BBT thân mến, tôi có một
người bạn đang theo học giáo lý tân tòng. Tôi thường rủ bạn tham dự Thánh lễ
Chúa Nhật. Bạn tôi có hỏi tôi tại sao Thánh lễ ngày Chúa nhật quan trọng và
cũng hỏi tôi về diễn tiến của Thánh lễ cũng như ý nghĩa các nghi thức cử hành
trong Thánh lễ. Tôi có trả lời được một số điểm nhưng tôi thấy vẫn chưa rõ lắm.
Xin BBT giúp tôi hiểu cụ thể hơn về diễn tiến ý nghĩa Thánh lễ như thế nào để
có thể trả lời các thắc mắc bạn tôi nêu ra? Xin cảm ơn BBT.
Quý bạn thân mến,
Chắc hẳn quý bạn đã biết
Thánh lễ là trọng tâm của đời sống Kitô hữu. Mỗi Thánh lễ Chúa Nhật là ngày hết
sức vui tươi vì Giáo Hội hân hoan cử hành Mầu Nhiệm Ngày Chúa Phục Sinh, ngày mà
Chúa cho chúng ta thấy tỏ tường sự chiến thắng của Người trên tất cả bệnh tật, đau khổ, sự chết, ác thần cũng như giải thoát ta khỏi tội lỗi,
ban cho ta sự sống mới, đem lại cho ta niềm hy vọng chắc chắn mai ngày thân xác
ta cũng sẽ được sống lại như Ngài. Chúa Giêsu đã sống lại thật sự cho thấy Ngài
chính là Con Thiên Chúa là Thiên Chúa, đó là nền tảng Đức Tin của chúng ta.
Vì Thánh lễ có một tầm
quan trọng lớn lao như vậy, nên việc tìm hiểu để tham dự Thánh lễ một cách chủ
động, sốt sắng sẽ giúp ta học biết mở lòng, nâng tâm hồn kết hợp với Thiên Chúa
mà đón nhận muôn ơn phúc Chúa xuống trên mỗi người.
Về diễn tiễn của Thánh lễ,
Thánh lễ gồm 2 phần chính là Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể. Ngoài ra
còn có nghi thức đầu lễ và nghi thức kết lễ.
Với thắc mắc của quý bạn,
BBT sẽ trình bày thứ tự cụ thể diễn tiến Thánh lễ để giúp quý bạn có thể nắm bắt
rõ hơn giúp dễ trả lởi cho người bạn dự tòng được hiểu về Thánh lễ.
Nghi thức đầu lễ
Quý bạn nhìn thấy mọi người
ở mỗi nơi như đang phân tán, bây giờ trở về bên Chúa từ muôn phương. Đó là tâm
tình Chúa mời gọi mọi người đến với Chúa.
- Vào nhà thờ: khi bước vào nhà thờ, quý bạn để ý ở các nhà thờ có nước phép rửa tội ở
cửa, mọi người nhúng tay vào nước rửa tội và làm dấu Thánh giá trước khi vào
nhà thờ. Khi quý bạn làm như thế, đó là một sự nhắc nhớ sự sống mới quý bạn đã
lãnh nhận từ nơi Thiên Chúa ngày quý bạn chịu phép thánh tẩy trở thành Kitô hữu.
- Rước vào Thánh lễ với ca nhập lễ:
sau khi qui tụ lại thành một cộng đoàn, những người dâng lễ tạo thành đoàn rước
tiến vào trước tôn nhan Chúa, vừa đi vừa ca hát như lời cầu nguyện chúc tụng
Chúa. Đây không phải là đoàn rước vị chủ tế nhưng là tâm tình đoàn dân Chúa
cùng tiến vào nhà Chúa. Nếu đoàn rước có người cầm hương, hương bay lên tượng
trưng cho lời nguyện bay lên tới Chúa.
- Chủ tế hôn bàn thờ vì bàn
thờ là nơi cử hành "bữa ăn tối của Chúa" (1 Cr 11,20) và là dấu chỉ
Chúa Kitô hiện diện giữa cộng đoàn. Giáo hội tiên khởi coi bàn thờ như mộ các vị
tử đạo, và quý bạn nếu để ý sẽ thấy có đặt ở trong bàn thờ di tích các ngài, nhắc
nhở họ hiến cuộc đời trong sự chờ đợi sống lại. Chủ tế hôn bàn thờ, trước mặt
toàn thể cộng đoàn, biểu lộ thái độ cung kính, tôn thờ yêu mến đối với Chúa
Kitô.
- Dấu Thánh giá: khi làm dấu
Thánh giá, quý bạn được mời gọi gợi nhớ lại ngày chúng ta nhận lãnh bí tích rửa
tội và ý thức mình là Kitô hữu là gia đình được Thiên Chúa thiết lập cùng nhau
được mời gọi quy tụ đến đây trong tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa.
- Lời chào của chủ tế: sau
khi làm Dấu Thánh giá để đáp lại chính lời mời của Thiên Chúa. Vị chủ tế sẽ
chào cộng đoàn bằng những lời được lấy từ Kinh Thánh “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta…” và cộng đoàn thưa
chào lại vị chủ tế “và ở cùng Cha”. Đây không phải là
lời chào như phép lịch sự nhưng là biểu lộ chính sự nhìn nhận Chúa Kitô hiện diện
giữa cộng đoàn và người cử hành thánh lễ đây không phải chỉ một mình linh mục,
nhưng cộng đoàn với linh mục. Mỗi người dâng thánh lễ theo thứ bậc của mình, và
chính Chúa Kitô chủ tế mà linh mục, qua thánh chức, trở thành người đại diện
cho Ngài dưới trần gian hiệp với mỗi người dâng hy lễ lên Thiên Chúa Cha.
- Nghi thức sám hối: chủ tế
cùng mọi người sám hối đây muốn giúp mọi người mang trong mình tâm tình khiêm tốn
thật sự trước Thiên Chúa Chí Thánh, nhìn nhận mình thực sự là thụ tạo hèn kém,
yếu đuối, tội nhân khao khát cần đến Lòng Từ Bi Thương Xót Quyền Năng Chúa
thanh tẩy, thêm sức. Thiên Chúa là Cha, Ngài như đang cúi thật sâu giơ tay ra cần
bàn tay bạn nắm lấy.
Quý bạn sám hối đây không
phải là xưng thú tội lỗi mình nhưng là xin Lòng Thương Xót Chúa đón nhận bạn, sự
tốt lành và không tốt lành của bạn, mạch bảo lòng mình mau chạy đến tín thác, đừng
mất lòng tin tưởng nơi Lòng Thương Xót Chúa dành cho tội nhân, cùng xin Ngài
nâng quý bạn lên gần Ngài Đấng Cực Thánh để phần nào xứng đáng dâng lên Cha hy
lễ cũng như lời cầu nguyện của mình mong Cha thương đón nhận, ban phúc.
Nghi thức này cũng là một
sự nhắc nhở cho mỗi tín hữu năng đến lãnh nhận Bí tích giải tội để được Chúa
thanh tẩy các tội, đặc biệt là tội trọng cản trở ta đến gần Chúa.
- Một hình thức khác của nghi thức
sám hối có thể sử dụng trong các Chúa nhật là rẩy Nước Thánh, nói lên đặc
điểm Vượt Qua của ngày Chúa nhật - tưởng niệm Chúa Kitô phục sinh khải hoàn, đồng
thời nhắc nhở bí tích Rửa tội - Ta đã chết cho tội lỗi, giờ đây được sống lại với
Chúa Kitô trong đời sống mới. Khi rẩy Nước Thánh, cộng đoàn làm dấu Thánh giá
và hát những bài thích hợp đề cập đến Phép Rửa như là công cuộc canh tân đời sống
mới trong Thiên Chúa.
- Kinh Vinh Danh: sau khi
sám hối, tín thác vào lòng thương xót Chúa dành cho quý bạn, quý bạn được mời gọi
cùng nhau ca ngợi vinh quang Thiên Chúa dành cho quý bạn trong ngày qua, tuần
qua. Kinh Vinh danh được gọi "ca vịnh Thiên Thần". Khởi đầu chính các
Thiên Thần hát mừng ngày Đức Giêsu giáng sinh. Giáo hội đoàn tụ trong Chúa
Thánh Thần hát kinh Vinh Danh tôn vinh Chúa Cha và cầu khẩn với Chúa Con. Kinh
Vinh Danh được hát hay đọc vào phần đầu thánh lễ Chúa nhật, trong các lễ trọng
và lễ kính.
- Lời Nguyện Nhập lễ: khi
chủ tế dang tay và đọc “Chúng ta dâng lời cầu nguyện”, chủ tế thịnh lặng ít
giây và đọc tiếp – Lúc này, quý bạn và mọi người được mời cầu nguyện dâng ý chỉ
riêng của mình lên Thiên Chúa trong thinh lặng, vừa lắng nghe chủ tế đọc vừa cầu
nguyện kết hợp ý chỉ riêng của mình thân thưa lên Thiên Chúa. Khi chủ tế vừa kết
mọi người cùng thưa “Amen”. Amen ở đây có nghĩa là thưa lên Thiên Chúa rằng mong
cho ước nguyện con xin được Chúa thương chấp nhận. Hiệp với cộng đoàn cùng nhau
thưa Amen còn diễn đạt đức tin của toàn thể cộng đoàn vào sự
trung tín của Thiên Chúa, Người sẽ nhậm lời những gì cộng đoàn cầu xin với niềm
tin tưởng.
Chúng ta hô lên lời Amen tôn vinh Thiên Chúa.
Phần I. Phụng Vụ Lời Chúa
Trong phần Nhập Lễ, mọi
người được mời gọi kết thành cộng đoàn và sửa soạn đón nhận Lời Chúa. Công đồng
Vatican II trong Hiến chế Phụng vụ Thánh
ghi: "Trong việc cử hành Phụng Vụ, Thánh Kinh giữ vai trò tối quan
trọng... Trong Phụng Vụ, Thiên Chúa nói
với dân Ngài; Chúa Kitô vẫn còn rao giảng Tin Mừng. Phần dân chúng thì đáp
lại Thiên Chúa qua tiếng hát lời kinh" (24.33).
1. Bài đọc 1 : thường trích từ Cựu ước có liên hệ với bài tin mừng và là chứng từ của các bậc
tiền bối, các tiên tri, ngôn sứ trước thời Chúa Giêsu. Đọc
Cựu ước nhằm mục đích nói đến liên hệ giữa chúng ta với dân Do Thái, cùng chia
sẻ một lịch sử ơn Cứu độ nhưng thuộc hai giai đoạn khác nhau để cùng nhau nhìn
xem bàn tay kỳ diệu quyền năng và tình yêu của Chúa dẫn dắt Dân Người tuyển chọn
mà từ đó nghiệm xem Chúa cũng đang dẫn dắt quý bạn và người bạn dự tòng đến với
Chúa.
2. Thánh vịnh Đáp ca: được sáng tác khoảng giữa thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ V trước công
nguyên nhằm thể hiện việc Thiên Chúa phán với dân tuyển chọn qua những việc kỳ
diệu do Ngài yêu thương thực hiện. Và như thế, sau khi nghe Lời Chúa tường thuật
việc kỳ diệu Ngài làm, dân chúng hay cộng đoàn chúng ta đây đáp lại bằng cách cử
hành công cuộc vĩ đại đó qua lời chúc tụng ngợi khen là chính bài hát thánh vịnh
trong Kinh Thánh do chính Chúa Thánh Thần linh hứng mạc khải cho dân. Do vậy,
Đáp ca là một hình thức khác Chúa dùng để phán dạy và giáo huấn dân Chúa. Thái
độ xứng hợp hơn cả là dân chúng lắng nghe Lời chúa do người khác đọc Thánh vịnh
rồi cộng đoàn đáp ứng bằng câu đáp ca.
3. Bài đọc
2 : trích từ Tân ước được đọc trong Chúa nhật và lễ
trọng.
Nếu bài đọc 1 nói lên chứng từ của các bậc tiền bối trước thời Chúa Giêsu, thì
bài đọc 2 là chứng từ của các vị đã tiếp nhận sự mạc khải của Chúa Kitô phục
sinh. Và qua bài đọc 2, cộng đoàn cũng lắng nghe các giáo huấn của các tông đồ
do chính Chúa Thánh linh soi sáng và hướng dẫn để đưa cộng đoàn tiến vào đời
sống kết với Chúa Giêsu và Giáo Hội của Người.
4. Alleluia! Alleluia : có nghĩa Chúc tụng
Thiên Chúa. Alleluia là bài ca của các Thiên Thần trong phụng vụ trên trời để
ca tụng và tán dương Vinh Quang Thiên Chúa Quyền Năng Cực Thánh. Trong Phụng Vụ
Lời Chúa, cộng đoàn hát Alleluia để tôn vinh Thiên Chúa thực hiện chương trình
cứu độ qua Đức Kitô Phục Sinh, chúc tụng Đức Kitô phục Sinh là Đấng sẽ nói với
dân Ngài qua bài Tin Mừng. Alleluia còn biểu lộ niềm vui và thái độ sẵn sàng
lắng nghe Lời Chúa nữa.
5. Công bố Tin Mừng: cộng đoàn đã nghe chứng
từ của các bậc tiền bối trước thời Chúa Giêsu (bài đọc Cựu Ước) ; kế tiếp,
chứng từ của các vị đã tiếp nhận sự mạc khải của Chúa Kitô phục sinh (bài đọc
Tân Ước) ; và sau cùng là lời của chính Chúa Kitô qua Tin Mừng của Người.
Vì là Lời của chính Chúa
Giêsu Kitô, nên phụng vụ dành những hình thức trang trọng và đặc biệt cho việc
công bố tin mừng như có người giúp lễ cầm nến sáng đứng xung quanh Lời Chúa và
chủ tế xông hương Lời Chúa trước khi công bố Tin Mừng Đức Giêsu Kitô.
Quý bạn thấy Chủ tế ghi Dấu
Thánh giá trên trán, trên môi và trên ngực, ngụ ý ám chỉ tâm trí, tâm hồn sẵn
sàng đón nhận Lời Chúa, môi miệng sẽ tuyên xưng và tâm hồn sẽ yêu mến Lời Ngài.
Mọi tín hữu đang có mặt cũng ghi Dấu Thánh giá như vậy trong khi đọc thầm với
tâm tình cầu nguyện: "Xin Lời Chúa mở rộng lòng trí con, cho miệng lưỡi
con biết công bố Lời Ngài, cho con biết giữ Lời Ngài trong tâm hồn con và thực
thi Lời Ngài trong cuộcc sống". Xin quý bạn đừng xem đây là hình thức nhé!
Thiên Chúa – Đấng thấu suốt tâm hồn cầu nguyện sẽ thánh hoá, ban phúc và giúp
quý bạn nhận ra và sống thánh ý hầu làm đẹp lòng Người mà nhận lãnh phúc lành của
bình an, hạnh phúc và triển nở cho cuộc đời quý bạn.
6. Bài diễn giảng: tất cả cộng đoàn đều lắng nghe bằng đôi tai của mình, nhưng sứ điệp
Chúa gửi đến quý bạn qua đó là riêng tư và vang lên qua điều đánh động vào trái
tim lý trí quý bạn dù nhỏ bé. Chủ tế giải thích Lời Chúa giúp cộng đoàn hiểu sự
điệp Chúa gửi đến. Quả thật, Lời
Chúa mặc lấy hình thức bài giảng đến với cộng đoàn. Chính Chúa Thánh Thần biến đổi tiếng nói con người ở
bài giảng thành Lời Chúa trong cõi lòng quý bạn. Quý bạn lắng nghe
tiếng nói trái tim mình sẽ nhận ra tiếng nói của Chúa.
7.
Đọc
Kinh Tin Kính:
quý bạn được mời gọi đáp lại Lời Chúa, nghĩa là sau khi Lời Chúa được công bố và diễn giải, cộng đoàn đáp lại bằng
cách tỏ dấu chấp nhận qua việc Tuyên xưng đức tin, và biểu lộ mối quan tâm đến
những nhu cầu của toàn thể nhân loại qua Lời Nguyện cho mọi người.
8. Lời nguyện chung:
trong lời nguyện cầu
cho mọi người, cũng gọi
là lời nguyện tín hữu, chính quý bạn vì là Kitô hữu thực hiện chức vụ tư tế của mình, mà cầu cho
hết mọi người.
Lời nguyện chung cũng mang mục đích đáp lại Lời Chúa, do đó trong khi quý bạn
cùng toàn thể cộng đoàn dâng các Lời nguyện lên Thiên Chúa, quý bạn hãy tin
tưởng và âm thầm dâng lên lời cầu nguyện và ước vọng riêng tư của quý bạn lên
Chúa, Ngài là Đấng thấu suốt cõi lòng cầu nguyện riêng tư của quý bạn.
Phần Phụng vụ Lời Chúa kết thúc sau Lời
Nguyện Chung.
Như vậy, quý bạn đã cùng
BBT tìm hiểu về nghi thức đầu lễ và phần một Phụng vụ Lời Chúa. Ước mong rằng
nhưng giải thích này giúp cho quý bạn có thể trả lời cho người bạn dự tòng của
quý bạn được hiểu, yêu mến năng đến tham dự Thánh Lễ để đón nhận ơn phúc của
Thiên Chúa trong Giáo Hội của Người. BBT nguyện xin Chúa Thánh Thần – Đấng đang
đồng hành - ban ơn xuống trên quý bạn và dẫn đưa người bạn dự tòng đến gặp Chúa
được Chúa thương chúc phúc muôn ơn lành hồn xác.
BBT thân ái chào quý bạn
trong tình yêu Thiên Chúa và xin hẹn gặp quý bạn ở phần sau Phụng vụ Thánh Thể
và nghi thức kết lễ.
Chia sẻ bài viết này
0
ShareThis Copy and Paste