Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật
XXVIII Thường Niên B
SỐNG VỚI ƯỚC MƠ
VÀ HY VỌNG
Có
một thời các triết gia Hiện sinh và các nhà tư tưởng Macxist cho rằng, Kitô
giáo là một tôn giáo an phận, khuyến khích con người chấp nhận tình trạng nghèo
đói, không kêu ca, không phản kháng và coi đó là ý Chúa. Suy nghĩ như thế chứng
tỏ rằng, họ hiểu không đúng về giáo huấn của Chúa Giêsu. Trong mỗi con người đều
có những ước mơ và hy vọng. Chính những ước mơ và hy vọng này giúp người té ngã
được chỗi dậy, người thất vọng tìm lại được lẽ sống, người kiên trì sẽ được
thành công. Ước mơ và hy vọng còn là mục tiêu sống và phấn đấu cho con người.
Giáo huấn của Chúa Giêsu không dập tắt những ước mơ và hy vọng của con người,
nhưng Chúa điều chỉnh những ước mơ và hy vọng đó cho đúng hướng và giúp con người
đạt được ước mơ, hy vọng của mình.
Trong
cuộc gặp giới trẻ Cuba từ ngày 22/9/2015, Đức Thánh Cha Fancis đã nhấn mạnh đến
ước mơ và hy vọng. Ngài nói : Cha cám ơn những lời chào mừng của các con. Cha
biết các con có nhiều khó khăn, lo sợ, hoài nghi, nhưng các con vẫn luôn hy vọng.
Các con đã nói với Cha về những giấc mơ và khát vọng trong tâm hồn người trẻ
Cuba, cho dù có những khác biệt về giáo dục, văn hóa, niềm tin và ý thức hệ. Cha
cảm ơn các con vì khi Cha nhìn các con, điều đầu tiên xuất hiện trong tâm trí cha
cũng là chữ "hy vọng". Cha không thể tưởng tượng được việc một người
trẻ lại không có sức sống, không có ước mơ hay lý tưởng, không khát mong một điều
gì đó vĩ đại hơn.
Hôm
nay, Tin Mừng cũng thuật lại câu chuyện một chàng thanh niên đến với Chúa Giêsu
và hỏi Ngài về ước mơ và hy vọng của mình : Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm
gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ? Câu hỏi của chàng trai cho thấy anh
đang khát khao tìm kiếm một điều hết sức đúng đắn và thánh thiện, đó là khát
khao sự sống đời đời. Thao thức này cho thấy, của cải và những thực hành đạo đức
căn bản vẫn không làm cho anh thoả mãn, anh muốn đi tìm một điều gì khác hơn,
sâu xa hơn nên anh đã tìm đến với Chúa Giêsu. Câu chuyện cho thấy anh đã có một nền tảng đời
sống khá vững chắc cả về thiêng liêng và vật chất. Khi Chúa Giêsu đưa ra cho
anh các đòi hỏi về đời sống đạo đức: Chớ giết người, chớ trộm cắp, chớ làm chứng
gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ, thì anh đã hết sức mạnh dạn trả lời :
Thưa Thầy, tất cả những điều ấy, tôi đã giữ từ thủa nhỏ. Chúa Giêsu đưa ra đề
nghị thứ hai: Anh chỉ thiếu một điều, là hãy bán những gì anh có và cho người
nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo tôi.
Lời
mời gọi bước theo Chúa Giêsu trên con đường nên thánh, tìm được hạnh phúc đời đời,
sẽ không thể dừng lại ở một số thói quen đạo đức. Theo Chúa không chỉ là không
vi phạm lề luật, nhưng phải có những việc làm, hành động cụ thể. Do đó, Chúa
Giêsu đã đề nghị điều mà người thanh niên còn thiếu, đó là : Bán những gì anh
có, cho người nghèo, rồi đi theo Chúa. Đề nghị này gồm ba việc đi liền nhau.
Bán những cái mình có, tức là những gì chúng ta đang được sở hữu, đang quản lý,
có thể là tiền bạc, thời giờ, sức khoẻ, khả năng. Bán đi để không còn giữ riêng
cho mình, để không còn bị bận vướng lôi kéo bởi những điều tuỳ phụ. Kế đến là
cho người nghèo, tức là biết chia sẻ, là không chỉ nghĩ đến mình, mà còn phải
biết nghĩ đến anh em, phải đưa tay ra để giúp đỡ và phục vụ anh em. Cho người
nghèo không chỉ tiền bạc của cải, mà còn cho họ thời giờ, sức lực và cả trí tuệ,
con người của mình. Sau khi đã thực hiện các việc vừa nêu, rồi mới có thể bước
vào giai đoạn sau cùng là : Hãy đến theo tôi. Như thế, muốn bước theo Chúa
Giêsu, con người phải để cho mình hết sức nhẹ nhàng gọn gàng, không còn những
hành trang là của cải cồng kềnh, không còn những bận vướng tính toán theo thói
đời, mà phải hoàn toàn thanh thoát.
Chúa
Giêsu đã điều chỉnh ước mơ và chỉ cho chàng thanh niên một con đường để đạt được
hạnh phúc đời đời. Tuy nhiên, trước lời mời gọi của Chúa Giêsu, chàng trai này
đã không dám bước tới, anh đã “sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi vì anh ta có
nhiều của cải”. Anh ta ước mơ, nhưng lại không dám làm mọi cách để đạt được ước
mơ của mình, chỉ vì anh ta bị cản trở bởi của cải. Của cải vật chất không phải
là điều xấu, nó cũng có thể là ước mơ của nhiều người. Nhưng nếu chỉ dừng lại
nơi ước mơ của cải vật chất, sẽ có thể dẫn con người đi vào con đường sai lạc,
khi chúng ta biến của cải vật chất thành mục tiêu cuối cùng của cuộc đời. Nếu
chỉ đặt mục tiêu cuộc đời vào của cải vật chất, nó sẽ biến con người thành kẻ
tham lam, sống theo bản năng và biến ước mơ của chúng ta không còn là ước mơ hướng
thượng nữa, mà chỉ còn là tìm kiếm hưởng thụ. Vì thế, Chúa Giêsu mới so sánh:
Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước trời, để ám chỉ những
người chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm của cải vật chất như là mục tiêu tối hậu của
đời mình.
Mỗi
người chúng ta luôn có những ước mơ và hy vọng. Nhưng có thể ước mơ của chúng
ta chưa đúng, hy vọng của chúng ta không có điểm tựa vững chắc. Có thể trong
chúng ta có những người cũng đã từng tuân giữ giới răn : không giết người,
không gian dối, không vi phạm lề luật. Có thể chúng ta vẫn đi lễ mỗi ngày, vẫn
đọc kinh rất nhiều, nhưng chúng ta còn thiếu một điều, đó là dám từ bỏ cái mình
đang có để biết nghĩ đến và chia sẻ với người khác, và bước theo con đường phục
vụ của Chúa Giêsu.
Điều mà chàng thanh niên giàu có này còn thiếu,
có thể cũng là điều nhiều người, nhiều gia đình cũng đang thiếu. Nhiều gia đình
không thiếu của cải tiện nghi, nhưng lại đang thiếu sự từ bỏ, thiếu sự phục vụ,
thiếu niềm vui, thiếu tiếng cười và nhất là thiếu tình yêu thương và hạnh phúc.
Vì thế, gia đình không tìm được sự bình an. Có những người để mình bị cản trở bởi
của cải vật chất, không dám sống thanh thoát, biến của cải, giàu sang thành ước
mơ và hy vọng tối hậu của gia đình, vì thế, họ từ chối lời mời gọi của Chúa.
Con
người không thể sống mà không có ước mơ và hy vọng, nhưng phải là ước mơ điều
gì và hy vọng như thế nào mới là quan trọng. Đức Thánh Cha Fancis trong cuộc gặp
với giới trẻ Cuba Ngài đã nói : Không có sự hơn hay kém trong niềm hy vọng của
bất cứ người nào, tại bất cứ nơi nào trên thế giới. Vì hy vọng là điều phát xuất
từ trong trái tim con người. Hy vọng sẽ thực hiện được nỗi khát mong, niềm hoài
bão của mình; hy vọng có được một cuộc đời tốt đẹp, hy vọng thực hiện được những
ước mơ cao đẹp, những điều làm tâm hồn ta ngập tràn niềm vui và nâng ta lên đến
chân, thiện, mỹ, công lý và tình yêu. Nhưng cũng đừng để mình bị quyến rũ bởi
những ước mơ hạnh phúc mau qua, những lối sống giả dối, lạc thú và ích kỷ, bởi
vì cuộc sống tầm thường và tự lấy mình làm trung tâm, là một cuộc sống chỉ có
thể đem đến buồn bã mà thôi.
Hy
vọng phải là biết nhìn xa hơn lợi ích bản thân và những tìm kiếm nhỏ mọn. Hy vọng
phải mở lòng ta cho những lý tưởng lớn lao, giúp làm cho đời ta nên tươi đẹp và
đáng sống hơn. Cha muốn hỏi mỗi người trong các con: Hy vọng và khát vọng của
các con đặt ở đâu ? Các con có sẵn sàng phục vụ một lý tưởng lớn lao hơn không ?
Đức
Thánh Cha nhắn nhủ các bạn trẻ: Có thể chúng con được các lý tưởng đó lôi cuốn
mạnh mẽ. Các con cảm nhận được lời mời gọi của chúng trong trái tim. Nhưng các con
thấy mình yếu đuối, con chưa sẵn sàng quyết định đi theo con đường hy vọng. Các
con hãy ý tứ đừng để mình bị cám dỗ nhụt chí, nó là thứ làm tê liệt lý trí và ý
chí ta, nó biến chúng ta thành vô cảm và bi quan trước tương lai.
Xin
Chúa cho mỗi chúng ta luôn mang trong mình những ước mơ và hy vọng thánh thiện
: ước mơ được nên thánh, ước mơ có một gia đình hạnh phúc và nhất là ước mơ đạt
được hạnh phúc đời đời, nhờ đó cả cuộc đời chúng ta sẽ dành để theo đuổi và thực
hiện được những ước mơ và hy vọng tốt lành đó. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc