Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Vọng > Tuần 4

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG C

THĂM VIẾNG – TRAO NHAU NIỀM VUI

1229831026585528_GiangSinh20.jpgTrong cuộc sống hàng ngày, thăm viếng nhau là chuyện hết sức bình thường. Nghe tin bên nhà ông A có chuyện không may, ông B đến nhà ông A thăm hỏi, chia sẻ niềm đau. Hoặc biết nhà bà C có tin vui, bà D đon đả chạy sang góp thêm tiếng cười, chia sẻ niềm vui. Hai người hàng xóm thăm nhau, hai người bạn thăm nhau, những người trong thân tộc máu mủ, họ hàng thăm nhau, tất cả đều là chuyện bình thường của cuộc sống.

Tin mừng Chúa nhật cuối cùng của mùa vọng năm nay cũng kể cho chúng ta một cuộc viếng thăm: Đức Maria thăm viếng bà Isave. Tuy nhiên, đây không phải là một cuộc thăm viếng bình thường, một cuộc gặp gỡ giữa hai người phụ nữ mà thôi. Nhưng đây là một cuộc trao ban ơn cứu độ. Mẹ đã mang chính Đấng là Ơn Cứu Độ tuyệt đối đến cho gia đình bà Isave.

Thật vậy, với lời xin vâng của Mẹ trong ngày truyền tin, lời hứa thuở ban đầu đã trở thành sự thật. Thiên Chúa đã đến với con người để giải thoát họ khỏi án phạt của tội lỗi. Thế nhưng, khi biết mình đã trở thành Mẹ Thiên Chúa, mang trong mình Con Thiên Chúa và trước khi đem Chúa đến cho nhân loại, thì ngày hôm nay bằng hành động thăm viếng, Mẹ Maria đã đem Chúa đến cho nhà bà Isave, khiến cho Gioan cũng nhảy mừng. Nhảy mừng vì đây không phải là niềm vui bình thường, nhưng là niềm vui ơn cứu độ. Chính vì niềm vui ơn cứu độ mà Mẹ đã cất bước ra đi. Việc Mẹ Maria cất bước đâu phải việc tự nhiên. Bởi, Mẹ Maria có nhiều lý do để không ra đi, không tiến hành cuộc hành trình: nào là từ nay phải giữ gìn sức khoẻ nhằm lợi ích cho thai nhi là Con Thiên Chúa chứ không phải chuyện đùa. Nào là đường đi xa xôi, phải ít nhất bốn ngày đường mới tới nơi. Lộ trình này có nhiều rủi ro nguy hiểm nhất là cho thân gái dạm trường. Một thiếu nữ trẻ tuổi tự ý làm một cuộc hành trình dài ba, bốn ngày đường, rồi ở lại cả mấy tháng trời xa nhà xa cửa, hẳn phải là cái gì gây kinh ngạc cho người thời đó, và có thể được coi là quá đáng.

Thế nhưng, những lý do trở ngại ấy không cản được Mẹ. Mẹ đã bất chấp tất cả những cái nhìn phàm trần đó một khi muốn thực thi Thánh Ý Chúa. Lòng quảng đại của Mẹ quét sạch mọi chần chừ và lưỡng lự đó. Từ xưa, Mẹ đã quen quan tâm đến người khác hơn nghĩ đến chính mình, thì lúc này, Mẹ cũng không phải đo lường cân nhắc sự bất tiện của chuyến đi, Mẹ chỉ nghĩ đến việc cần giúp đỡ bà chị già, và Mẹ đã vội vã lên đường, băng qua đồi núi để viếng thăm và giúp đỡ bà chị họ trong những ngày tháng mang nặng đẻ đau.

Như thế, qua cuộc thăm viếng người chị họ của mình, Mẹ Maria dạy chúng ta một bài học đáng giá: Hãy mang Chúa đến với mọi người, chứ đừng mang hận thù, đừng mang những suy nghĩ đen tối về anh chị em mà hãy đến với nhau. Chúng ta hãy bắt chước Mẹ để yêu thương và chia sẻ tình yêu của bản thân với mọi người. Càng hướng tới lễ Giáng sinh, ta càng phải chuẩn bị tâm hồn thoát ly khỏi những gì làm cản trở mình đến với anh chị em. Hãy cưu mang Chúa Giêsu trong tâm hồn, để như Mẹ, ta cũng có thể mang một tâm hồn tràn ngập sự sống của Chúa Giêsu và mang chính Chúa Giêsu đến với anh chị em xung quanh. Nhờ đó, mọi người sẽ chứa chan niềm vui, chứa chan ơn thánh, chứa chan niềm hạnh phúc và bình an. Tuy nhiên, để cưu mang chính Chúa Giêsu trong tâm hồn, thì mỗi người chúng ta cần thường xuyên tra vấn chính mình, cần nhìn lại mình, kiểm điểm mình một cách cẩn thận, để nhận ra chỗ nào còn gồ ghề, chỗ nào là hố sâu, chỗ nào làm ta chưa thể đến với anh chị em, mà thành tâm sửa đổi, làm mới lại con người mình. Làm mới lại chính mình để có thể thuộc về Chúa và anh em mình. Và đó chính là biểu hiện của một tâm hồn có Chúa, cưu mang Chúa.

Ước gì qua mẫu gương của Đức Maria mỗi người chúng ta biết mở rộng lòng ra để đón nhận niềm vui đích thực là Ngôi Lời Thiên Chúa và lên đường mang niềm vui ấy đến với những người xung quanh. Cầu mong cho tình liên đới hiệp thông giữa từng người trong chúng ta ngày càng trở nên tốt đẹp hơn góp phần làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn. Ý nghĩa vì chính chúng ta cùng đón nhận và chia sẻ niềm vui đích thực, niềm vui Ngôi Hai Thiên Chúa trong dịp lễ Giáng sinh sắp tới. Amen.

TIN VÀ ĐÓN NHẬN ĐỨC GIÊSU

 LÀ THIÊN CHÚA CỨU THẾ

Lm. Giuse. Đỗ Đức Trí

Thưa quý OBACE, ngay sau khi Chúa Giêsu kết thúc sứ mạng tại trần thế, thì cũng đã có nhiều người đứng lên xưng mình là đấng cứu thế. Tại Giêrusalem, đã có những người xưng mình là đấng cứu thế nổi lên chống lại người Roma, và cuối cùng đã bị quân đội Roma kéo đến phá hủy thành Gierusalem.  Trên TV gần đây đã chiếu lại một cảnh hết sức đau thương cách đây ít năm tại Mỹ, có một người tự xưng mình là đấng cứu thế, để đưa con người đến sự giải thoát, ông đã cho tín đồ của ông uống thuốc độc để sớm về thiên đàng, khi cảnh sát đến nơi thì đã thấy trẻ con và người lớn nằm chết la liệt, chỉ một hai người còn sống sót,… và nếu nhìn lại lịch sử thế giới thì chúng ta thấy còn rất nhiều trường hợp giống như thế.

Trong khi đó người Kitô hữu chúng ta tuyên xưng một niềm tin chắc chắc và tuyệt đối vào Đức Giêsu là Đấng Cứu Chuộc duy nhất hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Sau ba tuần Mùa vọng, các ngôn sứ tiên báo xa về đấng Cứu thế, để chuẩn bị tâm hồn cho mọi người đón nhận Ngài, thì hôm nay Lời Chúa của tuần thứ IV này đã xác định rõ ràng cho chúng ta Đấng Cứu thế chính là Đức Giêsu, Người đã được sinh ra từ cung lòng Đức Trinh nữ Maria cũng chính là Con Thiên Chúa.

Tiên tri Mika là người đã chỉ rõ cho mọi người biết nơi mà Vị Cứu Thế sẽ được sinh ra: Phần người hỡi Belem Epratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc của Giuda nhưng từ nơi ngươi ta sẽ cho xuất hiện vị thống lãnh Israel. Nếu như các vị tiên tri khác trong Cựu ước chỉ tiên báo về Đấng Cứu thế, thì Mikha đã chỉ rõ nơi Người sẽ sinh ra và nhấn mạnh đến sứ mạng và nguồn gốc của Người. Nguồn gốc của Ngài là Thiên Chúa có từ trước muôn thủa, Ngài sẽ đến để tái lập lại Israel không phài chỉ là Israel cũ, mà là lập nên một dân mới mà Ngài là vị Lãnh đạo, Ngài sẽ đem đến hòa bình thật sự trong tâm hồn của con người, và thi hành tất cả những việc ấy trong quyền lực của một vị Thiên Chúa.

