Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm
Tuần XXXII Thường Niên B
Sống Sung Mãn Phút Hiện Tại
Lời Chúa: Lc 17, 20- 25
(20) Người
Pharisêu hỏi Ðức Giêsu bao giờ Triều Ðại Thiên Chúa đến. Người trả lời:
"Triều Ðại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. (21)
Và người ta sẽ không nói: "Ở đây này!" hay "Ở kia kìa!", vì
này Triều Ðại Thiên Chúa đang ở giữa các ông".
(22) Rồi Ðức
Giêsu nói với các môn đệ: "Sẽ đến thời anh em mong ước được thấy một trong
những ngày của Con Người thôi, mà cũng không được thấy. (23) Người
ta sẽ bảo anh em: "Người ở kia kìa!" hay "Người ở đây này!"
Anh em đừng đi, đừng chạy theo. (24) Vì ánh chớp chói loà chiếu sáng
từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy
trong ngày của Người. (25) Nhưng trước đó, Người phải chịu đau khổ
nhiều và bị thế hệ này loại bỏ.
Suy Niệm:
Ngày
nay, con sô các nhóm khủng bố có mầu sắc tôn giáo đang càng ngày càng gia tăng
đáng kể. Theo thống kê, năm 1968, không có hoạt động khủng bố nào liên hệ đến
tôn giáo, nhưng đến hôm nay có rất nhiều nhóm tự xưng là Kitô giáo, Do Thái
giáo, Ân giáo, Hồi giáo...
Mầu số
chung của các nhóm giáo phái này là niềm tin vào một ngày thế mạt, họ chủ
trương bạo động, vì tin rằng nhờ cuộc chiến tranh ở qui mô thế giới, hay nhờ
một thiên tai nào đó, họ sẽ được đưa vào Thiên đàng. Các giáo phái mong mỏi
ngày thế mạt đã khởi sắc tại Hoa Kỳ từ thế kỷ 19 và hiện nay vẫn còn thu hút
nhiều tín đồ.
Tuy
nhiên, mới đây một số giáo phái đã cáo chung vì bạo động: Cách đây vài năm, một
giáo phái tại Nam Hàn đã lôi kéo được rất nhiều tín đồ đến chẽ tự vẫn và đã tự
giải tán, vì thế mạt họ chờ đợi đã không đến.
Vụ
phun hơi ngạt do giáo phái “Chân lý tối thượng" chủ trương tại Nhật Bản,
dạo tháng 3.1995 cũng cho thấy sự khởi sắc bất ngờ của niềm tin vào ngày thế
mạt nơi người Nhật Bản.
Tin
vào ngày thế mạt, tức ngày Chúa lại đến trong vinh quang cũng là một trong những
điểm nòng cốt của Kitô giáo.
Hằng
ngày, trong Thánh lễ, Giáo hội không ngừng nhắc nhỡ các tín hữu của mình, khi
tuyên xưng: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng
việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến”.
“Chúa
lại đến”, đó là niềm xác tín của người Kitô. Tuy nhiên, ngày đó là ngày hay một
thời điểm nhất định nào? Cái bí ẩn ấy không bao giờ được vén mở. Như Chúa Giêsu
loan báo Ngài sẽ trở lại, nhưng không chọ biết ngày giờ nào.
Chính
vì tính cách bất ngờ của ngày Chúa đến, các tín hữu phải luôn tỉnh thức. Tỉnh
thức có nghĩa là dấn thân tích cực trong giây phút hiện tại, chứ không phải ăn
không ngồi rồi mà chờ đợi. Đó cũng là giáo huấn của Chúa Giêsu mỗi khi Ngài nói
đến tựu ở một thời điểm mà không ai biết trước được vào ngày Con Người sẽ quang
lâm.
Một
trong những nét cao cả của con người chính là khả năng vượt qua thời gian, chỉ
con người mới có thể hồi tưởng quá khứ và dự phóng tương lai, chỉ con người mới
có khát vọng được trường sinh bất tử. Thiên Chúa quả thực đã đặt để trong lòng
con người hạt giống của sự sống vĩnh cửu, hạt giống ấy chỉ có thể nẩy mầm trên
thửa đất của hiện tại mà thôi; không thể đi vào vĩnh cửu mà không bước qua hiện
tại, không thể yêu mến vĩnh cửu mà lại khước từ hiện tại.
Qua
cuộc sống của Ngài, Chúa Giêsu đã vạch ra cho con người đường đi vào vĩnh cửu,
đó là sống sung mãn từng giây phút hiện tại. Chính trong cuộc sống mỗi ngày mà
con người phải tìm kiếm và xây dựng những giá trị vĩnh cửu.
Sống
như thế là sống tỉnh thức theo tinh thần mà Chúa Giêsu hằng nhắc nhở trong Tin
mừng; sống như thế con người mới có thể nhận ra ý nghĩa của cuộc sống. Một cuộc
sống có đáng sống và có ý nghĩa hay không là tùy ở thái độ trân trọng và tích
cực của con người đối với mỗi giây phút hiện tại.
Các bạn thân mến,
Nguyện
xin Chúa ban thêm niềm tin để chúng ta không ngừng đón nhận Chúa qua từng biến
cố và gặp gỡ mỗi ngày.
Lm. Phêrô
Nguyễn Bùi Quốc Khánh SDB