Suy Niệm Tin
Mừng Thứ Tư Tuần VII Thường Niên
Lập Tông Tòa
Thánh Phê-rô, Lễ Kính
LỜI CHÚA: Mt
16, 13 – 19
13 Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-lip-phê,
Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” 14 Các
ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người
lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.” 15 Đức
Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” 16 Ông Si-môn
Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” 17 Đức
Giê-su nói với ông: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc,
vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là cha của Thầy, Đấng
ngự trên trời. 18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô
nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền
lực tử thần sẽ không thắng nổi. 19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa
Nước Trời: dưới đất anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy;
dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.
SUY NIỆM
18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô nghĩa là Tảng
Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ
không thắng nổi.
Hôm nay là ngày Giáo hội cử hành lễ mừng kính lập
Tông tòa Thánh Phê-rô. Đó là tòa tối cao của Giáo hội để biện bác, dạy dỗ giáo
huấn con cái mình nhân danh Đức Giê-su Ki-tô vị mục tử tối cao của Giáo hội mà Đức
Giáo hoàng kế nhiệm thánh Phê-rô là người đại diện. Hơn bao giờ hết, Giáo hội
phải đối diện với một thực tại đa chiều phức tạp và đầy nhiễu nhương trong thế
giới hôm nay. Và cũng hơn bao giờ hết thách đố về niềm tin vào Giáo hội được
Thiên Chúa là Tảng Đá làm chỗ dựa vững chắc không lay chuyển được đặt ra cho
các Ki-tô hữu cách dứt khoát và quyết liệt.
Vâng, trong một thế giới mà xu hướng vô thần thực
hành lan tràn mạnh mẽ với những lôi cuốn của vật chất và những chào mời hưởng
thụ các nhu cầu không bao giờ đủ, thì để sống chân lý Tin mừng là điều vô cùng
khó khăn đối với Ki-tô hữu. Bên cạnh đó, một thái cực khác cũng không kém phần
nhiêu khê là khi người ta không tìm được thỏa mãn khát vọng bản thân nơi những
nhu cầu vật chất thì họ lại rơi vào tình trạng đi tìm kiếm những nhu cầu tâm
linh lệch lạc nơi thầy pháp, cầu ma cúng quỉ, theo bói tướng…; và một thái độ
khác là đồng hóa tất cả các đạo như nhau; người ta có thể theo bất cứ đạo nào, cho rằng đạo nào cũng dạy
ăn ngay ở lành nên dẫn đến thái độ tiêu
cực là không quan tâm tìm kiếm đạo thật (Có người còn lập ra đạo ‘rác’ – nhà
chất đầy rác thật là lệch lạc.), người
Ki-tô hữu cũng không cảm thấy trách nhiệm cần phải truyền giáo, thái độ sống ba
phải được chăng hay chớ, không có lập trường vững chắc.
Như vậy, Giáo hội phải làm thế nào để cho người
thời đại thấy được chỉ nơi Giáo hội Chúa mới có chân lý nền tảng đem lại hạnh
phúc và sự cứu rỗi cho con người? Thiết
tưởng lệnh truyền của Đức Giê-su: “Các con hãy đi làm cho muôn dân trở thành
môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,
dạy bảo họ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.” (Mt 28, 19 – 20) vẫn luôn là
một đòi hỏi khẩn cấp và là trách nhiệm của toàn thể Giáo hội trong đó có mỗi
Ki-tô hữu chúng ta. Giữa một thế giới trầy trụa những thương tích vì chiến
tranh, hận thù, chia rẽ, nghèo đói, bệnh hoạn và biết bao tệ nạn xã hội, Giáo
hội phải trở nên dấu chỉ của lòng thương xót Chúa để dạy dỗ ngăn đe, để hàn
gắn, để chữa lành và là sức mạnh của nguồn sống thật. Vì thế để chống lại thế
lực bóng tối đang hoành hành, mỗi Ki-tô cần phải trung thành sống Tin mừng của
Đức Giê-su Ki-tô, với giáo huấn của Giáo hội để nên muối men, ánh sáng và là phương dược cho trần gian.
Chủ đề mục vụ của Giáo hội năm nay là: “Gia đình
dấu chỉ lòng thương xót”. Song song với chủ nghĩa vô thần thực hành, một thực
tế đáng báo động là tình trạng xuống cấp đạo đức trầm trọng trong xã hội, mà
đặc biệt là sự xuống cấp của đời sống hôn nhân gia đình - là nhân tố căn bản
của xã hội và Giáo hội. Tình trạng ly hôn của các đôi vợ chồng ngày càng gia
tăng kéo theo hệ lụy của một thế hệ trẻ không được phát triển quân bình về tâm
sinh lý, bởi đã phải chịu sự đổ vỡ trong tâm hồn về niềm tin vào một tình yêu
chung thủy. Người ta trách móc Giáo hội cứng nhắc trong những nguyên tắc và
không thức thời; “Tại sao lại phải trói buộc nhau khi cuộc sống chỉ còn là sự
lừa dối, gánh nặng, đau khổ, và có khi chỉ là ‘hỏa ngục’?” mà lại không nhận ra
nguyên nhân sâu xa đưa đến tình trạng trên chỉ là vì con người đã quen thói
sống ích kỷ, không có một tình yêu thực sự. Sứ điệp của THĐGM tại đại hội ngoại
thường lần III ngày 18.10.2014 có nói: “Chúng tôi nhìn nhận răng giữ được lòng
trung thành trong tình yêu vợ chồng là cả một thách đố lớn. sa sút niềm tin và
dửng dưng đối với những giá trị đích thực, chủ nghĩa cá nhân, các mối tương
quan trở nên nghèo nàn, sống căng thẳng mất hết tỉnh táo, tất cả đang để lại
dấu ấn trên đời sống gia đình. Đời sống hôn nhân thường gặp khủng hoảng và
thường giải quyết khủng hoảng này một cách vội vã, thiếu can đảm để biết kiên
nhẫn và tỉnh táo, biết hy sinh và tha thứ cho nhau…. Giáo hội cần phải giúp họ
cảm thấy được rằng: Tin mừng về gia đình đáp ứng những khát vọng về phẩm giá
con người, giúp họ thực hiện viên mãn tinh thần tương trợ, hiệp thông phong
nhiêu mà học có thể nghiệm được trong
cuộc sống gia đình […] làm sao cho người ta cảm thấy Tin mừng gia đình là một
niềm vui đầy ắp tâm hồn và cả cuộc sống của họ. Thiên Chúa đã gieo mầm tình yêu
hôn nhân gia đình cho con người. Nhiệm vụ của mọi người là hợp tác vào việc
gieo trồng, còn lại là công trình của Thiên Chúa…. sự góp phần chính yếu cho
mục vụ gia đình là từ nơi giáo xứ, như một gia đình của các gia đình.” Ước mong
các gia đình Ki-tô hữu của chúng ta sẽ là những nhân chứng về một tình yêu
thương xót của Thiên Chúa – tình yêu đích thực mang lại hạnh phúc và sự cứu rỗi
cho con người.
Giáo hội đã, đang và phải đối mặt với rất nhiều
thực tại phức tạp nhiêu khê của cuộc sống con người, nhưng thiết tưởng sự trung
thành với Tin mừng Đức Giê-su Ki-tô sẽ luôn là ánh sáng dẫn lối, là chỗ dựa
vững chắc cho tòa nhà Giáo hội vững bền; để từ Giáo hội sản sinh những nhân tố
xây dựng thế giới, ngôi nhà chung của nhân loại được xinh đẹp, phong nhiêu và
hạnh phúc. Bởi vì cho tới mãi muôn đời, con người vẫn rất cần một tình yêu chân
thực – tình yêu chiếu sáng – tình của người dám hiến mạng vì yêu.
“Con là
Phê-rô nghĩa là đá tảng trên đá này thầy sẽ xây dựng hội thánh của thầy và
quyền lực hỏa ngục sẽ không thắng được” (x. Mt 16, 13-19). Chúng ta hãy cầu xin cho Giáo
hội, cho Đức Giáo Hoàng và các vị mục tử trong Giáo hội có đầy đủ sức mạnh và
sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần để các Ngài dẫn dắt đoàn chiên và lèo lái con
thuyền Giáo hội thẳng tiến về bến bờ quê hương đích thực. Mỗi Ki-tô hữu chúng
ta cũng là những viên đá sống động làm nên tòa nhà Giáo hội. Tòa nhà được vững
chắc là nhờ tình yêu như chất xi-men gắn kết chúng ta lại với nhau hiệp nhất
trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giê-su Ki-tô Con Thiên Chúa hằng sống! Xin
cho Giáo Hội Chúa luôn được vững mạnh và chiếu sáng như ngọn hải đăng giữa trần
gian. Xin làm mới lại lòng tin của chúng con vào chính Chúa. Xin cho chúng con
xác tín chỉ nơi Chúa mới có chân lý sự sống đích thực. Và xin giúp chúng con
trở nên cộng tác viên xây dựng nước Chúa. Amen.
Nt. Maria Chinh Anh.