Trang Chủ > Giải Đáp

Tôi có một thắc mắc xin BBT giúp trả lời. Vì là người tân tòng mới theo đạo, nên một số cử chỉ trong Thánh lễ tôi chưa hiểu và không biết phải làm như thế nào, như tôi thấy sau khi linh mục đọc “này là Mình Thầy… và này là Máu Thầy..”, linh mục nâng lên cao, một số người có cử chỉ cúi đầu, một số thì không. Vậy, tôi phải cúi đầu hay nhìn lên theo như một số bạn tôi nói? Xin cảm ơn BBT.

Thac mac 14.jpg

Quý bạn thân mến,

Trong Thánh lễ, lúc truyền phép, quý bạn thấy chủ tế cầm tấm bánh trong tay và đọc Lời Chúa Giêsu xưa khi Ngài cầm bánh trong tay thánh thiện khả kính, ngước mắt lên trời, hướng về Chúa là Cha toàn năng của Người; Người tạ ơn Chúa Cha, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn: Vì này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con”. Nhờ lời truyền phép và quyền năng Chúa Thánh Thần, bánh trong tay chủ tế trở nên Mình Thánh Chúa Kitô; chủ tế nâng Mình Thánh lên, sau đó Ngài đặt Mình Thánh Chúa lên đĩa thánh và cúi mình thờ lạy.

Tiếp liền đó, quý bạn cũng thấy chủ tế cầm chén trong tay và đọc Lời Chúa Giêsu xưa khi Ngài cầm chén quý trọng này trong tay thánh thiện khả kính, cũng tạ ơn Chúa Cha, dâng lời chúc tụng, và trao cho các môn đệ và nói: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống. Vì này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Nhờ lời truyền phép và quyền năng Chúa Thánh Thần thánh hoá lễ vật, rượu trở nên Máu Thánh Chúa Kitô. Chủ tế nâng chén lên, sau đó đặt lên khăn thánh và cúi mình thờ lạy.

Vậy, quý bạn thắc mắc, lúc chủ tế nâng Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Kitô lên, tôi cúi đầu hay nhìn lên?

Theo như sách Nghi Thức Thánh Lễ, không thấy xác định cử chỉ của giáo dân khi chủ tế nâng Mình Máu Thánh vừa truyền phép, mà chỉ nói rằng chủ tế nâng Mình Thánh, rồi Máu Thánh “cho cộng đoàn thấy.” Như vậy, quý bạn không nên cúi đầu, nhưng ngước nhìn lên với tâm tình chiêm ngưỡng tuyên xưng Tình Yêu Thiên Chúa đã ban Đức Kitô cho chúng ta;  rồi sau đó, khi chủ tế cúi mình, quý bạn cũng cúi đầu thờ lạy. Thật vậy, việc nâng Mình Máu Chúa Kitô cho giáo dân chiêm ngưỡng nhằm mục đích mời gọi giáo dân biểu lộ niềm tin vào sự hiện diện của Chúa Kitô trong Thánh Thể và tôn thờ cách thầm lặng. Và để tỏ lòng tôn kính sự hiện diện của Chúa trong Thánh Thể, quý bạn chắc cũng thấy có việc xông hương khi chủ tế nâng Mình Máu Thánh Chúa cho giáo dân thấy và có kèm theo tiếng rung chuông vang lên không chỉ báo hiệu nhưng nó còn giúp quy hướng tất cả mọi người tín hữu nâng tâm hồn hướng mắt lên ngắm nhìn – chiêm ngưỡng Chúa Giêsu Thánh Thể trong thinh lặng cõi lòng để cúi đầu, cúi mình thờ lạy Chúa.

Cũng xin nói thêm rằng một số bạn khi ngồi nói chuyện với nhau về đề tài này cũng giải thích, khi chủ tế nâng Mình Thánh và Máu Thánh lên thì cộng đoàn cũng hướng lên để như một cử chỉ bày tỏ tâm tình dâng lên Thiên Chúa của lễ là Đức Kitô. Rồi sau đó, cúi đầu thờ lạy, như cử chi đón nhận Của Lễ đó được Chúa Cha ban lại cho con người. Hiểu theo ý nghĩa này cũng được, mặc dù cử chỉ của chủ tế khi nâng Mình và Máu Thánh sau truyền phép, đây không phải là dâng lên Thiên Chúa. Việc này đúng hơn được thực hiện cuối phần Phụng vụ Thánh Thể khi quý bạn thấy chủ tế cầm Đĩa Thánh và Chén Thánh nâng lên và đọc “Chính nhờ Người, với Người và trong Người...”.

Như vậy, nói tóm lại, trong phần tôn thờ sau Truyền Phép, vừa có ý nghĩa chiêm ngưỡng, vừa có ý nghĩa tôn thờ. Chúng ta có thể thực hiện cả hai hành vi đó qua việc hướng nhìn lên Mình Máu Thánh để chiêm ngưỡng và sau đó, khi chủ tế cúi mình, chúng ta cũng cúi đầu tôn thờ.

Phần trả lời cho thắc mắc của quý bạn xin được dừng ở đây. BBT xin chúc quý bạn, người dự tòng mới của Chúa được tràn đầy hông ân Chúa, mỗi ngày mỗi khám phá và yêu mến Chúa Giêsu ngự trong Phép Thánh Thể Nhiệm Mầu – Ngài là Đấng luôn yêu thương và muốn gần bên quý bạn mãi mãi.


Các bài viết mới hơn
     Thắc mắc 30: Bí Tích Rửa Tội, Bí Tích thêm Sức và Bí Tích Truyền Chức Thánh.
     Thắc mắc 29. Hành trình Đức tin nghĩa là sao?
     Thắc mắc 28. "Mầu nhiệm" được hiểu như thế nào?
     Thắc mắc 27. Ý nghĩa và Sơ đồ Năm Phụng Vụ
     Thắc mắc 26. Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong các cử hành Phụng vụ của Hội Thánh
     Thắc mắc 25. Cách thức Cầu nguyện - Khẩu nguyện và Tâm Nguyện
     Thắc mắc 24. Ấn tín của Bí tích Rửa Tội
     Thắc mắc 23. Việc Xông Hương trong Thánh Lễ
     Thắc mắc 22. Lương dân và Ơn cứu độ
     Thắc mắc 21. Tội nguyên tổ

Các bài viết cũ hơn
     Thắc mắc 13. Vai trò Chúa Thánh Linh trong cầu nguyện
     Thắc mắc 12. Phép Lành
     Thắc mắc 11. Danh xưng "CHA" trong Giáo Hội Công Giáo
     Thắc mắc 10. Câu Tung Hô Lời Chúa
     Thắc mắc 9. Tại sao người Công giáo sùng kính Đức Mẹ
     Thắc mắc 8. Chức tư tế của người tín hữu giáo dân
     Thắc mắc 7. Kinh Lạy Cha P.2
     Thắc mắc 7. Kinh Lạy Cha. P 1
     Thắc mắc 6. Linh hồn
     Thắc mắc 5. Linh mục và chiếc áo màu đen