Suy Niệm Thứ Năm Tuần Bát Nhật Phục Sinh
ĐỜI SỐNG CHỨNG NHÂN
Lời Chúa : Lc 24,35 – 48
(35) Còn hai ông
thì thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và mình đã nhận ra Chúa thế nào
khi Người bẻ bánh.
(36) Các ông còn
đang nói, thì chính Ðức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: "Bình an cho anh
em!" (37) Các ông kính hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. (38)
Nhưng Người nói: "Sao anh em lại hoảng hốt? Sao còn ngờ vực trong lòng? (39)
Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt
như anh em thấy Thầy có đây?" (40) Nói xong, Người đưa tay chân
ra cho các ông xem. (41) Vì mừng quá, các ông vẫn chưa tin và còn
đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: "Ở đây anh em có gì ăn không?" (42)
Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. (43) Người cầm lấy và ăn
trước mặt các ông.
(44) Rồi Người bảo: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói
với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, Các Sách Ngôn Sứ và các Thánh
Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm". (45) Bấy giờ
Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và bảo: "Có lời Kinh Thánh chép
rằng: Ðấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, (47)
và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu
gọi họ sám hối để được ơn tha tội. (48) Chính anh em là chứng nhân của những
điều này.
Suy Niệm
Albert Schweitzer là cậu bé thông
minh, say mê âm nhạc. Khi trưởng thành cậu chơi đàn Organ, và đã trở thành tiến sĩ âm nhạc. Sau đó Albert nghiên cứu các chủ đề tôn giáo, và đậu tiến sĩ triết học,
rồi làm hiệu trưởng trường đại học.
Như thể học chưa đủ, ông từ chức hiệu trưởng
để theo ngành y khoa, 7 năm sau, trở thành bác sĩ với bằng tiến sĩ y khoa. Với 3
bằng cấp tiến sĩ, Albert Schweitzer dễ dàng trở thành
một người giàu có, và nổi tiếng.
Thế nhưng, tiến sĩ Albert
Schweitzer lại cùng với người vợ bán tất cả gia tài của
họ, rồi họ sang tận Châu Phi thiết lập một bệnh viện ở Lambarene. Ông cứu giúp hằng ngàn người phong cùi và những người mắc
bệnh buồn ngủ.
Ông huấn luyện y tá và điều dưỡng để phụ
giúp. Khi hết tiền mua thuốc, ông trở về Âu Châu, trình diễn âm nhạc, lấy tiền vé vào cửa để trả tiền mua thuốc cho
bệnh viện. Ông tin rằng người nghèo ờ Châu Phi đều là người thành viên trong
gia đình của Chúa. Ông được giải Nobel Hòa Bình năm 1953.
Sau khi dâng hiến cả cuộc đời cho Châu Phi
nghèo khổ, nhà truyền giáo đã đi về nhà Chúa năm 1965,
lúc 90 tuổi.
Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu Phục sinh kêu gọi các môn đệ
hãy làm chứng nhân cho Ngài. Hãy là chứng nhân của sự
sống mới. Thế giới ngày nay quay cuồng trong nỗi chết.
Cái chết của chiến tranh, khủng bố khiến chết không toàn thây. Cái chết của
sida, ma túy làm chết không ra người. Cái chết của phá thai, tự vẫn như cướp
quyền Tạo Hóa. Chúng ta phải làm chứng cho sự sống mới.
Sự sống của Đấng Phục sinh: Lôi cuốn, hấp dẫn gấp ngàn
lần nỗi chết quay quất điên loạn của con người. Sự sống của Đấng Phục sinh tràn
đầy niềm hy vọng. Nếu Đức Kitô bị đóng đinh đã sống lại ra khỏi mồ, thì ta có
quyền tin tưởng vào chiến thắng của Ngài trên bạo lực, hận
thù và nỗi chết.
Hãy
là chứng nhân của niềm vui. Nếu môn đệ buồn
phiền vì Thầy đã chịu khổ hình, thì các ông lại vui mừng biết bao khi nghe tin
Thầy sống lại. Nếu môn đệ lo âu vì sợ người ta giết Thầy sẽ bắt luôn cả trò,
thì các ông lại trọn niềm vui hân hoan khi thấy Thầy sống lại ra khỏi mồ. Nếu
ta thực sự ra khỏi nỗi âu lo về mình, ta sẽ tràn đầy niềm vui. Nếu ta mang nụ
cười cho người bất hạnh, ta đang công bố tin vui phục sinh.
Đức Hồng Y Danielou có nói: “Chúng ta hãy tự khai mở niềm
hy vọng của người bất hạnh, cho dù điều đó đe dọa đến của cải chúng ta Cha
Charles de Foucauld quả quyết: “Chỉ có một người
có khả năng làm chứng bằng lời nói, nhưng mọi người đều có thể làm chứng bằng
đời sống lương thiện, gương mẫu và bằng đời sống Kitô hữu sinh động”.
Trong nghi thức Rửa tội của Giáo hội Ấn Độ, người chịu
phép Rửa đặt tay trên đầu và nói: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin
mừng”. Vậy lời rao giảng sinh động, hữu hiệu và cao đẹp nhất chính là cuộc đời
quên mình phục vụ như Albert Schweitzer đã làm cho người
phong cùi Châu Phi.
Các bạn thân mến,
Mệnh lệnh của Đấng Phục sinh vẫn còn vang vọng: Anh em
hãy làm chứng nhân. Xin cho mỗi người chúng ta luôn ý thức bổn phận phải rao
giảng Tin mừng, đặc biệt bằng đời sống chứng tá của sự sống mới, của niềm vui Phục sinh.
Lm. Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh