Suy
Niệm Lời Chúa Chúa Nhật V
Phục Sinh Năm
C
THỰC HÀNH GIỚI RĂN MỚI – HÃY YÊU
THƯƠNG NHAU
Sách Công Vụ Tông Đồ cho ta thấy cuộc
sống và các sinh hoạt của Kitô Giáo vào thế kỷ đầu, được dệt nên bởi bao gương
sống yêu thương và việc làm bác ái của các tín hữu, khiến cho số người tin vào
danh Chúa Giêsu gia tăng rất nhanh. Lúc bấy giờ, anh em dân ngoại đón nhận những
lời giảng của các tông đồ, tin vào Chúa Giêsu vì được chứng kiến nếp sống của
các tín hữu là những người theo “đạo thương nhau”. Chính nếp sống này có sức
lan tỏa và có ảnh hưởng lớn trên xã hội lúc bấy giờ. Sống trong xã hội tràn ngập
bạo lực, thù oán và sự ác ngày nay, người Kitô hữu càng có bổn phận và bị thôi
thúc phải làm cho giới răn yêu thương của Chúa được lan tỏa từ cuộc sống của
mình đến các tương quan trong xã hội.
Bài Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta
trở lại với căn phòng tiệc ly năm xưa. Chính nơi đây, Chúa Giêsu đã thể hiện
tình yêu thương đến cùng dành cho các môn đệ qua việc Ngài trao ban thịt máu
mình làm của ăn của uống cho nhân loại. Ngài cầm bánh và rượu trao cho các ông
và nói: “Đây là mình Thầy sẽ bị nộp vì
anh em; Đây là máu Thầy sẽ đổ ra cho muôn người được tha tội…” Cũng trong bầu
khí linh thiêng của bữa tiệc ly này, Chúa Giêsu dạy và yêu cầu các môn đệ thực
hành giới răn yêu thương. Trong khi các tông đồ đang ngồi ăn, Chúa Giêsu chỗi dậy,
cởi áo choàng ra, lấy khăn thắt lưng, đổ nước vào chậu và lần lượt quỳ gối rửa
chân cho các môn đệ, cùng với lời giải thích: “Anh em hãy rửa chân cho nhau như Thầy đã làm cho anh em”. Tin Mừng
cho thấy chỉ những con người có tâm hồn bé nhỏ, chấp nhận sự bé nhỏ, mới có thể
đón nhận được bài học yêu thương lớn lao này. Trái lại những con người đưa mình
lên, để trong lòng sự báo thù, sẽ không thể đón nhận được bài học này. Câu chuyện
xảy ra trong nhà tiệc ly, trong khung cảnh đầy ắp tình yêu thương giữa thầy và
trò trước lúc chia tay. Chúa Giêsu đã làm mọi cách để diễn tả tình yêu thương
và phục vụ của mình. Giuđa là kẻ đón nhận được dấu hiệu yêu thương chia sẻ của
Chúa Giêsu, Chúa bẻ bánh chia cho anh, anh cùng chấm chung một chén với Chúa, vậy
mà anh không cảm nhận được tình yêu của Chúa. Trong lúc Chúa nói về sự tín
trung với Chúa, thì Giuđa lại nuôi trong lòng sự phản bội; trong lúc Chúa nói về
yêu thương tha thứ, thì Giuđa lại muốn dùng bạo lực để giải quyết vấn đề; trong
lúc Chúa nói về ánh sáng thì Giuđa lại rời khỏi phòng tiệc bước vào đêm tối, rời
khỏi tình thầy trò anh em để bước vào sự phản bội. Sau khi Giuđa ra khỏi phòng
tiệc, Chúa Giêsu nói: “Bây giờ Con Người
được tôn vinh và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người”. Chúa Giêsu cho
thấy con đường thập giá mà Ngài sắp bước vào với lòng yêu mến và vâng phục
Thiên Chúa, thì chính Thiên Chúa sẽ dùng thập giá để tôn vinh Chúa Giêsu. Vì thập
giá là phương thế tuyệt vời Thiên Chúa dùng để diễn tả tình yêu của Ngài đối với
nhân loại. Qua hành trình khổ giá và cuộc phục sinh của Chúa Giêsu, nhân loại sẽ
nhận biết và tôn vinh Thiên Chúa là Cha yêu thương. Đây quả là một mầu nhiệm lớn
lao vượt quá sức tưởng tượng và suy gẫm của con người mà chỉ những ai có tâm hồn
nghèo khó, đơn sơ bé nhỏ mới có thể hiểu được mà thôi.
Nếu như Giuđa không chấp nhận trở
nên bé nhỏ, anh đã tự ý bỏ đi, thì các môn đệ khác đã dám chấp nhận trở nên bé
nhỏ trước tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa, họ đã ở lại với Chúa. Chúa
Giêsu đã nói với các tông đồ: “Hỡi các
con là những người con bé nhỏ của Thầy… Thầy ban cho anh em một điều răn mới là
anh em hãy yêu thương nhau”. Giới răn này được Chúa Giêsu gọi là giới răn mới,
bởi vì nó hoàn toàn khác biệt và vượt xa điều luật cũ. Nếu như giới răn của Người
Do Thái chỉ đòi yêu thương những kẻ yêu thương mình, làm ơn cho những ai làm ơn
cho mình, thì giới răn mới đòi phải yêu thương tất cả mọi người, làm ơn và phục
vụ cho cả những kẻ làm khổ mình. Giới răn cũ cho phép sự trả thù cân xứng, còn
giới răn mới đòi sống quảng đại và tha thứ, không chỉ bảy lần mà là bảy mươi lần
bảy. Giới răn mới còn đòi các môn đệ của Chúa phải yêu thương đến dám hy sinh cả
mạng sống của mình vì anh em.
Chúa Giêsu đã không so sánh giới
răn mới của Chúa với bất cứ ai khác, nhưng Chúa lấy chính đời sống và việc làm
của Chúa để làm gương và làm chuẩn mực cho các tông đồ: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Chúa
Giêsu đã yêu thương các môn đệ và yêu thương nhân loại bằng một tình yêu không
giới hạn và không điều kiện. Ngài đã chấp nhận từ bỏ địa vị, vinh quang, danh dự
của một vị Thiên Chúa để đến ở với con người, đồng hành và đồng hàng với con
người, chia sẻ đến tận cùng nỗi đau khổ nhục nhằn của con người. Chúa Giêsu đã
yêu thương nhân loại đến nỗi trao ban cả con người, máu thịt, hy sinh mạng sống
của mình cho nhân loại; Ngài đón nhận khổ hình thập giá vì yêu thương và vì muốn
chịu đau khổ thay cho nhân loại mà không mong chờ được đáp đền. Chúa Giêsu còn
để lại cho các môn đệ bài học yêu thương bằng hành động cụ thể, khi Ngài cúi xuống
rửa chân cho các tông đồ, để nêu gương yêu thương phục vụ cho các ông. Đó chính
là những bài học yêu thương sinh động, cụ thể, sâu sắc và là giới răn mới của
Chúa.
Sống và thi hành giới răn yêu
thương của Chúa Giêsu sẽ trở thành nét đặc trưng, khác biệt để cho mọi người nhận
biết chúng ta là những người thuộc về Chúa:
“Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của thầy ở điểm này: là anh em có lòng
yêu thương nhau”. Vì thế, khi các học trò của Chúa dám thực thị triệt để những
lời dạy và thực hành theo gương yêu thương của Chúa Giêsu, sẽ là dấu hiệu để mọi
người nhận biết chúng ta là môn đệ Chúa Giêsu. Điều này đã được minh chứng qua
đời sống của Giáo Hội sơ khai. Thời đó, số người tin theo lời giảng dạy của các
tông đồ gia tăng rất đông, bởi vì họ được thấy tận mắt đời sống của các tín hữu.
Những người tin vào Chúa Giêsu đã gỡ bỏ mọi ranh giới, không còn phân biệt Do
thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, tất cả họ làm nên một cộng đoàn, sống với
nhau như một gia đình. Các tín hữu không ai còn thiết giành giật thứ gì làm của
riêng, nhưng tất cả của cải họ có đều để làm của chung. Họ sống yêu thương đùm
bọc chăm sóc lẫn nhau, chuyên cần tham dự thánh lễ mỗi ngày, chuyên cần cầu
nguyện, nghe lời giảng dạy của các tông đồ và làm việc bác ái. Đời sống của họ
khiến cho những người dân ngoại lúc đó phải thán phục và gọi các kitô hữu là những
người theo đạo yêu thương.
Thưa quý OBACE, tác giả sách Khải
Huyển đã kể lại thị kiến: “Tôi đã thấy một
trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã qua đi và biển cũng không còn nữa. Và
tôi thấy thành thánh Giêrusalem mới từ trời mà xuống”. Thị kiến mà tác giả
sách Khái Huyền nhìn thấy cũng phải là viễn tượng mà mỗi Kitô hữu và toàn Giáo
Hội sẽ phải đạt đến. Khi các tín hữu cùng nhau thực hiện giới răn mới của Chúa,
chúng ta sẽ làm nên một thế giới mới, thế giới này được xây dựng trên nền tảng
luật mới, luật yêu thương, một thế giới sẽ không còn hận thù, giết chóc, không
còn đau khổ thù oán.
Giữa một xã hội, thế giới đầy những
thù nghịch, khủng bố, giết chóc, bạo lực như ngày nay, phải chăng viễn tượng một
thế giới mới của tình yêu thương là xa vời, là không thể? Người tín hữu không
được phép bi quan trước thực trạng thế giới và càng không được ngừng nghỉ sống
và loan truyền giới răn yêu thương của Chúa. Có thể một ngọn nến tình yêu sẽ chỉ
như một đốm sáng nhỏ nhoi leo lét trong đêm tối thù hận, nhưng hàng vạn hàng tỉ
ngọn nến yêu thương được thắp lên từ đời sống và gương sáng của các tín hữu, chắc
chắn thế giới sẽ ngập tràn ánh sáng của tình yêu thương.
Để cho giới răn mới làm nên một
thế giới mới, mỗi người sẽ bắt đầu bằng việc thanh tẩy tâm hồn, cuộc sống của mình
và gia đình, sống tinh thần khiêm nhu nhỏ bé theo Tin Mừng. Mỗi người đón nhận
và thực hành giới răn yêu thương của Chúa trong gia đình, lối xóm, chúng ta sẽ là
người thắp lên được những ngọn lửa yêu thương. Chúng ta cần học nơi gương sống
của Chúa Giêsu âm thầm hy sinh sức khỏe, thời giờ và cả cuộc sống của mình vì hạnh
phúc của gia đình và anh em; Mỗi người cần phải rộng mở vòng tay để có thể yêu
thương tha thứ và cảm thông cho những người trong gia đình và những người chung
quanh; Sau cùng là chúng ta phải dám cúi xuống để yêu thương phục vụ mọi người,
rửa chân cho anh em, kể cả những người ta không yêu, không thích hoặc họ không
thích, không yêu ta.
Xin Chúa cho mỗi chúng ta là môn
đệ của Chúa thấm nhuần giới răn mới Chúa dạy, để qua việc sống và thực hành giới
răn này, mọi người sẽ nhận biết chúng ta là môn đệ Chúa Giêsu. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí.