Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XIX Thường Niên
Lễ Mẹ Hồn Xác Lên Trời
Lời Chúa: Lc 1, 39-56
(39) Hồi ấy, bà Maria lên đường vội vã, đến
miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. (40) Bà vào nhà ông
Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét. (41) Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà
Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được trần đầy Thánh Thần, (42)
liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ,
và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. (43) Bởi đâu tôi
được phúc này là Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi như vậy? (44) Vì này
đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui
sướng. (45) Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những
gì Người đã nói với em."
(46) Bấy giờ bà Maria nói:
"Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa,
(47) thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi.
(48) Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
(49) Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
Danh Người thật chí thánh chí tôn !
(50) Ðời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ
Người.
(51) Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
(52) Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
(53) Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
(54) Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của Người,
(55) như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Ápraham
và cho con cháu đến muôn đời.
(56) Bà Maria ở lại với bà Êlisabét độ ba
tháng, rồi trở về nhà.
Suy Niệm:
Thế giới chúng ta
đang sống có bảy kỳ quan, mỗi kỳ quan đều là một kiệt tác, mỗi kỳ quan đều là một
nghệ thuật và mỗi kỳ quan đều nói lên được cái đẹp, nét riêng mà tạo hóa đã tặng
ban cho nhân loại. Đó là những kỳ quan mang tính vật chất, đó là những công
trình do thiên nhiên tạo nên. Thế nhưng nhiều người vẫn cho rằng, thế giới này
còn có thêm một kỳ quan khác nữa độc đáo, trổi vượt và siêu phàm mà tạo hóa đã
gầy dựng nên. Kỳ quan thứ tám này mang tính tinh thần và có ảnh hưởng rất nhiều
trên cuộc đời mỗi người chúng ta. Kỳ quan đó chính là người mẹ trần thế, người
mẹ đã cả đời lầm lũi, một nắng hai sương, tần tảo gánh gồng, lo cho chồng cho
con. Nếu như bảy kỳ quan thế giới kia được coi là những văn hóa vật thể thì kỳ
quan thứ tám này phải được tôn trọng là văn hóa phi vật thể, là công trời ơn biển
mà Thượng đế ban riêng cho mỗi người chúng ta. Thật thế, có ai ra đời mà chẳng
có mẹ; có ai lớn lên mà chẳng qua dòng sữa mẹ; và có ai thành người mà không trải
qua sự chỉ giáo của mẹ. Và cho dù con có trưởng thành, làm người, đi xa, ngã
lên hay vấp xuống thì hình bóng của mẹ vẫn mãi đồng hành, chung bước như có ai
đó đã thốt lên rằng:
“Dẫu con lớn vẫn
là con của mẹ.
Đi suốt đời lòng mẹ
vẫn theo con.”
Công ơn trời bể của
người mẹ trần thế là như vậy. Thế nhưng người Ki-tô hữu chúng ta tự hào còn có
một người Mẹ tinh thần, một người Mẹ linh thiêng siêu phàm, thánh thiện cũng
ngày ngày “tần tảo, lo lắng” cầu thay nguyện giúp cho chúng ta. Người mẹ đó
chính là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa. Ngày hôm nay, cả Giáo Hội hân hoan
mừng kính lễ Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Đây là một đặc ân mà Thiên Chúa dành tặng
riêng cho Mẹ vì những công trạng và việc làm mà Mẹ đã dành cho Chúa và cho Hội
thánh. Nhân ngày đặc biệt này, chúng ta cùng nhau suy niệm về hai đức tính căn
bản đã làm nên cuộc đời của Mẹ, đồng thời qua hai lối sống này, mỗi người chúng
ta cũng được gọi mời bước theo Mẹ trên con đường tiến về quê trời vĩnh cửu bằng
sự tận tâm và hăng say.
Khi đọc lại lịch sử
Cứu độ, đứng trước lời gọi mời của Thiên Chúa, qua lời Sứ thần truyền, Đức
trinh nữ Maria đã tỏ ra là một con người khiêm nhường, tự hạ. Mẹ khiêm nhường,
tự hạ bởi Mẹ tin rằng bởi đâu mà Mẹ được chúc phúc, được Chúa đoái thương chọn
làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Thật thế, lòng quảng đại của Thiên Chúa không dừng bước
trước sự tự hạ này. Thiên Chúa đã chọn cô thôn nữ Na-gia-ret trở thành Mẹ của
chúng sinh. Kể từ đây, Mẹ âm thầm, lầm lũi và hy sinh để cho Con của Ngài hạ
sinh nơi trần gian này. Nếu như người mẹ trần gian của mỗi người, cũng vì “máu
chảy ruột mềm” mà phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” khi con thơ bé dại của mình bị
bệnh hay ly tan thì Đức Maria cũng đã từng “ngồi trên đống lửa” khi phải đưa
Hài nhi trốn sang Ai Cập trong đêm đen giá lạnh. Nếu như người mẹ trần gian của
chúng ta cũng đã có lần “ăn ngủ không yên” vì những việc làm không đúng của những
đứa con thì Đức Maria cũng đã trải qua cảm giác “như chưa từng có cuộc chia ly”
khi mà bé Giê-su bị thất lạc nơi đền thờ. Và có người mẹ nào can đảm đứng vững,
chứng kiến “khúc ruột” phải từ giã cõi đời này khi mà “lá vàng còn ở trên cây,
lá xanh rụng xuống”. Thế nhưng Đức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa đã như kim đâm thâu
tâm hồn Mẹ khi phải chứng kiến huyết nhục của mình phải chết tức tưởi, đau đớn
và nhục nhã trên cây thập tự như thế.
Nếu như sự âm thầm,
khiêm hạ và lòng hy sinh của những bà mẹ đã viết lên những trang sử cuộc đời hiển
hách cho những người con của mình thì gương lành và hành động nơi Đức Maria còn
hơn gấp bội. Bởi vì chính Mẹ đã cộng tác vào với công trình cứu độ của Thiên
Chúa, đã góp phần nhân loại vào với sứ vụ Thần linh. Mừng lễ Đức Trinh Nữ Hồn
Xác Về Trời cho chúng chiêm ngắm dung nhan của Mẹ qua hai đức tính: khiêm nhường
và hy sinh trong lòng như thế. Nếu sự khiêm nhường chính là nền tảng, cốt lõi
hình thành nên tương giao với Thiên Chúa và với tha nhân thì sự hy sinh chính
là bệ phóng, động lực để ta tiếp cận Thiên Chúa và anh chị em của mình. Tuy vậy,
sống trong một xã hội mà tính ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân xem ra được lên ngôi,
lòng tự cao, tính tự đại, ngại hy sinh đang giết chết tương lai nhiều những người
trẻ. Trong ngày mừng lễ của Mẹ, chúng ta cùng cầu xin Mẹ là biểu tượng của sự
khiêm hạ, là mẫu mực của sự hy sinh luôn ban cho chúng ta biết sống như Mẹ. Hiền
lành và khiêm nhường trong lòng. Hăng say và nhiệt thành với Giáo hội, với việc
Truyền giáo để mỗi chúng ta cũng biết tiếp bước theo Mẹ, hành động như Mẹ và sống
như Mẹ ngay tại thế trần này. Amen.
Lm. Micae VŨ VĂN LỘC.