Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 26-34 > Tuần 32

CHỦ NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN

hoa hong.jpg

Chúng ta tin thân xác loài người ngày sau Sống lại như chúng ta vẫn tuyên xưng trong Kinh Tin Kính. Nếu Đức Ki tô đã không Sống lại, niềm tin của chúng ta trở nên vô ích. Vấn đề làm cho con người quan tâm là liệu có một cuộc sống đời sau không, chúng ta sẽ ra sao ngày mai. Ra sao thì tùy theo ý Thiên Chúa, dù vậy chúng ta tin rằng Thiên Chúa sẽ phục sinh chúng ta như Người đã phục sinh Chúa Giê su.

Sách 2 Mcb 7, 1-2.9-14

Ma ca bê là quyển sách đầu tiên nói rõ ràng về sự Phục sinh của những người Công chính. Thật vậy, làm sao mà tin rằng các CHỨNG NHÂN, hi sinh cuộc sống vì vâng phục lề luật lại có thể bị loại khỏi Lời hứa khi hoàn tất. Nếu chúng ta đã trung thành , dù gì xảy ra, chúng ta sẽ được đưa đến sự Sống không bao giờ cùng, vì Thiên Chúa đã cho mọi sự sống lại trong Đức Ki tô.

Thánh vịnh 16

Tin chắc rằng mình vô tội, nhưng bị những người ngọai vây hãm và làm nhiều điều dả man, tác giả Thánh vịnh tìm nơi ẩn náu nơi Thiên Chúa. Ông hi vọng được nhìn ngắm Dung Nhan Chúa.

Thư 2 Th 2,16-3,5

Thánh Phao lô nhấn mạnh vào ý nghĩa mà Đức tin vào sự trở lại vinh quang của Đức Ki tô mang lại cho cuộc sống. Cuộc sống đầy hi vọng đang hướng tới điểm đến đó. Bên kia các khó khăn do các thù địch Đức tin gây ra, Đức Ki tô đang chờ đợi chúng ta.

Tin mừng Lc 20, 27-38

NGỮ CẢNH

Đoạn văn nầy nằm trong phần giáo huấn của Chúa Giê su trong đền thờ bao gồm bốn cuộc tranh luận giữa Chúa Giê su và các đối thủ: uy quyền của Chúa Giê su (20,1-8); những người làm vườn nho sát nhân (20,9-19); nộp thuế cho Xê da (20,20-26); và về sự kẻ chết sống lại (20,27-40).

TÌM HIỂU

Nhóm Sa đốc: chủ trương gắn bó với Lề luật và từ chối những khai triển của truyền thống. Vì thế họ không chấp nhận niềm tin vào sự sống lại. Vì niềm tin nầy tương đối mới đây (x. Đoàn 12,2-3) và nhất là thường được quan niệm khá mộc mạc: đó là một cuộc sống giống y như đời sống cũ.

Vợ goá: điều luật nầy buộc người em phải cưới người vợ goá của anh mình đã chết (Đnl 25,5-10) để bảo đảm nối dõi tông đường cho một người đàn ông đã chết không có con. Nhưng không chắc là người ta đã tuân giữ.

Các thiên thần: Chúa Giê su bác bỏ quan niệm về một cuộc sống mới giống y như cuộc sống cũ. Đặc biệt Ngài nhấn mạnh về sự bất tử của những người sống lại. Về vấn đề nầy, họ giống như các thiên thần, vì thế, hôn nhân nhắm mục đích lưu truyền sự sống cũng sẽ trở thành vô ích.

Phao lô cũng bác bỏ một quan niệm vật chất về sự sống lại: “việc kẻ chết sống lại cũng vậy: gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ; gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí”(1Cr 15,42-44).

Thiên Chúa: đọan thứ nhất bác bỏ quan niệm vật chất về sự sống lại và khá dễ hiểu. Đoạn thứ hai (20,37-38) đặt niềm tin ấy trên nền tảng Kinh Thánh và lí luận có phần tế nhị.

Nếu ông Mô sê gọi Thiên Chúa của Abraham, Isaac, và Gia cóp là Chúa (Xh 3,6), điều ấy có nghĩa gì và chứng minh điều gì?

Trước tiên và trên hết, tước hiệu ấy ám chỉ đến các lời hứa và Giao Ước của Thiên Chúa với các tổ phụ. Tuy nhiên dựa vào kiểu nói ấy (“Thiên Chúa của Abraham..”) để kết luận rằng những vị ấy còn sống, đối với chúng ta có vẻ mập mờ.

Thật ra, đây là một cách quan niệm về Thiên Chúa và các mối tương quan với loài người. Ta có thể nghĩ về một Thiên Chúa kí kết giao ước với loài người, hứa cho họ một hậu duệ hạnh phúc, thế rồi lại để cho họ muôn đời bị đặt dưới quyền năng của sự chết sao? Chính ở điểm đó mà ta cần phải hiểu rằng Thiên Chúa là Thiên Chúa của người sống chứ không phải của người chết. Lời hứa của Người không chỉ cho các thế hệ tương lai, nhưng thiết yếu cho những ai mà Người đã hứa ban cho. Bởi đó, những người nầy phải được sống lại để sống bên kia sự chết mà họ phải trải qua.

Chính Chúa Giê su, trên con đường đi đến sự chết, đã nói như thế. Ngài tỏ ra tín thác vào Thiên Chúa của Ngài, vào Thiên Chúa của những người sống. Các ki tô hữu đầu tiên, khi kể lại câu chuyện nầy, chắc chắn đã nhìn thấy sự sống lại của Chúa Giê su, và ngang qua đó, sự sống lại của tất cả các tín hữu.

SỨ ĐIỆP

Thiên Chúa của kẻ sống

Trong suốt tháng 11 nầy, chúng ta dành nhiều lời cầu nguyện cho những người đã qua đời. Chúng ta cũng có thói quen đi viếng nghĩa địa và dâng thánh lễ cẩu cho những người đã khuất, cho những người trong gia đình và bà con thân thuộc. Chúng ta cũng cầu nguyện cho thế giới đang đau khổ vì bao lực, khủng bố và đủ thứ thiên tai mà các phương tiện truyền thông đã cho chúng ta biết.

Các bài đọc thánh kinh Chủ nhật hôm nay nói về sự sống lại và sự sống trong Thiên Chúa. Bài đọc thứ nhất mô tả một cảnh tượng kinh hoàng: một người mẹ và mấy đứa con của bà bị xử tử một cách tàn bạo vì đã từ chối ăn thịt heo mà luật Mô sê cấm. Động cơ thúc đẩy chính là đức tin vào sự sống lại. Những chứng nhân cản trường ấy gợi nhớ các vị tử đạo mọi thời đại đã thà chết hơn là từ bỏ đức tin vào Đức Ki tô. Bài học kiên trì trong đức tin ấy cũng có giá trị cho ngày hôm nay. Chúng ta đối diện trước thái độ vô thần, thái độ dửng dưng của thời đại. Đức tin của chúng ta thường bị chế nhạo. Nhưng Chúa khuyên chúng ta nên đứng vững và dựa vào Người. Người là nền tảng chắc chắn trên đó chúng ta có thể xây dựng cuộc đời chúng ta, vì không gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Người.

Bài tin mừng hôm nay còn đi xa hơn nữa khi mạc khải rõ ràng hơn về sự sống lại. Không phải tất cả mọi người Do thái đều chấp nhận niềm tin ấy. Người Pha ri sêu tin chắc chắn vào sự sống lại, trái lại, phái Sa đu kê ô thì lại từ chối. Những người nầy vừa đặt ra cho Chúa Giê su một câu hỏi để diễu cợt niềm tin ấy. Chúng ta cám ơn họ vì nhờ họ mà chúng ta có được những soi sáng quí báu của Chúa Giê su về mạc khải vinh quang của đời sau.

Đối với con người chúng ta, tiếp nhận niềm tin vào sự bất tử của con người và cuộc sống sau cái chết không phải là điều dễ dàng. Cái bẫy mà người Sa đu kê ô giăng ra cho Chúa Giê su hơi thô thiển và nhằm mục tiêu nhạo báng. Một người đàn bà khi còn sống đã trải qua nhiều đời chồng là anh em với nhau, vậy thì bà sẽ là vợ ai trong cõi đời đời ? Vấn đề của người Sa đu kê ô là họ tự giam cầm trong lí luận của họ. Thay vì để cho mình được Thánh kinh chất vấn, thì họ dùng Thánh kinh để chứng minh rằng họ có lí. Các bản văn Thánh kinh nhằm mục đích giúp chúng ta trở về, thay đổi cái nhìn của chúng ta về Thiên Chúa, về người khác và về cuộc sống của chúng ta. Chúng ta được mời gọi mỗi ngày tiến đến với Chúa gần hơn.

Về cuộc sống đời đời, Đức Ki tô mang lại cho chúng ta một câu trả lời rõ ràng. Chúng ta không được tưởng tượng thế giới mai sau theo khuôn mẫu thế giới hiện tại, trong đó có chuyện cưới hỏi và chết. Trong thế gới mà Chúa Giê su gọi là Nước Thiên Chúa, không còn việc dựng vợ gả chồng nữa và loài người không còn chết nữa. Ngôn ngữ nghèo nàn của chúng ta không thể diễn tả cuộc sống diệu kì mai sau. Nhưng một điều chắc chắn là thế giới của sự sống lại không phải là sự tiếp nối thế giới hiện tại mà chúng ta đang sống. Đó là một thế giới hoàn toàn khác hẳn, khi đó thân xác con người không còn bị ràng buộc bởi những qui luật thế giới nầy. Tình yêu sẽ còn mãi bên kia sự chết, nhưng sẽ được thanh luyện.

Tiếp đến Chúa Giê su mạc khải: Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Gia cóp không phải là Thiên Chúa của những kẻ chết mà là Thiên Chúa của những kẻ sống vì tất cả đều sống nhờ Người. Sự chết không thể khiến những dấn thân của Thiên Chúa đối với các tổ phụ ngày xưa bị thất bại. Giao ước của Người có tính cách quyết định và vượt qua sự chết. Đó là một sứ điệp hi vọng gửi đến chúng ta trong cơn tang tóc. Điều quan trọng là chúng ta không ngừng tin cậy vào đấng đã nói: « Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta sẽ được sống đời đời ».

Trong những ngày tháng 11 nầy, chúng ta tưởng nhớ đến tất cả những người quá cố, các nạn nhân chiến tranh. Và chúng ta lắng nghe Chúa Giê su nói với chúng ta rằng Thiên Chúa của chúng ta là « Thiên Chúa của người sống ». Khi sống lại, Đức Ki tô mở cho chúng ta một lối đi. Ngài muốn chúng ta chia sẻ sự sung mãn đời sống và tình yêu của Ngài. Hiện thời, chúng ta đang ở trong thời kì tập sống đời sống của những người sống lại. Chúng ta đang sống lại khi chúng ta để cho Chúa Giê su thay đổi tận thâm tâm chúng ta. Hạt mầm đời sống vĩnh cửu mà chúng ta đã lãnh nhận trong ngày chúng ta chịu phép Rửa cần phải được nẩy mầm, tăng trưởng và hướng đến sự thành toàn.

Chúng ta tin tưởng hướng về Thiên Chúa của những người sống. Tình yêu của Người mạnh hơn sự chết. Thánh Thể mà chúng ta cử hành mỗi Chủ nhật cho chúng ta cơ hội kín múc tận nguồn suối để tiếp sức và nuôi dưỡng chúng ta bằng tình yêu Thiên Chúa. Vì cuộc sống mới nầy, chúng ta có thể ca ngợi Thiên Chúa.

ĐÀO SÂU

THIÊN CHÚA CỦA SỰ SỐNG

2 Mcb 7,1-2, 9-14 Bảy anh em can trường tử đạo vì hi vọng sẽ được sống lại   

Tv 17,1, 5-6, 8+15 Lạy Chúa, khi thức giấc, con no thỏa nhìn chân dung Chúa           

2 Tx 2,16-3,5 Thánh Phao lô khuyên hãy kiên trì bền vững khi chờ đợi ngày của Chúa          

Lc 20,27-38 h 20,27, 34-38 Người chết sẽ được sống lại

1. HỎI: Ba bài đọc liên kết với nhau theo chủ đề nào?

THƯA: THIÊN CHÚA CỦA SỰ SỐNG. Thiên Chúa Vua cả vũ trụ sẽ cho chúng ta sống lại (Bđ1). Và sống lại rồi chúng ta sẽ được như các Thiên Thần (BTM) Thánh Phaolô khuyên bảo chúng ta một vài công việc cụ thể phải làm trong khi chờ đợi ngày Ðức Giêsu Kitô trở lại (Bđ2).

2. HỎI: Đâu là bối cảnh của bài đọc một?

THƯA: Pa-lết-ti-na lúc bấy giờ đang vào khoảng năm 165 trước Công Nguyên trải qua thời gian bách hại khủng khiếp bởi Vua An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê. Vì muốn được tôn thờ là Thần, nên ông bắt người Do thái phải từ chối đức tin, làm trái với Lề luật Mô sê: như không giữ ngày Sa bát, dâng hi tế cho các bụt thần, vv. Lòng trung thành đã khiến nhiều người Do thái tử đạo. Họ thà chết hơn là bất tuân lề luật Thiên Chúa. Lạ lùng thay, chính trong cuộc bách hại mà họ đã có đức tin vào sự Phục sinh. Họ tin rằng nếu chết vì trung thành với lề luật Thiên Chúa, thì Người sẽ trung thành ban lại cho họ sự sống.

3. HỎI: Sách 2 Ma-ca-bê là sách gì?

THƯA: Sách 2 Ma-ca-bê được xếp vào loại sách Sử, được soạn vào khoảng năm 124 trước Công Nguyên. Sách chép lại cuộc xâm lăng Pa-lết-ti-na của người Hi lạp, cuộc bách hại dữ dằn của vua An-ti-ô-khô, và cuộc chiến đấu dũng cảm của người Do thái để bảo vệ đức tin.

4. HỎI: Nội dung bài đọc một như thế nào?

THƯA: Bài đọc một trích từ sách 2 Ma-ca-bê (2 Mcb 7,1-2.9-14) tường thuật hình phạt và cái chết dũng cảm của bẩy anh em người Do thái trong cuộc bách hại của vua Hi lạp. Nhờ lòng tin vào Thiên Chúa và tin có đời sau nên họ đã can đảm chấp nhận cực hình và cái chết chứng nhân.  

5. HỎI: Tại sao ‘kẻ chết sống lại’ là một mặc khải lớn trong Kinh thánh?

THƯA: Gần như đó là khẳng định đầu tiên về niềm tin ấy trong Kinh Thánh. Từ trước đến giờ, người ta tương đối ít nói về thời gian sau-cái-chết, dành phần lớn quan tâm cho cuộc sống đời nầy, và mối liên hệ sống ở trần gian giữa Thiên Chúa và dân Người, tức là Giao Ước. Người ta quan tâm đến cái ngày nay, ngày mai của toàn dân, chứ không phải của cá nhân. Sau khi chết, thân xác sẽ được đặt trong nấm mồ để ‘an nghỉ với tổ tiên’. Bấy giờ, con người chỉ còn là một bóng mờ trong cõi âm đầy im lặng, bóng tối, lãng quên và an nghỉ.

6. HỎI: Niềm tin vào sự sống lại tiến triển như thế nào?

THƯA: Dần dần được biết rằng Thiên Chúa là Chủ tể sự sống nên người ta bắt đầu hi vọng một ngày nào đó nhân loại sẽ được giải thoát khỏi sự chết. Chính tiên tri I-sai-a đã thắp lên niềm hi vọng đó: ‘Thiên Chúa sẽ cho sự chết biến mất vĩnh viễn’ (Is 25,8).

7. HỎI: Mạc khải ấy có tính cách quyết định chưa?

THƯA: Tin vào sự sống lại là một giai đoạn chính trên con đường khám phá Thiên Chúa, nhưng chỉ là bước đầu mà thôi, vì chính nó cũng sẽ bị vượt qua.

8. HỎI: Tại sao?

THƯA: Tạm thời, người ta tin chỉ có những người công chính mới được sống lại mà thôi. Phải chờ nhiều thế kỉ sau đó được Thiên Chúa dạy dỗ người ta mới tin vào sự sống lại của mọi người đã chết. Trong kinh Tin kính, chúng ta tuyên xưng: ‘Tôi tin xác loài người ngày sau sẽ sống lại’.

9. HỎI: Bài đọc 2 (2 Tx 2,16--3,5) có nội dung như thế nào?

THƯA: Thánh Phaolô khuyên nhủ tín hữu Tê-xa-lô-ni-ca rằng vì không biết ngày giờ Chúa lại đến, nên phải luôn nuôi dưỡng niềm hy vọng và mong chờ Chúa đến. Chính niềm hy vọng và sự mong chờ này sẽ là động lực giúp họ sống tốt.

10. HỎI: Ngữ cảnh bài Tin mừng (Lc 20,27-38) như thế nào?

THƯA: Tại Giê-ru-sa-lem (19, 28-40), Chúa Giêsu dạy dỗ trong đền thờ. Nằm trong loạt tranh luận giữa Chúa Giêsu và các thủ lãnh Do thái giáo tại Giê-ru-sa-lem, về quyền bính (20,1-8); nộp thuế cho Cêsar (20,20-26); Con của vua Đavít (20,41-44), đoạn Tin mừng nầy bàn đến vấn đề kẻ chết sống lại (20,27-38). Có 2 ý chính: 1. Vấn nạn của nhóm Xa-đốc (20,27-33). 2. Giáo huấn của Chúa Giê su (20,28-38).

11. HỎI: Vào thời Chúa Giê su, niềm tin vào sự Phục sinh như thế nào?

THƯA: Vào thời Chúa Giê su, niềm tin vào sự sống lại là điều rất mới mẻ, chưa được tất cả mọi người tin theo.

12. HỎI: Nhóm người Xa-đốc là ai?

THƯA: Họ là những ‘con cáo già của Xa-đốc’, thuộc chi họ Lê-vi (Êd 40,46). Thuộc giai cấp tư tế, nhưng từ lâu họ không còn giữ đạo Do thái cách thuần túy: họ chỉ quan tâm đến việc thực hiện các việc phụng tự bên ngoài, nhưng ít để ý đến các giáo điều về niềm tin tôn giáo. Trong số đó, họ quả quyết không có sự sống lại, không có thiên thần, không linh hồn bất tử (Cv 23,8).

13. HỎI: Tại sao người Xa-đốc lại không tin vào sự sống lại?

THƯA: Vì niềm tin ấy không có trong Lề luật. Vốn là những người chủ trương trung thành với truyền thống, nên người Xa-đốc không tin vào sự sống lại là điều hoàn toàn mới mẻ trong niềm tin người Do thái thời ấy.

14. HỎI: Chúa Giê su cho họ thấy họ sai lầm ở điểm nào?

THƯA: Chúa Giê su cho họ thấy họ sai lầm ở chỗ tìm kiếm các tín điều trong các lí luận. Tiên tri I-sai-a đã cảnh báo điều đó từ rất lâu: ‘Tư tưởng của Thiên Chúa không phải là tư tưởng của chúng ta, và đường lối của Người không phải là đường lối của chúng ta’ (Is 55,8).

15. HỎI: Chúa Giê su đặt niềm tin trên nền tảng nào?

THƯA: Chúa Giê su luôn đặt niềm tin của mình trên nền tảng Kinh thánh: cứ mỗi lẩn người ta hỏi Ngài, Ngài luôn tìm câu trả lời trong Kinh Thánh. Khi bị thử thách hay với hai môn đệ trên đường Em-mau, điểm qui chiếu duy nhất là Kinh Thánh. Chính từ đó mà Ngài mở trí cho họ hiểu. Ngài đã trả lời ma quỉ: ‘Con người không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng còn bởi lời do miệng Thiên Chúa phán’ (Mt 4,4). Ở đây cũng thế: ‘Các ngươi đừng nuôi dưỡng đức tin của mình bằng lí luận hay tranh cãi mà bằng Lời Thiên Chúa’.

16. HỎI: Người Xa-đốc cũng trích dẫn Kinh thánh?

THƯA: Đúng, họ bắt đầu bằng trích dẫn Mô-sê. Nhưng họ dùng Kinh Thánh để chứng minh điều mà họ đã xác tín. Họ trích dẫn Kinh Thánh chứ không tra cứu, tìm hiểu Lời Chúa muốn nói gì. Trái lại, Chúa Giê su tìm trong Kinh thánh những gì nói về Thiên Chúa.

17. HỎI: Vậy đâu là câu trả lời của Chúa Giê su?

THƯA: Chúa Giê su dựa vào đoạn sách Xuất hành 3, Thiên Chúa đã mạc khải cho ông Mô-sê với tư cách là Thiên Chúa của Áp-ra-ham của I-sa-ac của Gia cóp. Thiên Chúa không thể là Thiên Chúa chỉ trong một khoảng thời gian nào đó. Sự chết không thể làm cho những dấn thân của Người trở nên thất bại. Giao Ước của Ngài vượt qua cái chết: Ngài nối kết với từng người chúng ta và với tất cả trong một tương quan tình yêu mà không gì có thể phá hủy được.

18. HỎI: Người Xa-đốc còn mắc sai lầm nào nữa không?

THƯA: Có. Sai lầm của họ là nói về sự sống lại, về cuộc sống bên kia như là tiếp tục cuộc sống trần gian.

19. HỎI: Chúa Giê su đã trả lời họ như thế nào?

THƯA: Có một đoạn tuyệt hoàn toàn giữa cuộc sống hiện tại của chúng ta và cuộc sống của những người sống lại: ở đời nầy người ta lấy vợ lấy chồng, nhưng những kẻ sống lại thì không bận tâm về chuyện ấy nữa. Họ giống như các thiên thần, vì họ không còn chết nữa. Từ nay, họ là con Thiên Chúa nghĩa là những người sống bằng sự sống của Thiên Chúa.

20. HỎI: Phản ứng của các thính giả Chúa Giê su như thế nào?

THƯA: Người Xa-đốc thì sượng mặt vì lập luận của Chúa Giê su nhưng các Kí lục thì hớn hở ủng hộ Ngài. Họ thán phục sự khôn ngoan của Ngài chống lại người Xa-đốc và minh chứng được niềm tin vào sự sống lại mà họ vẫn chia sẻ.

21. HỎI: Bài Tin mừng cho chúng ta thấy dung mạo của Chúa Giê su như thế nào?

THƯA: Qua bài Tin mừng (Lc 20,27-38), chúng ta khám ra nơi Chúa Giê-su Ki-tô hình ảnh một Đấng Cứu độ tuyệt vời. Ngài đã nhẫn nại chịu đựng dã tâm của người Xa-đốc để cứu độ họ. Họ đến với Ngài để bắt bẻ Ngài, thì Ngài ân cần diễn giải cho họ chân lí Thánh Kinh. Họ chỉ quan tâm đến chuyện mặt đất thì Ngài nâng họ lên để thấy chuyện trên cao. Họ chỉ nhìn thấy chuyện trước mắt thì Ngài giúp họ nhìn thấy xa hơn, thấy Thiên Chúa là Đấng hằng sống và là Chúa của kẻ sống.

22. HỎI: Thực thi sứ điệp Lời Chúa như thế nào?

THƯA: 1. Xác tín hơn về lòng Thiên Chúa xót thương mọi người, nhất là những kẻ có tội, chỉ mong tội nhân ăn năn hối cải để được thứ tha và ở kề bên Chúa để mau mắn quay về với Ngài mỗi khi phạm tội.

2. Hiểu rõ sứ mạng của Chúa Giê-su Ki-tô. Đó là cứu vớt những gì đã mất, là đến với những người tội lỗi để làm cánh tay nối dài cho Ngài.

GLCG 992. Việc kẻ chết sống lại đã được Thiên Chúa mạc khải dần dần cho dân Ngài. Niềm hy vọng vào sự sống lại về thân xác của những người chết đã phổ biến như một hệ luận nội tại của đức tin vào Thiên Chúa, là Đấng tạo dựng toàn bộ con người, cả hồn cả xác. Đấng tạo dựng trời đất cũng là Đấng trung tín giữ Giao Ước của Ngài với tổ phụ Abraham và dòng dõi ông. Chính trong hai viễn tượng [tạo dựng và giao ước] này, niềm tin vào sự phục sinh bắt đầu được biểu lộ. Trong những cơn thử thách của mình, các vị Tử Đạo nhà Macabêô đã tuyên xưng: ‘Bởi lẽ chúng tôi chết vì Luật pháp của Vua vũ trụ, nên Ngài sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời’ (2 Mcb 7,9). ‘Thà chết vì tay người đời đang khi dựa vào lời Thiên Chúa hứa mà hy vọng sẽ được Ngài cho sống lại’ (2 Mcb 7,14).

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXII Thường Niên_Lm. Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXII Thường Niên B_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXII Thường Niên - Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXXII Thường Niên Năm B_Lm Anton Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXXII Thường Niên Năm B_Lm. Minh Anh, Tgp Huế
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXXII Thường Niên_Lm Minh Anh, Tgp. Huế
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXXII Thường Niên B_Lm Anton Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXXII Thường niên Năm B - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXXII Thường niên Năm B - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXXII Thường Niên B - Lm Đan Vinh HHTM

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXII Thường Niên B: KIÊN TRÌ CẦU NGUYỆN. Nt. Maria Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXXII Thường Niên B_Lm. Giuse Trần Quốc Thắng
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ NĂM TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN B_Nt. Maria Chinh Anh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXXII Thường Niên B: "Sống Sung Mãn Phút Hiện Tại"_Lm. Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh SDB
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXXII Thường Niên B: "TẠ ƠN CHÚA"_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXXII Thường Niên B: "PHỤC VỤ TRONG YÊU THƯƠNG"_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng. OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXXII Thường Niên B_ Cung hiến Thánh Đường La-tê-ra-nô – Lễ Kính: « Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán! ». Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXXII Thường Niên B: ĐỂ “CỦA CHO” NÊN LỄ DÂNG ĐẸP LÒNG CHÚA_ Lm. Đan Vinh
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXXII Thường Niên B: TIN VÀO SỰ QUẢNG ĐẠI CỦA THIÊN CHÚA_ Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXXII Thường Niên B_ Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông