Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXXII Thường Niên C
TIN VÀO SỰ SỐNG ĐỜI SAU
Có một bạn trẻ hỏi rằng: Tại sao những người cộng
sản họ không thích người Công Giáo, họ có thành kiến với người Công Giáo, coi
những người Công Giáo như những đứa con lai trong xã hội? Sự khác biệt dẫn đến nghi kị nơi những người cộng sản đối với người Công giáo, đó
là trong việc
chọn lựa niềm tin và đức tin. Những người vô thần tuyên bố rằng, họ không tin sự hiện hữu của thần
linh. Những người vô thần chọn theo thuyết duy vật, họ cho rằng, con người và mọi
vật chỉ là do vật chất kết tụ lại, chết là hết, không có linh hồn cũng không có
đời sau. Trong
thực tế, có những người xưng là vô thần nhưng vẫn tin vào thần thánh, vẫn cúng
bái, kể cả lập bàn thờ lén lút trên lầu hoặc trong phòng. Ví dụ,
ông Hồ Chí
Minh là một người Cộng sản vô thần, nhưng trong di chúc, ông viết rằng: sau khi
chết tôi sẽ phải đi gặp Cac Mac, Lenin và các đồng chí của tôi. Nếu ông viết như
thế, có nghĩa là chết chưa phải là hết, hồn ông còn đi lang thang
đây đó được.
Người Công Giáo tin rằng, thân xác con người được
Thiên Chúa tạo dựng từ vật chất, linh hồn do Thiên Chúa trực tiếp tạo dựng nên
và linh hồn thiêng liêng, bất tử. Hơn nữa, người Công Giáo còn tin sau khi bước
qua cánh cửa sự chết, con người sẽ bước vào sự sống đời sau; đến ngày tận thế,
thân xác con người sẽ sống lại, hồn trở về với xác. Đây là niềm tin hết sức đặc
biệt của người Công Giáo khiến họ khác với các tôn giáo khác. Vì niềm tin vào Thiên Chúa, vào sự sống đời
sau và coi nhẹ sự sống đời này, khiến người vô thần không thích người Công
Giáo.
Nếu như có những người tuyên bố mình vô thần,
nhưng vẫn cúng bái, vẫn tin vào sự sống sau khi chết, thì cũng có những người
tuyên bố mình là người có đạo nhưng lại sống như người vô thần, vô đạo sống như khống có đời sau. Những người có đạo nhưng không tin, không chỉ là những người
ngày nay, mà từ thời Chúa Giêsu đã có những người như thế.
Thời Chúa Giêsu, tất cả những người Do Thái đều
tin vào Thiên Chúa duy nhất là Thiên Chúa của tổ phụ Apraham, nhưng không phải
tất cả đều tin như nhau. Cụ thể, những người thuộc phái Xa đốc, tức là thuộc
hàng tư tế trong đền thờ, họ không tin vào sự sống lại và sự sống đời sau. Vì
thế, khi thấy Chúa Giêsu rao giảng về Nước Trời và sự sống
đời sau, những người thuộc nhóm Xađốc này đưa ra một ví dụ để
bắt
bẻ Chúa Giêsu. Họ nói: Mose đã ra luật nối dõi cho anh hoặc em mình: Khi một
người cưới vợ không có con, anh ta chết, người em phải cưới người chị dâu đó để
nối dõi cho anh mình. Vậy, có bảy anh em trai cùng cưới một
người vợ
nhưng ai chưa có con thì đã chết, sau này khi sống lại, người phụ nữ đó sẽ là vợ
của ai? Những người này tưởng rằng với lý luận và ví dụ như thế, Chúa Giêsu
không thể giải thích nổi.
Nhưng Chúa Giêsu đã chỉ cho họ thấy cái sai của họ
khi họ lấy những quan điểm, tập tục của trần gian, của đời này để áp dụng cho đời
sau. Nhiều người Việt cũng có suy nghĩ “cõi dương làm sao cõi âm làm vậy”, họ lấy
suy nghĩ của con người để áp đặt cho Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói với họ: Con cái
đời này cưới vợ lấy chồng, những kẻ sống lại từ cõi chết sẽ không cưới vợ lấy
chồng nữa. Họ không chết nữa, họ được ngang hàng với các thiên thần.
Câu trả lời của Chúa Giêsu không những chỉnh lại
suy nghĩ của những người Xa đốc, mà còn mạc khải cho chúng
ta biết về cuộc sống đời sau. Người ở cõi trần vì phải chết, nên họ có bổn phận
và nhu cầu phải duy trì nòi giống cho mai sau. Khi đã bước vào đời
sau, con người sẽ
bước vào thế giới của thần linh, của bất tử. Vì thế,
con người sẽ không có nhu cầu và cũng không cần phải có con nối dõi nữa. Cuộc sống
của họ được sánh ngang hàng với các thiên thần, tức
là họ được sống hạnh phúc đầy tràn sung mãn vì có Chúa là nguồn hạnh phúc của họ.
Vì thế, họ không còn khao khát hoặc tìm kiếm bất cứ thứ hạnh phúc nào nữa.
Chúa Giêsu cũng dùng Kinh Thánh trích từ Sách Ngũ
Kinh để minh chứng rằng, ngay từ ngày xưa, các tổ phụ như Apbraham, Isaac và
Giacóp
đã có một niềm tin sâu xa vào sự sống đời sau. Sở dĩ trích đọan sách Ngũ
Kinh này,
vì đây là năm cuốn sách đầu tiên và quan trọng nhất của người Do Thái, mà những
người Xa đốc chỉ tin nhận năm cuốn sách này mà thôi. Đoạn sách cho thấy, Môse đã
tin Thiên Chúa và tin Ngài là Đấng có quyền năng làm cho các tổ phụ trở thành
những con người bất tử. Ông tin rằng, các tổ phụ Apbraham, Isaac, Giacop đang
được xum họp cùng nhau trong vinh quang của Thiên Chúa. Vì thế, ông đã gọi
Thiên Chúa là Chúa của Apbraham, Isaac, Giacop.
Niềm tin vào sự bất tử của linh hồn và sự
sống đời sau là một niềm tin đã ăn sâu nơi người Do thái. Chính vì niềm tin
này, bao nhiêu thế hệ các tín hữa đã dám liều thân chịu chết, mất mạng sống đời
này để được sự sống đời sau. Câu chuyện sách Macabe cho thấy điều đó, khi kể
câu chuyện bảy anh em cùng chịu chết với người mẹ, vì trung thành với lề luật
Do thái và vì tin sự sống đời sau. Câu trả lời của bảy anh em thể hiện một đức
tin vững chắc
vào sự sống đời đời. Người anh trả lời các quan: Chúng tôi chết vì luật pháp của Vua vũ trụ,
thì Ngài sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời. Người anh kế trả lời
các quan: Tôi
được Chúa ban cho các phần chi thể, vì lề luật của Chúa, tôi coi thường các thứ
đó, vì tôi hy vọng, nhờ Chúa, tôi sẽ lấy lại các phần chi thể mà các ông lấy của
tôi. Tất cả những lời tuyên xưng của bảy anh em này, đều nhắm đến một mục đích
chung đó là sự sống lại đời sau mà Thiên Chúa sẽ ban cho những người trung
thành với lề luật của Chúa.
Thực tế cho thấy, ngày nay có những người có đạo
nhưng đang rơi vào tình trạng vô thần. Những người này có rửa tội, nhận mình là
người Công
giáo, nhưng trong đời sống, họ sống không khác gì những người vô thần. Niềm tin
của họ vào Thiên Chúa, vào sự sống đời sau rất mờ nhạt, vì thế mục tiêu cuộc đời
của họ không phải là tìm kiếm hạnh phúc đời sau, mà chỉ là tìm kiếm vật chất ở
đời này.
Lý do dẫn đến tình trạng vô thần trong thực tế
này, là do không đào sâu học hỏi về giáo lý đức tin của mình, để mình trở nên ấu
trĩ trong đời sống đạo. Những người này chú tâm phát triển về kiến thức, nhưng
lại mất cân bằng trong việc phát triển đức tin, khiến cho cuộc sống bị lệch
lac. Lý do tiếp theo là do lối sống đạo hời hợt cảm tình bên ngoài, thiếu sự cầu
nguyện và suy gẫm, thiếu gắn bó với Chúa Giêsu và Tin Mừng, khiến trở nên mù mờ
trong đời sống đạo. Lý do khác nữa là, do lối sống thực dụng, chạy theo thỏa
mãn vật chất, khiến cho nhiều người bỏ quên mục đích chung cuộc của đời mình,
là tìm kiếm hạnh phúc Nước Trời, để lao vào tìm kiếm vật
chất.
Niềm tin vào sự sống lại và sự sống đời sau sẽ phải
là niềm tin thúc đẩy chúng ta sống thật tốt và tròn đầy cuộc sống hôm nay.
Chúng ta hướng về cuộc sống đời sau nhưng không bê trễ bổn phận của cuộc sống
này; trái lại, vì cuộc sống mai sau, mà chúng ta phải sống tốt ngay từ hôm
nay. Chúng ta phải bắt đầu từ trong gia đình, làm cho gia đình mình mỗi ngày thật
ấm cúng thuận hòa, trở thành thiên đàng ngay trong gia đình mình.
Niềm tin vào sự sống đời sau sẽ phải phải chi phối
mọi hoạt động, lời nói việc làm của từng tín hữu chúng ta. Vì niềm tin ấy,
chúng ta sống trong niềm vui và hy vọng và trở thành người đem niềm vui và hy vọng
cho người khác. Vì niềm tin này, chúng ta cũng được mời gọi sống thanh thoát khỏi
nhưng lôi kéo lệ thuộc của vật chất, danh vọng để sống thanh thoát cao thượng
hơn.
Chúa Giêsu đã chết, đã sống lại và lên trời để mở
đường cho chúng ta về trời, xin cho chúng ta luôn biết yêu mến Nước trời là
quên hương đích thực và là cùng đích của mỗi người chúng ta. Amen.