Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Giáng Sinh

Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Lễ Mừng Chúa Giáng Sinh

THIÊN CHÚA ĐẾN Ở VỚI CON NGƯỜI- DẠY CON NGƯỜI BIẾT SỐNG YÊU THƯƠNG

Chúa giáng sinh.jpg

Các quốc gia, các tôn giáo ngày nay có xu hướng muốn xích lại gần nhau để hiểu và thông cảm với nhau hơn, thì tại Việt Nam, một số vị lãnh đạo Phật Giáo tỏ ra thù hằn, nghi kỵ với Công Giáo và có những phát ngôn nhằm gây sự chia rẽ giữa các tín đồ của hai tôn giáo này. Một trong các vị Hoà thượng này cho rằng: “Phật Giáo là một tôn giáo lớn, các phật tử phải mừng ngày Phật Đản thật long trọng, không nên “mừng ké” ngày lễ Noel của Công Giáo.” Ông này cũng còn có nhiều phát ngôn gây “bão” trên mạng về vấn đề tôn giáo.

Trong khi đó, chuyến viếng thăm Thái Lan vừa qua, Đức Thánh Cha đã đến thăm ngôi chùa Hoàng Gia và gặp vị Tăng Thống đứng đầu giáo hội Phật Giáo và đã để lại một tình cảm hết sức đặc biệt nơi các vị lãnh đạo Phật Giáo tại Thái. Phó trụ trì, hòa thượng Wat Pho nói: “Chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng là trang sử mới nhất trong mối quan hệ huynh đệ gần năm mươi năm giữa hai tôn giáo. Bước đầu tiên trong mối quan hệ giữa hai tôn giáo diễn ra vào ngày 5 tháng 6 năm 1972, khi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đón tiếp, Đức Tăng Thống thứ 17 của Phật giáo Thái Lan và là nguyên trụ trì của Chùa này.”

Hòa Thượng nhấn mạnh: “Thái Lan là một quốc gia Phật giáo, nhưng tình bạn thì không phân biệt tôn giáo. Vì lý do này, chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến đất nước chúng tôi đã làm cho tất cả người Thái, tu sĩ hay giáo dân đều vui mừng. Tôi đã gặp Ngài hai lần.” Ông nhận định: Đức Thánh Cha trên hết là một người đơn sơ: ngài có một cuộc sống khiêm tốn nhưng có khả năng về trí tuệ cao cả; ngài là một người có trái tim nhân hậu, tốt bụng với tất cả mọi người: thấy rõ khi ngài dừng lại để hôn trẻ em, người cao niên và người khuyết tật; cuối cùng, ngài là người biết đón nhận, hài lòng với những gì ngài có và không cần những thứ xa xỉ.” “Cả thế giới, bất kể tôn giáo nào, nên lấy ngài làm mẫu gương và khao khát ba điều này: sự đơn sơ, sự tốt lành và sự hài lòng”.

Cung cách đơn sơ, giản dị, gần gũi và yêu thương của Đức Thánh Cha Phanxicô là cách mà ngài đang muốn phác hoạ lại chân dung và sứ mạng của Chúa Giêsu cho thế giới hôm nay. Đức Giêsu – Thiên Chúa làm người, Ngài đến trần gian là để ở với con người, chia sẻ đến cùng thân phận làm người với con người. Đức Giêsu không giành giật, không chiếm chỗ của ai hay của tôn giáo nào, Ngài chỉ mời gọi ai muốn thì theo, và khi chọn theo Ngài là dám sống như Ngài đã sống, là đem tình yêu thương và sự cảm thông, tha thứ đến với mọi người.

Các bài đọc của thánh lễ hôm nay muốn trình bày Đấng Cứu Thế không phải là một vị Thiên Chúa thụ động, nhưng là một vị Thiên Chúa chủ động bước đến ở với con người, để tìm kiếm, chữa lành và nâng con người trỗi dậy, giúp con người sống xứng với phẩm giá của mình.

Tiên tri Isaia đã mô tả ngày Thiên Chúa đến là ngày hân hoan vui mừng không chỉ cho Israel, mà là cho mọi dân tộc, mọi quốc gia. Vì ơn cứu độ Ngài đem đến không dành riêng cho Israel mà là cho tất cả các dân các nước. Ơn cứu độ của Thiên Chúa trước hết là ơn giải thoát và bình an. Thiên Chúa sẽ giải thoát nhân loại khỏi ách thống trị của ma quỷ và tội lỗi, khỏi sự sợ hãi ám ảnh của đau khổ và chết chóc, Ngài sẽ mang lại cho nhân loại một cuộc sống mới, một thế giới mới: “Đẹp thay bước chân người loan báo Tin Mừng, công bố bình an, loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ.” Hãy nói với Sion rằng: “Thiên Chúa của ngươi là vua hiển trị… họ sẽ được tận mắt nhìn thấy Thiên Chúa trở về với Sion. Hỡi Giêrusalem hoang tàn, hãy đồng thanh reo mừng vì Đức Chúa cứu chuộc Giêrusalem, muôn dân thiên hạ sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.” Những lời này của Isaia như thay đổi hoàn toàn cái nhìn chật hẹp về Thiên Chúa của Israel để thay thế bằng một khung trời rộng lớn: quyền năng và ơn cứu độ của Thiên Chúa từ nay sẽ lan tràn khắp cõi địa cầu.

Thánh Gioan đã chiêm ngắm việc Thiên Chúa xuống thế làm người như một mầu nhiệm vượt quá sức tưởng tượng và trí khôn nhỏ hẹp của con người. Ngài chỉ còn biết rút ra một kết luận: “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta.” Từ chân lý này, Thánh Gioan đã suy gẫm và nhận ra rằng: Đức Giêsu Kitô chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Ngài đã hiện diện từ muôn đời cùng với Thiên Chúa Cha, cùng tham dự vào công trình tạo dựng vũ trụ ngay từ thủa ban đầu: “Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời mà vạn vật được tạo thành.”

Với sự xác tin này, Thánh Gioan còn mang tâm tình biết ơn của cả vũ trụ vạn vật dâng lên Thiên Chúa vì “Nhờ Ngôi Lời mà vạn vật được tạo thành.” Thiên Chúa khi tạo dựng nên con người, không để con người mang thân phận gỗ đá vô tri vô giác, nhưng Ngài đã yêu thương và thông chia sự sống của chính Ngài cho con người. Từ đây, con người được mang trong mình sự sống thần linh của Thiên Chúa, làm cho con người trở nên giống Thiên Chúa. Con người được gia nhập vào thế giới thần linh, được chìm ngập trong ánh sáng vinh quang của Thiên Chúa: “Ngôi Lời là sự sống và là ánh sáng cho nhân loại.” Tuy nhiên, do việc bắt tay với ma quỷ và cấu kết với tội lỗi, sự sống và ánh sáng của Thiên Chúa nơi con người ngày càng bị suy yếu và lu mờ. Vì vậy, mầu nhiệm Ngôi Lời Thiên Chúa làm người đến ở với nhân loại, đã làm cho sự sống và ánh sáng của Thiên Chúa nơi con người được bừng sáng trở lại, phẩm giá đích thực của con người được Đức Giêsu phục hồi và tình bạn giữa Thiên Chúa và con người được nối lại.

Lúc bấy giờ, có nhiều người lầm lẫn hoặc nghi ngờ không biết giữa Đức Giêsu và Gioan Tiền Hô, ai là ánh sáng đích thực, ai là người đem sự sống của Thiên Chúa đến cho nhân loại? Thánh Gioan tông đồ đã phải quả quyết cho mọi người thấy rằng: “Gioan chỉ là người được sai đến để dọn đường cho Đấng là ánh sáng, ông không phải là ánh sáng. Ngôi Lời là ánh sáng thật đến thế gian và chiếu soi mọi người.” Thánh Gioan cũng quả quyết cho chúng ta thấy, Ngôi Lời Thiên Chúa đến thế gian không phải như một người khách lạ, nhưng là người nhà, người cùng một gia đình. Những ai tin Đức Giêsu là Ngôi Lời của Thiên Chúa thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và đã cư ngụ giữa chúng ta, những ai đón nhận Người, Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa.”

Thư Do Thái quả quyết cho chúng ta: “Thủa xưa, nhiều lần và dưới nhiều hình thức, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các tiên tri, nhưng vào thời sau hết này, Người đã phán dạy chúng ta qua Người Con…Người là phản ảnh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa.” Chúa Giêsu đến thế gian để ở với con người và để quy tụ muôn dân muôn nước nên một đoàn dân của Thiên Chúa, chỉ cho mọi người biết sống theo chân lý và sự thật. Chúa Giêsu không dửng dưng với cuộc sống con người, nhưng đã chia sẻ đến tận cùng với kiếp nhân sinh của con người, Ngài trở nên giống chúng ta mọi đàng chỉ trừ tội lỗi. Ngài cũng trải qua những nhọc nhằn khó khăn và giới hạn trong cuộc sống như tất cả chúng ta, Ngài cũng biết no, biết đói, nếm mùi đau khổ, được thành công, chịu thất bại, bị hàm oan, cuối cùng Ngài chia sẻ cả cái chết với con người. Qua cuộc sống và lời rao giảng của Ngài, Chúa Giêsu đã chỉ cho con người con đường cứu độ, con đường để đạt được tự do đích thực của con Thiên Chúa, được hạnh phúc đời đời. Chúa Giêsu chính là hiện thân, là tiếng nói yêu thương tột cùng của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Qua cuộc tử nạn thập giá và cuộc phục sinh, Chúa Giêsu đã thể hiện tình yêu đến cùng của Thiên Chúa dành cho con người.

Thưa quý Ông Bà Anh Chị Em, Ngôi Lời đã ở giữa chúng ta, nhưng nhiều người vẫn không muốn chấp nhận Ngài, họ tìm mọi cách để kết án và loại trừ Ngài. Họ sợ Ngài làm phiền cuộc đời, hoặc can thiệp vào công việc, hoặc tranh giành ảnh hương với họ. Đức Thánh Cha Phanxicô đã quả quyết: “Thiên Chúa không lấy đi bất cứ thứ gì trong cuộc đời của chúng ta. Khi đón nhận Ngài, Ngài sẽ làm cho cuộc đời chúng ta nên đầy tràn và phong phú.” Chúa đến để biến đổi nhân loại và vũ trụ, Ngài muốn mỗi người khi đã tin nhận Chúa Giêsu chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa, chúng ta cũng phải trở thành những người đem ánh sáng và sức sống của Chúa đến cho mọi người và cho thế giới chung quanh.

Xin Chúa giúp chúng ta biết sống và đem Ánh sáng yêu thương của Chúa cho thế giới hôm nay; đem sự thật của Tin Mừng vào trong xã hội gian dối này và dùng sức sống thần linh của Chúa để thánh hoá gia đình, bản thân mỗi ngày. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba tuần I Mùa Chay - Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần I Mùa Chay_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Sau Lễ Hiển Linh_Nt. Maria Nguyễn Kim Khánh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Sau Lễ Hiển Linh_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Sau Lễ Hiển Linh_Nt. Maria Trần Thị Thu Trang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Sau Lễ Hiển Linh_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Sau Lễ Hiển Linh_Lm. Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Sau Lễ Hiển Linh_ Nt. Maria Phạm Thực

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Lễ Mừng Chúa Giáng Sinh_Lm. Đan Vinh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Lễ Đêm Mừng Chúa Giáng Sinh_Lm. Đan Vinh
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa Năm C- LM ĐAN VINH - HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa - Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa- Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Sau Lễ Chúa Hiển Linh -Lm. Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu sau Lễ Hiển Linh - Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm sau Lễ Hiển Linh_ Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần I Thường Niên_Tam Thái
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Sau Lễ Hiển Linh_Lm. Đan Vinh -HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Sau Lễ Hiển Linh_Nt. Maria Phương Trâm, Dòng Đa Minh Phú Cường