Suy Niệm Lời Chúa Thứ
Sáu Tuần XIX Thường Niên
CHUNG THỦY TRONG HÔN NHÂN
Lời Chúa: Mt 19, 3 - 12
3 Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su
để thử Người. Họ nói: "Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do
nào không? "4 Người đáp: "Các ông không đọc thấy điều này
sao: "Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ",5
và Người đã phán: "Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình,
và cả hai sẽ thành một xương một thịt."6 Như vậy, họ không còn
là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp,
loài người không được phân ly."7 Họ thưa với Người: "Thế
sao ông Mô-sê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ? "8 Người
bảo họ: "Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép các ông rẫy
vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu.9 Tôi nói cho các ông biết:
Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm
tội ngoại tình."10 Các môn đệ thưa Người: "Nếu làm chồng
mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn."11
Nhưng Người nói với các ông: "Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy,
nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu.12 Quả vậy, có
những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có
những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không
kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu."
Suy niệm:
“Thưa Thầy, có được phép rẫy
vợ mình vì bất cứ lý do nào không?” Người đáp: “Các ông không đọc thấy điều này
sao: ‘Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ’, và Người đã
phán: ‘Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành
một xương một thịt.’ Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một
thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.”
Khi đọc và suy niệm đoạn Tin mừng này, tôi chợt nhớ câu chuyện về Án Tử,
được viết trong sách Lẽ sống. Câu
chuyện ấy thuật lại như sau:
Án Tử, người nước Tề, nổi tiếng là một người thanh liêm. Xuất thân từ một
gia đình nghèo, Án Tử được vợ hy sinh buôn tảo bán tần để mình ăn học. Đỗ đạt
làm quan, Án Tử không bao giờ quên được ơn ấy của vợ. Cuộc sống đầy cạm bẫy,
ông vẫn một lòng trung thành với vợ.
Một hôm vua Cảnh Công đến thăm ở lại dùng bữa với Án Tử. Một người đàn
bà đã già xuất hiện trong bữa tiệc. Khi Án Tử vừa giới thiệu người đàn bà đó là
vợ mình, nhà vua ngạc nhiên đến sửng sốt. Ông đề nghị với Án Tử: - Ôi, vợ khanh
trông vừa già lại vừa xấu. Quả nhân có một đứa con gái vừa trẻ vừa đẹp, quả
nhân muốn cho về hầu, khanh nghĩ sao?
Án Tử trả lời một cách dứt khoát,
không chút do dự: - Nội tử của tôi nay thật già và xấu. Nhưng chúng tôi đã lấy
nhau và ăn ở với nhau bao lâu nay, kể từ khi nàng còn trẻ đẹp. Xưa nay, đàn bà
lấy chồng lúc còn trẻ cốt để nhờ cậy lúc tuổi già, lấy chồng lúc đẹp để nhờ cậy
khi xấu. Nội tử tôi thường nhờ cậy tôi cũng như tôi đã từng nhận sự giúp đỡ của
nội tử tôi. Nay, bệ hạ muốn ban ơn mưa móc là tùy ở bệ hạ, nhưng xin đừng để
tôi phải mang tiếng ăn ở bội bạc với nội tử tôi. Nói xong, Án Tử lạy hai lạy, xin từ chối
không lấy con gái của nhà vua.
Đó là câu của chuyện của Án Tử, câu chuyện thể hiện nét đẹp “thủy chung”
sắc son của đời sống hôn nhân. Có lễ vậy mà người xưa hay nói “dấu ấn của tình yêu là lòng chung thủy”.
Chung thủy hay thủy chung có nghĩa là trước sau như một, như vậy, khi nói đến một
hôn nhân chung thủy là nói đến một hôn nhân mà từ ngày đầu đến khi kết thúc hai
người vẫn có nhau, vẫn giữ trọn lời hứa yêu nhau ban đầu của họ. Đây là một yếu
tố nền tảng hết sức quan trọng và cần thiết cho hạnh phúc hôn nhân. Là người Công
giáo, chúng ta càng ý thức là hiểu rõ hơn về điều này qua 2 đặc tính “đơn nhất”
và “bất khả phân ly” của Bí tích hôn nhân Công giáo. Tuy nhiên, nét đẹp và sự
cao quý của tình yêu hôn nhân ngày càng bị lu mờ trong xã hội của chúng ta đến
nỗi ngày nay, rất nhiều người xem hôn nhân như một nhà tù: một vấn đề pháp lý,
nhàm chán, mang tính thủ tục, làm đe doạ tình yêu và huỷ hoại sự tự do. Có người
bi đã nói: “Tình yêu là thiên đàng còn
hôn nhân là địa ngục”. Tại sao hôn nhân ngày nay con người khó tìm được hạnh
phúc, tại sao nhiều cuộc hôn nhân đi tới bờ vực đổ vỡ ?
Để trả lời cho câu hỏi đó, chúng ta hãy nhìn lại thế giới đang tục hóa
mà chúng ta đang sống. Thế giới mà trong đó, mọi thứ được chi phối bởi tiền,
người ta làm mọi công việc, mọi cách thế để có nhiều tiền. Khi có tiền rồi, thì
người ta tìm cách để thỏa mãn nhu cầu của thân xác, mà nhu cầu của thân xác thì
gần như vô hạn: ăn ngon rồi lại muốn ăn ngon hơn, mắc đẹp rồi lại muốn mặc đẹp
hơn, nhà cao cửa rộng rồi vẫn muốn nhà sang trọng hơn... và người ta thường
ganh đua nhau để thể hiện “mình hơn” trong vinh hoa phú quý – quyền lực. Chính
lẽ đó, tình yêu hôn nhân cũng rơi vào cạm bẩy của tính thực dụng, trong vòng
xoáy của thế giới tục hóa ấy: lấy nhau vì được gì, để có gì... họ chỉ biết sống
cho mục đích riêng của sự ích kỹ, và ít chú ý đến sự hy sinh cho nhau, và khi
không đáp ứng đủ cho nhau những thứ mình muốn, thì tình yêu và lòng chung thủy
chỉ là nhưng thứ xa xỉ mà người ta không thể có mà cho nhau được. Như thế, thì
hôn nhân dẫn đến đổ vỡ là điều sớm muộn. Vậy làm gì để có một hôn nhân bền vững
đây?
Đó là điều mà Đức Giêsu đã nhắc nhỡ chúng ta trong đoạn Tin mừng hôm
nay: ‘Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm
ra con người có nam có nữ’, và Người đã phán: ‘Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ
mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.’ Như vậy, họ
không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối
hợp, loài người không được phân ly.”
Hôn nhân không phải do sáng kiến của con người, nhưng nó là ý định từ
ban đầu của Thiên Chúa, sự hiện diện của người nam và người nữ là hiện thể của
tình yêu sống động, một tình yêu biết trao hiến cho nhau cách trọn vẹn. Nhờ sự
trao hiến cách hoàn toàn, và được nuôi dưỡng bởi “lòng chung thủy” mà làm cho
hôn nhân nên cao trọng, trở nên một chân giá trị bền vững qua muôn thế hệ. “Sự
gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” đó chính là lời chúc
phúc từ Thiên Chúa, giúp cho người nam và người nữ trở nên tự do trong mọi mối
quan hệ, tránh được thứ ích kỹ của tính xác thịt mà người người ta thường ngụy
tạo với hàm ý “tự do” đến mức phóng đãng; giúp cho họ ý thức về phẩm tính cao
quý của hôn nhân là mang lại hạnh phúc bền vũng trong lời chúc phúc của Chúa.
Ý thức được giá trị của lòng chung thủy trong hôn nhân, người ta sẽ trưởng
thành hơn trong cuộc sống, và hạnh phúc hơn trong chọn lựa. Họ sẽ can đảm để giữ
lời thể hứa đã trau cho nhau trước mặt Thiên Chúa và mọi người. “Hứa giữ lòng chung thủy với nhau: lúc thịnh
vượng cũng như lúc gian nan, lúc đau yếu cũng như lúc mạnh khỏe. Để yêu thương
và tôn trọng nhau mọi ngày suốt đời”. Và như vậy, họ có đủ ơn Chúa để chu
toàn đức khiết tịnh hôn nhân của mình, toàn tâm gầy dựng bầu khí hạnh phúc gia
đình mà không quan tâm đến xu thế ly dị bởi tình trạng tục hóa của xã hội. Lúc
đó, họ có thể mạnh mẽ nói rằng: Người này, người kia ly dị, nhưng ly dị không
phải là chọn lựa của tôi, vì tôi phải chung thủy với lời hứa hẹn và sự chọn lựa
của mình. Luật pháp cho phép ly dị, nhưng tôi không cần dùng đến cái luật ấy,
chỉ vì duy nhất tôi là người ý thức về chọn lựa và trưởng thành để chấp nhận chọn
lựa của mình.
Lạy Chúa Giêsu, xin làm cho đời sống hôn nhân ngày nay được ấm êm và hạnh
phúc. Xin cho chúng con hiểu rằng: vì yêu thương mà Chúa đã chết vì chúng con,
đến lượt chúng con cũng phải yêu thương nhau như Chúa yêu thương Giáo Hội.
Amen.
(Xuân Hạ, OMI)