Trang Chủ > Giải Đáp

BBT thân mến, tôi đang theo học lớp giáo lý dự tòng. Bạn tôi thường mời tôi đi tham dự thánh lễ Chúa Nhật. Tôi để ý thấy trong thánh lễ, có một việc mà tôi thấy bất ngờ nhưng không hiểu. Khi đang ngồi, bạn tôi bảo tôi đứng lên và và tôi thấy mọi người cũng vậy, sau bạn tôi nhắc tôi cúi đầu và chờ cho người giúp lễ xông hương xong, rồi mới ngồi xuống. Tôi bị bất ngờ, không hiểu và muốn được biết rõ xông hương như thế để làm gì hay nó có ý nghĩa gì không? Xin cảm ơn BBT.

Qúy bạn thân mến,

xonghuong.jpgtrong suot 10x350.pngĐể hiểu được rõ xông hương trong thánh lễ có ý nghĩa gì và tại sao có xông hương, BBT xin được trình bày tới quý bạn qua hai điểm. Thứ nhất, quý bạn cần có một chút cái nhìn về khởi đầu của việc dùng hương trong phụng vụ Kitô giáo. Việc hiểu biết này giúp quý bạn phần nào hiểu vì sao việc dùng hương lại làm cho việc cử hành thêm phần trang trọng và thiêng liêng. Thứ hai, BBT xin mời quý bạn tìm hiểu về ý nghĩa cũng như những tâm tình cần có khi có nghi thức xông hương trong thánh lễ.

1. Phụng vụ Kitô giáo sử dụng hương từ hồi nào?

Thưa với quý bạn, việc sử dụng hương trong phụng vụ đã có trước Kitô giáo, và cụ thể là trong phụng vụ Do thái. Chắc quý bạn tân tòng cũng biết rằng người công giáo có Kinh thánh Cựu ước và Tân ước. Và phụng vụ Do Thái được ta thấy rõ trong sách Cựu ước. Sách Cựu Ước là những sách ghi chép Lời Thiên Chúa nói với con người qua dân tộc Do-thái nhằm chuẩn bị cho Ðức Ki-tô Cứu Thế xuất hiện.

Vậy, thời cựu ước, Thiên Chúa ra lệnh cho một người tên là Môsê xây một bàn thờ đặc biệt, nơi cực thánh, dành riêng để dâng hương thờ phượng Ngài. Sách Xuất Hành chương 30 ghi lại rằng: "Ngươi sẽ làm một bàn thờ để đốt hương... đó là hương vĩnh viễn dâng trước nhan Ðức Chúa qua mọi thế hệ của các ngươi” (Xh 30, 1-2, 7-8). Sau này, trong đền thờ Giêrusalem, vào một số ngày đặc biệt, vị thượng tế vén tấm màn ngăn đi vào nơi cực thánh để đốt cháy 2 nắm hương bột có mùi thơm và hương thơm tỏa khắp nơi cực thánh.

Qua sách Tân ước là những sách ghi chép Lời Thiên Chúa nói với con người nơi Ðức Giê-su Ki-tô. Kinh Thánh Tân ước, trong đó, phúc âm thánh Luca viết mở đầu với cảnh thiên sứ Gabriel hiện ra với ông Dacaria trong đền thờ vào lúc tới phiên của ông phụ trách việc dâng hương (Lc 1,9-10); quảng cảnh này cũng được lặp lại trong sách khác của Tân ước, khi mô tả quang cảnh đền thánh trên trời: một thiên thần đến đứng trước bàn thờ, tay cầm bình hương vàng, lãnh nhận hương thơm để dâng lên bàn thờ cùng với những lời cầu nguyện của toàn thể các thánh.

2. Ý nghĩa và tâm tình của nghi thức xông hương

Trước khi nói đến ý nghĩa và tâm tình của việc xông hương, BBT xin mời quý bạn cũng hành hương đến Thánh địa Santiago Compostela bên Tây ban nha nơi mà đã hơn 1000 năm qua luôn là địa điểm hành hương rất quan trọng của người Công giáo.

Tại chánh điện của thánh địa rất lộng lẫy, bàn thờ và đài các thánh được dát vàng thật rực rỡ. Đặc biệt nhất là chiếc bình hương rực ánh vàng dài gần 2 thước, cân nặng 60 kilô. Chiếc "Botafumeiro" chỉ được đốt hương trầm và dùng trong những dịp lễ quan trọng. Cần đến nhiều người kéo và đong đưa những sợi dây thừng dài, bình hương được vận chuyển nhanh tỏa hương ngạt ngào dọc bên chính điện. Tiếng kinh cầu, giọng thánh ca ngân nga và tiếng nhạc trầm organ vang vọng trong bầu không khí rất linh thiêng tôn thờ, chúc tụng và dâng lời khẩn nguyện lên Thiên Chúa đã khiến bao người mắt rưng rưng lệ niềm cảm xúc. Xin mời quý bạn cùng xem:

Quý bạn thân mến,

Trong Cựu ước, sách Thánh Vịnh 141 câu 2 nói việc xông hương là dấu chỉ diễn đạt sự cung kính và như lời nguyện cầu dâng lên Thiên Chúa

“Ước chi lời con nguyện như hương trầm bay toả trước Thánh Nhan,
 và tay con giơ lên được chấp nhận như của lễ ban chiều” (Tv 141, 2).

Con người nối kết với Thiên Chúa và thờ phượng Đấng Tối Cao qua các lễ nghi. Các lễ nghi đó được diễn đạt và thể hiện qua các biểu tượng, những dấu hiệu, những cử chỉ vật lý, thể lý trong lãnh vực của con người. Việc thờ phượng Thiên Chúa được diễn đạt không chỉ trong tâm hồn nhưng cả ngoài thể xác. Mùi thơm êm dịu của trầm hương, chắp tay, cúi đầu... chúng làm cho người ta cảm nhận và dễ dàng đi vào bầu khí của mầu nhiệm thánh đang được cử hành. Khi than hồng, hương được thiêu cháy mới tỏa thơm và việc dâng hương cũng là biểu tượng cho tấm lòng sốt mến, sẵn sàng thiêu huỷ chính mình, dâng hương như sự dâng hiến của lễ hy sinh lên tòa Chúa.

Trong Giáo hội Công giáo có vị Thánh rất nổi tiếng là thánh tiến sĩ Tôma Aquinô, khi bàn về bí tích Thánh Thể, đã viết rằng chúng ta sử dụng hương cũng như đạo Do thái, nhưng không phải bởi vì tuân thủ luật Do thái nhưng để tuân hành luật của Giáo hội. Có hai ý nghĩa chính là: thứ nhất, để tỏ lòng tôn kính bí tích này, nghĩa là đánh tan những mùi hôi từ thân xác con người; thứ hai, để tượng trưng cho những hậu quả của ơn thánh được ví như mùi thơm nhân đức. Tiên vàn mùi thơm lan tỏa từ Chúa Kitô, rồi từ đó tràn lan lên các thừa tác của ngài và trên các tín hữu. Vì vậy mà trong phụng vụ, chúng ta xông hương bàn thờ tượng trưng cho Chúa Kitô, rồi đến các giáo sĩ và toàn thể cộng đoàn Dân Chúa.”

Chính vì ước nguyện “mùi thơm lan tỏa từ Chúa Kitô” đến tất cả mọi người hiện diện trong thánh lễ, nên trong khi đang đứng với nghi thức xông hương, quý bạn đừng chỉ ngắm nhìn người xông hương và thưởng thức mùi thơm từ trầm, nhưng nên ngước nhìn lên Chúa hay cúi đầu dâng lên Thiên Chúa lời nguyện thầm rằng “xin Chúa thương tha thứ và thánh hóa con trong hương ơn thánh Chúa”, hay “Xin cho lời con nguyện và của lễ con dâng hôm nay bay theo hương trầm được Chúa thương chấp nhận” … Quý bạn cứ thầm nguyện với Chúa đi, chính Thánh Thần Thiên Chúa nhìn thấu tấm lòng bạn và và Ngài sẽ dâng lời nguyện của lòng bạn như hương thơm bay lên để xin Thiên Chúa thương đón nhận và chúc phúc.

Như vậy, qua hai điểm trên chắc quý bạn đã hiểu được vì sao trong Thánh lễ Chúa Nhật, quý bạn thấy có xông hương và khi xông hương cộng đoàn, thì mọi người đứng. Ước chi lời con nguyện như hương trầm bay lên ngai tòa Chúa, BBT xin nguyện chúc quý bạn đang tìm hiểu về Chúa được tràn đầy hương ơn thánh Chúa dẫn đưa quý bạn tới nhận biết chính Chúa là Tình Yêu Thương Xót luôn muốn gần kề bên quý bạn.


Các bài viết mới hơn
     Thắc mắc 30: Bí Tích Rửa Tội, Bí Tích thêm Sức và Bí Tích Truyền Chức Thánh.
     Thắc mắc 29. Hành trình Đức tin nghĩa là sao?
     Thắc mắc 28. "Mầu nhiệm" được hiểu như thế nào?
     Thắc mắc 27. Ý nghĩa và Sơ đồ Năm Phụng Vụ
     Thắc mắc 26. Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong các cử hành Phụng vụ của Hội Thánh
     Thắc mắc 25. Cách thức Cầu nguyện - Khẩu nguyện và Tâm Nguyện
     Thắc mắc 24. Ấn tín của Bí tích Rửa Tội

Các bài viết cũ hơn
     Thắc mắc 22. Lương dân và Ơn cứu độ
     Thắc mắc 21. Tội nguyên tổ
     Thắc mắc 20. Lắng Nghe Tiếng Chúa Qua Thánh Kinh
     Thắc mắc 19. Thánh Lễ Chúa Nhật
     Thắc mắc 18. Tâm Tình Cầu Nguyện
     Thắc mắc 17. Á Bí Tích
     Thắc mắc 16. Cha Mẹ Đỡ Đầu
     Thắc mắc 15. Ý nghĩa diễn tiến Thánh Lễ_Phần I
     Thắc mắc 14. Cử chỉ khi linh mục nâng cao Mình Máu Thánh Chúa
     Thắc mắc 13. Vai trò Chúa Thánh Linh trong cầu nguyện