Tinvuixuanloc
có nhận được thắc mắc của bạn Quân Bùi về vấn đề có liên quan đến danh xưng
“cha” và việc “ban phép lành” như sau: “Kính gửi ban giáo lý giáo phận, tôi xin
được giải đáp hai thắc mắc. Thứ nhất, tại sao trong Kinh Thánh, Chúa Giêsu dạy
không gọi ai dưới đất là cha, mà thực tế gọi các linh mục là cha và xưng là
con; thứ hai, khi linh mục giơ tay ban phép lành thì giáo dân làm dấu Thánh
giá, mà khi linh mục cầm mặt nhật có Mình Thánh Chúa ban phép lành, thì giáo
dân và cả các linh mục, thậm chí linh mục quản hạt cũng không làm dấu?”
Quý bạn Quân Bùi
thân mến,
Thắc mắc về danh
xưng “cha” là một thắc mắc được rất nhiều người hỏi, không chỉ người Kitô hữu
mà còn cả nhưng người lương giáo, những người theo đạo khác nữa. Thắc mắc này
không chỉ riêng một mình bạn hỏi, nhưng còn có cả những người am tường và
nghiên cứu về tôn giáo, nhiều người với mọi trình độ khác nhau.
Thắc mắc của quý
bạn gồm hai ý, BBT xin được giúp trả lời quý bạn Quân Bùi về ý đầu tiên, thắc
mắc về danh xưng “cha” trong Giáo Hội Công Giáo. Vậy để trả lời cho thắc mắc
trước tiên này, BBT xin mời Quân Bùi cùng chúng tôi đi qua năm điểm sau đây.
1. Danh xưng “Cha” được Giáo Hội
dùng từ lâu và mang nét đặc thù văn hóa và ngôn ngữ của mỗi dân tộc.
Nhìn vào thực tế,
một bằng chứng cho thấy qua bao năm tháng, trong mọi ngôn ngữ nơi có người tin
và sống Đạo Công Giáo của Chúa Giêsu Kitô trên khắp hoàn cầu, Giáo Hội cho phép
dùng danh xưng “Cha” từ rất lâu.
Cụ
thể như ở Pháp, họ gọi các linh mục là Père (Cha). Người Anh Mỹ gọi là Father, người
Ý và Tây Ban Nha gọi Padre… Và như bạn Quân Bùi nếu tìm hiểu cũng sẽ biết,
trong những ngôn ngữ này chỉ có cặp Đại danh từ nhân xưng I - You; Je-Tu/Vous,;
Yo/Tu-Usted/… được dùng để đối thoại trong gia đình giữa cha mẹ, con cái, vợ chồng,
anh chị em, bạn bè, và ngay cả để cầu nguyện với Thiên Chúa. Khi người Pháp nói
“Mon Père” (tiếng việt là cha) với một linh mục, nhưng vẫn dùng cặp đại từ”
“Je/Vous ” (từ này để xưng hô với người đối diện và nhiều nghĩa trong tiếng việt
là anh, ông, chú, bác, mi, mày… và cũng có thể là cha) để nói chuyện tiếp tục với
linh mục đó, vì họ không có lối xưng hô “cha-con” như người Việt nam. Người
Anh, Mỹ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, và Ý cũng vậy. Mà bạn Quân Bùi chắc cũng biết
về ý nghĩa của các đại từ xưng hô này trong tiếng việt; ví dụ như tiếng anh,
khi họ xưng với linh mục hay với Thiên Chúa hay bất kỳ ai bằng “You”, tiếng việt
“You” này có rất nhiều nghĩa: bạn, nó, ngài, mày, mi… Đó là ý nghĩa tiếng việt
đặc thù và phong phú trong cách xưng hô. Vậy quý bạn Quân Bùi thử nghĩ xem, người
việt gọi linh mục là cha, người Anh gọi linh mục là “you”, thế thì họ nghĩ
“You” này theo tiếng việt là ông, là anh hay là mi… hay là linh mục… ta không
biết trong lòng họ nghĩ gì phải không?
Vậy
trước tiên, chỉ trong ngôn ngữ Việt Nam, chúng ta mới xưng hô Cha-Con, và danh
xưng này thật sự không tìm thấy trong một ngôn ngữ nào trên thế giới.
Và
trong gia đình, Quân Bùi cũng thấy con cái luôn thưa với cha mẹ bằng tương quan
Cha-Con/ Mẹ-Con/ luôn xưng "con hoặc cháu," khi nói chuyện với ông bà.
Con cái mà nói "tôi, tao" với cha mẹ, hay ông bà thì kể như không
đúng và cần phải chỉnh lại. Khi cầu nguyện, người Công giáo Việt Nam luôn kính
cẩn thưa "Lạy Chúa, con xin" và bạn Quân Bùi cũng như chúng tôi cảm
thấy khó nghe khi gọi Chúa là "Tu,/Toi" như trong tiếng Pháp hoặc
“Thou/You” trong tiếng anh trong khi người Pháp hay Mỹ lại cảm thấy rất thoải
mái và tự nhiên khi xưng hô như vậy với Chúa vì đó là ngôn ngữ của họ. Ðây là
những nét đặc thù về văn hóa và ngôn ngữ của mỗi dân tộc.
Vậy,
điều đầu tiên xin Quân Bùi hiểu cho rằng, chỉ người Việt Nam gọi linh mục là
“cha”, còn các nước khác khi nói chuyện với linh mục thì xưng với linh mục
không phải là đại từ “Cha” nhưng là một đại từ nhân xưng khác. Như thế, điều
quan trọng của danh xưng “CHA” thật sự nằm ở đâu trên môi miệng và trong lòng của
chúng ta?
Cũng xin mạch nhỏ với bạn
Quân Bùi, bạn đã từng thấy người nước ngoài học tiếng việt chưa; người nước
ngoài, khi học tiếng Việt, họ rất khổ tâm vì
không biết khi nào phải gọi người đối diện bằng cụ, ông, bà, cô, chú,
bác, anh, chị , em … và lúc nào phải xưng hô là con, cháu, tôi, chúng tôi, mày/tao… Qúy bạn Quân Bùi có biết vì sao
không, chỉ vì trong ngôn ngữ Việt Nam mới có những cặp danh xưng như ông-bà
/cháu, cha-mẹ-ba- má../con, anh-chị/em. Quí vị/tôi-chúng tôi, mi, mày/tao … Và
cũng thật khó khăn vô cùng cho họ để hiểu và phân biệt nghĩa của những tiếng
như : cái nhà, con cái, thằng bé, đứa bé, con chó, con bé, trẻ con...
2. Vậy, Ý Chúa Giêsu muốn nói qua
đoạn tin mừng “Mt 23, 8 – 9” thật sự là gì?
Có
rất nhiều những thắc mắc như Quân Bùi về Phúc Âm Thánh Matthêu đoạn 23, câu 8 -
9 để chứng minh danh xưng "Cha" dành cho các linh mục Công giáo là
"không có nguồn gốc Kinh Thánh hay truyền thống các Tông đồ và Giáo Phụ".
Họ dựa vào đoạn Tin Mừng này để chỉ trích Giáo Hội Công Giáo là "rối đạo".
Vậy, sự thật có phải như thế hay không???
Sở dĩ có chỉ trích
này là vì người đọc chỉ đọc và hiểu câu Kinh Thánh này theo nghĩa mặt chữ hay
nghĩ đen của từ ngữ được dùng mà không đi sâu vào tâm thức làm nền cho toàn bộ
ý nghĩa sâu xa của lời Chúa Giêsu nói khi ấy; hay nói một cách khác, việc đọc
này chỉ dừng lại ở đọc chứ thật sự không muốn hiểu điều mà lòng Chúa Giêsu muốn
nói. Thực ra, Chúa muốn chỉ trích những người Biệt Phái Pharisêu về thói chuộng
hư danh, khoe khoang và hợm hĩnh của họ, vì họ là những người thích được xưng
tụng bằng cha bằng thầy (Rabbi), thích ngồi chỗ danh dự nơi hội đường, thích
được chào đón nơi công cộng, thích khoe khoang về thành tích đạo đức thay vì
thực sự sống và thực hành những gì là cốt lõi của Lề Luật, của Ðạo giáo. Vì
thế, câu nói trên của Chúa Giêsu hoàn toàn áp dụng cho hạng người này với não
trạng đó và không mang nội dung như một số người đã khai thác sai lạc để đả
kích Giáo Hội Công Giáo.
3. Gương sáng trong việc thừa
nhận danh xưng “CHA” thể hiện trong
chính tâm tình - hành động cuộc sống
Ở đây, BBT xin được
trình bày hai trong vô vàn gương sáng tuyệt vời có liên quan tới danh xưng này.
Đó là Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Piô XII. Chắc bạn
Quân Bùi biết Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Trong cuốn sách nhan đề Bước
Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Ngài đã trả
lời ký giả Vittorio về danh xưng này: "Những từ ngữ này được xây dựng trên
một truyền thống lâu đời và đã đi vào trong ngôn ngữ thường dùng, và ngay cả
những từ ngữ này ta cũng đừng sợ".
Và tâm tình của một
hối nhân khi đến và quỳ gối trước cha giải tội có phải là tâm tình của một
người con đến xưng thú tội với cha mình hay không? Đức Giáo Hoàng Piô XII có
thói quen xưng tội mỗi ngày. Tối đến, khi cha giải tội bước vào phòng của Đức
Giáo Hoàng thì ngài liền quỳ xuống hôn nhẫn của Đức Giáo Hoàng, rồi đến phiên
Đức Giáo Hoàng làm dấu thánh giá và quỳ xuống để xưng tội.
Ah, và mới đây nhất
một gương sáng là ai nữa, bạn Quân Bùi có biết không? Đó chính là Đức giáo
hoàng Phanxicô. Khi được Đức ông Marini hướng dẫn đến Tòa giải tội để ban bí
tích Giao hòa cho mọi người, Đức Phanxicô đã “bất ngờ” tiến đến một tòa giải
tội, quỳ xuống và xưng tội với một vị linh mục trẻ. Và điều đặc biệt này đã đạo
nên một sự bất ngờ cho toàn thế giới. https://www.youtube.com/watch?v=MQb-GS2yP80
4. Lời nhắn nhủ của Thánh Phaolô
gửi cho Titô mang ý nghĩa gì?
Và đây là dẫn chứng
Kinh Thánh về danh xưng “cha”. Bạn Quân Bùi cùng chúng tôi mở vào Kinh Thánh và
xem đoạn thư của Thánh Phaolô gửi cho Titô 2, 2-3, 15 : “Phần anh, hãy dạy
những gì phù hợp với giáo lý lành mạnh. Hãy khuyên các cụ ông phải tiết độ,
đàng hoàng, chừng mục, vững mạnh trong đức tin, đức mến và đức nhẫn nại. Các cụ
bà cũng vậy, phải ăn ở sao cho xứng là người thánh, không nói xấu, không rượu
chè say sưa, nhưng biết dạy bảo điều lành. Đó là những điều anh phải nói, phải
khuyên, phải sửa dạy với tất cả uy quyền. Chớ gì đừng có ai coi thường anh.”
Quân Bùi thấy sao?
Titô là một người còn trẻ, nhưng lúc đó, ngài đã được giao phó cho trách nhiệm
của một người cha đấy!
... dạy những gì
phù hợp với giáo lý lành mạnh...
... khuyên các cụ
ông ... cụ bà ...
... phải nói, phải khuyên,
phải sửa dạy với tất cả uy quyền ...
Nếu giáo dân thời
bấy giờ không nhìn nhận rằng Titô là một vị đại diện cho Chúa Kitô, là người
cha thiêng liêng, và là người nhận được quyền dạy dỗ từ Thiên Chúa...thì làm
sao ông dám thi hành những công việc như răn dạy, khuyên bảo, sửa chữa...những
người già và cả những người trẻ với những việc thuộc về tư cách là người cha
thiêng liêng được?
Khi giáo dân của
Titô gọi ngài là CHA thì chắc chắn trong tâm tư của họ không hề có ý nghĩ ông
là THIÊN CHÚA CHA hay ông là thân sinh ra họ!
Qua đoạn thư Thánh
Phaolô gửi cho Titô, Bạn Quân Bùi cũng như chúng tôi phải xác thực rằng danh
xưng “Cha” dành cho Linh Mục có nguồn gốc Kinh Thánh, Tông Đồ và Công Đồng,
không phải là chuyện bịa đặt. Danh xưng này không hề xúc phạm đến việc tôn vinh
Chúa là CHA duy nhất, Đấng tạo dựng mọi loài, mọi vật hữu hình và vô hình. Danh
hiệu “Cha” của Linh mục chỉ nói lên trọng trách của người Tông đồ được sai đi
như những đại diện chính thức của Chúa Giêsu: “Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai
khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai
Thầy” (Lc 10:16).
Và để làm rõ hơn
vấn đề này, chúng tôi mời bạn Quân Bùi hãy cùng chúng tôi có tâm tình : chúng
ta là người trong gia đình của Thiên Chúa, là người được Chúa tạo dựng theo
hình ảnh của Thiên Chúa, chúng ta là Gia Đình Hội Thánh được kết hợp nên như
hình ảnh Gia Đình Thiên Chúa Cực Thánh là Thiên Chúa Ba Ngôi Thánh! Chí Thánh!
Ngàn Trùng Chí Thánh là Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Với tâm
tình này xin mời quý bạn Quân Bùi cùng chúng tôi trải lòng và đọc bài chia sẻ
sâu sắc sau đây của một quý bạn Giuse Phạm Văn Tuyến đăng ngày 14 tháng 4 năm
2014 tại Atlanta:
“Thưa bạn, Ðạo Thiên Chúa hoàn toàn khác với các
đạo khác ở nhiều điểm, nhưng trong phạm vi đề tài của lá thư này, tôi xin nêu
ra bốn điểm hoàn toàn khác biệt sau đây:
1. Thiên
Chúa không phải là Thiên Chúa đơn độc mà là một gia đình trong đó có Chúa Cha,
Chúa Con, và Chúa Thánh Thần, tức là Chúa Ba Ngôi Cực Thánh (The Holy Trinity).
Tất cả các đấng mà giáo dân của các tôn giáo khác tôn thờ, không một đấng nào
là một gia đình. Có thể là chính đấng ấy đã có gia đình, nhưng sau khi ‘tu luyện’
và trở nên ‘thần’, nên ‘thánh’ thì chỉ có một mình đấng đó là nên ‘thần’, nên
‘thánh’ mà thôi.
2. Con
người được Thiên Chúa tạo dựng nên như hình ảnh Người, và vì được tạo dựng nên
như hình ảnh Thiên Chúa nên tất cả mọi người, không phân biệt mầu da, chủng tộc,
tôn giáo, đều là con cái của Thiên Chúa. Xin đọc Thư Gởi Bạn Hiền 3 và 4.
Thành ra, tin hay không tin, chấp nhận hay không chấp nhận, Thiên Chúa vẫn là
Thiên Chúa của mọi người. Tất cả các thần thánh khác, không thần nào, thánh nào
nhận là mình tạo dựng con người; mà cũng không có vị nào nhận là mình tạo dựng
gì hết.
3. Vì
tất cả mọi người đều là con cái Thiên Chúa nên sự liên hệ giữa Thiên Chúa và
con người là sự liên hệ cha-con; sự liên hệ này là sự liên hệ không có trong bất
cứ một tôn giáo nào khác.
4. Khi
Thiên Chúa tạo dựng con người thì ngoài tạo dựng để cho mỗi một cá nhân được
nên như hình ảnh Người; Thiên Chúa còn kết hợp người nam và nữ thành một gia
đình; cũng là để cho tất cả mọi gia đình được nên như hình ảnh gia đình Thiên
Chúa. Không một thần thánh nào khác kết hợp người nam và nữ cho nên vợ chồng.
Vậy thưa bạn,
trong một gia đình được kết hợp nên như hình ảnh gia đình Thiên Chúa, khi con
cái gọi cha mình là cha, thì có ai vi phạm điều mà Chúa Giêsu dạy ở trên không?
Nếu có thì không phải chỉ có người Công Giáo mà tất cả những ai gọi cha mình là
cha, kể cả các anh em Tin Lành, đều đã vi phạm huấn lệnh này. Nhưng thưa bạn,
khi gọi cha mình là cha, thì không một ai trong chúng ta là vi phạm huấn lệnh
này của Chúa Giêsu. Bởi vì người cha trần thế của chúng ta chẳng những là người
cha trong liên hệ huyết nhục; mà
quan trọng hơn, còn là hình ảnh của người cha gia đình trong gia đình Thiên
Chúa. Vì thế cho nên khi gọi cha mình là cha, thì đó cũng là lúc chúng ta nhìn vào tấm hình của Người Cha Trên Trời
mà gọi Cha chứ không gọi cha nào khác. Chúng ta không ai vi phạm huấn lệnh
trên của Chúa Giêsu là vì vậy.
Ðể được rõ
ràng hơn, tôi xin đơn cử trường hợp này. Giả như ngày nào bạn mời một người
khách tới nhà. Vị khách của bạn chưa gặp cha bạn bao giờ nên không biết hình
dáng cha bạn ra sao và hôm ấy cha bạn lại vắng nhà. Trong phòng khách nhà bạn
có treo một bức chân dung cha bạn. Chỉ vào bức chân dung ấy vị khách hỏi:
- Ai vậy?
- Cha tôi đó,
bạn trả lời.
