THỨ
HAI
TUẦN IV PHỤC SINH
“Dấu hiệu nhận biết sự thuộc về nhau”
Tin Mừng: Ga 10, 1-10
“Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không
đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm,
kẻ cướp.2 Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. 3 Người giữ cửa
mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn
chúng ra. 4 Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo
sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh.5 Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ
chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.” 6 Đức Giê-su kể cho
họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ. 7 Vậy,
Đức Giê-su lại nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào.8
Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ.9 Tôi là cửa.
Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. 10
Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy. Phần tôi, tôi đến để cho chiên
được sống và sống dồi dào.”
Suy niệm
Chúng ta vừa cùng với Giáo Hội mừng lễ
Chúa là mục tử nhân lành vào ngày Chúa Nhật IV Phục Sinh hôm qua. Trong ý hướng
về mục tử Giêsu, lời Chúa trong Tin mừng hôm nay giúp chúng ta hiểu sâu hơn về
mối tương quan giữa chúng ta, những con chiên trong đàn chiên của Chúa, với
Chúa là vị mục tử qua những dấu hiệu được Chúa Giêsu chỉ điểm cho chúng ta. Đây
là những kinh nghiệm đức tin quý giá mà qua đó sẽ giúp chúng ta thật sự thuộc về
Chúa và thuộc về nhau hơn.
Dấu hiệu trước hết mà Chúa Giêsu đưa ra
chính là: “Chiên nghe tiếng của mục tử” (Ga
10,3). Đó là tiếng nói quen thuộc để
xác định mối liên hệ giữa hai phía. Để biết mối liên hệ này là thân tình thì
chúng ta hiểu rằng cần có sự lắng nghe không chỉ bằng tai nhưng còn bằng sự rung
động của trái tim. Cần phải có cả hai yếu tố ấy thì mới có thể “nghe” được “tiếng
lòng” người thân yêu của mình. Quả thế, nếu chỉ nghe “tiếng” như là một âm
thanh từ đâu vọng tới thì chưa thể xác định được tình thân. Cũng cùng một tiếng
gọi nhưng đối tượng được gọi nghe thấy tiếng ấy mà cảm được được sự thân tình
và niềm vui thì đó là sự lắng nghe bằng cảm nhận của tâm hồn. Khi ấy, họ không
chỉ gặp nhau qua dáng vẻ bề ngoài nhưng còn cả trong tâm hồn. Chính vì thế, ta
thấy rõ là lời Chúa Giêsu vẫn vang lên cho tất cả mọi người nhưng những ai chỉ
nghe tiếng Chúa như một âm thanh đến rồi đi thì thật khó mà có tình thân với
Người. Ngược lại, người nghe tiếng Chúa và lòng cảm nhận được niềm vui khi nghe
tiếng ấy thì lời Chúa chắc chắc sẽ khơi lên trong lòng họ biết bao cảm mến sướng
vui.
Dấu hiệu thứ hai chính là: “Mục tử gọi tên từng con chiên và dẫn chúng ra” (Ga 10,3). Điều này muốn nói gì? Thưa, dấu hiệu
cho thấy sự thuộc về nhau chính là biết nhau. Cái biết ở đây cũng không dừng lại
ở cái biết của lý trí nhưng còn là sự xác tín cách mạnh mẽ giữa chính bản thân
hai đối tượng dành cho nhau. Đối với người Do Thái, “biết” một người có nghĩa
là thấu hiểu về đối tượng ấy chứ không chỉ đơn thuần là biết tên tuổi, biết sở
thích hay những thứ bề ngoài của họ. Do đó, mục tử Giêsu “gọi tên” từng con
chiên nghĩa là Chúa thấu suốt trọn con người, trọn cuộc đời và trọn vận mệnh của
họ. Chúa biết rõ như thế nên Người “dẫn
chúng ra” (Ga 10,3) nghĩa là dẫn chiên đi vào con đường đưa đến hạnh phúc
thật và vĩnh cửu. Đương nhiên, chúng ta không thể hiểu người khác như Chúa
Giêsu “biết” chúng ta, bởi vì chúng ta là những con người giới hạn. Tuy nhiên,
chúng ta cũng cần phải học với Chúa để “biết” người khác hơn. Thật vậy, không
có sự thấu hiểu thì sự hiểu biết của chúng ta về người khác chỉ dừng lại ở những
cảm nghĩ cá nhân của mình về người ấy. Một cách cụ thể, ta nhìn người khác, ta
hiểu người khác nhưng lại hiểu họ theo cách nghĩ của mình thì đó là cái biết
theo kiểu áp đặt, định kiến, cứng ngắc và vì thế thường dễ dẫn đến sự hiểu biết
và đánh giá sai lạc về họ. Nếu tình trạng sống chung với nhau mà cứ như vậy thì
người ta sẽ dần dần xa rời nhau. Sống bên nhau nhưng lòng họ đã không còn thuộc
về nhau nữa!
Dấu hiệu thứ ba chính là: “Mục tử đi trước và chiên đi theo sau” (Ga
10,4). Khi đã nhận biết tiếng quen
thuộc và “biết” nhau, chiên sẵn sàng “đi theo” vị mục tử. Hành động “đi theo” ở
đây có nghĩa là rập khuôn đời sống và cách sống của mình với người mà ta bước
theo. Cụ thể, chúng ta, những Kitô hữu, bước theo Chúa Giêsu nghĩa là chúng ta
cố gắng làm cho cách sống của chúng ta mỗi ngày nên giống cách sống của Chúa
Giêsu hơn: chiêm ngắm Chúa để thấy cách Chúa nghĩ như thế nào thì ta tập nghĩ
theo cách ấy; Chúa nói như thế nào thì ta học lấy cách Chúa nói; và Chúa làm
như thế nào thì ta tập làm, tập cư xử theo cách đó. “Đi theo” ở đây không có
nghĩa là đi cho vui, đi cách vô định, đi vì người khác đi nên tôi đi, đi vì tò
mò hay đi vì thói quen. Đi kiểu đó thì “những con chiên ấy” có khi bị lừa bởi
những tiếng gọi của “kẻ trộm” mà lạc vào con dường lầm lạc để rồi gặp phải nguy
hiểm trên đường. Trái lại, “đi theo” như Chúa dạy nghĩa là chúng ta làm cho đời
sống của bản thân mình mỗi ngày nên một phản ánh trung thực của Chúa Giêsu nơi
chính cuộc đời, nơi tâm hồn của chúng ta cũng như nơi những người chúng ta sống
cùng và sống với họ.
Như vậy, với việc lắng nghe bằng đôi tai
và tâm hồn, bằng cái biết thấu cảm và bằng đời sống rập khuôn đời mình theo
gương Chúa Giêsu, chúng ta, những Kitô hữu, mới thật sự là những con chiên
trong đàn chiên của Chúa. Cũng chính những dấu hiệu ấy cho thấy bản chất chân
thật của vị mục tử theo gương Chúa là mục tử nhân lành. Điều này mời gọi các
Kitô hữu, mỗi người trong ơn gọi riêng của mình trong đời sống tu trì hay đời sống
gia đình, đều phải cố gắng để luyện tập cách thức để lắng nghe: lắng nghe tiếng
Chúa, lắng nghe tiếng nói của lương tâm chân chính trước nhiều khuynh hướng sai
lạc của xã hội thời nay để biết đường đi cho đúng và lắng nghe được tiếng lòng
của những người thân thuộc sống ngay bên; tập để thấu hiểu nỗi lòng, tình yêu
và lời mời gọi của Chúa để có được tương quan gần gũi, thân tình và mật thiết với
Chúa hơn hầu làm cho đời mình được nên phong phú và vững mạnh, đồng thời cũng để
hiểu nỗi lòng, nỗi khổ và nỗi khó của những người thân cận của chúng ta để nhờ
đó có thể dễ đón nhận nhau, cảm thông cho nhau và yêu nhau nhiều hơn; và tập để
chính bản thân chúng ta, cộng đoàn của chúng ta và gia đình của chúng ta ngày
càng có với nhau những lời nói dễ thương, đáng yêu, đáng quý và đáng mến theo
cách Chúa nói; ngày càng có với nhau những cách ứng xử tế nhị, cảm thông, bao
dung, tha thứ,…; và có được những suy nghĩ lành thánh trong tâm hồn cũng như những
suy nghĩ tích cực về bản thân, về con người, về cuộc đời theo cách Chúa nói,
cách Chúa làm và cách Chúa nghĩ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu là mục tử nhân lành,
xin cho chúng con nghe được tiếng Chúa, xin cho chúng con hiểu Chúa hơn và xin
chúng con có đủ sức mạnh, sự kiên cường và sự nhẫn nại để mỗi ngày biết tập
nói, tập nghĩ, tập làm những điều tốt điều lành theo gương Chúa đã sống. Xin cho
mỗi chúng con cũng biết thực lòng nghe nhau, khát mong thấu hiểu nhau và cùng
giúp nhau sống đời Kitô hữu như Chúa dạy là một đời sống đầy tình mến Chúa và đầy
tình mến thương nhau. Có như thế, chúng con mới thật sự là những người thuộc về
Chúa và thuộc về nhau. Amen.
Thực hành: Khi người khác nói, tập lắng
nghe họ với cả tấm lòng.
Phêrô Trần Lê Thành Nhân