. Người có vẻ như vắng mặt nhưng lại thật gần gũi. Người giàu có vô lượng nhưng lại trở nên nghèo khó để chia sẻ thân phận con người. Người vừa kín đáo vừa rộng mở; vừa công thẳng vừa độ lượng.

Đứng trước quyền năng vô hạn của Thiên Chúa, con người chỉ biết ca ngợi tán dương. Thiên Chúa trao cho con người trách nhiệm phải chăm sóc công trình tay Chúa sáng tạo. Thiên Chúa không ngừng gieo vãi tràn lan những hạt giống tốt lành trong gia đình nhân loại chúng ta. Trải qua cơn đại dịch với nhiều thương vong, Thiên Chúa vẫn không ngừng mời gọi chúng ta tiếp tục tiến bước trên những nẻo đường hy vọng. Hy vọng nói với chúng ta về một nỗi khát khao, một cảm hứng, một mong ước đời sống viên mãn, đạt đến những điều cao cả, vẻ đẹp của sự linh thánh, công lý và tình yêu...(x. Fratelli Tutti, số 54-55).

Thế giới này không của riêng ai, nhưng của tất cả chúng ta, mọi người đều phải có trách nhiệm ghé vai gánh vác. Đừng vội dừng chân, đừng nghỉ ngơi trong khi người bên cạnh chúng ta còn đang lao đao với nhiều sóng gió. Thánh Phaolô tông đồ quả là người thực tế khi nói “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô” (Gl 6, 2). Luật của Chúa chỉ gói gọn trong một tiếng ‘yêu thương’. Bởi lẽ lòng kính sợ Thiên Chúa không nằm ngoài việc yêu thương con người. Thiên Chúa cần đôi tay của bạn để xoa dịu băng bó những vết thương, cần đôi chân của bạn để ra đi phục vụ người nghèo, cần con tim của bạn để đồng cảm với nỗi thống khổ của con người.

Trong xã hội hôm nay, sự sống của con người đang bị đe dọa bởi những tai ương, bởi sự hận thù ghen ghét do chính con người gây ra cho nhau. Càng ngày ta càng nhận thấy sự sống mong manh vô thường. Người ta xông pha dọc ngang bốn bể nhưng lại cảm thấy bất lực trước một cơn bạo bệnh, ngã gục trước một thứ “vi – rút” vô hình vô tướng. Thánh Irênê đã xác tín “Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống”. Vì thế, ta hãy trân trọng và bảo vệ món quà sự sống Chúa đã ban và có thái độ sống xứng hợp với tình thương của Người.

Lạy Chúa Giêsu, chúng ta cảm tạ Chúa vì hồng ân được làm người, làm con cái Chúa trong gia đình Giáo hội, xin cho chúng con biết trân quý những gì đã lãnh nhận và nỗ lực làm trổ sinh hoa trái yêu thương trong đời sống. Amen.

Nt. M. Anh Thư, OP


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba tuần I Mùa Chay - Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần I Mùa Chay_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Sau Lễ Hiển Linh_Nt. Maria Nguyễn Kim Khánh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Sau Lễ Hiển Linh_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Sau Lễ Hiển Linh_Nt. Maria Trần Thị Thu Trang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Sau Lễ Hiển Linh_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Sau Lễ Hiển Linh_Lm. Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Sau Lễ Hiển Linh_ Nt. Maria Phạm Thực

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Sau Lễ Hiển Linh_ Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư sau lễ Hiển Linh - Lm Minh Anh
     Suy niệm về Lễ Hiển Linh truyền giáo - Tu sĩ Michael Moore, OMI
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư sau lễ Hiển Linh - Nt. Anna Kiều Thị Kim Luyến SSS
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Sau Lễ Hiển Linh - Lm Minh Anh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Sau Lễ Hiển Linh_Lm. Minh Anh
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Chúa Hiển Linh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Chúa Hiển Linh_LM ĐAN VINH
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Sau Lễ Chúa Giáng Sinh - Nt.Maria.Thiên Thảo SJP
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa - Lm.Giuse Đỗ Đức Trí