Và đến thời đã định, Thiên Chúa đã cho sứ thần Gabriel đến truyền tin mừng ấy cho Đức Maria. Chúng ta còn nhớ, khi giải thích cho Đức Maria về việc mang thai, thì Sứ thần đã khẳng định hài nhi sẽ được đầu thai bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần và được gọi là con Đấng Tối Cao, Ngài sẽ ngồi trên ngai vua Đavít và cai trì đời đời trên nhà Giacop và Đức Maria đã đón nhận sứ điệp ấy trong khiêm nhường sâu thẳm và trong niềm vui hân hoan tràn đầy. Chính trong niềm tin tưởng tuyệt đối vào lời sứ thần và vào quyền năng của Thiên Chúa, mà hôm nay Thánh Luca đã thuật lại niềm tin mạnh mẽ cũa Đức Maria và của gia đình Gicaria: Trong những ngày ấy Maria vội vã ra đi lên miền núi, đến một thành xứ Giudea và vào nhà ông Gicaria và chào bà Elizabeth. 

Mẹ vội vã lên đưởng vì mẹ đã tin một cách chắc chắn vào Lời Thiên Chúa nói với mẹ, mẹ không một chút hồ nghi hay băn khoăn gì về hài nhi đang ở trong lòng mẹ là Con Đấng Tối cao. Chính vì tin và dạt dào niềm vui, Mẹ đã lên đường đến với gia đình Giacaria để chia sẽ niềm vui với EliZabet, và chia sẻ Thiên Chúa cho gia đình này. Hình ảnh của Gia đình Giacaria là một gia đình già nua cằn cỗi vô sinh, nay Thiên Chúa đã trao ban niềm vui cho họ có được một đứa con trong lòng, đứa con ấy lại được chọn là vị tiền hô dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Chính vì vậy mà cuộc viếng thăm này không còn đơn thuần là cuộc viếng thăm của hai chị em nữa, mà là sự kiện Thiên Chúa đến viếng thăn dân người, của Đấng Cứu Thế, đến gặp vị tiền hô của mình.

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria với gia đình Giacaria còn là cuộc gặp gỡ của những con người tin: Đức Maria đã vì tin vào Thiên Chúa đang ở trong cung lòng của mình nên đã đem Chúa vào nhà của Giacaria và Elizabeth, và Elizabeth vừa nhìn thấy Maria, thì Gioan trong dạ đã nhảy lên vì sung sướng, vì vị tiền hô được gặp Thiên Chúa của mình, Thiên Chúa nay gặp thụ tạo của mình. Trong cuộc gặp gỡ này, bà Elizabet đã tuyên xưng một niềm tin hết sức chắc chắn khi ca tụng Đức Maria: Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi! Đây là một lời tuyên xưng được sự soi sáng của Thánh Thần bà gọi Đức Maria là Mẹ của Thiên Chúa thì đồng thời bà cũng tuyên xưng hài nhi trong lòng mẹ là chính Thiên Chúa của bà của dân tộc bà. Bà Elizabet còn ca tụng Đức Maria là con người có phúc vì đã tin, tin vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa, tin vào lời hứa cứu độ của Thiên Chúa: Phúc cho em vì đã tin rằng lời Chúa phán cùng em sẽ được thực hiện.

Khác với những người tự xưng mình là đấng cưu thế, để lôi kéo dân vào con đường chính trị hoặc vào con đường mù quáng, lầm lạc, thư Do Thái đã giải thích về vai trò của Đức Giêsu Đấng Cứu Độ nhân loại không bằng vũ trang hay quyền lực trần thế, mà Ngài đến trần gian trong sự vâng phục và yêu mến Thiên Chúa Cha, và yêu mến nhân loại đang trong cảnh lầm than. Thư Do Thái đã khẳng định vị Thiên Chúa Cứu Độ ấy đã làm người đã mang một thân xác như chúng ta và tên của Ngài là Giêsu. Chúa Giêsu đã vâng lời Thiên Chúa Cha một cách trọn vẹn và đã đến trần gian để cùng mang thân phận con người với chúng ta, và hiến dâng thân mình và cuộc đời để trở thành một hy lễ toàn thiêu dâng lên Thiên Chúa, xin ơn tha thứ cho nhân loại. Như vậy tác giả thư Do Thái cũng muốn mỗi người chúng ta tin vào Chúa Giêsu, chính là Thiên Chúa là Đấng Chúa Cha đã sai đến trần gian và là Đấng Cưu Độ của cả nhân loại chúng ta.

Thưa quý OBACE, tin và đón nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa và là Đấng Cứu độ nhân loại vẫn mãi là một đòi buộc và cũng là một thách thức cho chúng ta, vì tin vào Đức Giêsu là Thiên Chúa là điều kiện đầu tiên để được ơn cứu độ. Tin Chúa Giêsu có nghĩa là tin Ngài là Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa thật đã xuống thế làm con người thật như chúng ta, và chỉ có Ngài là Đấng cứu độ duy nhất, ngoài Ngài ra không có một Đấng Cứu Độ nào khác nữa. Tin Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ tức là chấp nhận đồng ý đưa tay ra để cho Ngài nắm lấy và kéo chúng ta đứng lên, là chấp nhận sống theo giáo lý và giới răn của Ngài. Tin Chúa Giêsu còn là yêu mến, là tin tưởng là phó thác cuộc đời cho sự dẫn dắt quan phòng của Ngài, dám để cho Ngài định liệu cho cuộc đời của mình.

Chúng ta đang sống trong năm Đức Tin, chúng ta được mời gọi tái khẳng định niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa như trong kinh Tin Kính chúng ta vẫn tuyên xưng: Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa…, và tuyên xưng đức tin của mình qua lời nói và việc làm chứ không chỉ là tin trong lòng. Nói như thánh Phaolô: Tôi biết tôi tin vào ai, và tôi biết rằng Ngài có đủ quyền năng gìn giữ và cứu độ linh hồn tôi mãi mãi. Tin vào Chúa Giêsu phải là một đức tin tinh ròng, một đức tin “nguyên chất” không pha trộn không lai tạp, tin Chúa Giêsu cả lúc thành công và cả khi thất bại, khi vui mừng và khi đau khổ, và dám sống đến cùng chọn lựa niềm tin của mình.

Ngày hôm nay cuộc sống làm ăn đầy gian dối giả trá, cái gì cũng pha, cái gì cũng giả, hàng giả hàng nhái, xăng giả xăng pha… , nếu chúng ta là những bậc cha mẹ, ông bà, chúng ta không điều chỉnh bản thân và nếp sống đạo đức của mình và gia đình, thì chúng ta và con cái cũng sẽ trở thành những thứ Kitô hữu giả, pha tạp, hàng nhái; nhiều người đã để cỗ máy cuộc đời của mình chạy bằng một thứ “xăng đức tin” pha tạp, vì thế mà có sư lẫn lộn, mù mờ trong đời sống, trong cách thờ phượng Chúa theo kiểu: Có thờ có thiêng, có kiêng có lành, và vì thế, họ vừa tôn thờ Thiên Chúa, lại đồng thời cúng bái ma quỷ và các tà thần khác, vừa theo Chúa lại vừa tin những bói toán và  kiêng kỵ những thứ nhảm nhí vớ vẩn, hoặc tin Chúa mà lại không thờ Chúa.

Hơn ai hết giới trẻ ngày nay là những người dễ bị chao đảo về đức tin, niềm tin vào Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật đang bị bào mòn, bị lung lay bởi chủ nghĩa vô thần, bởi lối sống duy khoa học, duy thực nghiệm và thực dụng, nhiều người trẻ Công Giáo đã coi đức tin như một sự cản trở con đường công danh và địa vị xã hội của mình, nên họ đã để Thiên Chúa qua một bên, và không muốn đào sâu tìm hiểu về niềm tin của mình. Thưa các bạn, Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa của chúng ta, Ngài không hề cản trở chúng ta, nhưng Ngài sẽ giúp chúng ta có thể sống để vươn tới một con người tự do đích thực, và vì không có Ngài, các bạn sẽ chẳng làm được gì, và nếu không có Ngài trong cuộc đời thì cái ác, sự dữ và cái thú tính nó sẽ chỗi dậy, điều khiển và trói buộc cuộc đời chúng ta. Chỉ khi tin vào Ngài, và để Ngài hướng dẫn, các bạn mới thực sự tự do để sống trọn vẹn con người của mình mà thôi.  Amen

CHO THÌ CÓ PHÚC HƠN NHẬN

Lm. Đan Vinh

I HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 1,39-45

(39) Hồi ấy, Bà Ma-ri-a lên đường vội vã, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. (40) Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào bà Ê-li-sa-bét. (41) Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được tràn đầy Thánh Thần, (42) liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc”. (43) Bởi đâu tôi được Thân mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? (44) Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. (45) Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”.

