Trang Chủ > Giải Đáp

Tinvuixuanloc có nhận được thắc mắc của bạn Quân Bùi cũng như thắc mắc của một số quý bạn ở Hạt Biên Hòa và Hạt Phương Lâm đã gửi cho chúng tôi về vấn đề có liên quan tới Á Bí tích như sau : “BBT thân mến, chúng tôi có một thắc mắc chưa rõ về vấn đề có liên quan đến việc làm dấu khi nhận phép lành, chúng tôi thấy trong Thánh lễ hay trong một số nghi thức khác, giáo dân làm dấu khi linh mục giơ tay ban phép lành, nhưng khi linh mục cầm hào quang Mình Thánh Chúa ban phép lành thì giáo dân hay các linh mục, thậm chí cả linh mục quản hạt tham dự cũng không làm dấu. Xin BBT giải đáp cho chúng tôi về điều này. Xin cảm ơn BBT.”

ThanhTheDauThanhGia.gif

Quý bạn rất thân mến,

Để có thể trả lời cho thắc mắc của quý bạn có liên quan đến việc làm dấu khi nhận phép lành từ tay linh mục cũng như nhận phép lành Thánh Thể Chúa chúng ta, BBT xin mời quý bạn cùng chúng tôi đi vào những hiểu biết sâu xa về ý nghĩa của Dấu Thánh Giá, của Phép Lành Thiên Chúa ban cũng như tìm hiểu về sự hiện diện của Chúa Kitô qua vị đại diện của Ngài ở trần gian; đặc biệt hơn nữa là sự hiện diện hữu hình của Ngài trong trong Bí Tích Thánh Thể - Bí Tích Tình yêu của Người, để từ đó cảm hiểu ý nghĩa mà có được những cử chỉ - tâm tình như Thiên Chúa và Giáo Hội mong muốn.

Trước tiên, xin mời quý bạn tìm hiểu khởi đầu và ý nghĩa của dấu Thánh giá. Dấu Thánh giá khởi đầu từ khi nào? Và ý nghĩa của dấu Thánh giá như thế nào?

Phần I. Dấu Thánh giá

1. Khởi đầu của Dấu Thánh giá

2. Ý nghĩa của Dấu Thánh giá.

3. Phép lành của Chúa qua linh mục

1. Dấu Thánh giá khởi đầu khi nào?

Dấu thánh giá là một thực hành và là một kinh rất xưa. Chúng ta không có chỉ dẫn nào về điều đó trong Kinh Thánh, nhưng thánh Basil trong thế kỷ thứ IV nói rằng chúng ta học dấu này từ thời các tông đồ và dấu đó được thi hành trong các lần rửa tội. Trong một vài thế kỷ đầu này, người Kitô hữu đặt ngón cái lên trên ngón trỏ như hình thập tự và làm dấu Thánh Giá trên trán. Một số học giả cũng giải thích lời của Thánh Phaolô nói ngài mang những dấu của Chúa Kitô trên thân xác ngài, trong thư Gal 6:17, tức là ngài qui chiếu về dấu Thánh giá. Và từ cuối thế kỷ thứ V, các Kitô hữu đã bắt đầu làm dấu Thánh giá từ trán xuống ngực và hai vai như chúng ta thường làm ngày nay. Quả thật, Dấu Thánh giá là á bí tích đầu tiên của Giáo hội Công giáo có từ thời các tông đồ.

2. Ý nghĩa của Dấu Thánh Giá

a. Dấu Thánh giá biểu hiện mối liên hệ của chúng ta.

Khi làm dấu Thánh giá mỗi người chúng ta nói: "Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, Amen". Qua hành động ấy, chúng ta muốn:

Tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi và mở lòng tin nhận sự hiện diện vô hình của Chúa đang ở với mình, đồng thời nhắc nhớ mình qua bí tích Rửa Tội, chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa. Chúng ta muốn lập lại một lần nữa "Tôi chết với Chúa Kitô và sống lại trong đời sống mới." - đó là ý định đổi mới con người mình trở thành môn đệ của Ðức Kitô và học biết nên giống Ðức Kitô hơn. Khi làm dấu Thánh giá, chúng ta tuyên xưng đức tin của mình vào sự phục sinh vinh hiển của Ðức Kitô trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta còn làm dấu Thánh Giá như một hành động xin ban ân phúc, chẳng hạn trước bữa ăn hoặc khi đem con cái lên giường ngủ hay khi khởi đầu một công việc…

Khi làm dấu Thánh giá, chúng ta muốn nói với Chúa rằng: "Con muốn vâng lời Chúa, con thuộc về Chúa. Chúa hướng dẫn tất cả quyết định của con. Con sẽ luôn luôn vâng phục lề luật Thiên Chúa, các huấn giáo của Chúa Kitô và Giáo Hội."

Như thế, dấu Thánh giá giúp đón nhận ân sủng thánh hóa bản thân như một á bí tích; dấu Thánh giá không tạo ra sự thiêng liêng mà dấu ấy chỉ, nhưng kín múc trong kinh nguyện của Giáo hội mang ảnh hưởng đến cuộc sống chúng ta. Dấu Thánh giá là một á bí tích cao cả, không phải bùa chú nhưng là một sự ý thức mở lòng cộng tác vào ân sủng cứu độ của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô. Á Bí Tích chính là những dấu chỉ hay phương tiện hữu hình giúp ta lãnh nhận Ơn Chúa qua lời cầu xin của Giáo Hội.

Qua ý nghĩ của dấu Thánh giá trên, quý bạn có thấy mình trong mối liên hệ với ai không khi làm dấu Thánh giá? Khi làm dấu Thánh giá với tâm tình trên, quý bạn sẽ cảm nhận quý bạn đang đi vào mối liên hệ riêng tư trực tiếp với Thiên Chúa để đón nhận ân sủng phúc lành Chúa. Ước mong sao quý bạn có thể đưa ý nghĩa đó vào cõi lòng thể hiện trong từng động thái cử chỉ tâm tình mà thân thưa cùng Thiên Chúa khi làm dấu, để nhờ đó giúp mở lòng hưởng nhờ ân sủng yêu thương nhưng không của Chúa chúng ta. Quý bạn sẻ cảm nhận được sự bình an, bình tâm, hạnh phúc và sự che chở của Thiên Chúa.

b. Dấu Thánh giá thể hiện mối liên hệ của mỗi người chúng ta trong Chúa

Để bắt đầu Thánh lễ, vị chủ tế và toàn thể anh chị em cùng làm dấu Thánh giá để nhắc nhớ mỗi người đã nhận lãnh bí tích rửa tội và trở nên Kitô hữu, môn đệ có Chúa Kitô trong mình, đồng thời nói lên sự gắn bó vào Thiên Chúa được Chúa Giêsu Kitô đến biểu lộ Thiên Chúa Ba Ngôi. Dấu Thánh Giá biểu hiệu chúng ta nhìn nhận nhau, tất cả cùng gia đình và đến đây đáp lại lời Thiên Chúa mời gọi. Chúng ta được mời gọi đến với tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa đạt đến đỉnh điểm qua mầu nhiệm thập giá sinh ơn cứu độ.

Và để kết thúc một buổi cử hành phụng vụ Thánh lễ, Giáo Hội có nghi thức kết thúc gồm lời chào của linh mục và phép lành như công thức chào biệt gởi đến cộng đoàn. Phép lành là yếu tố quan trọng nhất của nghi thức kết lễ. Trước khi các tín hữu trở về cuộc sống của mình, linh mục giơ tay lên, ghi dấu Thánh giá để cầu xin phép lành của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần ngự xuống trên họ. Dấu Thánh Giá làm ở cuối lễ như lời cầu chúc. Thiên Chúa tụ họp chúng ta lại thì giờ đây Người phái ta đi nhân Danh Người làm nhân chứng những gì chúng ta vừa đón nhận là ân sủng qua Lời và Bí Tích của Người trong Thánh lễ. Người đồng hành cùng chúng ta trên mọi nẻo đường cuộc sống.

3. Phép lành của Chúa qua linh mục

Như đã nói ở trên, linh mục ghi dấu Thánh giá trên cộng đoàn để xin phép lành từ Thiên Chúa; do đó, linh mục ban phép lành không do tự thân linh mục có phép lành nhưng là phép lành từ Thiên Chúa. Phép lành từ Thiên Chúa qua linh mục đến giáo dân muốn nói lên điều gì? Đó chính là Phép lành biểu lộ mối tương quan giữa linh mục và cộng đoàn. Linh mục ghi dấu Thánh giá trên cộng đoàn giáo dân nhân danh Chúa, cộng đoàn giáo dân ghi dấu Thánh giá trên mình như một sự đáp lại tương quan ân sủng của Thiên Chúa qua Linh mục. Một tương quan trung gian trao ban ân sủng Thiên Chúa. Linh mục như bao con người khác, nhưng được tuyển chọn nhờ thánh chức trở nên thông phần trung gian với Chúa Kitô – Chúa Kitô là Trung Gian Duy Nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại – và vì thông phần trung gian với Chúa Kitô, linh mục trở nên người đại diện của Chúa Kitô cầu xin phúc lành của Thiên Chúa trên dân, xe kết con người và Thiên Chúa.

Việc ghi dấu Thánh giá trên dân hay bất cứ hành động nào khác của linh mục có liên quan tới dấu Thánh giá vừa là một nghi thức nhưng cũng nói lên rằng tất cả những gì linh mục làm không phải do sáng kiến của linh mục, nhưng là do và từ Thiên Chúa và Giáo Hội. “Quả thật, tất cả những gì linh mục làm không phải do sáng kiến của linh mục mà là tuân theo mệnh lệnh, sứ mệnh Chúa trao ban. Tất cả những gì linh mục làm không phải do sức riêng của mình mà linh mục làm do quyền năng của Chúa, do ơn Chúa. Có lẽ chúng ta biết tích Việt Nam “Hồn Trương Ba, da Hàng Thịt” https://www.youtube.com/watch?v=sD8CNYvi7kg , thì linh mục cũng thế, linh mục ban hành các bí tích, thì miệng là miệng linh mục, tay là tay linh mục, nhưng cái hồn là cái quyền năng là Thiên Chúa. Linh mục cử hành bí tích Rửa tội, cha rửa con Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần; linh muc cử hành bí tích Giải tội, ta tha tội cho con Nhân danh Cha, và con và Thánh Thần. Linh mục cử hành các bí tích Nhân Danh Thiên Chúa, bởi quyền năng Thiên Chúa chứ không phải do sức riêng của mình. Linh mục chỉ là người đầy tớ vô dụng của Thiên Chúa.” (trích bài giảng Thánh lễ Tạ Ơn Linh Mục của cố linh mục - Cha giáo dạy Kinh Thánh tại Đại chủng viện Giuse Xuân Lộc, Lm Benedicto. Nguyễn Hưng)

Phần II. Mình Thánh Chúa

1. Xác tín vào sự hiện diện vô hình và hữu hình của Chúa

2. Phép lành Mình Thánh Chúa

3. Thái độ tâm tình khi nhận phép lành

Qúy bạn thân mến,

Quý bạn vừa đi qua ý nghĩa của dấu Thánh giá và ý nghĩa của việc làm dấu Thánh giá cũng như ý nghĩa tâm tình làm dấu Thánh giá khi linh mục ban phép lành của Thiên Chúa qua việc ghi dấu Thánh giá trên cộng đoàn. Vậy để có thể hiểu sự khác nhau giữa phép lành của Thiên Chúa qua tay linh mục và phép lành từ Mình Thánh Chúa, BBT xin mời quý bạn tìm hiểu về sự hiện diện đặc biệt của Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể Tình Yêu của Người.

1. Một sự xác tín

a. Xác tín vào sự hiện diện vô hình

Quý bạn với chúng tôi, trong đức tin, chúng ta phải xác tín ở điều này rằng Chúa Kitô Phục Sinh hiện diện ở khắp mọi nơi trong mọi con người theo những cách thế mà Ngài muốn vì Chúa Phục Sinh không còn bị ràng buộc trong không gian và thời gian nữa, Ngài hiện diện ở nơi nào Ngài muốn, ở nhiều nơi trong cùng một thời điểm hay nhiều thời điểm mà Ngài muốn, Ngài cũng không còn bị ràng buộc trong một thân xác thể lý nào, ngay cả thân xác thể lý mang tên Giêsu Thành Nadarét xưa của Ngài nếu Ngài muốn như vậy. Đó là một Sự Hiện Diện Mầu Nhiệm của Chúa Phục Sinh, Thiên Chúa Toàn Năng của chúng ta. Vậy, Chúa Giêsu Kitô phục sinh đã chọn cách thế hiện diện hữu hình của Ngài ở đâu trên trần gian này?

b. Xác tín vào sự hiện diện hữu hình

Nếu quý bạn muốn tìm kiếm sự hiện diện hữu hình của Ngài, chắc chắn về sự hiện diện của Ngài, quý bạn hãy đến với Thánh Thể là sự hiện diện hữu hình tỏ tường của Ngài trên trần gian vì đích thân Ngài đã chọn Thánh Thể là nơi Ngài hiện diện với dân Ngài cho đến tận thế. Và khi đến với Thánh Thể Chúa, mắt chúng ta chắc chắn chỉ nhìn thấy bên ngoài là tấm bánh trắng, nhưng đó chính là Mình Thánh Ngài với cả nhân tính và thần tính của Ngài; Ngài quyền năng và Ngài đã dùng cách thế loài người ở lại nuôi dưỡng chúng ta qua một tấm bánh để chúng ta có thể rước tấm bánh là Mình Thánh Ngài với đôi mắt không nhìn thấy tỏ tường thịt của một con người; vì theo cảm nghĩ thông thường, quý bạn thử nghĩ mà xem ai mà lại dám ăn thịt tươi của một con người. Nhưng Thánh Thể chính là Thịt Máu Thánh Chúa.

2. Phép Lành từ Mình Máu Thánh Chúa

Thánh Thể là Thịt Máu Thánh Chúa. Phép lành từ Thánh Thể là phép lành từ chính Thân Mình Ngài là Chúa Giêsu Kitô. Chính Chúa Giêsu ban phép lành trực tiếp cho chúng ta. Nếu quý bạn để ý, quý bạn sẽ thấy phó tế hay linh mục có khăn choàng vai che tay trong khi cầm hào quang có Mặt Nhật Mình Thánh Chúa, quý bạn có biết vì sao không? Theo như linh mục Phi Quang trả lời rằng: “Chiếc khăn linh mục hay phó tế choàng trên vai trong khi kiệu Thánh Thể (màu vàng hay trắng) có tên là khăn vai (humeral veil) vì nó phủ lưng và vai (humerus: xương cánh tay trên). Việc sử dụng khăn này đã có một lịch sử lâu dài trong lịch sử phụng vụ Roma, có thể từ thế kỷ thứ VIII. Khăn này chúng ta thường thấy khi linh mục kiệu Thánh Thể hay ban phép lành Thánh Thể. Một số thừa tác viên khác có thể dùng để cầm một số vật dụng như mũ hay gậy của giám mục. Việc đeo khăn này gợi cho ta ý niệm trọng kính đối với Thánh Thể Chúa Giêsu. Cũng có người cắt nghĩa rằng: linh mục dùng khăn để tách biệt tay của mình với Mặt Nhật hay Bình Thánh mang Mình Thánh Chúa có ý nói lên rằng không phải linh mục ban phép lành mà chính Chúa Giêsu hiện diện dưới hình Bánh Thánh ban phép lành cho tín hữu.”.

Vậy, qua phép lành Thánh Thể, chính Chúa ban phép lành cho tín hữu không thông qua linh mục, nhưng phó tế hay linh mục nâng cao Mình Thánh Chúa và ghi dấu Thánh giá là một nghi thức như đã nói ở phần trên về khởi đầu và ý nghĩa của dấu Thánh giá.

