Trang Chủ > Giải Đáp

BBT thân mến, tôi cùng với mấy người bạn đang theo học giáo lý dự tòng ở Phước lý, chúng tôi đang được dạy về Bí tích Rửa tội là cửa ngõ để vào đạo. Khi nói chuyện với nhau về Bí tích này, tôi thấy có nhiều thắc mắc chưa hiểu rõ như là khi lãnh nhận Bí tích rửa tội sẽ có một dấu ấn tín không thể xóa nhòa? Vậy dấu ấn không thể xóa nhòa là sao, có ý nghĩa gì ? Xin cảm ơn BBT rất nhiều.

Quý bạn thân mến,

ghidau02.jpgtrong suot 10x350.pngLời đầu tiên, BBT xin cảm ơn quý bạn đã gửi thắc mắc về cho chúng tôi. Thắc mắc của quý bạn không những giúp cho bản thân mà còn giúp cho chúng tôi khi trả lời thắc mắc này ý thức mạnh mẽ hơn ơn ban mà Chúa đã thương kêu gọi để trở nên con cái Chúa. Chính việc ý thức và hiểu rõ về bí tích sẽ giúp mỗi người chúng ta biết mở lòng hơn với Chúa để được Chúa thánh hóa ban ơn xuống trên mỗi người.

Vậy, với thắc mắc của quý bạn, BBT xin được đi qua hai điểm sau để giúp quý bạn tân tòng có một sự cảm hiểu về Bí tích rửa tội để tiếp tục học hỏi cũng như chuẩn bị tâm hồn xứng đáng lãnh nhận Bí tích từ trời cao, Bí tích ân sủng thần linh của Thiên Chúa.

1. Ấn tín là gì?

Quý bạn, chắc chắn, đã được dạy rằng khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, ta sẽ được ghi vào trong linh hồn mình một dấu ấn thiêng liêng vĩnh viễn và không thể xóa nhòa.

Vậy dấu ấn thiêng liêng vĩnh viễn không thể xóa nhòa phải hiểu thế nào?

Quý bạn hẳn đã biết khi một tác giả viết một lá thư hay một bản văn thường kết thúc bằng một chữ ký. Chữ ký đó xác nhận chắc chắn rằng đó chính là lá thư hay bản văn do chính tôi viết; và tùy vào hoàn cảnh của bản văn mà quý bạn cũng biết chữ ký sẽ mang tính pháp lý mà chính người ký phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Nhìn lại thời xưa, các vua chúa, các quan thường dùng một ấn tín hay ấn triện có thể làm bằng đồng hay vàng là một con dấu để đóng ấn lên các văn thư để khẳng định quyền lực và biểu trưng pháp lý của mình; các binh sĩ mang ấn triện của nhà vua hay tướng quân như dấu hiệu của sự trung thành phục vụ. Ấn tín hay ấn triện còn dùng để khắng định quyền sở hữu, nó còn được đóng trên người; người ta đóng triện (qua miếng sắt nung) trên các nô lệ hay súc vật để ghi nhận quyền sở hữu và dấu trên người hay vật này này không bao giờ bị mất. Và chính điều này cũng không lạ gì khi trong Kinh thánh, chữ ấn triện được dùng theo nghĩa thiêng liêng khi nói tới việc người tín hữu thuộc quyền sở hữu của Chúa.

Trong Kinh thánh Tân ước, thánh Phaolô nói trong thư của Ngài về việc cắt bì của Luật cũ như là du ấn biểu lộ người Do thái làm thành phần của Dân Chúa (Rm 2,29).­ Và khi chịu phép rửa tội, thánh phaolô khẳng định rằng ta được mặc lấy Chúa Kitô và bước vào đời sống mới, đời sống của con cái Thiên Chúa (Rm 6,2-11). Và bí tích Rửa tội chính là dấu chỉ Chúa Giêsu dùng để ta được sinh lại vào đời sống mới trong Ngài, trở thành con Thiên Chúa và con Hội Thánh. Người lãnh nhận bí tích Rửa tội thuộc về Đức Kitô luôn mãi: họ được đóng ấn không thể xóa được của Đức Kitô (GLCG 263).

