CHÚA NHẬT XIII TN C:
TIN VÀ BƯỚC THEO CHÚA GIÊSU
Có một chị tân tòng chia sẻ: Từ ngày tin và theo Chúa, tôi mất mát nhiều quá, gia đình bạn bè dường như bỏ rơi con, họ coi tôi như kẻ khùng, công việc của tôi tì bị chựng lại vì họ bắt đầu ngi ngờ về quan điểm của tôi. Thưa quý OBACE, nhiều người khi nói đến việc tin và bước theo Chúa Giêsu, đối với họ có vẻ là dễ dàng, thế nhưng đối với nhiều người khác, để chấp nhận tin vào Đức Giêsu và sống theo giáo huấn của Ngài, trở thành môn đệ của Ngài vẫn mãi là một sư day dứt, là một quyết định cam go và phải đánh đổi bằng bao nhiêu từ bỏ. Ngày xưa, các bậc tử đạo cha ông của chúng ta đến với đức tin, và để trở nên môn đệ Chúa Giêsu, các Ngài đã phải đánh đổi bằng bao đau đớn tù đày, xỉ nhục bắt bớ và đánh đổi cả mạng sống của mình. Tin và theo Đức Giêsu vừa là một ơn đến từ Thiên Chúa, vừa phải là một sư đáp trả dứt khoát và từ bỏ của người được gọi.
Tin Mừng hôm nay thuật lại hành trình Chúa Giêsu đang trên đườg lên Giêrusalem để bước vào cuộc khổ nạn và phục sinh, Ngài rao giảng một giáo lý mới, một tin thần mới và Ngài còn làm nhiều phép lạ khiến cho nhiều người tin. Tuy nhiên các tông đồ và đám đông dân chúng đi theo Đức Giêsu đã chờ đợi một điều gì khác ở nơi Ngài, họ muốn chờ đợi một Đấng Mesia khởi nghĩa và chiến thắng, chứ không muốn một Đấng Mesia theo con đường của Đức Giêsu. Vì thế đã có nhiều phản ứng khác nhau và nhiều thái độ khác nhau trong dân chúng, trước hết là thái độ của dân thành Samari, họ tỏ ra dửng dưng trước việc xuất hiện của Đức Giêsu, mặc dù theo lời kể của Luca, thì đây là lần lên Giêrusalem một cách long trọng của Chúa Giêsu vì có hai môn đệ đi trước để dọn đường. Có lẽ các môn đệ nghĩ rằng khi được báo tin, thì cả thành phải ra hai bên đường để đón Chúa, thế nhưng sự thật lại không như họ nghĩ, dân Samari hoàn toàn dửng dưng trước việc xuất hiện của Đức Giêsu, khiến các môn đệ tự ái và muốn nổi nóng với họ: Thưa Thày, Thày có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống để thiêu hủy chúng nó không? Trước phản ứng của hai tông đồ, Chúa Giêsu đã trách mắng các ông về thái độ quá khích ấy và cho thấy rằng, việc đón nhận Ngài phải là một sự chấp nhận hoàn toàn tự do của cả lý trí và của cả trái tim, chứ không thể là một sự ép buộc hay sự nông nổi nhất thời.
Trường hợp của một người thanh niên hôm nay, trong một phút ngẫu hứng, đã xin Chúa: Thưa Thày, Thày đi đâu tôi xin đi theo. Chúa Giêsu không ngăn cản thiện chí ban đầu của anh, nhưng Ngài chỉ rõ cho anh thấy theo Chúa là phải chấp nhận từ bỏ tất cả, và bước vào hành trình của Chúa và sẽ không còn một điểm tựa nào khác của thế gian, mà chỉ còn có Chúa là hy vọng: Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có nơi tựa đầu. Theo Chúa không để tìm kiếm vật chất hay địa vị trần thế, cũng không tìm lợi lộc theo kiểu thế gian, mà phải dám để cho Chúa dẫn đường, mà con đường của Chúa lại hoàn toàn khác với con đường của thế gian. Chúa nói rõ cho người thanh niên như thế và để cho anh tự do quyết định.
Trường hợp của người thanh niên thứ hai lại khác, anh được Chúa Giêsu ngỏ lời với anh: Anh hãy theo tôi. So với người thanh niên trước đây, thì anh này được chính Chúa Giêsu đề nghị, nhưng rất tiếc anh lại nấn ná, tiếc nuối, anh để cho tình cảm ràng buộc và thưa với Chúa: Xin cho tôi về chôn cất cha tôi trước đã. Chúa Giêsu không khuyên người theo Chúa thiếu sót trong bổn phận làm con, nhưng trước đòi hỏi cấp bách của việc loan báo tin mừng, thì không thể nại vào lý do gì để trì hoãn, kể cả những ràng buộc tình cảm, vì việc sống hay chết của người thân là việc của Chúa và đã có Chúa định liệu, Chúa Giêsu nói với anh: Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết, còn anh hãy đi loan báo Nước Thiên Chúa. Như thế việc loan báo Nước Thiên Chúa phải là ưu tiên hàng đầu và cấp bách của mỗi người môn đệ của Chúa
Trường hợp của người thứ ba cũng vậy, anh này xin về từ biệt gia đình và người thân, Chúa Giêsu đã cho thấy trước lời mời gọi của Thiên Chúa, đòi người được gọi phải dứt khoát với ràng buộc gia đình và bạn bè, nếu những ràng buộc ấy làm cản trở nhiệm vụ của người được gọi. Chúa còn muốn những người được gọi phải có thài độ dứt khoát không lưỡng lự không nước đôi, vì: ai cầm cày mà còn ngó lại đàng sau thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.
Lời mời gọi của Tin Mừng khác hẳn với những lời mời gọi ngày xưa trong Cựu Ước. Câu chuyện trong bài đọc một tiên tri Elia tuyển chọn môn đệ của mình là Elisa đã cho thấy điều đó, khi Elia đi ngang qua thấy Elise đang cày ruộng, ông đã khoác áo choàng của mình lên vai Elisa, và ông này nhận ra lời mời gọi của vị tiên tri, và ông Elisa đã bỏ lại đằng sau công việc, tài sản, và từ giã cha mẹ để đi theo Elia, câu chuyện cho thấy việc Elisa đi theo Elia thật nhẹ nhàng. Nhưng lời mời gọi của Chúa Giêsu trong Tân Ước đòi hỏi người theo Chúa phải trả lời một cách mạnh mẽ, nhanh chóng và dứt khoát hơn, đồng thời Chúa Giêsu cũng chỉ cho họ thấy những khó khăn và những đòi hỏi khi muốn làm môn đệ của Chúa.
Có nhiều người tự hỏi vậy chúng tôi có được Chúa mời gọi hay không? Thưa có. Lời mời gọi trở thành môn đệ của Chúa không chỉ là lời mời gọi dành riêng cho những người đi tu, mà là mời gọi chung cho từng tín hữu. Theo Thánh Phaolô, thì tất cả mỗi người đã được mời gọi trở nên môn đệ Đức Giêsu, qua Bí tích Rửa tội chúng ta chính thức được chọn làm môn đệ của Ngài, và trở nên con người tự do. Vì thế trước hết chúng ta phải sống đúng với tư cách là môn đệ của Chúa, tư cách của con người tự do, không để mình bị ràng buộc hay lệ thuộc bởi xác thịt dục vọng hay những quyến rũ trói buộc của của cải vật chất thế gian, để chúng ta có thể thanh thảnh sống theo đòi hỏi của Tin Mừng. Sống tự do ở đây không phải là sống buông thả dễ dãi, cũng không phải thích làm gì thì làm, nhưng sống tự do theo Tin Mừng là dám quyết định cộng tác với Thiên Chúa và để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn và hoạt động tự do trong cuộc đời chúng ta, và Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn thúc đẩy để chúng ta sống trọn vẹn tư cách là môn đệ của Chúa Giêsu.
Thưa quý OBACE, sống trong một xã hội thật giả lẫn lộn, có khi nhiều người tín hữu đã để mình bị thoái hóa trầm trọng và biến thành những môn đệ giả hiệu, môn đệ biến chất, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta phải dứt khoát để đáp lại lời mời gọi của Chúa, trở thành môn đệ chính hiệu của Chúa và là người theo Chúa thật sự.
Tin và theo Chúa Kitô phải là một quyết định tự do dứt khoát của bản thân, đức tin của mỗi người phải là “đức tin chính chủ” chứ không thể là một đức tin vay mượn pha tạp lẫn lộn. Vì Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô mà người tín hữu phải chấp nhận xem như thiệt thòi trước mặt người đời; Vì tuân giữ giới răn lề luật của Ngài người tín hữu dám chấp nhận bước vào một hành trình hy sinh cùng với Đức Giêsu, không thể có sự nấn ná hay thoái thác, cũng không thể dựa vào lý do tình cảm hay lý do gia đình mà bỏ qua giới răn lề luật của Chúa.
Nền “văn hóa sự chết” của thế giới hôm nay đang gieo rắc sự chết và sự hủy diệt, thì các bậc làm cha mẹ sẽ là những người dám chấp nhận hy sinh vất và để bảo vệ sự sống, bảo vệ con cái của mình và bảo vệ sự bề vững của cuộc sống hôn nhân gia đình của mình, dám từ chối những lối sống dễ dãi thực dụng, dám từ chối những lời mời chào và nguy hiểm của thế gian để sống trọn vẹn với Tin Mừng.
Lối sống thực dụng dễ dãi, lối sống hưởng thụ nó cũng đang bào mòn đời sống của các bạn trẻ Kitô hữu, Lời Chúa hôm nay vừa là một lời mời gọi vừa là một thách thức đối với người trẻ, hãy dám bước theo lời mời gọi sống tự do của con cái Thiên Chúa, đừng để mình bị rơi vào những cái bẫy ngọt ngào dễ dãi của thế gian, đừng để cho những thứ tình cảm tầm thường làm cản trở đời sống tin hữu của chúng ta. Lời Chúa hôm nay còn là lời mời gọi một cách quyết liệt và mạnh mẽ dành cho các bạn trẻ, hãy quảng đại đáp lại tiếng Chúa gọi, hãy dám trở nên những con người làm chứng về Chúa Giêsu và Tin mừng của Ngài cho các bạn bè và những người chung quanh.
Xin Chúa cho mỗi người nhận ra sự thôi thúc của Lời Chúa hôm nay, để mỗi người tùy theo bậc sống của mình dám từ bỏ những bận vướng để dành trọn cuộc đời cho Chúa. Amen