BBT mến, tôi có thắc mắc về
Phụng vụ Kitô giáo. Tôi đang học giáo lý dự tòng và đang tìm hiểu về phụng vụ
Kitô giáo, tôi đã hiểu được thế nào là mùa phụng vụ và năm phụng vụ, nhưng có một
vấn đề tôi không biết phải hiểu như thế nào về sự hiện diện của Chúa Giêsu
trong Hội Thánh và các cử hành phụng vụ của Hội Thánh? Xin BBT cắt nghĩa giúp
tôi hiểu vấn đề này. Xin cảm ơn.
Qúy bạn thân mến,
Lời đầu tiên, BBT xin cảm
ơn quý bạn đã gửi thắc mắc về cho chúng tôi. Thắc mắc về sự hiện diện của Chúa
Giêsu trong Hội Thánh và các cử hành phụng vụ của Hội Thánh là một thắc mắc rất
hay, vì chính qua sự hiểu biết này mà mỗi người ý thức hơn về sự hiện diện của
Chúa quyền năng cũng như ý thức hơn trong việc tham dự các cử hành phụng vụ của
Hội Thánh để sinh muôn ơn phúc cho mọi người. Để giúp giải đáp thắc mắc của quý
bạn, BBT xin được trình bày qua hai điểm sau:
1. Phụng vụ - Sự hiện diện của Chúa Phục Sinh
Mỗi lần
đến ngày 25.12, Hội Thánh cử hành Mầu Nhiệm Chúa Giáng Sinh. Chắc hẳn quý bạn
cũng biết Chúa Giêsu đã giáng sinh làm người và Ngài đã đi rao giảng Tin Mừng Cứu
Độ cách đây hơn 2000 năm. Ngài đã rao giảng, chữa lành, làm nhiều phép lạ… tất
cả các hoạt động Ngài thực hiện qua chính thân xác bằng xương bằng thịt của
Ngài tại đất nước Do Thái và đã chết trên thập giá để hoàn tất công cuộc cứu độ
loài người. Ngài đã chết thật sự trên cây thập giá, do đó, có nhiều người thắc
mắc vậy tại sao ngay nay Ngài vẫn sống?
Quả
thực, Ngài đã sống lại và vẫn tiếp tục hiện diện với con người nhưng là một sự
hiện diện mới, và sự hiện diện đặc biệt trong Bí Tích Thánh Thể là Mình Máu
Thánh Ngài. Ngài không còn hiện diện một cách thể lý bằng xương bằng thịt như
ngày xưa trên đất nước Do Thái, nhưng là một sự hiện diện mầu nhiệm của thân
xác phục sinh từ cõi chết. Một sự hiện diện mà mắt thể lý của tôi và của quý bạn
không thể thấy như người Do Thái thấy Ngài ngày xưa. Nhưng hôm nay đây, chúng
ta thấy Ngài qua Mầu Nhiệm Thánh Thể và chính Hội Thánh hữu hình trần gian. Đây
là một sự hiện diện mới, một sự hiện diện mầu nhiệm quyền năng của Chúa mời gọi
tôi và quý bạn tin vì Chúa muốn mọi người tin vào sự hiện diện vô hình đầy quyền
năng của Chúa, vì chính Chúa đã xác quyết “Phúc cho những ai không thấy mà tin”
(Ga 20, 29). Đức Giêsu hiện diện và hành động trong thời nay qua Nhiệm Thể
Ngài, giống như Ngài đã hành động trong thời Tin Mừng của Ngài qua thân xác bằng
xương bằng thịt của Ngài.
Và vì
hiện diện trong Hội Thánh như thế, Ngài cũng hiện diện trong các hoạt động Phụng
vụ mà quý bạn đang thắc mắc đây. Vậy, mỗi lần nhắc đến “Phụng vụ”, quý bạn cần
việc hiểu rằng Chúa Giêsu đang hiện diện. Quý bạn cần biết thêm “phục vụ” là
hành động dành cho con người, giữa con người với nhau. Nhưng “Phụng vụ” là việc
dành riêng cho Thiên Chúa – Đấng Ngàn Trùng Chí Thánh, nên cần phải có những
quy định rõ ràng về cử hành Phụng vụ để con người là loài thụ tạo bất toàn biết
dựa vào đó mà biểu tỏ tấm lòng thờ phượng xứng đáng nhất dâng lên Thiên Chúa là
Đấng Thánh Chí Tôn – Đấng Chân Thiện Mỹ - Đấng Giàu Lòng Thương Xót – Đấng đáng
được chúc tụng và thờ lạy kính yêu.
2. Phụng vụ - Cử hành Phụng vụ của Hội Thánh
Phụng Vụ là việc
thờ phượng chính thức của Hội Thánh (1) được thừa tác viên hợp pháp (2) cử
hành đúng nghi thức và cử hành nhân
danh toàn thể Hội Thánh (3). Cử hành có tính Phụng
vụ đòi hỏi phải có 3 yếu tố này. Việc thờ phượng chính thức của Hội
Thánh nghĩa là nghi lễ chính thức của Hội Thánh phải được ấn định trong sách Phụng
vụ chứ không phải là lời nguyện tự phát theo sáng kiến cá nhân; thừa tác viên hợp
pháp là những người được Hội Thánh cắt đặt và ban quyền chủ sự, và cử hành đúng
nghi thức của Hội Thánh đã ấn định; và phải cử hành nhân danh toàn thể Hội
Thánh vì Phụng Vụ không bao giờ có tính cá nhân cho dù thừa tác viên cử hành một
mình.
Vậy đâu là những việc của cử hành Phụng vụ. Đó chính
là Thánh lễ, 7 Bí tích và các giờ kinh Phụng vụ (giờ kinh này quý bạn ít thấy
hơn). Những việc cử hành này cho thấy Đức Kitô đang sống và hiện diện giữa dân
Ngài. Ngoài ba việc kể trên mọi cử hành khác không được coi là cử hành Phụng vụ
mà chỉ là việc đạo đức bình dân như lần hạt, tĩnh tâm, hành hương, cầu nguyện…
Xin lấy ví dụ về cử hành Thánh lễ là một cử hành Phụng
vụ để quý bạn dễ cảm hiểu. Quý bạn tham dự Thánh lễ, quý bạn thấy linh mục dâng
lễ cùng tất cả mọi người trong nhà thờ. Linh mục cùng mọi người dâng Thánh lễ
lên Thiên Chúa Cha toàn năng, vì linh mục là thừa tác viên của Hội Thánh cử
hành nhân danh toàn thể Hội Thánh chứ không riêng danh linh mục, nên đây là một
cử hành Phụng vụ. Do đó, Chúa Giêsu hiện diện qua thân xác Ngài là Hội Thánh,
là thừa tác viên của Hội Thánh một cách vô hình mầu nhiệm để dâng lễ hy sinh
lên Thiên Chúa Cha, cầu xin ơn tha thứ và giáng phúc muôn ơn lành hồn xác xuống
trên tất cả mọi người. Linh mục cử hành thánh lễ mà quý bạn thấy nhưng là chính
Chúa Giêsu hành động qua các cử hành phụng vụ mà linh mục cử hành.
Một ví dụ khác nữa, khi quý bạn thấy linh mục cử
hành Bí tích Rửa tội, linh mục rửa tội cho em bé hay một người lớn dự tòng thì
chính là Chúa Giêsu rửa tội cho em bé hay người lớn đó, thân xác của Chúa Giêsu
là Hội Thánh là linh mục – thừa tác viên của Hội Thánh, và Chúa Giêsu với quyền
năng của Ngài ban ơn qua Bí Tích rửa tội mà linh mục cử hành nhân danh Giáo hội.
Chính Chúa Giêsu ban ơn giáng phúc cho em bé hay người lớn đó.
Ngày xưa, khi Chúa Giêsu ở giữa dân Ngài ở đất nước
Do Thái, Ngài đã hiện diện bằng thân xác của Ngài, Ngài đã đụng chạm và chữa
lành cho người mù được thấy, người phong cùi được sạch, người tội lỗi được ơn
tha thứ. Thì hôm nay đây, thân xác của Ngài chính là Hội Thánh là những thừa
tác viên của Hội Thánh để qua đó chuẩn y, ban ơn giáng phúc cho tất cả mọi người.
Với bí tích rửa tội, Chúa Giêsu ban ơn cho ta làm con cái Thiên Chúa; với Bí
tích Hôn phối, tình yêu của vợ chồng được chính Thiên Chúa đóng ấn; với bí tích
hòa giải, Chúa ban ơn tha thứ. Chính qua các thừa tác viên của Ngài, mà Ngài đã
hành động trong Hội Thánh và trong các cử hành Phụng vụ của Hội Thánh.
Quý bạn thân mến, chắc
giờ quý bạn đã hiểu về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Hội Thánh và các cử
hành của Hội Thánh rồi, phải không? BBT xin nguyện chúc quý bạn được tràn đầy hồng
ân của Chúa, xin Thiên Chúa ban cho quý bạn ngày một hiểu hơn về sự hiện diện của
Chúa qua Giáo Hội của Người để càng thêm gắn bó, thờ phượng và yêu mến Chúa là
Đấng đáng muôn lời chúc tụng và tôn vinh muôn đời. BBT thân chào.