2. Ý CHÍNH:

Sau khi được sứ thần cho biết bà chị họ là Ê-li-sa-bét đã có thai, Đức Ma-ri-a đã vội vã lên đường thăm viếng. Cuộc viếng thăm của Ma-ri-a vừa đem lại niềm vui cho gia đình Da-ca-ri-a, vừa nói lên đức bác ái cụ thể của Đức Ma-ri-a đối với bà chị họ, khi bà sắp tới ngày sinh con. Cuộc gặp gỡ cũng đem lại ơn cứu độ của Đấng Mê-si-a cho thai nhi Gio-an, thể hiện qua sự kiện nhảy mừng trong lòng mẹ. Nhờ được Thánh Thần soi sáng, bà Ê-li-sa-bét đã nhận ra cô em Ma-ri-a chính là Mẹ của Đấng Thiên Sai và bà đã ca tụng Ma-ri-a diễm phúc vì đã tin vào Lời Chúa.

3. CHÚ THÍCH:

- C 39-40: + Đức Ma-ri-a vội vã lên đường : Sự vội vã của Đức Ma-ri-a nhằm diễn tả lòng yêu mến, muốn đi thăm viếng để chúc mừng bà chị họ và cũng chia vui với chị ơn được làm mẹ như một ơn Chúa ban đang khi bà không còn chút hy vọng có con. Ngòai ra, Mẹ còn muốn giúp đỡ bà chị họ “nay đã có thai được sáu tháng” qua việc “ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng”. Ở lại để giúp đỡ bà cho đến khi đứa con chào đời. + Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào bà Ê-li-sa-bét: Người Do thái có nhiều cách chào: Thần dân chào vua chúa thì xuống ngựa và đến sấp mình trước mặt nhà vua (x. 1 Sm 20,41; 25,23); Nếu hai bên là thân thuộc nghĩa thiết hay có quan hệ thầy trò thì sẽ chào hỏi bằng cách ôm hôn nhau (x. 1 V 19,20; Lc 22,47). Lời chào thông thường là “Sha-lom”, nghĩa là chúc “Bình an ở với anh” hay “Gia-vê ở cùng anh” (x.Ga 20,19). Trong Tin Mừng hôm nay sứ thần Gáp-ri-en đã chào Đức Ma-ri-a: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà” (Lc 1,28). Do việc chào hỏi dài dòng mất nhiều thời gian, nên Đức Giê-su đã chỉ thị môn đệ đừng chào hỏi ai dọc đường khi đi làm công tác truyền giáo (x. Lc 10,4).

- C 41-42: + Đứa con trong bụng nhảy lên: Có lẽ thai nhi Gio-an chỉ co đạp liên hồi trong bụng khiến bà Ê-li-sa-bét tưởng như em đang nhảy mừng hân hoan khi gặp thai nhi Mê-si-a (x. Lc 1,14), giống như vua Đa-vít nhảy mừng trước Hòm Bia Giao ước (x 2 Sm 6,14). + Và Bà được đầy Thánh Thần: Nhờ được ơn Thánh Thần soi sáng, bà Ê-li-sa-bét đã nhận biết bào thai cô em họ đang cưu mang chính là Đấng Thiên Sai. + Em được chúc phúc: Bà Ê-li-sa-bét ca tụng Đức Ma-ri-a là người có phúc hơn mọi phụ nữ, vì đã cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình cứu độ loài người.

- C 43-45): + Thân mẫu Chúa tôi: Trong Thánh kinh, danh hiệu “Chúa tôi” thường dành riêng cho Đức Chúa, tuy nhiên cũng có lần danh hiệu này được gán cho Đấng Thiên Sai. Danh xưng “Thân Mẫu Chúa tôi” về sau trở thành nền tảng để Hội Thánh tôn vinh Đức Ma-ri-a là “Mẹ Thiên Chúa“ (The-o-to-kos), và hình thành phần thứ hai của Kinh Kính Mừng: “Thánh Ma-ri-a Đức Mẹ Chúa Trời…”. Về danh xưng này, khi hiện ra với các mục đồng ở Be-lem vào ngày Chúa Giáng Sinh, sứ thần đã nói như sau: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít. Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa” (Lc 2,11). Trong Tin mừng Lu-ca, danh xưng Đức Chúa của Đức Giê-su được nói đến 40 lần. + Em thật có phúc vì đã tin: Tin Mừng Lu-ca đã quy tụ hai ơn phúc của Đức Ma-ri-a vào trong lời chúc tụng của bà Ê-li-sa-bét: một là phúc được “làm Mẹ Đấng Cứu Thế” và hai là phúc “đã tin những lời Chúa phán” (x Lc 1,42-45). Về sau trong lúc Đức Giê-su giảng đạo, một phụ nữ cũng ca ngợi thân mẫu của Ngừơi: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm” và Đức Giê-su liền bổ túc thêm: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,27-28). Nơi Đức Ma-ri-a hai phúc này liên kết thành một: ngay khi tin mọi lời Thiên Chúa phán sẽ được thực hiện, Đức Ma-ri-a lập tức trở thành Mẹ của Đấng Cứu Thế. Có thể khi nói câu này, bà Ê-li-sa-bét đã liên tưởng đến sự nghi ngờ cứng tin của ông Gia-ca-ri-a chồng bà trước đó (Lc 1,20.45).

4. CÂU HỎI:

1) Người Do thái có mấy cách chào và thường chào hỏi nhau thế nào? 2) Thai nhi Gio-an nhảy mừng trong lòng bà Ê-li-sa-bét vào lúc nào, nhảy mừng ra sao và để làm gì? 3) Lý do nào làm cho bà Ê-li-sa-bét nhận biết Đức Ma-ri-a là Mẹ Đấng Ki-tô Đức Chúa ?  4) Bà Ê-li-sa-bét ca tụng Đức Ma-ri-a có phúc vì lý do gì?

II SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35).

2. CÂU CHUYỆN:

Một hôm vào buổi chiều áp lễ Giáng Sinh, một sinh viên trẻ cùng đi với vị giáo sư đến thăm các trẻ em bất hạnh trong viện mồ côi ngòai thành. Vị giáo sư này thường được các sinh viên gọi thân mật bằng tên "người bạn của sinh viên" vì sự thân thiện và tốt bụng của ông. Trên đường đi, thầy trò đi ngang qua một nông trại, thấy một đôi giày cũ nằm bên vệ đường gần cổng một nông trại. Có lẽ đây là đôi giày của một bác nông dân nghèo làm việc tại đây. Anh sinh viên liền nói với vị giáo sư: "Bây giờ sắp đến giờ tan sở. Em sẽ giấu đôi giày của ông ta vào chỗ khuất rồi thày trò chúng ta sẽ núp quan sát xem thái độ của ông ta thế nào khi bị mất đôi giày. Chắc là sẽ vui lắm đây". Vị giáo sư liền khuyên can: "Này anh bạn trẻ. Chúng ta đừng bao giờ cười vui trên nỗi đau của người khác. Trái lại, theo thầy nghĩ: em được Chúa cho có dư tiền bạc. Chắc em sẽ tìm thấy một niềm vui lớn lao hơn nhiều qua việc chia sẻ với người nghèo này đấy. Vậy em hãy đặt vào đôi giày của ông ta hai đồng tiền và chờ xem phản ứng của ông ta khi bất ngờ nhận được món quà Giáng Sinh”. Anh sinh viên làm theo lời dạy, rồi cả hai cùng đến núp sau gốc cây gần đó.

Chẳng mấy chốc đã thấy một người từ trong nông trại đi chân không đến nơi để giày. Ông ta xỏ chân vào một chiếc giày và phát hiện ra vật lạ. Ông dùng tay moi ra một đồng tiền năm đô-la. Với vẻ ngạc nhiên, ông chăm chú nhìn đồng tiền rồi lật qua lật lại như không tin vào mắt mình. Rồi ông nhìn chung quanh tìm xem ai đã làm điều này nhưng không thấy. Ông bỏ đồng tiền vào túi áo, và tiếp tục xỏ chân kia vào chiếc giày còn lại. Vẻ ngạc nhiên của ông tăng thêm gấp đôi khi phát hiện đồng tiền thứ hai bên trong chiếc giày kia. Với cảm xúc tràn ngập trong lòng, ông liền quì gối ngước mặt lên trời dâng một lời nguyện tạ ơn Thiên Chúa. Ông cám ơn bàn tay vô hình hào phóng nào đó đã mang lại món quà thiết thực ngay trước lễ Giáng Sinh, cứu gia đình ông qua cơn túng quẫn: vợ đang bị đau phải nằm liệt giường mấy ngày nay và ba đứa con nhỏ dại bụng đói đang chờ bố đi làm mang tiền về nhà.

Anh sinh viên lặng người đi vì xúc động. Hai dòng lệ tự nhiên chảy xuống hai bên má khiến anh vội đưa tay gạt đi. Vị giáo sư liền lên tiếng nói: "Bây giờ em có thấy vui hơn nhiều nếu như em mang ông ta ra làm trò cười hay không?" Chàng thanh niên trả lời: "Đúng. Cám ơn giáo sư. Giáo sư đã dạy cho em một bài học mà có lẽ em sẽ không bao giờ quên được. Bây giờ em mới hiểu ý nghĩa thực sự câu nói của Chúa Giê-su mà hồi nhỏ em đã học qua nhưng chưa hiểu: "Cho thì có phúc hơn là nhận" (Cv 20, 35).

3. SUY NIỆM:

Cuộc viếng thăm của Đức Ma-ri-a trong Tin Mừng hôm nay cho chúng ta nhiều bài học.

1) Bài học bác ái yêu thương:

Tình yêu thực sự đòi phải biểu lộ bằng hành động: Đức Ma-ri-a đã nêu gương bác ái yêu người bằng hành động đi bước trước đến thăm bà chị họ Ê-li-sa-bét khi vừa nghe tin bà có thai trong lúc tuổi già. Cũng vậy, mỗi tín hữu chúng ta cũng cần phải biểu lộ tình bác ái yêu thương tha nhân bằng việc làm cụ thể: đến thăm những người đang gặp khó khăn như các bệnh nhân đau liệt giường, các cụ già neo đơn, những người chưa nhận biết Chúa, các đôi vợ chồng bất hoà hay đang sống hôn nhân bất hợp pháp… để chia sẻ, đáp ứng nhu cầu cả về thể xác lẫn tinh thần.

2) Bài học loan báo Tin Mừng:

- Đức Ma-ri-a đã mau mắn lên đường đến thăm bà chị họ để loan báo tin vui cứu độ cho gia đình bà. Cuộc viếng thăm này hợp với sấm ngôn của I-sai-a: “Đẹp thay trên đồi núi, bước chân người loan báo Tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ” (Is 52,7a).

- Đem Chúa đến cho người mình thăm viếng, không có nghĩa là phải nói nhiều về Chúa. Đức Ma-ri-a chỉ mang sự quan tâm phục vụ gia đình Gia-ca-ri-a. Khi mang hận thù ganh ghét đến cho tha nhân là chúng ta đã gây sự chia rẽ bất hoà và đau khổ đến cho họ. Ta chỉ có thể đem Chúa là tình thương đến khi ta giúp hòa giải các tranh chấp và chia sẻ niềm vui ơn cứu độ cho họ noi gương Đức Ma-ri-a. Vừa nghe lời chào của Ma-ri-a đang cưu mang Đấng Cứu Thế, thai nhi Gio-an liền nhảy mừng vì nhận được ơn cứu độ.

3) Bài học chia sẻ niềm vui và chân thành phục vụ: Khi thăm viếng, Ma-ri-a đã không trao tặng món quà vật chất nhưng mang sự phục vụ chân tình cho gia đình này. Rồi chính Mẹ cũng lại nhận được sự đỡ nâng tinh thần: thêm xác tín về lời sứ thần truyền tin khi tận mắt chứng kiến bà chị họ lớn tuổi hiếm muộn mà giờ đây đã có thai được sáu tháng. Mẹ cũng ngỡ ngàng khi nghe bà Ê-li-sa-bét được Thánh Thần soi sáng đã nhận ra vai trò Mẹ Đấng Thiên Sai của mình. Chính niềm vui và những lời chúc phúc của bà Ê-li-sa-bét đã khiến Đức Ma-ri-a cất lên lời kinh ngợi khen cảm tạ hồng ân Thiên Chúa.

4) Bài học cho và nhận: Bác sĩ Tom Dolly, người đã hy sinh cả cuộc đời đến ở giữa chốn rừng thiêng nước độc bên Lào vào đầu thế kỷ này, đã phát biểu rằng: “Không ai nghèo đến độ không có một thứ gì đó để trao tặng tha nhân”. Thực vậy, một người ăn xin ư? Anh ta vẫn có thể cho chúng ta cơ hội để thể hiện sự chia sẻ quảng đại của chúng ta đối với anh. Một người tàn tật ốm đau cũng có thể mời gọi chúng ta bày tỏ cảm thông và nâng đỡ. Một kẻ thù cũng có thể cho chúng ta cơ hội tập sự nhẫn nhịn để chịu đựng xỉ nhục và lòng bao duntg quảng đại để tha thứ... Phải, bất cứ ai cũng có thể đem lại cho chúng ta một điều gì đó. Vấn đề là chúng ta có nhận ra và có mở lòng đón nhận những món quà đó hay không.         

5) Bài học về công tác thăm viếng Mùa Giáng Sinh: Trong những ngày này, mỗi người chúng ta nên tiết kiệm để dành tiền thăm viếng bác ái chia sẻ. Những phần quà cho các người nghèo dịp lễ Giáng Sinh mang nhiều ý nghĩa, diễn tả rõ nét về “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8). Khi đi thăm viếng chia sẻ quà tặng cho người nghèo, là chúng ta đã đem Chúa là tình thương, mang sự bình an, niềm vui và hạnh phúc đến cho họ, giúp họ được ơn cứu độ noi gương Đức Ma-ri-a.

4. THẢO LUẬN: 1) Trong những ngày áp lễ Giáng Sinh này, chúng ta có thể trao tặng cho người khác món quà gì đây: Một cánh thiệp No-en với những lời chúc mừng tốt đẹp nhất? Một cái bắt tay thân ái với một người mới quen? Một nụ cười vui vẻ, một ánh mắt cảm thông hay một sự lắng nghe đối với những người đang gặp tai ương hoạn nạn?... 2) Bạn quyết tâm sẽ tặng món quà gì cho những người thân và những kẻ bất hạnh trong mùa Giáng Sinh hồng phúc này.

5. NGUYỆN CẦU:

- Lạy Chúa Giê-su. Xin giữ gìn nơi con trái tim của trẻ thơ, tinh tuyền và trong ngần như dòng suối. Xin ban cho con trái tim đơn sơ, mau quên những nỗi buồn phiền do tha nhân đem lại. Một trái tim hào hiệp dám dấn thân và dễ cảm thông với tha nhân. Một trái tim trung thành và quảng đại, không quên ơn và không báo oán. Xin ban cho con trái tim hiền hậu và khiêm tốn: Yêu mà không mong được yêu lại, biết quên mình để Chúa được lớn lên trong anh em. Một trái tim luôn khắc khoải tìm làm vinh danh Chúa và chỉ yên nghỉ khi được chết trong ơn nghĩa Chúa.

- Lạy Chúa. Trong những ngày này, xin cho con biết mở rộng lòng để sẵn sàng trao tặng cho tha nhân những món quà vật chất hay tinh thần. Xin cho con biết nghĩ tới những bệnh nhân liệt giường lâu ngày không tiền thuốc thang chữa trị, những người già cả neo đơn và những trẻ em lang thang bụi đời vì không có một mái ấm gia đình để về... Xin cho chúng con biết đem tình thương và niềm vui của Chúa đến cho họ, để giúp họ cũng được chia sẻ niềm vui ơn cứu độ với chúng con.

 

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần IV Mùa Vọng C_ Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần IV Mùa Vọng C_Lm Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần IV Mùa Vọng C_ Nt. Maria Phạm Thực
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư tuần IV Mùa Vọng - Nt. Maria Nguyễn Kim Khánh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần IV Mùa Vọng Năm C - Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần IV Mùa Vọng Năm C - Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần IV Mùa Vọng C_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần IV Mùa Vọng - Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần IV Mùa Vọng - Lm J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần IV Mùa Vọng

Các bài viết cũ hơn
     LỂ ĐÊM GIÁNG SINH 2011: ĐÊM ÁNH SÁNG – ĐÊM SỰ SỐNG
     LỄ VỌNG GIÁNG SINH. Lm.Giuse Lại Anh Tuấn
     SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN IV MÙA VỌNG NĂM B. M. Tố Quyên
     SUY NIỆM THỨ NĂM TUÂN IV MÙA VỌNG NĂM B. Lm. Giuse Nguyễn Đức Ngọc.
     SUY NIỆM THỨ HAI TUẦN IV MÙA VỌNG NĂM B- SỨ MẠNG CỦA GIOAN.
     SUY NIỆM THỨ TƯ MÙA VỌNG NĂM B. Nt. Maria Martin Hồ Thị Thu Thảo. OP
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM B-THIÊN CHÚA VIẾNG THĂM DÂN NGƯỜI. Lm Jos Tạ Duy Tuyền
     TÌNH YÊU TÌM KIẾM TÌNH YÊU. Lm HK
     SUY NIỆM THỨ BA TUẦN IV MÙA VỌNG NĂM B. Minh Tứ
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM B. Lm Phao Lô Nguyễn Văn Đông