Trang Chủ > Giải Đáp

Xin chào BBT, tôi có một vài thắc mắc xin BBT giúp trả lời về Á Bí tích, tôi không hiểu rõ lắm về Á Bí tích như Á Bí tích là gì? Chúa hay Giáo Hội thiết lập Á Bí tích ? Có bao nhiêu Á Bí tích và ai là người được cử hành? Xin cảm ơn BBT.

Quý bạn thân mến,

Trước hết, xin cám ơn bạn về thắc mắc bạn gửi đến cho chúng tôi. Thắc mắc của bạn có liên quan đến một cử hành rất thường xuyên trong Giáo Hội Công Giáo, Á Bí tích. Tuy nhiên, cũng chính vì thường xuyên quá nên ít có ai tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa và những quy luật phải giữ khi cử hành. Tôi sẽ lần lượt giải đáp những thắc mắc của bạn như sau:

1. Á Bí tích là gì?

a bi tich 01.jpgtrong suot 10x350.pngĐể hiểu được Á Bí tích là gì, trước hết bạn thử xem trong tiếng việt, chữ “á” thường được dùng như thế nào. Chẳng hạn, á hậu: trong lĩnh vực sắc đẹp, chỉ người đẹp nhưng thấp hơn hoa hậu; á thánh (chân phước): trong lĩnh vực tôn giáo, chỉ vị được xét là thánh nhưng thấp hơn thánh vì chưa được Giáo hội tôn phong. Như vậy, có thể hiểu nôm na, Á Bí tích cũng gần giống như Bí tích, nhưng ở mức độ thấp hơn. Để hiểu rõ và chính xác hơn, tôi xin bạn cùng tôi đọc lại một vài chỉ dẫn của Giáo Hội về á Bí tích:

- Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium (PV) viết: Á Bí tích “là những dấu chỉ thánh thiêng, phần nào phỏng theo những bí tích, qua đó những năng lực, nhất là những năng lực thiêng liêng được biểu thị và thông ban nhờ sự chuyển cầu của Giáo Hội. Các Á Bí tích giúp con người sẵn sàng lãnh nhận hiệu năng chính yếu của các bí tích và thánh hoá những cảnh huống đa dạng của cuộc sống” (số 60).

- Giáo luật điều 1166 quy định: “Các Á Bí tích  là những dấu chỉ thánh, nhờ đó, phần nào phỏng theo các bí tích, những hiệu quả, đặc biệt là những hiệu quả thiêng liêng, được biểu thị và được thông ban nhờ lời khẩn cầu của Giáo Hội”.

- Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo viết: “Hội Thánh thiết lập các Á Bí tích để thánh hoá một số thừa tác vụ trong Hội Thánh, một số bậc sống, những hoàn cảnh rất đa dạng của đời Kitô hữu, và cả việc sử dụng những vật hữu ích cho con người.” (số 1668).

Ba chỉ dẫn trên chắc hẳn đã cho bạn một khái niệm rõ ràng về Á bí tích.

2. Chúa hay Giáo Hội thiết lập?

Khi đã biết được Á Bí tích là gì, tôi nghĩ không khó để bạn xác định ai thiết lập các á bí tích. Đó chính là Giáo Hội (PV số 60). Tuy nhiên cũng cần cung cấp cho bạn những chỉ dẫn từ Giáo luật để xác định rõ hơn về thẩm quyền thiết lập trong Hội Thánh.  

Giáo luật Điều 1167 §1. “Chỉ một mình Tông Toà mới có thể thiết lập những Á Bí tích mới, hoặc chính thức giải thích những Á Bí tích đã được chấp nhận, huỷ bỏ hoặc thay đổi Á Bí tích nào đó trong số các Á Bí tích ấy.”

Như vậy, chỉ có Tòa Thánh, mới có thẩm quyền thiết lập, thay đổi, hoặc hủy bỏ các á bí tích mà thôi, còn các thẩm quyền thấp hơn như: Giám mục hay Hội đồng Giám mục thì không có những quyền trên, nhưng được phép thích nghi các nghi thức cho phù hợp với bối cảnh và địa phương, sau khi đã được tòa thánh phê chuẩn.

3. Có bao nhiêu Á Bí tích?

Nếu số 7 là số cố định để xác định số các Bí tích, thì không có con số cố định nào cho số lượng các á bí tích trong Hội Thánh. Vì các á bí tích được Giáo hội thiết lập hay bãi bỏ tùy theo nhu cầu của từng thời, nên số lượng luôn được thay đổi. Dù vậy, cũng xin được chia ra thành hai loại á bí tích sau: Phép lành và việc trừ tà (x. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo 1671-1673).

1/ Phép lành: Gồm ba loại:

- Liên quan đến người: nhằm mục đích thánh hóa một bậc sống như: chúc phong viện phụ hay Viện mẫu, khấn dòng, thánh hiến trinh nữ, hay trao ban một sứ vụ như: ban thừa tác vụ giúp lễ, đọc sách.

- Liên quan đến nơi chốn: nhằm mục đích xin Chúa thánh hiến nơi chốn con người tập trung để cửaa bi tich 02.jpgtrong suot 10x350.png hành phụng vụ và thờ phượng Chúa như: cung hiến nhà thờ, nhà nguyện, hoặc xin Chúa chúc lành và ban ơn phúc cho nơi ở hay chỗ làm việc của con người như: làm phép nhà, văn phòng, bệnh viện, công xưởng…

- Liên quan đến sự vật: để khi con người dùng đến những sự vật được làm phép, họ biết cảm tạ và ca ngợi Chúa, đồng thời cũng biết sử dụng chúng cho hợp ý Chúa, chẳng hạn như: làm phép chén thánh, đồ dùng trong phụng vụ, ảnh tượng, tràng hạt, chuỗi đeo, dụng cụ làm việc, phương tiện di chuyển…

2/ Trừ tà: là một nghi thức phụng vụ được cử hành nhân danh Chúa Giêsu, để xin Thiên Chúa bảo vệ người hay vật khỏi quyền lực của ác thần và giải thoát khỏi ách thống trị của chúng (GLCG 1673). Không ai được phép trừ tà nếu không do Bản quyền ủy nhiệm cách đặc biệt và rõ ràng. Bản quyền chỉ ban phép này cho linh mục đạo đức, trổi vượt về học thức và khôn ngoan cũng như có đời sống vẹn toàn (x. Giáo Luật 1172). Cũng cần phân biệt cách khôn ngoan trong tinh thần cầu nguyện xin Chúa soi sáng để biết chắc là quỷ ám chứ không phải một dạng bệnh lý (GLCG 1673).

4. Ai là người cử hành các Á Bí tích được?

Cũng giống như cử hành Bí tích, tùy vào từng á bí tích mà thừa tác viên có khác nhau. Điều khác biệt cơ bản là nếu Bí tích chỉ dành cho những người có chức thánh (Giám mục, linh mục, phó tế), thì người giáo dân cũng có quyền cử hành một số á bí tích. Quyền cử hành thường được quy định rõ trong sách nghi thức của á bí tích được cử hành và theo sự xét đoán của vị thường quyền sở tại (Giáo luật điều 1168). Tuy nhiên, nếu khi cử hành các á bí tích này, có hiện diện của thừa tác viên có chức thánh, thì quyền ưu tiên thuộc về thừa tác viên có chức thánh.

Như vậy, quý bạn đã có một cái nhìn về các Á Bí tích và các vấn đề liên quan. Mong rằng qua phần giúp trả lời thắc mắc này, quý bạn hiểu biết thêm về những cử hành trong đời sống Giáo hội, nhờ đó việc sống đạo sẽ sinh nhiều hoa trái thiêng liêng hơn. BBT nguyện chúc quý bạn tràn đầy hồng ân của Thiên Chúa Ba Ngôi và hy vọng sẽ được phục vụ quý bạn trong những thắc mắc khác.


Các bài viết mới hơn
     Thắc mắc 30: Bí Tích Rửa Tội, Bí Tích thêm Sức và Bí Tích Truyền Chức Thánh.
     Thắc mắc 29. Hành trình Đức tin nghĩa là sao?
     Thắc mắc 28. "Mầu nhiệm" được hiểu như thế nào?
     Thắc mắc 27. Ý nghĩa và Sơ đồ Năm Phụng Vụ
     Thắc mắc 26. Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong các cử hành Phụng vụ của Hội Thánh
     Thắc mắc 25. Cách thức Cầu nguyện - Khẩu nguyện và Tâm Nguyện
     Thắc mắc 24. Ấn tín của Bí tích Rửa Tội
     Thắc mắc 23. Việc Xông Hương trong Thánh Lễ
     Thắc mắc 22. Lương dân và Ơn cứu độ
     Thắc mắc 21. Tội nguyên tổ

Các bài viết cũ hơn
     Thắc mắc 16. Cha Mẹ Đỡ Đầu
     Thắc mắc 15. Ý nghĩa diễn tiến Thánh Lễ_Phần I
     Thắc mắc 14. Cử chỉ khi linh mục nâng cao Mình Máu Thánh Chúa
     Thắc mắc 13. Vai trò Chúa Thánh Linh trong cầu nguyện
     Thắc mắc 12. Phép Lành
     Thắc mắc 11. Danh xưng "CHA" trong Giáo Hội Công Giáo
     Thắc mắc 10. Câu Tung Hô Lời Chúa
     Thắc mắc 9. Tại sao người Công giáo sùng kính Đức Mẹ
     Thắc mắc 8. Chức tư tế của người tín hữu giáo dân
     Thắc mắc 7. Kinh Lạy Cha P.2