Vậy thưa bạn,
tôi xin được hỏi: Bức chân dung cha bạn đó có phải là cha bạn không? Nhất định
là không! Thế nhưng khi bạn nhìn vào bức chân dung cha mình mà gọi cha, thì việc
làm của bạn lại thật là chính đáng và không sai lầm. Người cha của một gia đình
mà tôi vừa nêu ra ở trên cũng vậy. Cá
nhân ông, như bao người khác, được tạo dựng nên như hình ảnh Thiên Chúa, nhưng
trong ngôi vị là người cha của một gia đình, ông còn là hình ảnh người cha gia
đình trong gia đình Thiên Chúa. Vì thế, như tôi vừa nói ở trên, khi chỉ
hình ảnh người Cha trên trời, là cha đẻ ra mình là thân sinh của mình, mà gọi
cha, thì không một ai trong chúng ta vi phạm huấn lệnh: “Ðừng gọi ai dưới đất
là cha; các con chỉ có một cha trên trời.”
Vậy những gia đình mà Thiên Chúa kết hợp cho nên
như hình ảnh gia đình Người là những gia đình nào? Thưa không phải chỉ là tất cả những gia đình dưới
hình thức vợ chồng, con cái mà còn là những gia đình lớn hơn như giáo xứ, giáo
phận, tổng giáo phận, giáo hội trên tầm mức quốc gia như Giáo Hội C. G. Việt
Nam, Giáo Hội C. G. Ba Lan, Giáo Hội C. G. Hoa Kỳ, v.v, và sau cùng là Giáo Hội
Công Giáo Hoàn Vũ. Tất cả những gia đình
này, lớn hay nhỏ, gia đình nào cũng được kết hợp nên như hình ảnh gia đình
Thiên Chúa. Vì vậy, mỗi một gia đình đều có cha.
Bây giờ
chúng ta hãy nhìn vào Giáo Hội C. G. Hoàn Vũ, hay Ðại Gia Ðình Giáo Hội Công
Giáo. Ai là người cha trong đại gia đình mà Thiên Chúa thiết lập này? Thưa người
cha đó chính là vị linh mục ở ngôi vị Giáo Hoàng. Sự liên hệ huyết nhục giữa
người cha này với con cái mình là sự liên hệ huyết nhục bắt nguồn từ nguyên tổ
Adong. Tuy không phải là sự liên hệ huyết nhục giữa cha và con cách trực tiếp
như trong một gia đình thông thường; khi kế vị Thánh Phêrô mà thi hành ba mệnh
lệnh của Chúa Giêsu là: “Feed my lambs” (Hãy nuôi dưỡng các con chiên con của
Ta, Hãy nuôi dưỡng những con người bé mọn yếu đuối của Ta), “Tend my Sheep”
(Hãy chăm sóc các chiên non của Ta), và “Feed my sheep” (Hãy dưỡng nuôi các con
chiên của Ta), Gioan 21:15-17, thì vị linh mục này trở nên người cha gia
đình qua trách nhiệm, nhưng quan trọng hơn, người cha của Ðại Gia Ðình Giáo Hội Công Giáo này chính là hình ảnh người
cha trong gia đình Thiên Chúa, là bức chân dung Người Cha Trên Trời do chính
Ngài treo nơi dương thế. Rồi cứ thế, từ giáo hoàng đi xuống cho đến vị linh
mục trong ngôi vị cha xứ, và tất cả các linh mục khác; linh mục nào cũng là
hình ảnh người cha trong gia đình Thiên Chúa. Thiên Chúa treo bức chân dung Người
nơi trần gian là để hiện diện với chúng ta trong cuộc sống hằng ngày. Người còn
hiện diện để nuôi sống linh hồn và đời sống đức tin của chúng ta qua Phép Thánh
Thể. Người dùng hình ảnh của Người mà làm những gì một người cha làm cho con
cái mình trong sự liên hệ cha-con, bằng tình phụ-tử. Vậy khi gọi linh mục là cha thì cũng là lúc người Công Giáo nhìn vào bức
chân dung Người Cha Trên Trời của mình mà gọi Cha. Bức chân dung này, tuy thật
sự không phải là người Cha Trên Trời, việc Người Công Giáo gọi bức chân dung
Cha Trên Trời của mình là cha, luôn là một việc làm chính đáng và không sai lầm.
Bởi khi gọi như vậy, chúng ta không có gọi cha nào khác là cha. Vì thế, việc
làm này của người Công Giáo hoàn toàn không có gì vi phạm huấn lệnh trên của
Chúa Giêsu.
Bạn thân mến,
đến đây chắc bạn tự hỏi: Lời giải thích trên có đúng không? Tất nhiên là đúng,
nhưng như bạn biết; có nhiều câu trả lời đúng, nhiều lời giải thích đúng, nhưng
chỉ đúng cho một số người mà thôi, và tôi
phải nhìn nhận là lời giải thích trên là lời giải thích không đúng cho tất cả mọi
người. Tại sao vậy? Thưa, vì anh bạn của tôi là người tốt, là người bạn rất
thân tình với tôi. Chúng tôi đối xử với nhau như anh em một nhà, nhưng không
bao giờ anh ấy chịu gọi cha tôi là cha hết, bởi vì anh ấy không phải là con cái
trong gia đình tôi, và anh ấy đúng, không gọi cha tôi là cha. Cũng một lẽ ấy, một người không phải là con cái trong Ðại
Gia Ðình Giáo Hội Công Giáo thì rất khó để người đó gọi linh mục là cha, và dĩ
nhiên là người đó đúng khi làm như vậy. Ðây là trường hợp, một vấn đề mà có
hai giải đáp; giải đáp nào cũng đúng. Mà khi cả hai cùng đúng, thì không có gì
để tranh cãi. Ðiều chúng ta cần ghi nhớ
là Thiên Chúa kết hợp tất cả mọi gia đình cho nên như hình ảnh gia đình của Người
nên gia đình nào cũng có cha. Gia đình nào, kể cả các gia đình giáo hội, cố
tình gạt bỏ ngôi vị người cha ra ngoài thì gia đình đó không phải là gia đình
do Thiên Chúa thiết lập”
5. Linh mục với danh xưng “cha”
trong đời sống
Dĩ nhiên về phần
linh mục, khi được giáo dân xưng hô “Cha/con”, linh mục chắc chắn sẽ hiểu đó là
điều nhắc nhở mình về vai trò và sứ mạng được lãnh nhận qua Thánh Chức, và
tuyệt nhiên đây không phải là một ưu quyền được ban thiên về một quyền lực trần
thế nào. Bạn Quân Bùi có biết điều này chăng, khi linh mục được giáo dân gọi là
Cha, ngài không bao giờ lên tòa giảng xưng “cha’ với giáo dân trong tư cách là
người cha và mọi người là con như trong một gia đình có cha có mẹ như gia đình
bạn Quân Bùi. Thực tế, có một số linh mục lớn tuổi đã tự xưng “cha’ khi nói
chuyện với những người trẻ đáng tuổi con cháu mình, còn đại đa số linh mục đều
dùng chữ “tôi” hay “chúng tôi” khi nói chuyện với giáo dân dù được người đối
diện gọi mình là cha. Cũng có nhiều linh mục trẻ đã xưng “con” hoặc “ cháu” khi
nói chuyện với những người lớn tuổi hơn mình. Điều này chứng tỏ linh mục không
tự mãn khi được gọi là Cha, và hơn thế nữa, còn chứng tỏ mình biết cư xử phù
hợp với tinh thần văn hóa Việt nam.Tất cả mọi linh mục đều coi giáo dân là “anh
chị em” trong Chúa Kitô, và luôn hành xử như vậy khi giảng dạy cũng như khi
tiếp xúc với giáo dân, mặc dù đều ý thức rõ về vai trò “người Cha thiêng liêng”
của mình qua việc thi hành sứ vụ Tư tế phẩm trật trong Giáo Hội.
Bài
trả lời cho thắc mắc của bạn Quân Bùi đến đây cũng khá dài. Một lần nữa xin cảm
ơn đến bạn Quân Bùi đã giúp chúng tôi đi sâu và hiểu hơn về
Thiên Chúa và Giáo Hội của chúng ta. Thiết nghĩ những lời giải đáp này phần nào
làm thỏa lòng của Quân Bùi. Nguyện xin thánh ân tình yêu của Gia Đình Thiên
Chúa Cực Thánh tuôn đổ muôn ơn lành hồn xác xuống trên Quân Bùi. Xin Chúa Thánh
Thần Muôn Ơn Tình Yêu soi dẫn bạn để mỗi ngày mỗi hiểu và yêu mến Thiên Chúa và
Giáo Hội một hơn.
Một lần nữa, xin cảm ơn Quân Bùi và xin hẹn
gặp quý bạn Quân Bùi ở giải đáp thắc mắc sau. BBT.