Suy Niệm Tin Mừng Thứ Tư Tuần XXXII Thường Niên Năm C
LỄ KÍNH CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG LA-TÊ-RA-NÔ
LỜI CHÚA: Ga 2, 13 – 21
13 Gần đến lễ Vượt Qua của
người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem.14 Người thấy
trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi
tiền.15 Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ
cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ
tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ.16 Người nói với những kẻ
bán bồ câu: "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi
thành nơi buôn bán."17 Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã
chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt
thân.
18 Người Do-thái hỏi Đức Giê-su: "Ông lấy dấu lạ nào chứng
tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế? "19 Đức
Giê-su đáp: "Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây
dựng lại."20 Người Do-thái nói: "Đền Thờ này phải mất
bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?
"21 Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân
thể Người.22 Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ
nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.
SUY NIỆM
Hôm nay
Giáo hội mừng lễ kính Vương cung Thánh đường La-tê-ra-nô Vương cung Thánh đường
Thánh Gioan Laterano (tiếng Ý: Basilica
di San Giovanni in Laterano) là nhà thờ chính tòa của Giáo phận Rôma và cũng nơi đặt ngai Giám mục thành
Rôma, tức giáo hoàng. Nhà thờ này có tên chính thức tiếng Latinh là Archibasilica
Sanctissimi Salvatoris et Sancti Iohannes Baptista et Evangelista in Lateranovà
được xem là "nhà thờ mẹ" của Giáo hội Công giáo Rôma, thậm chí trên
cả Vương cung thánh đường Thánh Phêrô.
Vương cung
Thánh Đường Thánh Gioan Latêranô là một trong những thánh đường đầu tiên được
xây cất sau những cuộc bách đạo ban đầu. Thánh đường được Hoàng Đế Constantinô
xây năm 313 để dâng kính Chúa Cứu Thế và được Đức Giáo hoàng Sylvestrô I thánh
hiến năm 324. Thời Đức Giáo hoàng Gregorio I (590-604) đền thờ được dâng kính
cả Thánh Gioan Tẩy Giả và Thánh Gioan Tông Đồ. ĐGH Lucio II đã ấn định tên đền
thờ như hiện nay – “Đền Thờ Thánh Gioan ở Laterano” (1144).Từ thế kỷ thứ 4 đến
thế kỷ thứ 14, đền thờ này là trung tâm của giáo hội Roma, trụ sở và biểu tượng
của Đức Giáo hoàng. Đền Thờ Thánh Gioan ở Laterano nhiều lần bị tàn phá, hỏa
hoạn, hoang tàn sau hơn 73 năm vắng chủ khi giáo triều dời về Avignon, Pháp,
được xây lại như ngày nay thời ĐGH Sisto V (1585-1590).
Thánh Đường
này tiếp tục là Nhà thờ Chánh Tòa của Giám mục Rôma, Giáo hoàng, và được gọi là
‘Mater Ecclesiae Romae Urbis et Orbis’- Mẹ của tất cả các thánh đường ở Rôma và
trên thế giới.
Thánh đường
dài 130m, có 5 gian. Gian chính dài 87m, rộng 16m, có tượng 12 Thánh Tông Đồ
bằng đá cẩm thạch trắng. Bước vào đền thờ, bên phải có đàn phong cầm vĩ đại với
hai ngàn ống. Sau tòa giám quản có Giếng Rửa Tội (theo truyền thuyết, chính
Hoàng Đế Constantine được ĐGH Silvestro rửa tội nơi đây). Ngoài nhà thờ, bên
hông trái, có tháp bút cao nhất (47m) và cổ kính nhất ở Roma bằng đá hoa cương
đỏ của Ai Cập có từ thế kỷ 14 trước Chúa KiTô. Là Mẹ của các nhà thờ và là nhà
thờ chánh tòa của giáo phận Roma, đền thờ Thánh Gioan ở Laterano nhắc nhở các
tín hữu “hồng ân rửa tội” với tất cả ý nghĩa của ơn này và mời gọi các tín hữu
cảm tạ Thiên Chúa bằng chính cuộc sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa trong Đức
Giêsu Kitô. (x.BGCN 2008). (Theo Bách khoa Toàn thư)
Tin mừng
hôm nay trình thuật lại việc Đức Giê-su bức xúc trước cảnh buôn bán hỗn độn
diễn ra ở đền thờ Giê-ru-sa-lem, và Ngài đã làm một cuộc thanh tẩy Đền thờ:“Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.”
Đền thờ là nơi linh thánh, là nơi con người đến tôn thờ, gặp gỡ Thiên Chúa của
mình; như thế, đó là nơi bày tỏ tương giao tình yêu: con người bảy tỏ lòng biết
ơn, cảm mến Đấng tạo dựng nên mình, Đấng thông chia sự sống và hạnh phúc cho
mình bằng việc tôn thờ Người – vị Thiên Chúa cao cả quyền năng. Vậy mà người ta
lại biến nó thành một nơi buôn bán, đổi chác hầu kiếm lợi cho mình. ‘Chợ búa’
hay nơi buôn bán là nơi dễ thấy sự gian dối lọc lừa, điêu ngoa nhất, vì vậy mà
nó không phù hợp với nhà Chúa – nơi tôn thờ Đấng Toàn mỹ, Toàn thánh.
Mở rộng ra
với vũ trụ, thế giới, sách Ngôn sứ Isaia cho ta thấy “Trời là ngai Thiên Chúa,
Đất là bệ dưới chân Người” (x. Is 66, 1). Vũ trụ là nơi tôn thờ Thiên Chúa; mọi
vật phải phụng sự Người. Thiên Chúa muốn vũ trụ này, thế giới này phải thánh,
phải đẹp; nhưng con người đã biến nó thành ‘chợ búa’, thành một thương trường
khổng lồ, nơi diễn ra bao cuộc giao tranh sống chết khốc liệt; nơi người ta dẫm
đạp lên quyền lợi và mạng sống của kẻ khác để lấp cho đầy túi tham đồng thời
phát huy quyền lực của mình. Hơn bao giờ hết, thương trường ngày nay không còn
tính chất lành mạnh trao đổi ‘đôi bên cùng có lợi’ mà người ta chỉ nhắm lợi ích
của một cá nhân, một tập thể nào đó khiến người ta bất chấp cả tiếng nói lương
tri; hoặc lương tâm đã bị mù lòa bởi của cải vật chất, nên trở thành xơ cứng
chai lì không còn khả năng động lòng trước những nỗi khổ đau của tha nhân, của
nhân loại.
Sự nhiệt
thành đối với nhà Chúa của Đức Giê-su khiến Người không sao chịu nổi sự ‘làng
nhàng nạc mỡ “vừa tôn thờ Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của” của dân. Do đó,
Người đã ra mặt phản đối cho dù phải chuốc lấy sự thù ghét của người Do-thái,
ứng nghiệm lời Kinh thánh đã chép về Người: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà
tôi đây sẽ phải thiệt thân (Tv 69, 10). Hơn nữa, Đức Giê-su đã nói “Thân mình
Người chính là Đền thờ của Thiên Chúa” (c. 19 – 21); ở trong Người, con người
sẽ có những tâm tình tôn thờ đích thật, đó là “Thờ phượng Chúa Cha trong Thần
khí và sự thật” (x. Ga 4, 23). Theo gương Đức Giê-su, người Ki-tô hữu được mời
gọi sống chứng nhân cho tình yêu và sự thật để thanh tẩy môi trường sống thành
nơi Thiên Chúa ngự trị. Muốn được như thế, trước tiên chúng ta phải biết thanh
tẩy chính tâm hồn của mình; loại đi
những gì là tham sân si, bồi dưỡng tình yêu, lòng quảng đại, sẵn sàng cho đi
không tính toán, nuôi dưỡng những tâm tình cao thượng từ bi hỉ xả và mời Chúa
ngự trị trong lòng để Người làm chủ, sống và hoạt động trong ta, xử dụng ta như
khí cụ trong tay Người hầu xây dựng một thế giới công bằng, tràn ngập tình yêu
thương, xứng đáng là ngôi Đền thờ, là vương quốc tình yêu của Thiên Chúa ngay
nơi trần thế này.
Lạy Chúa Giê-su là Vua cả trời đất, là đền thờ linh thánh
nơi chúng con tôn thờ Thiên Chúa đẹp lòng Cha nhất, xin đến ngự trị trong lòng
chúng con; để nhờ đó tâm hồn chúng con cũng trở nên đền thờ xinh đẹp nơi Thiên
Chúa ngự trị.
Xin giúp chúng con trở nên chứng nhân đức tin trong cuộc
sống phụng sự tôn thờ Thiên Chúa bằng việc biểu lộ những hành động cụ thể như
tham dự thánh lễ, thực hiện giờ kinh gia đình, sống công bình bác ái, sống sự
thật và tích cực xây dựng cuộc sống gia đình xã hội ngày càng tốt đẹp để nên
muối men cho đời, làm sáng danh Chúa là Chân Thiện mỹ giữa trần gian. Amen.
Nt. Maria
Chinh Anh.