CHÚA NHẬT
PHỤC SINH B
Cv
10,34a.37-43 ; Cl 3,1-4 ; Ga 20,1-9
CÙNG
SỐNG LẠI VỚI CHÚA KI-TÔ
I.HỌC LỜI CHÚA
1.TIN MỪNG: Ga 20,1-9
(1) Sáng sớm
ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì
thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ.(2) Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người
môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và
chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu." (3) Ông Phê-rô và môn đệ kia liền
đi ra mộ. (4) Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô
và đã tới mộ trước. (5) Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó,
nhưng không vào. (6) Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng
trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, (7) và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này
không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. (8) Bấy
giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. (9)
Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải
trỗi dậy từ cõi chết.
2.Ý CHÍNH:
Sau khi chịu chết vào chiều Thứ Sáu, Đức Giê-su đã
được hai môn đệ an táng trong ngôi mộ đá. Nhưng đến ngày Thứ Nhất trong tuần,
khi bà Ma-ri-a Ma-đa-lê-na ra thăm mộ đã tỏ ra hốt hoảng khi thấy tảng đá che
đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp hai ông Phê-rô và Gio-an cấp báo sự thể. Hai
môn đệ bán tín bán nghi cùng chạy ra mộ để xem rõ sự thể. Hai ông thấy ngôi mộ bị
mở toang, nhìn vào trong thì thấy khăn liệm vẫn còn, nhưng xác Thầy đã biến
mất. Ông Phê-rô im lặng suy nghĩ, đang khi Gio-an “đã thấy và đã tin”: Qua sự
kiện xác Thầy biến mất nhưng khăn vải liệm vẫn còn để lại, nên đã suy luận và tin
Thầy đã phục sinh.
3.CHÚ THÍCH:
-C 1: +Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời
còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ: Theo Tin Mừng Gio-an, do lòng mến thôi
thúc mà chỉ mình bà Ma-ri-a ra thăm mộ để xức dầu thêm cho thân xác mới an táng
của Thầy.
-C 2: +Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và
người môn đệ Đức Giê-su thương mến: Khi thấy "tảng đá đã lăn khỏi
mộ", bà liền vội vã chạy về nhà Tiệc Ly thông báo sự kiện mồ trống cho hai
ông Phê-rô và Gio-an là những người lãnh đạo Nhóm Mười Hai. + Bà nói: "Người
ta đã đem Chúa đi khỏi mộ”: Câu này cho thấy bà không hề nghĩ là Thầy Giê-su có
thể đã phục sinh.
-C 3: + đi ra mộ … chạy mau hơn: Sở dĩ Gio-an chạy
nhanh hơn Phê-rô và đến mộ trước Phê-rô là do ông còn trẻ và có sức khỏe dồi
dào hơn ông Phê-rô.
-C 4: + Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải
còn ở đó, nhưng không vào: Gio-an thể hiện sự tôn trọng Phê-rô là đán anh, vừa
cao niên hơn lại vừa được Đức Giê-su đặt làm người đứng đầu Nhóm Mười Hai.
-C 6: + Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi.
Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó: Câu này cho thấy tính quyết
đoán của Phê-rô. Tuy có chậm hơn Gio-an, nhưng ông Phê-rô đã được Gio-an tôn
trọng nhường bước vào bên trong mộ trước. Ông Phê-rô "nhìn thấy những băng
vải để ở đó và khăn che đầu Đức Giê-su”. Điều này cho thấy giả thuyết bà
Ma-ri-a thông báo xác Thầy đã bị đánh cắp là không có cơ sở, vì "kẻ trộm
sẽ chẳng dại mất quá nhiều thời giờ để ngồi tháo các băng vải, cuộn lại đặt
riêng ra một nơi" (Theo suy niệm của thánh Gioan Kim Khẩu).
-C 8: + Ông đã thấy và đã tin: Ông Gio-an tuy vào mồ
sau Phê-rô, nhưng có lẽ Gio-an đã đạt tới đức tin vào mầu nhiệm Phục Sinh trước
Phê-rô do lòng mến thôi thúc. Chính nhờ lòng mến này mà sau đó, Gio-an đã luôn nhận
ra Thầy trước các anh em như ông đã nhận ra Thầy là người mới vừa đứng trên bờ
hồ hướng dẫn các ông thả lưới bắt mẻ cá lạ lùng (x. Ga 21,7).
4. CÂU HỎI: 1) Lý do nào khiến bà Ma-ri-a
Mác-đa-la ra thăm mộ từ sáng sớm ngày Thứ Nhất và bà ra thăm mộ để làm gì? 2)
Hai môn đệ là Phê-rô và Gio-an đóng vai trò thế nào trong Nhóm Mười Hai Môn Đệ
của Đức Giê-su ? 3) Khi thấy cửa mộ mở và xác Thầy biến mất, bà Ma-ri-a có tin
Thầy đã sống lại không? Câu nói nào của bà cho thấy thái độ không tin Thầy đã
sống lại? 4) Tại sao Gio-an chạy nhanh
hơn Phê-rô? 5) Cả hai ông đều thấy mồ trống, đều thấy những tấm băng vải cột
xác Thầy khi an táng đã được xếp để lại gọn gàng và ai trong hai ông đã tin
Thầy sống lại chứ không bị kẻ xấu đến lấy trộm xác?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1.LỜI CHÚA: Ông đã thấy và đã tin (Ga 20,8b).
2.CÂU CHUYỆN: Một Sư Bà đã được sống lại về phần
linh hồn trong giờ chết.
Cha Giuse Bùi Văn Nho, cha sở họ đạo GIƠN ĐẮC (Jeanne
d’ Arc) nhà thờ ngã sáu Chợ lớn đã thuật lại câu chuyện cảm động mà chính cha
là người trong cuộc như sau:
Vào một đêm khuya thanh vắng bỗng chuông điện
thoại trong nhà xứ reo vang. Có tiếng một bà phước mời cha đến ngay bệnh viện
Hồng Bàng để ban phép giải tội cho một sư bà đang nằm điều trị tại đây. Sư bà
ngỏ ý muốn gặp cha để xin xưng tội. Sau khi tìm hiểu kỹ về trường hợp này, cha
biết được sư bà này vốn là người Công giáo, nay gần chết sư bà đã nhờ bà phước mời
cha đến giúp bà được sống lại trong ơn nghĩa Chúa!
Khi đến nơi, thấy sư bà đang nằm thở thoi thóp
không nói nhiều được. Cha chỉ hỏi vắn tắt mấy câu để biết rõ xem sư bà có phải
là người Công giáo không?
- Tên thánh bổn mạng của bà là gì?
- Maria Anna.
Câu trả lời của sư bà khiến cho cha yên tâm để giúp
bà sám hối tội lỗi, trước khi ban phép giải tội, phép xức dầu bệnh nhân và cho
bà rước lễ như của ăn đàng. Trước khi về nhà, cha còn căn dặn bà phước: nếu sư
bà tỉnh lại, phải báo lại cho cha biết để đến giúp gia tăng đức tin. Bốn ngày
sau, bà phước báo tin sư bà đã hồi tỉnh và muốn được gặp cha. Cha đã đến gặp và
nghe bà tâm sự về cuộc đời và lý do đi tu chùa của bà như sau:
“Thưa cha, quê con ở Cái Nhum, Chợ Lách, thuộc
giáo xứ cha P. Thắng. Con bấy giờ là trưởng hội hát trong xứ và là hội viên
đoàn con Đức Mẹ. Khi lên 20 tuổi có một thanh niên ở Sài-gòn làm quen và sau đó
xin cưới. Hai gia đình đồng ý và đã làm lễ hỏi. Đến gần ngày hẹn, vị hôn phu lại
xin hoãn lại ba tháng để thi lấy bằng thành chung. Anh đã về Sài-gòn và dặn con
cứ an tâm chờ đợi. Ba tháng, bốn tháng rồi một năm rưỡi qua đi mà vẫn bặt tin
tức của anh. Con buồn rầu xấu hổ, nhất quyết lên Sài-gòn đi tìm, dù mọi người
thân đều ngăn cản. Một hôm con đã lén ăn cắp ít tiền của cha mẹ, rồi trốn lên Sài-gòn
trong tình trạng bơ vơ không biết đi về đâu. Sau đó con đã tìm đến nhà một chị
bạn đồng hương và được cho ở trọ. Ngày ngày con đi dò la tin tức mà vẫn không
gặp người xưa. Rồi một hôm khi đi dự lễ tại nhà thờ Huyện-sĩ, con tình cờ trông
thấy vị hôn phu của con mà anh ta lại không nhìn thấy con. Lễ xong con đi theo anh
ta về tới tận nhà mới biết anh đang sống chung với một người vợ và có một đứa con.
Con đã té xỉu khi biết rõ sự việc! Rồi con buồn bã đi lang thang không biết phải
đi đâu và làm gì ?… Về nhà thì xấu hổ với mọi người, lại sợ bị cha sở và cha mẹ
quở mắng.
Sống lây lất ở Sài-gòn được bốn tháng trong tình
trạng không còn tiền, bị thất nghiệp và thất tình, một hôm con đã được người
bạn giới thiệu xin việc làm ở vùng Chợ Lớn. Tại đây, bị cơn mưa lớn, con vào trú
mưa trong một ngôi chùa. Mưa kéo dài mãi tới tối, con đành xin ngủ đêm tại chùa.
Sư trụ trì chùa thương hại cho con ăn cơm thêm bốn năm ngày liền. Một hôm nhà
sư đề nghị nếu con muốn tu chùa, sẽ giới thiệu ra ngoài Huế. Không hiểu tại sao
con lại đồng ý và nhà sư đã viết giấy giới thiệu và còn cho tiền lộ phí nữa.
Ra Huế, tu được 20 năm, con đã được nhận giấy
chứng chỉ của Vua Bảo Đại, công nhận là bậc chân tu. Con được lệnh vô Sài-gòn
để thành lập một ngôi chùa sư nữ, vì trong miền Nam bấy giờ chưa có chùa cho nữ
giới. Nhưng khi vào đến đây được ít lâu, con đã mắc phải bệnh lao phải nằm nhà
thương, đến nay là sáu tháng. Mỗi lần con trông thấy cha vào thăm bệnh đi qua
giường con, con muốn nói với cha mà không sao mở miệng, nên chỉ biết cúi đầu
chào cha. Hôm bệnh trở nặng bị thổ huyết, con mới đánh bạo nói thật với bà
phước, để nhờ bà mời cha đến…”
Bà sư sống thêm được hai tuần lễ nữa rồi qua đời sau
khi đã được hoàn toàn quay về làm con cái Thiên Chúa. Khi bà vừa tắt thở thì một
điều rắc rối đã xảy ra: một vị sư thày đã đến trách cha sở cướp người nhà chùa
của họ. Sư thầy nói: “Bao nhiêu người khác sao cha không dụ theo đạo mà lại dụ
dỗ người nhà chùa của chúng tôi?”. Cha cố gắng giải thích thế nào thì sư thày
cũng không chấp nhận. Ông không tin sư bà trước kia là người Công giáo. Sau
cùng cha đành đồng ý để bên nhà chùa cử hành lễ nghi an táng theo Phật Giáo.
Nhưng rồi hai tiếng đồng hồ sau, nhà sư đột nhiên thay đổi ý kiến. Ông đến gặp
cha và nói như sau: “Chúng tôi xin nhường việc an táng bà này cho bên Công
giáo”. Rồi nhà sư giải thích lý do: “Vì khi thay xiêm áo cho bà, chúng tôi đã tìm
thấy trong bóp của bà một bản di chúc nói rõ tên thật, tên cha mẹ, quê quán và yêu
cầu nhà chùa nhắn tin cho cha mẹ của bà biết là bà đã được chịu các phép bí
tích công giáo trước khi chết. Bà còn nói rõ ý muốn: “Tôi muốn được chôn cất
theo nghi lễ Công giáo”. Vì thế chúng tôi xin nhường lại cho bên Công giáo cử
hành nghi lễ an táng cho bà và chỉ xin được tiễn đưa bà tới nơi mộ phần thôi. Đám
tang của sư bà hôm ấy có rất đông sư sãi đi tiễn đưa và chỉ có một linh mục là
cha sở Nhà thờ Ngã sáu. Sau lễ an táng, bà phước đã trao cho cha cái bóp của sư
bà, trong đó có một mẫu ảnh áo Đức Bà Núi Carmêlô. Có lẽ nhờ có lòng mến Đức Mẹ
nên cuối cùng sư bà đã được Mẹ cầu bầu để sống lại trong ơn nghĩa Chúa vào giờ
sau hết.
(Viết theo “Những Trang Sử Đẫm Mồ Hôi Của Họ Chợ
Lớn”- VN, tr. 94-100)
3.THẢO LUẬN: 1) Bạn có cảm nghĩ gì sau khi biết
được câu chuyện của sư bà nói trên? 2) Theo bạn khi mừng lễ Phục Sinh hằng năm,
để việc mừng lễ có giá trị thực sự, mỗi người tín hữu phải làm gì cho bản thân
và giúp đỡ tha nhân chung quanh?
4.SUY NIỆM:
1) Sự sống lại của Chúa đã làm cho các Tông đồ
được biến đổi:
Cuộc gặp gỡ với Chúa Phục Sinh đã làm biến đổi cuộc
đời của các tông đồ: Nếu trước cuộc Khổ Nạn của Chúa Giê-su, ông Phê-rô đã tỏ
ra hèn nhát kém tin khi đã chối Thầy tới ba lần, thì sau khi gặp Chúa Phục Sinh
và đón nhận được Thần Khí của Người, ông đã nên can đảm mạnh mẽ, rao giảng về Chúa
Ki-tô trước đám đông dân chúng, sẵn sàng làm chứng cho Chúa trước công đường...
Trước đây chưa hiểu Lời Chúa, thì nay ông đã thông suốt những Lời Chúa trong
Sách Thánh nhờ gặp được Chúa Phục Sinh như ông đã khẳng định: "Còn chúng
tôi đây xin làm chứng... Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và
cho Người xuất hiện tỏ tưởng".
2) Điều kiện để nên
con người mới: phải chết đi cho con người cũ:
Đức Giêsu chỉ sống lại sau
khi đã chết, nên chúng ta cũng chỉ có được sự sống mới sau khi đã chết đi cho con
người cũ. Đó là chết đi cho những thói hư và tội lỗi của con người cũ nơi ta như
lời thánh Phao-lô dạy: «Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là
con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi
mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng
tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện» (Ep
4,22-24).
Sự sống mới đòi hỏi một sự
tự hủy và lột xác: «Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn
mãi là hạt lúa; còn nếu chết đi, nó sẽ sinh nhiều hạt khác» (Ga 12,24). Cũng
vậy, khi phá hủy «cái tôi ích kỷ», thì «cái tôi» ấy sẽ không bị mất đi, nhưng sẽ
được chuyển hóa thành một con người mới phong phú, mạnh mẽ hơn gấp bội. Thực tế
cho thấy: Ai càng ích kỷ thì sức sống của họ càng nhỏ bé và càng mất đi giá trị
và hạnh phúc. Ngược lại, «Ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ
lại được cho sự sống đời đời» (Ga 12,25). Kinh nghiệm cho thấy: những kẻ ích
kỷ, chỉ lo lắng cho bản thân sẽ không tìm thấy hạnh phúc và cũng chẳng giúp cho
ai có được hạnh phúc. Trái lại, những vị thánh, những người luôn quên mình, vị
tha lại là những người luôn sống trong hạnh phúc, mặc dù xem ra bề ngoài các
ngài có bị thiệt thòi và chịu khổ cực hơn ai hết.
3) Xin được sống lại thật về phần linh hồn:
Chúa Ki-tô đã sống lại. Từ nay thập giá không còn
là dấu hiệu của nhục nhã, nhưng là biểu tượng của vinh quang. Chúa Ki-tô đã
sống lại, cái chết khộng còn là biểu tượng của thất bại và là ngõ cụt, nhưng đã
trở thành cánh cửa mở ra hướng về một cuộc sống mới. Chúa Kitô đã sống lại,
Ngài đã về trời ngự bên hữu Thiên Chúa để mời gọi chúng ta đi theo Người “qua
đau khổ vào trong vinh quang”. Đó là đức tin và là niềm hy vọng của các tín hữu
chúng ta.
Mỗi môn đệ Chúa xưa mỗi người đều có một cách thức
đón nhận đức tin và biểu lộ đức tin vào mầu nhiệm phục sinh cách khác nhau;
nhưng tất cả đều có chung một lòng yêu mến Chúa Giê-su và sẵn sàng làm chứng cho
Chúa bằng chính cuộc sống quên mình vị tha và sẵn sàng hy sinh ngay cả mạng
sống của mình để làm chứng cho Chúa Phục Sinh.
4) Sống lại thành con
người mới luôn quên mình, vị tha, khiêm nhường phục vụ:
Con người mới được thánh
Phaolô xác định như sau: «Con người mới là con người đã được sáng tạo theo hình
ảnh Thiên Chúa» (Ep 4,24). Như vậy, trở nên con người mới chính là nên con
người nguyên thủy như khi mới được Thiên Chúa tạo dựng, và trước khi phạm tội.
Đó là con người phản ánh trung thực bản tính của “Thiên Chúa là Tình Yêu”.
Vậy, để có một đời sống
mới, con người mới, ta cần quyết tâm từ bỏ con người cũ là con người tự mãn ích
kỷ, khi chỉ biết lo cho bản thân mình… để mặc lấy con người mới là con người vị
tha, luôn sống chan hòa yêu thương phục vụ tha nhân. Muốn được như vậy, mỗi
người chúng ta cần phải cầu xin ơn Thánh Thần như thánh Phao-lô đã dạy: «Hãy để
Thần Khí canh tân đổi mới anh em thấu tận trí khôn» (Ep 4,23); «Hãy để cho
Thiên Chúa biến hóa anh em cho tâm trí anh em đổi mới» (Rm 12,2). Nếu ta có ơn
Thánh Thần, chúng ta sẽ được Ngài biến đổi toàn diện: Từ cách suy nghĩ, nói
năng đến thái độ và hành động, để trở thành một con người mới thực thụ, giống
như các Tông đồ khi xưa sau khi đớn nhận Thánh Thần trong lễ Ngũ tuần. Nhờ đó, mầu
nhiệm phục sinh của Đức Giê-su mới thật sự mang lại ích lợi cho cuộc sống đời
đời của chúng ta.
5.LỜI CẦU:
Lạy Chúa Phục Sinh. Xin ban cho con luôn có được sự
sống của Chúa, nhờ đó cuộc đời của con sẽ mãi xanh tươi và được đơm bông kết
trái. Xin ban cho con luôn có sự bình an của Chúa, nhờ đó con sẽ vững tâm theo
Chúa giữa bao sóng gió đường đời. Xin ban cho con niềm vui của Chúa, nhờ đó khuôn
mặt của con sẽ luôn tươi vui rạng rỡ, sẵn sàng tỏ ra thân thiện và đi bước
trước đến kết bạn với tha nhân. Xin ban cho con niềm tin và niềm hy vọng của
Chúa, nhờ đó con sẽ hăng hái lên đường chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng, không
quản ngại những khó khăn gian khổ. Và nhất là: Lạy Chúa, xin ban cho con đầy
tràn Thần Khí của Chúa, nhờ đó cuộc đời của con sẽ luôn được đổi mới nên tốt
lành thánh thiện và giới thiệu Chúa đến cho mọi người.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. – đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI
CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM