Suy Niệm Lời Chúa Thứ sáu tuần 28 Thường Niên C
Thái độ người
môn đệ trước thói đạo đức giả và cơn bách hại
( Lc 12,1-7 )
Trong cuộc sống
xã hội, cái giả cái thực đan xen lẫn lộn. Thấy một bình hoa giả chưng trong phòng
khách, ta cứ tưởng hoa thật. Gặp một cây trong chậu nở bông, ta lại cho là hoa
giả, vì cánh nó cứng và màu sắc loè loẹt. Ngày nay, hàng hoá, thực phẩm trông đẹp
mắt dưới nhiều hình thức mẫu mã, quảng cáo nhưng lại chất chứa thuốc độc cực mạnh
với những nhãn hiệu gỉa mạo. Ngay cả con người, có những bác sĩ, kỹ sư “hữu
danh vô thực”, đưa đến những vụ tử vong oan uổng, những công trình chưa “ trưởng
thành” mà đã đóng cửa, phá sản. ..Trước vòng xoáy “giả thật” ấy, người ta thốt
lên : biết tin ai bây giờ; vì người này đổ lỗi cho người kia, ban bệ trách cứ lẫn
nhau và không ai chịu trách nhiệm về hậu quả thảm hại cả. Cái “giả thật” này
còn len lỏi vào cả lãnh vực tôn giáo ngày xưa với tên gọi “ pharisiêu giả hình”
và trong thời đại ngày nay, chúng ta cũng được nghe những câu tương tự như :
“sơ giả, cha giả” hoặc “ chiếc áo không làm nên thày tu”. Chúng ta cùng nghe
Chúa Giêsu căn dặn chúng ta điều gì qua bài Tin Mừng này.
Sau khi Chúa
Giêsu lên tiếng mạnh mẽ khiển trách các người Pharisiêu và các nhà thông luật
(11,37-54), Người liền nói với dân chúng đặc biệt là cho các môn đệ : “Anh em
phải coi chừng men pha-ri-sieu, tức là thói đạo đức giả” (c.1). Người nói rõ :
không phải là men bánh như có lần các môn đệ lầm tưởng, khi Người trách khi các
ông quên mang bánh, mà đây là men ĐẠO ĐỨC GIẢ. Đó là những hình thức đạo đức được
tổ chức bên ngoài một cách hào nhoáng, bóng lộn, hoành tráng, đầy đủ màu sắc,
thuộc mọi tầm cỡ, nhưng bên trong lại trống rỗng, nhạt nhão, vô vị, thiếu chiều
sâu.. Chúa Giêsu thấy hết và Người cảnh cáo họ “Không có gì che giấu mà không bị
lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết” (c.2). Người nói với các
môn đệ điều này, không những vạch ra cho các ông thấy những men xấu đó, nhưng
còn cảnh báo cho các ông : chớ để men xấu ấy nhập vào người. Đây là điều phải
coi chừng và phải tránh. Nếu các môn đệ cũng sống theo thói đạo đức giả ấy thì
“ những gì nói vào nửa đêm, sẽ được đem ra giữa ban ngày và những điều chỉ nghe
rỉ tai, sẽ được công bố trên mái nhà” (c.3). Việc suy đồi tôn gíao không chỉ
riêng một nhóm người pharisiêu thời bấy giờ, mà còn lây lan và phá hoại cả những
phong trào Kitô giáo nữa. Mỗi cá nhân, mỗi nhóm không thể khư khư che giấu mãi
được, sẽ có ngày ánh sáng vạch trần mọi hành vi xấu xa, phơi bày cho mọi người
được thấy và lời nói giả hình trong nơi bí ẩn sẽ vang vọng khắp nơi.
“ Thày nói
cho anh em là bạn hữu của Thày : Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, sau đó
không làm gì hơn được nữa” ( c.4). Trong câu này, chúng ta thấy Chúa Giêsu chuyển
cách xưng hô từ anh em thành bạn hữu, nhằm thông truyền một sứ điệp “Đừng sợ”. Các môn đệ được mời gọi kiên quyết và vững vàng qua những cơn
bách hại trong tương lai, vì khi cơn bách hại xảy ra, họ có thể bị cám dỗ che
giấu hoặc chối bỏ niềm tin vào Đức Kitô, vì sợ con người bách hại. Lời khuyến
khích “đừng sợ” còn dành riêng cho người Kitô hữu ngày nay, những người đang bị
bách hại khắp nơi trên thế giới vì chiến tranh tôn giáo, vì lòng hận thù ghen
ghét. Nhưng những thế lực đó chỉ có khả năng làm hại thân xác, làm tổn thương
thể lý mà thôi. Chúa Giêsu chỉ rõ chúng ta phải biết sợ ai, đó là Đấng có uy
quyền trên sự sống đích thực là sự sống vĩnh cửu: “ Hãy sợ Đấng đã giết rồi lại
có quyền ném vào hoả ngục” (c.5).
Sau lời mời
gọi và chỉ dẫn : hãy kính sợ Đấng Toàn Năng, Chúa Giêsu đưa ra một ví dụ thực tế
“ 5 con chim sẻ chỉ bán được hai hào, thế mà không con nào bị bỏ quên trước mặt
Chúa” (c.6), nhằm nhắc nhở các môn đệ về một Thiên Chúa quan phòng, luôn yêu
thương chăm sóc mọi loài. Vậy “ tóc trên đầu anh em được đếm cả rồi. Anh em đừng
sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ” (c.7). Con người được Thiên Chúa
yêu thương cách đặc biệt đến nỗi một sợi tóc rơi xuống Ngài cũng biết, nghĩa là
mọi việc xảy ra không ngoài ý Thiên Chúa. Mạng sống con người luôn nằm trong
bàn tay tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Đấng không bỏ quên loài chim bé bỏng,
ắt sẽ chăm sóc giữ gìn các chứng nhân Tin Mừng. Đây là niềm an ủi đầy tình yêu
cho các thánh tử đạo. Các ngài đã tin tưởng và can đảm hiến dâng mạng sống cho
Thiên Chúa không ngần ngại, tính toán như : cha Jacques Hamel đã hy sinh trong
mùa hè mùa qua, cha đang được Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý đưa vào bộ hồ sơ
phong chân phước mà không đợi khoảng thời gian 5 năm, như 4 bạn trẻ giáo lý
viên bị sát hại tại Mễ Tây Cơ vừa qua, như một cộng đoàn nữ tu đa xhy sinh
trong trận khủng bố do những người cuồng tín... Ngay ở Việtnam, trong môi trường
lao động hàng ngày khi một công nhân sống lương thiện, nói không với mọi hành vi ăn cắp “giờ”, ăn cắp “ tài sản”, ăn cắp
“sức lao động”, một bác sĩ tậm tâm với nghề nghiệp chứ không vì “tiền boa, đút
lót”, một kỹ sư nhận đúng với đồng lương của mình, chứ không phải túi tiền rủng
rỉnh nhờ “ xi-măng, sắt thép”, những người cha, người chồng bên chiếc xe cút
kít lao động chân chính qua đôi tay của mình... Hoặc ngay cả khi con người dám
đứng lên đòi công lý, hoà bình, cũng là lúc họ phải hy sinh vì tình yêu và cuộc
sống cho người dân, vì hạnh phúc của người nghèo, như những người dân tại các Tỉnh
miền Trung hiện nay. Tất cả họ đều là những nhân chứng sống động, tử đạo trong
từng giây phút cuộc đời. Thật thế, Thiên Chúa là Đấng xét xử công minh, Ngài
không để hy sinh của người công chính rơi vào quên lãng. Ngài sẽ bênh vực họ và
dẫn họ vào hưởng hạnh phúc với Ngài.
Lạy Chúa
Giêsu, đứng trước mãnh lực của sự dữ và cái chết, chúng con thường run sợ. Lời
Chúa hôm nay nhắc chúng con phải biết sợ Đấng có quyền trên sự sống và sự chết.
Xin cho chúng con can đảm, kiên trì trong những cơn thử thách, cám dỗ... để
không có gì tách chúng con ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Kitô
Giêsu. Amen
Nữ Tỳ Thánh Thể