Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXII Thường Niên C
Phải Nhẫn Nại cầu xin
(Lc
18,1- 8)
Một lá thư được viết nghuệch ngoạc của một
đứa trẻ gởi vào bưu điện, và địa chỉ tới là Chúa. Nhân viên bưu điện lấy làm lạ
liền mở ra đọc. Thư viết rằng: “Chúa thân mến, con là Tommy, con sáu tuổi. Ba
con đã chết và mẹ con phải cực khổ để nuôi sáu anh em. Xin Chúa cho chúng con
300 đồng nhé.
Đọc thư xong anh nhân viên bưu điện rất xúc
động và đưa cho các bạn đồng nghiệp xem. Họ quyết định quyên góp để giúp gia
đình cậu bé. số tiến tộng cộng là 100 đồng, và họ gởi tới địa chỉ của cậu bé.
Vài tuần sau, họ nhận được lá thư thứ hai.
Họ cũng mở ra đọc, thư viết như sau: “Lần tới, Chúa có thể gởi trực tiếp cho
gia đình con, vì gởi qua bưu điện họ giữ lại 200 đồng”.
Nghe câu chuyện, chúng ta phải bật cười vì
sự ngây ngô của cậu bé, nhưng liền sau đó ta lại cảm
thấy hổ thẹn, vì thấy bóng dáng mình thấp thoáng trong hình ảnh cậu bé: Chúng
ta cầu nguyện và muốn được Chúa đáp lời tức thì theo yêu cầu ta đề ra, nếu Ngài
chậm đáp ứng hoặc đáp ứng chưa đủ chỉ tiêu, thì ta lại khó chịu, và cũng chẳng
thèm cám ơn Ngài.
Tin mừng hôm nay Chúa dạy các môn đệ: “Phải
cầu nguyện luôn, không được nản chí”. Ngài muôn chúng ta hãy liên lỉ cầu nguyện
và cầu nguyện cách kiên trì.
Ta không nên tìm hiệu quả tức thì. Vì Chúa
sẽ đáp lời lúc nào và cách thức nào có lợi nhất cho ta, theo như thánh ý Ngài.
Thời gian Chúa nhậm lời có thể sẽ lâu hơn ta tưỏng,
cách thức Ngài ban có thể khác với ước nguyện
của ta, nhưng bao giờ cũng là hữu hiệu cho hạnh phúc vĩnh cửu của ta.
Thường ta lầm tưởng rằng, hơn ai hết ta là
người biết rõ những điều mình cầu xin. Nhưng thánh Phaolô dạy: “Chúng ta không
biết cầu nguyện thế nào cho phải, chính Thánh Thần sẽ cầu thay nguyện giúp ta
theo đúng ý Thiên Chúa”.
Vì thế Tổng Giám mục Fulton Sheen viết:
“Pythago đã cấm môn sinh của ông không được cầu nguyện cho chính họ, vì họ
không biết điều gì là lợi ích cả”. Khôn ngoan hơn, Socrates dạy môn đồ ông chỉ
xin những điều tốt lành, vì lẽ Thiên Chúa biết tường tận những gì là lợi ích. Dốt
nát và yếu đuối nên chúng ta phải xin Thánh Thần soi sáng để chúng ta làm đẹp
lòng Chúa trong lúc an bình cũng như khi xao xuyến.
Như thế, cầu nguyện không phải là xin ơn
theo óc vụ lợi; không phải là tránh né bổn phận để Chúa làm tất cả, cầu nguyện
cũng không phải là liệt kê ước muốn để chờ Chúa thực hiện. Nhưng cầu nguyện
đích thực là thực hành đức tin, nâng tâm hồn lên cùng Chúa để đối thoại với
Ngài, van xin Ngài ban ơn để chúng ta đủ sức thực hiện thánh ý Ngài.
Thấu hiểu sự yếu đuối của con người nên Chúa
Giêsu than thở: “Khi Con Người ngự đến, liệu Ngài còn thấy lòng tin trên mặt đất
nữa chăng?”. Vậy, cầu nguyện không phải là độc thoại mà là đối thoại liên lỉ và
kiên trì với Chúa trong đức tin để trung thành với Chúa cho tới khi Ngài lại đến.
Các bạn thân mến,
Chúng ta là những con người yếu đuối, bất
toàn và bất nhẫn, không biết phải cầu nguyện thế nào cho phải đạo. Xin Chúa cho
chúng ta biết khiêm tốn, vâng theo ơn soi sáng của Thánh Thần, để chúng ta biết
sống theo thánh ý Chúa, hầu bền đỗ trong đức tin và trung thành theo Chúa đến
cùng.