LÒNG
THƯƠNG XÓT CHÚA BIẾN ĐỔI CON NGƯỜI
Người ta thấy rằng, nhà tù chỉ có thể lấy đi tự do
của một tội phạm, nhưng chưa chắc có thể giáo dục và thay đổi được cuộc đời con
người. Trong nền giáo dục hiện đại, người ta cũng thấy rằng, hình phạt có thể
ngăn chặn một số hành vi sai lỗi, nhưng chỉ có tình thương mới có thể cảm hóa
và biến đổi được trái tim con người. Lịch sử cho thấy, Thiên Chúa đã dùng sư
phạm của tình yêu để giáo dục và giúp con người biến đổi.
Chúa nhật thứ hai Phục sinh được Đức Thánh Giáo
Hoàng JP II chọn là Chúa Nhật của Lòng Thương Xót Chúa, vì các bài đọc trong
thánh lễ đã để lại vô số dấu chỉ tình thương của Chúa Phục Sinh dành cho các
tông đồ và cho chúng ta. Tin Mừng Gioan thuật lại hai cuộc hiện ra của Chúa
Phục Sinh. Cả hai cuộc hiện ra này, Chúa Phục Sinh đã thể hiện tình thương đặc
biệt của Ngài đối với các tông đồ.
Lần thứ nhật xảy ra vào buổi chiều ngày phục sinh.
Lúc đó, các môn đệ của Chúa sống hoàn cảnh hết sức tội nghiệp, đáng thương. Họ
như rắn mất đầu, rơi vào tình trạng mất phương hướng và lo sợ, sống khép kín
trong ngôi nhà đóng cửa cài then, không giao du, không tiếp xúc với ai. Tình
trạng sống buồn bã ấy không khác gì một cuộc sống tuy còn thở nhưng tâm hồn đã
chết vì suy sụp sau cuộc tử nạn của Thầy. Chúa Phục Sinh biết hoàn cảnh của các
học trò mình. Vì thế, ngay chiều ngày thứ nhất, Ngài đã hiện ra, đứng giữa các
ông. Sự hiện diện này như sự hiện diện của một người cha trước mặt con cái, sự
hiện diện có sức an ủi và gia tăng niềm vui, nghị lực sống cho các tông đồ.
Món qùa đầu tiên Chúa Phục Sinh trao tặng cho các
tông đồ là lời : Bình an cho các con. Đây không phải là một lời cầu chúc như
chúng ta vẫn chúc nhau, nhưng đây thực sự là một tình trạng, một ơn được ban
cho các tông đồ để biến đổi tâm hồn và cuộc đời các ông. Chúa Giêsu không hề
khiển trách các ông về sự nhát đảm, bỏ trốn hoặc chối Chúa trong cuộc khổ nạn.
Ngài đã quên hết mọi đau khổ các ông đã gây ra cho Ngài. Lòng thương xót của
Chúa khiến Chúa Phục Sinh không kìm hãm được tình yêu. Ngài cho các tông đồ xem
tay và cạnh sườn Người, Người muốn cho các ông tận mắt được nhìn thấy dấu vết
yêu thương để có thể cảm nhận được tình yêu tột cùng của Ngài.
Món quà tiếp theo là món quà sự sống mới của Chúa
Phục Sinh, đó là món quà Thánh Thần, được trao cho các tông đồ. Ngài thổi hơi
và phán : Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Nếu như ngày xưa Thiên Chúa đã thổi
hơi vào nắm đất để ban cho Adam sự sống, thì hôm nay, Chúa Phục Sinh đã thổi
một hơi thở mới là Thánh Thần vào tâm hồn các tông đồ. Hơi thở này là một cuộc
tạo dựng mới, làm nên một thế giới mới, con người mới, sức sống mới cho nhân
loại và cho vũ trụ. Từ đây, con người và vũ trụ không còn sống con người cũ
nữa, nhưng sống với trái tim mới, với con người mới, con người mang sức sống
Phục Sinh.
Kế đến, Chúa Phục Sinh đã thể hiện lòng thương
xót, thông cảm đối với những giới hạn, yếu đuối của con người, vì thế, Ngài đã
trao cho các tông đồ quyền nhân danh Ngài để tha thứ : Các con tha tội cho ai
thì người ấy được tha, các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm giữ. Tha thứ
là thể hiện sâu xa nhất lòng xót thương của Thiên Chúa là Cha. Đức Thánh Cha
Fancis đã khẳng định : Tội lỗi không thể ngăn cản được lòng thương xót của
Thiên Chúa và Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi để tha thứ cho con người.
Trao ban cho các tông đồ quyền tha thứ, Chúa Phục
Sinh muốn các ông trở thành “hiện thân” của Chúa, thành cộng tác viên, người
nối dài lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa cho đến tận thế. Qua các tông
đồ, cái chết và sự phục sinh Chúa không dừng lại, nhưng được tiếp tục trao ban
cho nhân loại bằng ơn tha thứ và chữa lành của Thiên Chúa. Như thế, tha thứ là
hoa quả lớn lao nhất của cuộc phục sinh mà Chúa Giêsu để lại cho Giáo Hội.
Lần hiện ra thứ hai của Chúa Phục Sinh mang tính
cụ thể hơn nữa. Lòng thương xót của Thiên Chúa không chỉ là một tình thương
chung chung, nhưng là một tình thương đụng chạm đến từng cá nhân mỗi người.
Cuộc hiện ra tám ngày sau, có thể nói là cuộc hiện ra dành riêng cho Tôma, một
người muốn kiểm chứng cuộc phục sinh của Chúa bằng kinh nghiệm cá nhân : Nếu
tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn
Người, thì tôi không tin. Chúa Phục Sinh
như muốn đáp ứng sự khao khát tìm kiếm dấu chỉ đức tin của Tôma. Vì thế, khi
hiện ra, Chúa Phục Sinh đã gọi đích danh ông, cho ông có một cơ hội tiếp xúc,
đụng chạm đến Đấng Phục Sinh. Ngài nói với ông : Hãy đặt ngón tay con vào đây
và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa bàn tay con ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng
cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.
Chúa Phục Sinh đã hết sức yêu thương và kiên nhẫn
với học trò của mình. Chúa biết rằng, việc đón nhận mầu nhiệm Phục sinh không
phải là điều dễ dàng. Chúa đã cho Tôma được xỏ bàn tay vào cạnh sườn của Chúa
để có ông có thể đụng chạm đến trái tim thương tích của Ngài. Chạm vào vết
thương của Chúa không phải là chạm vào vết đau mà Tôma được chạm vào tình
thương của Chúa Phục Sinh. Một khi chạm vào tình yêu, con người được biến đổi.
Khi chạm vào lòng thương xót của Chúa, giống như chạm vào một nguồn suối, từ đó
mạch nguồn yêu thương của Chúa tuôn trào trên Tôma. Tôma đã đón nhận lời chứng
của các tông đồ trong sự hồ nghi, thì giờ đây, với lòng thương xót của Chúa,
niềm tin của ông đã đi đến một xác tín cá nhân : Lạy Chúa tôi ! Lậy Thiên Chúa
của tôi.
Tin Mừng Gioan còn ghi lại lời chúc phúc của Chúa
Giêsu dành cho chúng ta là thế hệ các tín hữu sau các tông đồ : Phúc cho những
ai không thấy mà tin. Chúng ta vẫn đang tiếp tục được đón nhận lòng thương xót
và đức tin qua các tông đồ và Giáo Hội. Chỉ khi chúng ta thực sự sống trong sự
hiệp thông với các tông đồ, sống trong sự bao bọc của Giáo Hội, chúng ta mới có
thể đón nhận được đức tin Chúa phục sinh và có thể dễ dàng đón nhận lòng Chúa
thương xót qua Giáo Hội.
Tôma trước đây chưa thể đón nhận được mầu nhiệm
Phục sinh, bởi vì ông đã tách lìa khỏi cộng đoàn các tông đồ. Vì một lý do nào
đó, khi anh em vẫn tụ tập bên nhau chung quanh Simon, thì Tôma đã không hiện
diện. Vì thế, khi anh em nói về việc họ đã được gặp Chúa Phục Sinh, được Chúa
trao bình an và quyền thực thi lòng thương xót tha thứ, Tôma đã không thể tin.
Chỉ sau khi ông quay trở về với anh em, cùng hiệp thông trọn vẹn với Simon và
các tông đồ, ông mới có thể đón nhận được mầu nhiệm Phục sinh. Chỉ khi sống
trong sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội, Tôma mới có thể cảm nhận được lòng
thương xót của Chúa, được đụng chạm đến vết yêu thương của Ngài và đi đến xác
tín vào Ngài.
Hôm nay cử hành lòng Chúa thương xót, chúng ta
cùng cảm nhận và tuyên xưng rằng, mỗi chúng ta đang được Chúa xót thương. Chúa
xót thương và chăm sóc cho mỗi người theo từng hoàn cảnh của họ và cho mỗi
người được đụng chạm đến tình thương của Chúa. Tuy nhiên, có thể vì chúng ta đã
không gắn bó đủ với Giáo Hội, vì đã đánh mất tình hiệp thông với anh em, nên
chúng ta chưa nhận ra lòng xót thương của Thiên Chúa. Qua các biến cố xảy ra
cho mỗi người, mỗi gia đình, Chúa cũng cho chúng ta được đặt ngón tay vào lỗ
đinh, xỏ bàn tay vào cạnh sườn của Chúa, nhưng chúng ta vẫn nghi ngờ sự hiện
diện sống động của Chúa trong cuộc đời của mình.
Qua ơn tha thứ Chúa trao cho Giáo Hội, Chúa thể
hiện lòng xót thương, sự kiên nhẫn chờ đợi của Ngài. Ngài luôn cho chúng ta có
cơ hội để chúng ta quay về với lòng thương xót tha thứ của Chúa. Đừng bao giờ
hồ nghi về sự tha thứ của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Cha chúng ta. Đừng bao
giờ giới hạn lòng thương xót qủang đại của Thiên Chúa, vì lòng thương xót của
Thiên Chúa thì vô bờ, không bao giờ bị giới hạn và không bao giờ cạn nguồn. Bí
tích Giải tội là nơi Thiên Chúa mượn thánh vụ và môi miệng của các thừa tác
viên của Giáo Hội để nói lời yêu thương, thông cảm, tha thứ của Chúa. Vì thế,
đừng bao giờ ngại ngùng hoặc từ chối đến với Bí Tích Xót Thương này.
Xin Chúa cho chúng ta luôn khiêm tốn mở trái tim để
đón nhận lòng Chúa xót thương và biến chúng ta thành thừa tác viên lòng thương
xót của Chúa cho anh chị em chung quanh. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc