Trang Chủ > Giải Đáp

Ta on chua.pngtrong suot 10x350.pngEm là Bảo An ở giáo xứ Nghĩa Sơn, em đã theo đạo công giáo ngót gần một năm. Tình cờ khi đang tham dự thánh lễ, em nảy ra thắc mắc mà trước giờ em không để ý : em thấy khi đọc bài đọc 1, 2 hay đọc bài Phúc âm xong, người đọc hay cha đều kết thúc bằng “Đó là Lời Chúa”, nhưng sao 2 bài đọc đầu thì mọi người đáp “Tạ ơn Chúa”, còn bài Phúc âm, cha đọc thì mọi người lại đáp “Lạy Chúa Giêsu, ngợi khen Chúa”. Tại sao lại có sự khác nhau như thế, xin BBT cũng giúp em hiểu thêm về thánh lễ có liên quan tới điều này. Xin cảm ơn BBT.

Bạn Bảo An mến,

Chắc bạn cũng được biết Thánh lễ gồm có hai phần. Phần đầu là Phụng vụ Lời Chúa và phần thứ hai là Phụng vụ Thánh Thể. Mỗi người tín hữu khi đến dâng hay tham dự Thánh lễ là đến với bàn tiệc Nước Trời. Chắc chắn đó là bàn tiệc Nước Trời, nơi đây, như thông thường của một bữa tiệc có trò chuyện trước và rồi dùng bữa với nhau.

Thánh lễ được ví như tiệc cưới. Mỗi tín hữu đến với Thiên Chúa và thân thưa nói chuyện với Ngài. Trước tiên, mỗi người nói với Chúa : cầu xin Ngài tha thứ tội lỗi để xứng đáng tham dự tiệc Thiên Quốc. Bạn thấy chúng ta đọc Kinh cáo mình, Kinh thương xót; sau đó, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa, chúc tụng Thiên Chúa vì Ngài là Ðấng đáng chúc tụng qua Kinh vinh danh và cao điểm của phần nói chuyện là lời chúc tụng, cầu xin và cảm tạ qua Lời nguyện đầu lễ. Kế tiếp, bạn thấy chúng ta sẽ đi tới phần Thiên Chúa nói với chúng ta: Ngài nói với chúng ta qua bài cựu ước của các tiên tri, các hiền nhân, qua bài đọc Thánh thư của các Tông Ðồ và quan trọng nhất chính là bài Phúc Âm, nghe Phúc Âm tức là nghe lời của Chúa Giêsu, nghe lời Ngài nói, thấy việc Ngài làm và đem lời của Ngài thực hành trong cuộc sống. Và đây chính là phần đầu của bữa tiệc gọi là bàn tiệc Lời Chúa hay phần Phụng vụ Lời Chúa.

Vậy, khi người đọc còn gọi là thừa tác viên đọc xong bài đọc I hoặc II được kết bằng câu “Đó là Lời Chúa”, và với tất cả lòng tin tưởng và niềm tri ân, mọi người đáp “Tạ ơn Chúa”, trong khi sau Phúc âm cũng với câu kết đó, mọi người tín hữu lại đáp “Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa”. Vì sao lại có sự khác nhau?

Xin thưa bạn Bảo An, vì trong Thánh Lễ, địa vị của các bài đọc của Kinh thánh không giống nhau. Đỉnh cao của Phụng vụ Lời Chúa là công bố Tin Mừng. Khi nghe bài Tin Mừng thì chính Chúa Kitô hiện diện và nói với chúng ta qua Lời của Ngài. Do đó, theo Quy chế sách lễ Rôma-2000, số 60 nhấn mạnh “phải dành cho Tin Mừng sự tôn kính xứng hợp”. Nếu bạn Bảo An đã từng tham dự Thánh lễ có sự hiện diện của Giám mục và Phó Tế, Bảo An sẽ thấy chính nghi thức cũng dành cho việc công bố Tin Mừng những dấu ấn danh dự đặc biệt : thừa tác viên có phận sự công bố nếu là Phó Tế cần phải chuẩn bị bằng việc nhận phép lành từ vị Giám mục (nếu Ngài chủ sự) hay linh mục và cầu nguyện, các tín hữu như Bảo An sẽ thấy mọi người đứng hướng về để nghe đọc và có rước sách Tin Mừng với đèn nến và bình hương đến giảng đài, xông hương Lời Chúa trước khi công bố, linh mục sẽ hôn kính sau khi đọc; nếu là Phó Tế thì phải mang đến cho Giám mục hôn nếu ngài chủ sự. Như thế, không chỉ có câu tung hô “Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa” mà còn có những nghi thức chỉ dành riêng cho việc công bố Tin Mừng mà thôi. Cũng xin được nói thêm với bạn Bảo An rằng việc đọc các bài đọc I và II có thể là giáo dân, nhưng đối với Phúc Âm thì chỉ dành cho Phó Tế hoặc Linh Mục, vì đúng theo quy chế sách lễ Rôma-2000, số 94 và 99 nói giáo dân không được phép công bố Phúc Âm trong thánh lễ.

BBT xin cảm ơn câu hỏi thú vị của bạn Bảo An. Xin chúc bạn Bảo An mỗi ngày mỗi khám phá thêm về Thánh Lễ là chính chóp đỉnh và nguồn mạch tuôn trào ơn thánh của Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh. Càng ý thức trong việc tham dự các cử hành Phụng Vụ Thánh, chắc chắn bạn Bảo An sẽ cảm nhận được niềm vui, quyền năng và tình yêu thương của Thiên Chúa trao ban.


Các bài viết mới hơn
     Thắc mắc 30: Bí Tích Rửa Tội, Bí Tích thêm Sức và Bí Tích Truyền Chức Thánh.
     Thắc mắc 29. Hành trình Đức tin nghĩa là sao?
     Thắc mắc 28. "Mầu nhiệm" được hiểu như thế nào?
     Thắc mắc 27. Ý nghĩa và Sơ đồ Năm Phụng Vụ
     Thắc mắc 26. Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong các cử hành Phụng vụ của Hội Thánh
     Thắc mắc 25. Cách thức Cầu nguyện - Khẩu nguyện và Tâm Nguyện
     Thắc mắc 24. Ấn tín của Bí tích Rửa Tội
     Thắc mắc 23. Việc Xông Hương trong Thánh Lễ
     Thắc mắc 22. Lương dân và Ơn cứu độ
     Thắc mắc 21. Tội nguyên tổ

Các bài viết cũ hơn
     Thắc mắc 9. Tại sao người Công giáo sùng kính Đức Mẹ
     Thắc mắc 8. Chức tư tế của người tín hữu giáo dân
     Thắc mắc 7. Kinh Lạy Cha P.2
     Thắc mắc 7. Kinh Lạy Cha. P 1
     Thắc mắc 6. Linh hồn
     Thắc mắc 5. Linh mục và chiếc áo màu đen
     Thắc mắc 4. Cầu nguyện
     Thắc mắc 3.Tiếng Lương Tâm
     Thắc mắc 2. Thượng Đế
     Thắc mắc 1. KINH THÁNH