Qúy bạn thân mến,
Quý bạn vừa đi qua ý nghĩa của dấu Thánh giá và ý
nghĩa của việc làm dấu Thánh giá cũng như ý nghĩa tâm tình làm dấu Thánh giá
khi linh mục ban phép lành của Thiên Chúa qua việc ghi dấu Thánh giá trên cộng
đoàn. Vậy để có thể hiểu sự khác nhau giữa phép lành của Thiên Chúa qua tay
linh mục và phép lành từ Mình Thánh Chúa, BBT xin mời quý bạn tìm hiểu về sự hiện
diện đặc biệt của Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể Tình Yêu của Người.
1. Một
sự xác tín
a.
Xác tín vào sự hiện diện vô hình
Quý bạn với chúng tôi, trong đức tin, chúng ta phải
xác tín ở điều này rằng Chúa Kitô Phục Sinh hiện diện ở khắp mọi nơi trong mọi
con người theo những cách thế mà Ngài muốn vì Chúa Phục Sinh không còn bị ràng
buộc trong không gian và thời gian nữa, Ngài hiện diện ở nơi nào Ngài muốn, ở
nhiều nơi trong cùng một thời điểm hay nhiều thời điểm mà Ngài muốn, Ngài cũng
không còn bị ràng buộc trong một thân xác thể lý nào, ngay cả thân xác thể lý
mang tên Giêsu Thành Nadarét xưa của Ngài nếu Ngài muốn như vậy. Đó là một Sự
Hiện Diện Mầu Nhiệm của Chúa Phục Sinh, Thiên Chúa Toàn Năng của chúng ta. Vậy,
Chúa Giêsu Kitô phục sinh đã chọn cách thế hiện diện hữu hình của Ngài ở đâu
trên trần gian này?
b.
Xác tín vào sự hiện diện hữu hình
Nếu quý bạn muốn tìm kiếm sự hiện diện hữu hình của
Ngài, chắc chắn về sự hiện diện của Ngài, quý bạn hãy đến với Thánh Thể là sự
hiện diện hữu hình tỏ tường của Ngài trên trần gian vì đích thân Ngài đã chọn
Thánh Thể là nơi Ngài hiện diện với dân Ngài cho đến tận thế. Và khi đến với
Thánh Thể Chúa, mắt chúng ta chắc chắn chỉ nhìn thấy bên ngoài là tấm bánh trắng,
nhưng đó chính là Mình Thánh Ngài với cả nhân tính và thần tính của Ngài; Ngài
quyền năng và Ngài đã dùng cách thế loài người ở lại nuôi dưỡng chúng ta qua một
tấm bánh để chúng ta có thể rước tấm bánh là Mình Thánh Ngài với đôi mắt không nhìn
thấy tỏ tường thịt của một con người; vì theo cảm nghĩ thông thường, quý bạn thử
nghĩ mà xem ai mà lại dám ăn thịt tươi của một con người. Nhưng Thánh Thể chính
là Thịt Máu Thánh Chúa.
2. Phép
Lành từ Mình Máu Thánh Chúa
Thánh Thể là Thịt Máu Thánh Chúa. Phép lành từ
Thánh Thể là phép lành từ chính Thân Mình Ngài là Chúa Giêsu Kitô. Chính Chúa
Giêsu ban phép lành trực tiếp cho chúng ta. Nếu quý bạn để ý, quý bạn sẽ thấy
phó tế hay linh mục có khăn choàng vai che tay trong khi cầm hào quang có Mặt
Nhật Mình Thánh Chúa, quý bạn có biết vì sao không? Theo như linh mục Phi Quang
trả lời rằng: “Chiếc khăn linh mục hay phó tế choàng trên vai trong khi kiệu
Thánh Thể (màu vàng hay trắng) có tên là khăn vai (humeral veil) vì nó phủ lưng
và vai (humerus: xương cánh tay trên). Việc sử dụng khăn này đã có một lịch sử
lâu dài trong lịch sử phụng vụ Roma, có thể từ thế kỷ thứ VIII. Khăn này chúng
ta thường thấy khi linh mục kiệu Thánh Thể hay ban phép lành Thánh Thể. Một số
thừa tác viên khác có thể dùng để cầm một số vật dụng như mũ hay gậy của giám mục.
Việc đeo khăn này gợi cho ta ý niệm trọng kính đối với Thánh Thể Chúa Giêsu.
Cũng có người cắt nghĩa rằng: linh mục dùng khăn để tách biệt tay của mình với
Mặt Nhật hay Bình Thánh mang Mình Thánh Chúa có ý nói lên rằng không phải linh
mục ban phép lành mà chính Chúa Giêsu hiện diện dưới hình Bánh Thánh ban phép
lành cho tín hữu.”.
Vậy, qua phép lành Thánh Thể, chính Chúa ban phép
lành cho tín hữu không thông qua linh mục, nhưng phó tế hay linh mục nâng cao
Mình Thánh Chúa và ghi dấu Thánh giá là một nghi thức như đã nói ở phần trên về
khởi đầu và ý nghĩa của dấu Thánh giá.
Tới đây, chắc quý bạn đã đã tìm ra cho mình được
câu trả lời vì sao khi linh mục ban phép lành thì giáo dân làm dấu nhưng khi
linh mục nâng Mình Thánh Chúa ghi dấu Thánh giá ban phép lành thì cộng đoàn hay
không ai khác làm dấu.
3.
Thái độ và tâm tình khi nhận Phép Lành
Chúa Giêsu nói với bà Theresa Neumann người được
in Năm Dấu Thánh: “…Con hãy biết rằng một cái gì đó lớn lao xảy ra khi con
nhận phép lành của vị linh mục của Cha. Phép lành là một tuôn trào sự thánh thiện
thiên quốc của Cha. Hãy mở hồn con ra và để cho hồn con trở nên thánh thiện bằng
phương tiện của sự chúc lành. Phép lành là một giọt sương trời cho linh hồn… Con
không thể hiểu được lòng thương xót dường bao mà phép lành mang lại cho con bởi
Cha. Thế thì con đừng bao giờ đón nhận phép lành như việc phải có hay nhận cách
lơ đãng. Từ sự nghèo khó trước đó mà con trở nên giàu có sau khi nhận được phép
lành…”
Quý bạn rất thân mến, Phép lành của
Chúa thật đặc biệt dường bao!
Như đã trình bày ở phần trên, việc
làm dấu Thánh giá khi nhận phép lành mang rất nhiều ý nghĩa. Khi làm dấu Thánh
giá nhận phép lành, đó là biểu chứng đức tin của ta vào Thiên Chúa Ba Ngôi, là
biểu chứng về việc đã lãnh nhận phép Thánh Tẩy và muốn bước vào đời sống mới
trong ân sủng của Thiên Chúa; việc làm dấu Thánh giá khi nhận phép lành còn muốn
nói lên tâm tình của ta vào Thiên Chúa như quyết tâm chết đi cho con người cũ để
tái sinh trong con người mới, là để mở lòng và xin ơn lành của Thiên Chúa, để
nói lên mỗi người chúng ta là anh chị em của nhau, để biểu lộ mối tương quan của
ta và linh mục như trung gian trao ban ân sủng qua thánh chức… có rất nhiều ý
nghĩa và tâm tình khi làm dấu Thánh giá khi nhận phép lành qua linh mục của
Chúa (như đã trình bày ở trên).
Dấu Thánh giá có một ý nghĩa tâm
tình đặc biệt như thế, vậy làm sao có người làm dấu, có người lại không làm dấu
khi nhận phép lành Mình Thánh Chúa, Chúa ban Phép lành cho mỗi người mà? Đây
không còn là tay linh mục giơ lên ghi dấu Thánh giá nữa nhưng tay đã được che bởi
khăn vai trắng, miệng cũng không còn là miệng linh mục nữa “Nhân Danh Cha và
Con và Thánh Thần”, nhưng chính là Chúa, Mình Thánh Chúa được nâng cao ban phép
lành cho mọi người.
Chúng ta đặt câu hỏi, tại sao
Chúa ban phép lành mà lại không làm dấu? Như đã trình bày về ý nghĩa tâm tình
làm dấu Thánh giá ở trên, quý bạn khi nhận phép lành từ Mình Thánh Chúa, quý bạn
có thể làm dấu với các tâm tình trên, làm dấu vừa là một nghi thức vừa là một
biểu chứng của mỗi người với Thiên Chúa và tha nhân? Vậy đâu là tâm tình mà quý
bạn cảm thấy xứng hợp nhất khi quý bạn hiện diện trước Mình Thánh Chúa, trước
Thánh Nhan uy linh nhưng rất đỗi âm thầm đơn sơ của Chúa?
Quý bạn có cần làm dấu Thánh giá
biểu chứng niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi trước Thánh Nhan Người không, quý bạn
có cần làm dấu Thánh giá để biểu lộ tương quan của mình với linh mục và dân
Chúa không? Quý bạn có thể biểu chứng điều đó tuỳ vào cõi lòng của quý bạn, vì
đó vừa là nghi thức trong một số trường hợp nhưng còn là biểu chứng đức tin của
mình nữa. Nhưng còn một tâm tình nữa để quý bạn thử nghĩ xem. Trước Thánh Thể
Chúa, trong đức tin, ta đang hiện diện với Chúa Giêsu Thánh Thể - Đấng Quyền
Năng dựng nên cả đất trời, Đấng làm cho người mù được thấy, người điếc được
nghe, kẻ chết sống lại. Trước một vị Thiên Chúa như thế, quý bạn sẽ có tâm tình
nào xứng hợp nhất khi Ngài ban phép lành cho quý bạn. Theo đa phần các tôn giáo,
tâm tình chiêm ngưỡng, cúi đầu cảm tạ trong tâm tình thờ lạy sát đất là tâm
tình xứng hợp nhất trước sự hiện diện của một vị thần mà mình là thụ tạo thấp
hèn. Nhưng Thiên Chúa chúng ta không chỉ là thần là chúa nhưng là Chúa Các
Chúa, là Thiên Chúa Quyền Năng Tình Yêu và Giàu Lòng Thương Xót.
Lúc này đây, khi quý bạn ở trước
Thanh Nhan Ngài, trước Thánh Thể Ngài, trong tâm tình đức tin, còn hạnh phúc
nào hơn nữa, quý bạn sẽ chú ý để chỉ một mình Ngài, ao ước được chìm đắm trong
ân sủng Ngài, không còn những cử chỉ tay chân con người gây chia trí, chỉ tập
trung vào Ngài mà thôi; lúc đó, quý bạn sẽ tìm trả lời được cho câu hỏi của quý
bạn. Dấu Thánh giá sẽ trở nên một sự nhắc nhở cho bạn về sự hiện diện của Ngài
khi bạn nhận phép lành từ Ngài, hay quý bạn có thể chìm sâu trong sự hiện diện
trao ban ân sủng của Ngài mà không còn cử chỉ nào thiết yếu nữa. Quý bạn để ý
khoảng lặng khi linh mục dần tiến lên để nâng cao Mình Thánh Chúa, khoảng lặng
khi Mình Thánh Chúa ghi dấu Thánh giá trên Dân Chúa, khoảng lặng sau khi ban
phép lành Mình Thánh Chúa. Đó có thể là khoảng lặng của sự chuẩn bị tâm tình,
đó có thể là khoảng lặng Chiêm Ngưỡng Thờ Lạy Cảm Tạ Chúa chí thánh, ngàn trùng
chí thánh, khoảng lặng của việc ở bên Chúa sâu thẳm tâm hồn mà không cử chỉ bên
ngoài nào diễn ta được, khoảng lặng của phó dâng cuộc đời cho Chúa, khoảng lặng
ao ước được rước Chúa trong Bí tích Thánh Thể tình yêu của Người trong Thánh lễ.
Phần trả lời cho thắc mắc của quý
bạn tới đây đã khá dài, BBT xin chúc cho quý bạn được tràn đầy hồng ân của
Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh. Mỗi ngày, mỗi khám phá ra sự hiện diện đơn sơ
nhưng quyền năng tình yêu của Chúa Giêsu Thánh Thể để viếng thăm Ngài, yêu mến
thờ lạy Ngài mỗi hơn. Là người Kitô hữu, BBT chúng tôi xin được cùng quý bạn là
những người con của Thiên Chúa cùng nhau tuyên xưng đức tin và tín thác cuộc đời
mình cùng thờ lạy yêu mến Ba Ngôi Cực Thánh:
“NHÂN DANH CHA V VÀ CON V
VÀ THÁNH THẦN V.
AMEN.”