CHÚA NHẬT III PHỤC SINH
C
CÙNG THAM GIA VÀO SỨ VỤ CỦA
GIÁO HỘI
Tin Mừng Ga
21,1-19
(1) Sau đó, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho
các môn đệ ở Biển hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này : (2) Ông Si-mon Phê-rô, Ông Tô-ma gọi là
Điđymô, ông Na-thanaen người Cana miền Ga-li-lê, các người con ông Dêbêđê
và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. (3) Ông Si-mon Phê-rô
nói với các ông
:
“Tôi đi đánh cá đây”. Các ông đáp : “Chúng tôi cùng đi với anh”. Rồi mọi người ra đi, lên thuyền.
Nhưng đêm hôm ấy họ không bắt được gì cả. (4) Khi trời đã sáng, Đức
Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là
Đức Giê-su. (5) Người nói với các ông : “Này các chú, không có gì ăn ư ?” Các ông trả lời
:
“Thưa không”. (6) Người bảo các ông : “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được
cá”. Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy
những cá. (7) Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô : “Chúa đó”. Vừa nghe nói “Chúa đó”, ông Si-mon Phê-rô vội
khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. (8) Các môn đệ
khác chèo thuyền vào bờ, kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa
bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần trăm thước. (9) Bước lên bờ, các ông
nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa.
(10) Đức Giê-su bảo các ông
:
“Đem ít cá mới bắt được tới đây !”. (11) ông Si-mon Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới
đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy
mà lưới không bị rách. (12) Đức Giê-su nói : “Anh em đến mà ăn!” Không ai trong đám môn đệ dám hỏi : “Ông là ai ?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. (13) Đức Giê-su đến, cầm
lấy bánh trao cho các ông. Rồi cá, Người cũng làm như vậy. (14) Đó
là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi chỗi dậy
từ cõi chết. (15) Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-mon Phê-rô : “Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có mến
Thầy hơn các anh em này không
?”
Ông đáp
:
“Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Đức Giê-su nói với ông : “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy”. (16)
Người lại hỏi : ” “Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có mến
Thầy không
?
“Ông đáp
:
“Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người nói : “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”. (17) Người
hỏi lần thứ ba
:
“Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không ?” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần : “Anh có yêu mến Thầy không ?” Ông đáp : “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự. Thầy biết con yêu mến Thầy.
Đức Giê-su bảo
:
“Hãy chăm sóc chiên của Thầy”. (18) Thật, Thầy bảo thật cho anh
biết : Lúc còn
trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già,
anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng, và dẫn anh đến nơi
anh chẳng muốn”. (19) Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết
cách nào, để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông : “Hãy theo Thầy”.
Suy
niệm
Có một phụ huynh chia sẻ: “Gia đình con chỉ có hai đứa con. Vì thương
con, khi nó lấy vợ lấy chồng, con không muốn cho nó ở riêng. Nhưng bây giờ mới
thấy đó là sai lầm. Ở chung với bố mẹ, nó ỷ nại vào cha mẹ, nên không biết làm
gì; có vợ có chồng rồi mà vẫn cứ như đứa trẻ con, lười biếng, chơi suốt ngày,
không lo làm việc, không nấu nổi bữa cơm.”
Thưa quý OBACE, trong gia đình, khi con cái còn nhỏ dại, cha mẹ sẽ phải làm
việc vất vả để chu cấp cho cả gia đình, cho con cái ăn học. Khi con cái khôn lớn,
con cái phải làm việc, phải có bổn phận chia sẻ trách nhiệm gia đình với cha mẹ.
Việc chia sẻ trước hết bằng góp phần làm cho gia đình thêm hạnh phúc, ấm cúng,
thuận hoà. Kế đến là đóng góp tài chính với cha mẹ để lo cho gia đình và các em
nhỏ, chăm sóc cho gia đình. Tập cho con cái biết nghĩ và làm như thế đó là cách
giáo dục đúng đắn cho các thế hệ con cháu. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ vẫn cứ làm
thay tất cả mọi việc cho con, từ việc giặt giũ, cơm nước. Cha mẹ hết chăm con đến
trông cháu, khiến cho những đứa con trong gia đình thiếu kỹ năng sống, không biết
làm việc gì. Làm như thế là tự biến ông bà, cha mẹ trong gia đình trở nên như
người giúp việc, vất vả suốt tuổi già.
Trong Giáo Hội trước đây cũng giống như thế, mọi việc của Giáo Hội đã có Giám
mục, Linh mục thực hiện, còn người tín hữu chỉ thụ động lãnh các Bí tích. Tài
liệu hướng dẫn về việc tiến hành THĐGM có nhắc đến một nguy cơ khiến cho người
tín hữu bỏ quên trách nhiệm tham gia vào sứ vụ của Giáo Hội đó là việc các Linh
mục (giáo sĩ) làm thay tất cả mọi việc trong giáo xứ, biến người giáo dân thành
thụ động, chỉ biết “lãnh nhận” mà không góp phần tích cực xây dựng Giáo Hội. Hậu
quả kèm theo đó là hình thành nên tư tưởng “giáo sĩ độc quyền, độc tài”. Vì thế,
qua THĐ lần này, Giáo Hội mời gọi tất cả mọi thành viên của Giáo Hội, trong
tinh thần cầu nguyện, suy gẫm và đặt mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần
để cùng nhau hiệp hành, cùng nhau tham gia trên con đường sứ vụ
mà Chúa Kitô trao cho Giáo Hội.
Tin Mừng Chúa nhật III Phục sinh giới thiệu cho chúng ta đời sống và tinh
thần hiệp hành của Giáo Hội sơ khai: Cùng hiệp hành với Chúa Phục Sinh và hiệp
hành với nhau. Câu chuyện Tin Mừng Gioan kể lại hôm nay, mang những ý nghĩa giáo
lý sâu xa: sau những ngày sôi động, sợ hãi và cả những việc lạ lùng gây xôn xao
tại Giêrusalem bởi cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, các Tông đồ càng ngày
càng trở nên gắn bó với nhau. Các Tông đồ đã trở lại với công việc đánh cá. Việc
đánh cá này không đơn giản là việc đánh cá thường ngày tại hồ Galilêa, nhưng
theo Gioan, đây là sứ vụ ra khơi đem Tin Mừng cho các dân tộc.
Simon Phêrô trong vai trò là thủ lãnh của Giáo Hội, cũng là người phát động,
khởi xướng cho công cuộc loan báo Tin Mừng. “Ông Simon nói với các ông kia: Tôi
đi đánh cá đây! Các ông đồng thanh đáp: Chúng tôi cùng đi với anh!” Chi tiết
này Tin Mừng cho thấy cộng đoàn Hội Thánh thời các Tông đồ là một cộng đoàn hiệp
thông, hiệp nhất với nhau quanh Simon; đồng tâm, hiệp lực với sứ mạng ra khơi
loan báo Tin Mừng. Họ đã cùng nhau lên thuyền bước vào một hành trình mới, một
sứ mạng mới mà Chúa Giêsu đã ủy thác, là ra khơi chài bắt các linh hồn về cho
Chúa.
Tuy nhiên, Tin Mừng cho thấy, nếu chỉ có cố gắng nơi bản thân của các Tông
đồ thôi, sẽ không mang lại kết quả gì, nếu họ không nhận ra Chúa Phục Sinh đang
hiệp hành với họ. Nói đúng hơn, tất cả mọi cố gắng, mọi nỗ lực của các Tông đồ,
đều cần có sự hiện diện, dẫn dắt và đồng hành của Chúa Phục Sinh. Câu chuyện
cho thấy các Tông đồ vất vả suốt đêm mà không bắt được con cá nào. Trong
lúc các ông vừa đói, vừa mệt và không còn hy vọng, thì Chúa Phục Sinh đã xuất
hiện ngay trên bờ, trước mặt các ông. Ngài tiếp cận với các Tông đồ bằng câu hỏi
tự nhiên: “Này anh em không có gì ăn à? Từ đó, Ngài truyền cho các ông: Cứ
thả lưới bên phải mạn thuyền thì sẽ bắt được cá.” Các Tông đồ không một chút
hồ nghi, cũng không đặt vấn đề: Ngài là ai? Các ông tiếp tục thả lưới trong sự
vâng phục hoàn toàn. Các ông không dựa vào kinh nghiệm cá nhân, cũng không dựa
vào sự mệt mỏi suốt đêm để từ chối lời yêu cầu của vị khách. Vì vâng lời, các
ông đã bắt được một mẻ lưới không sao kéo lên nổi vì đầy cá. Chính sự vâng
phục Chúa Phục Sinh, và vì có Chúa Phục Sinh ở cạnh bên, nên kết quả đạt được là
mẻ lưới đầy ắp cá như thế.
Ngỡ ngàng trước mẻ lưới đầy cá, Simon và các Tông đồ đã nhận ra người đứng
trên bờ chính là: “Chúa đó!” Điều ngạc nhiên hơn nữa, là khi vào bờ, các
ông thấy Chúa đã chuẩn bị sẵn cho các ông bữa ăn, có bánh và cá nướng sẵn. Điều
này cho thấy Chúa Phục Sinh thấu hiểu các Tông đồ. Ngài chuẩn bị bữa ăn và cùng
với các ông quây quần bên bàn ăn sau một đêm dài mệt mỏi vì hành trình ra khơi.
Lúc này, Chúa Phục Sinh mời gọi các ông nhìn lại thành quả công việc của mình: “Đem
cá mới bắt được tới đây. Simon lên thuyền kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn,
đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách.”
Thành quả mẻ lưới này chắc chắn không phải bởi các Tông đồ, nhưng bởi quyền năng
của Chúa Phục Sinh, cùng với sự vâng phục của các Tông đồ đã làm nên. Đến lúc này:
“Đức Giêsu cầm lấy bánh trao cho các ông, rồi cá Người cũng làm như vậy.”
Chi tiết này gợi nhớ lại hình ảnh thân quen trong nhà Tiệc Ly, tiệc Thánh Thể là
điểm quy tụ, là đỉnh cao của mọi cuộc gặp gỡ giữa Giáo Hội và Chúa Giêsu Phục Sinh.
Các Tông đồ không ai cần hỏi thêm, vì họ đã tin rằng đó chính là Chúa.
Tin Mừng còn kể thêm một sự kiện quan trọng để khẳng định và củng cố vai
trò thủ lãnh của Simon Phêrô giữa anh em Tông đồ. Đó là cuộc đối thoại, tuyên xưng
đức tin và sự trung thành của Simon với Chúa và với sứ vụ. Chúa Giêsu không đòi
ở Simon bất cứ một điều kiện, ngoài lòng yêu mến ông dành cho Chúa. Lòng yêu mến
đó không phải là lòng yêu mến chung chung, nhưng là một đòi hỏi tuyệt đối và vượt
trên tất cả mọi người: “Con có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?” Lòng
yêu mến, Chúa đặt ra cho Simon còn là một đòi hỏi dấn thân, quên mình, chấp nhận
sinh tử (Agape) vì Chúa và vì Giáo Hội.
Phêrô có lẽ cũng đã hiểu được đòi hỏi của Chúa, đồng thời cũng ý thức được
thân phận yếu đuối của con người. Vì thế, Simon không còn mạnh miệng như trước đây,
nhưng ông khiêm tốn, trải lòng ra và thưa với Chúa: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi
sự, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Cả ba lần, Chúa đều trao cho Simon một trách
nhiệm duy nhất đó là: “Con hãy chăn dắt các chiên con, chiên mẹ của Thầy.”
Tức là Chúa trao cho Phêrô việc chăm sóc không chỉ các tín hữu là chiên con, mà
còn chăm lo cho đời sống của chiên mẹ, là các anh em Tông đồ và các cộng tác viên
khác nữa. Chăm sóc ở đây là phục vụ, hướng dẫn, lo liệu và bảo vệ đoàn chiên của
Chúa trong sự hiệp thông hiệp nhất, trước sự tấn công, chia rẽ của ma quỷ, thế
gian.
Thưa quý OBACE, chúng ta đang sống trong Giáo Hội của Chúa Kitô có Phêrô
làm thủ lãnh và là đại diện Chúa Kitô, có các Tông đồ và nhiều anh chị em tín hữu
khác. Chúng ta được Giáo Hội yêu thương, chăm sóc, bảo vệ và dẫn dắt chúng ta đi
trên con đường Tin Mừng. Tuy nhiên, chúng ta không thể để mình mãi mãi như đứa
trẻ con trong Giáo Hội, trái lại, phải thể hiện mình như những thành viên trưởng
thành, hiểu biết, ý thức và tham gia cùng với Giáo Hội trong sứ vụ ra khơi thả
lưới bắt cá theo mệnh lệnh của Chúa.
Trở thành một thành viên trưởng thành trong Giáo Hội, chúng ta cần nhìn Giáo
Hội theo cái nhìn của Chúa Giêsu: Giáo Hội ở giữa thế gian nhưng không thuộc về
thế gian. Chúng ta cần nhận ra và luôn xác tín rằng có Chúa Phục Sinh hằng hiện
diện với Giáo Hội, đồng hành và hướng dẫn Giáo Hội mọi nơi mọi lúc, để luôn biết
sống tin tưởng, phó thác và cậy trông nơi Chúa. Đồng thời, cũng nhận ra sự hiện
diện của Chúa Phục Sinh nơi Simon và các Tông đồ và nơi mỗi thành viên Giáo Hội,
để biết khiêm tốn hiệp thông, lắng nghe, hợp tác và đi theo sự hướng dẫn của các
ngài.
Trở thành một thành viên có trách nhiệm, chúng ta được mời gọi nhiệt thành
tham gia, cộng tác cách tích cực để cùng nhau thi hành sứ vụ Chúa trao phó. Chúng
ta sẽ thể hiện tinh thần trách nhiệm bắt đầu từ cộng đoàn địa phương là giáo xứ.
Thay đổi lại cách sống dửng dưng, hờ hững của mình với các sinh hoạt của giáo xứ
bằng cách tham gia vào các hoạt động bác ái, tông đồ, truyền giáo và nhất là các
cử hành phụng vụ tại giáo xứ. Không ngừng cầu nguyện cho sự hiệp thông, hiệp nhất
của Giáo Hội, giáo xứ và làm mọi cách để vun đắp, xây dựng tình hiệp thông, hiệp
nhất này.
Chúng ta cũng cầu nguyện cho mỗi người nhận ra sự hiện diện của Chúa trong
Hội thánh tại gia là các gia đình. Xin cho chúng ta cũng biết xây dựng sự hiệp
thông hiệp nhất yêu thương trong gia đình; ý thức trách nhiệm làm cho gia đình
nên cộng đoàn thánh thiện, hạnh phúc theo gương gia đình thánh của Chúa. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí