SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ NĂM TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN B
LỜI CHÚA: Lc
17, 20 – 25
Người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su bao giờ Triều Đại Thiên Chúa
đến. Người trả lời: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan
sát được. Và người ta sẽ không nói: ‘Ở đây này!’ hay ‘Ở kia kìa!’, vì này Triều
Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.”
Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Sẽ đến thời anh em mong
ước được thấy một trong những ngày của Con Người thôi, mà cũng không được thấy.
Người ta sẽ bảo anh em: ‘Người ở kia kìa!’ hay ‘Người ở đây này!’ Anh em đừng
đi, đừng chạy theo. Vì ánh chớp chói lòa chiếu sáng từ phương trời này đến
phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người.
Nhưng trước đó, Người phải chịu đau khổ nhiều và bị thế hệ này loại bỏ.
SUY NIỆM
“Triều Đại Thiên Chúa đang
ở giữa các ông.” Hầu hết Người Ki-tô hữu cầu nguyện bằng kinh lạy cha chí ít
một tuần một lần khi tham dự thánh lễ Chúa nhật. Và lời cầu nguyện ấy bắt đầu
bằng câu:
Lạy Cha chúng con là Đấng
ngự trên trời, Chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước (triều đại) Cha trị đến,
ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. (x. Mt 6, 9 – 11; Lc 11,2)
Thường thì người ta cầu
nguyện, người ta van xin khi khát khao, mong mỏi hoặc cảm thấy cấp thiết được
đáp ứng một điều gì đó. Lời cầu nguyện đúng nghĩa phải là lời cầu nguyện phát
xuất từ thẳm sâu tâm hồn con người; không câu nệ, không máy móc, không cảm thấy
áp lực hoặc bị cưỡng ép. Chúng ta thường đọc kinh lạy Cha với tâm tình nào?
Phải hiểu, phải cảm được
sự tối cần thiết của nước Thiên Chúa trong cuộc sống con người thì con người
mới khát khao mong mỏi ‘Nước Chúa hiển trị’. Nhưng trình thuật Tin mừng hôm
nay, Đức Giê-su cho chúng ta biết nước Thiên Chúa đã đến rồi: “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.”
(c. 21b). Vậy chúng ta cần hiểu triều đại Thiên Chúa như thế nào?
Cha Tu viện trưởng Pierre,
một người nổi tiếng trong việc chăm sóc giúp đỡ người nghèo ở Pa-ri, sống trong
một tu viện rộng lớn với mười hai anh em. Vào một đêm trung tuần tháng giêng,
khi băng giá và tuyết trắng bao phủ khắp mặt đất, một gia đình nghèo rét mướt
bấm chuông cửa và xin cho được nương nhờ một góc nào đó trong tu viện để ngủ,
nếu không thì tất cả gia đình họ sẽ bị
chết trong giá rét. Cha Bề trên Pierre rất băn khoăn vì mỗi phòng trong
căn nhà đều đã đầy ắp người. Chỉ còn mỗi ngôi nhà nguyện nhỏ là còn trống. Vì
vậy, cha đành kiệu Thánh Thể từ bàn thờ lên đặt trên căn gác mái, nơi mà không
ai có thể ở được vì rét lạnh. Cha đã sắp xếp và đưa gia đình nghèo tội nghiệp
kia vào ngủ trong căn phòng cầu nguyện duy nhất của Tu viện.
Sáng hôm sau, các anh em
vô cùng ‘shock’ khi thấy Thánh Thể ‘biến mất’, thay vào đó là một gia đình đang
ngủ trên sàn nhà. Họ rất khó chịu vì cho đây là sự bất kính không thể chấp nhận
được và giận dữ khi cha bề trên cho biết Thánh Thể được đặt trên gác mái, nơi
gió tuyết có thể thổi xuyên qua mái nhà. Nhưng cha Tu viện trưởng giải thích:
“Các anh em của tôi, Đức Ki-tô không cảm thấy lạnh hay nóng trong bí tích Thánh
Thể, nhưng Đức Ki-tô trong mỗi con người sẽ cảm được điều đó trong chính họ!”
(Daily Gospel 2009)
Đức Ki-tô là hiện thân của
nước Thiên Chúa. Đức Ki-tô đã đến. Người
không những ở trong chúng ta mà còn ở giữa chúng ta nơi những người anh chị em
sống chung quanh ta. Và hơn nữa, Người còn đồng hóa mình với những người nghèo
nàn, bất hạnh. (x. Mt 25, 35 - 36) Vì vậy, chúng ta không thể chỉ tôn thờ Chúa
trong nhà thờ hay khi đọc kinh cầu nguyện mà còn phải phục vụ Người trong cuộc
sống, nơi tha nhân, nhất là những người chúng ta có bổn phận và trách nhiệm.
Chúng ta khát khao ước ao nước cha hiển trị bởi vì đó là lẽ sống đích thực của
chúng ta – sống trong nước tình yêu. Bởi vì bộ mặt thế gian này luôn qua đi,
nhưng nước tình yêu của Thiên Chúa sẽ tồn tại mãi, nơi ấy chúng ta có Thiên
Chúa là Cha và mọi người là anh chị em với nhau. Vì thế nước Thiên Chúa không ở
xa, nhưng ở giữa chúng ta, và mỗi người chúng ta có bổn phận trách nhiệm xây
dựng nước ấy bằng tình yêu chân thực phát xuất từ tình yêu Thiên Chúa đã dành cho
chúng ta. Đồng thời lời kinh lạy Cha mà chúng ta đọc có thể là rất nhiều lần
trong một ngày “xin cho nước cha hiển trị” sẽ không là những lời máy móc, vô
nghĩa, nhưng là lời khẩn nài tha thiết với ước vọng ơn Cha giúp cho Giáo hội,
mọi Ki-tô hữu cũng như chính bản thân ta biết sống như là một công dân của nước
trời làm sáng danh Thiên Chúa tình yêu và làm cho tình yêu ngự trị khắp vũ
hoàn.
“Người ta sẽ bảo anh em: ‘Người ở kia kìa!’ hay ‘Người ở đây
này!’ Anh em đừng đi, đừng chạy theo.” (c. 23) Ngược lại với lời Đức Giê-su, dường như
thói thường chúng ta thường thích xem chuyện lạ, thích xem Chúa, Mẹ hiện ra;
nghe ở đâu có chuyện lạ là ùn ùn đến ‘xem’; nhưng lại không muốn tuân giữ những
điều Chúa dạy – con người, đời sống
chẳng có gì biến đổi. Niềm tin của chúng ta thật mong manh. Chúng ta đang đắm
mình và hòa vào một thế giới loại bỏ Thiên Chúa ra ngoài. Cuộc sống chỉ còn là những ganh đua và cạnh
tranh, lao theo những nhu cầu vật chất không bao giờ đủ. Vì vậy, lời Chúa hôm
nay như một tiếng chuông cảnh tỉnh, mời gọi mỗi người Ki-tô hữu nhìn lại tâm
linh, duyệt xét đời sống của mình xem chúng ta có còn tin Chúa thực sự để biết
rằng chúng ta là con Thiên Chúa và chúng ta phải sống như là con cái Chúa, như
là công dân của nước trời.
Lạy Chúa Giê-su là vua
tình yêu. Chúa đã đến thiết lập nước trời ở giữa trần gian, Con cảm tạ Chúa về
hồng ân được làm con cái Chúa. Con cảm tạ Chúa vì con được là một người công
dân trong nước Chúa. Con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con được vinh dự cộng tác
vào công trình xây dựng và mở rộng nước Chúa. Xin cho mỗi Ki-tô hữu chúng con
biết ý thức ân huệ lớn lao Chúa đã ban cho chúng con với lòng biết ơn. Và xin
Chúa giúp chúng con trung thành sống theo thánh ý Chúa, đồng thời biết nhiệt
tâm xây dựng nước trời bằng cách sống đúng theo lời Chúa dạy. Amen.
Nt. Maria Chinh Anh