THỨ TƯ TUẦN II PHỤC SINH
“Tâm địa mờ ám thì nơm
nớp lo sợ”
Tin Mừng Ga 3,
16-21
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: “Thiên
Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con
của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không
sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của
Người mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy, thì không bị luận phạt. Ai không tin
thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa và đây là án
luận phạt: là sự sáng đã đến thế gian và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự
sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự
sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách,
nhưng ai hành động trong sự thật, thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được
sáng tỏ, là họ đã hành động trong Thiên Chúa”.
Suy niệm
Trong con người luôn có sự phân tranh
giữa các mặt đối lập như: bóng tối và ánh sáng, gian dối và sự thật, sợ hãi và
bình an,…Chúng ta ngả theo chiều nào thì cuộc đời của chúng ta cũng sẽ được thể
hiện ra theo chiều hướng ấy. Cụ thể, nếu tâm địa cứ ngả theo những tư tưởng ám
muội tối tăm thì cuộc đời của chúng ta cũng sẽ cứ mãi sống trong cảm giác nơm nớp
lo sợ và bất an.
Qua cuộc nói chuyện với ông Nicôđêmô
trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã giúp chúng ta hiểu điều ấy khi Người
nói rất rõ ràng: “Ai hành động xấu xa thì
ghét sự sáng và không đến cùng sự sáng, vì sợ những việc làm của mình bị khiển
trách” (Ga 3,20). Những người
hành động xấu được ví như những người sống trong bóng tối. Họ yêu thích bóng tối
vì họ tưởng bóng tối có thể che dấu các hành vi ám muội của mình. Thật ra, khi
phạm tội thì người ta muốn ở trong bóng tối, nhưng nào ai có thể hoặc muốn ở lại
mãi trong bóng tối? Bóng tối ở đây có thể được hiểu là những suy tính xấu trong
lòng người. Cứ luẩn quẩn trong những suy tính xấu chắc chắn sẽ khiến người ta
nơm nớp lo sợ, vì như Chúa Giêsu đã nói, họ sợ mưu tính của họ bị phơi bày. Đây
cũng là thái độ của những người lãnh đạo Do Thái trong bài đọc thứ nhất. Họ đã
vì ganh ghét mà bắt giam hai tông đồ Phêrô và Gioan. Hành vi ám muội ấy đã khiến
họ cảm thấy “rất lúng túng, không biết rõ
công việc đã xảy đến cho các tông đồ” (Cv 5,24) khi Chúa giải thoát các
ngài cách lạ lùng. Chúa đã làm một điều lạ lùng qua đó biểu lộ ý muốn của Chúa
nơi việc rao giảng Tin mừng của hai tông đò thế mà những người lãnh đạo Do Thái
giáo lúc ấy lại cố chấp không nghe theo. Lời rao giảng của các tông đồ như ánh
sáng Chúa bừng lên soi tỏ những bóng đen u tối trong thế gian và trong cõi sâu
thẳm của lòng người. Cũng vì ánh sáng Chúa soi thấu lòng người nên những ai
chân thành và khiêm tốn thì đón nhận đuọc ơn hoán cải và chữa lành; trái lại,
những ai cố tình sống trong tội lỗi và những thói xấu của đam mê thì cảm thấy
khó chịu, cảm thấy bực tức, cảm thấy bất bình và vì thế, họ muốn dập tắt ánh
sáng của Chúa để lòng họ được an tâm trong những suy nghĩ và lối sống gian tà của
bản thân. Những tưởng có thể trốn tránh được ánh sáng của chân lý và yên ổn
trong bóng tối của những suy tính xấu xa nhưng thực tế thì họ như người tù đang
bị trói buộc trong sức mạnh của tội lỗi và phải chịu sự dày vò của lương tâm.
Quả thế, làm việc xấu thì lương tâm làm sao yên ổn được! Nếu giả như có người
cho rằng mình có yên ổn khi làm hay nghĩ điều xấu thì chẳng qua cũng chỉ là sự
yên ổn nhất thời, chỉ là việc khéo léo che đậy cảm xúc của chính mình, chỉ là sự
bình an nguỵ tạo, một lớp vỏ giả hình bề ngoài để rồi khi phải trở về với lòng
mình, khi phải đối diện với sự thật, tâm hồn ấy chẳng thể bình an. Bởi đó, ta
thấy những người làm điều xấu thường ái ngại sự thinh lặng khi ở một mình, bởi
sự thinh lặng bên ngoài là điều kiện cho lương tâm trỗi dậy chất vấn cõi lòng họ.
Đôi khi, họ cố tình làm cho mình trở nên bận rộn hay tự tạo cho bản thân một nhịp
sống xô bồ cốt là để trốn tránh tiếng nói của lương tâm. Càng sống như thế, họ
lại càng tự tạo ra cho bản thân càng ngày càng nhiều những cảm xúc tiêu cực. Những
cảm xúc ấy, nếu không được giải quyết, sẽ bị dồn nén và tạo nên sức ép lớn nơi
đương sự và sẽ khiến cuộc sống của họ trở nên tồi tệ và u tối!
Khi làm điều xấu và cố gắng che đậy
nó, tâm hồn con người chẳng thể bình an. Bản thân đương sự phải chịu nhiều áp lực
đã đành nhưng tệ hơn là lối sống của người ấy còn ảnh hưởng xấu đến những người
xung quanh. Quả thế, sống với nhau mà tâm địa đen tối thì đúng là vừa khổ cho
mình vừa khổ cho người. Thật vậy, khi làm điều xấu, người ta không muốn để người
khác biết, mượn cớ này cớ nọ để biện minh hay chối bỏ trách nhiệm. Khi có ai hỏi
đến, họ quanh co bối rối và lại tìm cách để né tránh hoặc cho qua. Trong đời sống
gia đình, làm như thế khiến người thân cận lại càng nghi ngờ và bầu khí gia
đình sẽ nên nặng nề, tương quan giữa các thành viên trở nên căng thẳng vì ai
cũng mang tâm lý cẩn trọng và đề phòng lẫn nhau. Nơi cuộc sống gia đình, đáng
lý là mỗi người phải mang niềm vui đến cho nhau thì trái lại, những thành viên
nào có những suy nghĩ xấu và làm điều mờ ám sẽ khiến chính mình và gia đình
mình rạn nứt tình thân dẫn đến kết cục là đổ vỡ và đau khổ không lối thoát!
Ý thức được lời Chúa dạy hôm nay, mỗi
chúng ta hãy cố gắng sống ngay thẳng và thành thật. Nếu có lỡ yếu đuối sai lỗi
thì can đảm nhận lỗi chứ đừng tìm cách quanh co hay trốn tránh. Cần phải hiểu rằng
nếu cứ cố tình che dấu điều xấu ta đã phạm thì sự việc vừa không thể giải quyết
lại vừa trở nên nặng nề. Nếu ngay lúc đầu không mau nhận lỗi mà cứ sống giả dối
với nhau thì khi sự việc lộ ra, đau khổ sẽ càng lớn cho cả hai phía. Do đó, hãy
cương quyết loại bỏ tâm địa mờ ám để lòng chúng ta và gia đình chúng ta được sống
trong sự bình an và hạnh phúc.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy
chúng con rằng: “Ai hành động theo sự thật thì đến cùng sự sáng” (Ga
3,21). Xin cho chúng con biết loại bỏ những
hành vi, những lời nói hay những suy nghĩ mờ ám và thay vào đó, là biết tập để
sống ngay thẳng và chân chính trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Amen.
Thực hành: Có lỗi thì
khiêm tốn nhận lỗi chứ đừng cố che đậy.
Lm.
Phêrô Trần Lê Thành Nhân