2. Ấn tín Rửa tội – Kitô hữu suốt cả cuộc đời

ghidau.jpgtrong suot 10x350.pngNhư vậy, nếu quý bạn đã hiểu dấu được đóng trên người sẽ không bao giờ mất, dấu ấy chỉ quyền sở hữu, một sự thuộc về; vì thế, khi chịu phép rửa tội, quý bạn được tháp nhập vào Thiên Chúa. Từ nay trở đi, Chúa có và ở trong bạn và bạn có Chúa ở trong cuộc đời. Một giờ là Kitô hữu thì suốt đời là Kitô hữu cho dù người Kitô hữu thế nào đi nữa. Chính Thiên Chúa đóng ấn trên bạn, Ngài đóng ấn tình yêu thương xót trên cuộc đời bạn. Ngài là Vua tình yêu, nến dấu Ngài đóng là dấu của sự quan tâm, ban ơn, nâng đỡ. Dấu đó không phải dấu của con người đóng trên nhau để biến nhau thành nô lệ.

Hy vọng khi quý bạn học thêm về Bí tích Rửa Tội, quý bạn sẽ được hiểu rõ hơn tình yêu của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô. Bí tích rửa tội sẽ dẫn quý bạn vào tương quan thần linh với Chúa Kitô, quý bạn sẽ cảm nhận được đời sống mới, một đời sống không chỉ dừng lại ở nỗ lực con người với muôn khó khăn vất vả, nhưng bên cạnh đó, còn có Thiên Chúa quyền năng, chính Ngài sẽ ban ơn và giúp cho cuộc sống của quý bạn được bình an, hạnh phúc.

Ấn tín của phép rửa tội không một thế lực nào có thể tảy xóa, không thể xóa nhòa chính là không thể nào mất đi mối dây liên kết của người chịu phép rửa với Chúa Kitô. Đây là một niềm an ủi hay chính xác hơn là hồng ân nhưng không vô cùng lớn lao của người Kitô hữu, nhiều khi vì thân phận yếu đuối, mong dòn, dễ hướng về điều xấu mà sa ngã, nhưng Thiên Chúa, Ngài là Cha giàu lòng thương xót vẫn luôn chìa tay ra, đợi chờ những người con của Ngài quay lại để tha thứ, thanh tẩy, ban ơn và bổ sức. Thiên Chúa, Ngài là Đấng Tình yêu Trung Tín và không bao giờ bỏ rơi con người dù con người có phản bội Ngài.

Quý bạn thân mến, tới đây chắc quý bạn đã hiểu được ý nghĩa ấn tín không thể xóa nhòa của phép rửa tội rồi phải không! Đó là dấu ấn Thiên Chúa yêu bạn mãi mãi dù bạn thế nào đi nữa vì chính bạn đã tự nguyện mở lòng cho hồng ân nhưng không của Chúa và để cho đời sống ân sủng thần linh Chúa bước vào cuộc đời quý bạn qua ấn tín của Phép rửa tội, ấn tín không thể xóa nhòa của tình yêu Thiên Chúa. BBT Nguyện chúc quý bạn tân tòng sớm được rửa tội để bước vào đời sống mới trong Thiên Chúa, để được cảm nhận biết bao ơn lành tuôn đổ xuống trên quý bạn và gia đình quý bạn. BBT thân chào.


Các bài viết mới hơn
     Thắc mắc 30: Bí Tích Rửa Tội, Bí Tích thêm Sức và Bí Tích Truyền Chức Thánh.
     Thắc mắc 29. Hành trình Đức tin nghĩa là sao?
     Thắc mắc 28. "Mầu nhiệm" được hiểu như thế nào?
     Thắc mắc 27. Ý nghĩa và Sơ đồ Năm Phụng Vụ
     Thắc mắc 26. Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong các cử hành Phụng vụ của Hội Thánh
     Thắc mắc 25. Cách thức Cầu nguyện - Khẩu nguyện và Tâm Nguyện

Các bài viết cũ hơn
     Thắc mắc 23. Việc Xông Hương trong Thánh Lễ
     Thắc mắc 22. Lương dân và Ơn cứu độ
     Thắc mắc 21. Tội nguyên tổ
     Thắc mắc 20. Lắng Nghe Tiếng Chúa Qua Thánh Kinh
     Thắc mắc 19. Thánh Lễ Chúa Nhật
     Thắc mắc 18. Tâm Tình Cầu Nguyện
     Thắc mắc 17. Á Bí Tích
     Thắc mắc 16. Cha Mẹ Đỡ Đầu
     Thắc mắc 15. Ý nghĩa diễn tiến Thánh Lễ_Phần I
     Thắc mắc 14. Cử chỉ khi linh mục nâng cao Mình Máu Thánh Chúa