Tới đây, chắc quý bạn đã đã tìm ra cho mình được câu trả lời vì sao khi linh mục ban phép lành thì giáo dân làm dấu nhưng khi linh mục nâng Mình Thánh Chúa ghi dấu Thánh giá ban phép lành thì cộng đoàn hay không ai khác làm dấu.

3. Thái độ và tâm tình khi nhận Phép Lành

Chúa Giêsu nói với bà Theresa Neumann người được in Năm Dấu Thánh: “…Con hãy biết rằng một cái gì đó lớn lao xảy ra khi con nhận phép lành của vị linh mục của Cha. Phép lành là một tuôn trào sự thánh thiện thiên quốc của Cha. Hãy mở hồn con ra và để cho hồn con trở nên thánh thiện bằng phương tiện của sự chúc lành. Phép lành là một giọt sương trời cho linh hồn… Con không thể hiểu được lòng thương xót dường bao mà phép lành mang lại cho con bởi Cha. Thế thì con đừng bao giờ đón nhận phép lành như việc phải có hay nhận cách lơ đãng. Từ sự nghèo khó trước đó mà con trở nên giàu có sau khi nhận được phép lành…”

Quý bạn rất thân mến, Phép lành của Chúa thật đặc biệt dường bao!

Như đã trình bày ở phần trên, việc làm dấu Thánh giá khi nhận phép lành mang rất nhiều ý nghĩa. Khi làm dấu Thánh giá nhận phép lành, đó là biểu chứng đức tin của ta vào Thiên Chúa Ba Ngôi, là biểu chứng về việc đã lãnh nhận phép Thánh Tẩy và muốn bước vào đời sống mới trong ân sủng của Thiên Chúa; việc làm dấu Thánh giá khi nhận phép lành còn muốn nói lên tâm tình của ta vào Thiên Chúa như quyết tâm chết đi cho con người cũ để tái sinh trong con người mới, là để mở lòng và xin ơn lành của Thiên Chúa, để nói lên mỗi người chúng ta là anh chị em của nhau, để biểu lộ mối tương quan của ta và linh mục như trung gian trao ban ân sủng qua thánh chức… có rất nhiều ý nghĩa và tâm tình khi làm dấu Thánh giá khi nhận phép lành qua linh mục của Chúa (như đã trình bày ở trên).

Dấu Thánh giá có một ý nghĩa tâm tình đặc biệt như thế, vậy làm sao có người làm dấu, có người lại không làm dấu khi nhận phép lành Mình Thánh Chúa, Chúa ban Phép lành cho mỗi người mà? Đây không còn là tay linh mục giơ lên ghi dấu Thánh giá nữa nhưng tay đã được che bởi khăn vai trắng, miệng cũng không còn là miệng linh mục nữa “Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần”, nhưng chính là Chúa, Mình Thánh Chúa được nâng cao ban phép lành cho mọi người.

Chúng ta đặt câu hỏi, tại sao Chúa ban phép lành mà lại không làm dấu? Như đã trình bày về ý nghĩa tâm tình làm dấu Thánh giá ở trên, quý bạn khi nhận phép lành từ Mình Thánh Chúa, quý bạn có thể làm dấu với các tâm tình trên, làm dấu vừa là một nghi thức vừa là một biểu chứng của mỗi người với Thiên Chúa và tha nhân? Vậy đâu là tâm tình mà quý bạn cảm thấy xứng hợp nhất khi quý bạn hiện diện trước Mình Thánh Chúa, trước Thánh Nhan uy linh nhưng rất đỗi âm thầm đơn sơ của Chúa?

Quý bạn có cần làm dấu Thánh giá biểu chứng niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi trước Thánh Nhan Người không, quý bạn có cần làm dấu Thánh giá để biểu lộ tương quan của mình với linh mục và dân Chúa không? Quý bạn có thể biểu chứng điều đó tuỳ vào cõi lòng của quý bạn, vì đó vừa là nghi thức trong một số trường hợp nhưng còn là biểu chứng đức tin của mình nữa. Nhưng còn một tâm tình nữa để quý bạn thử nghĩ xem. Trước Thánh Thể Chúa, trong đức tin, ta đang hiện diện với Chúa Giêsu Thánh Thể - Đấng Quyền Năng dựng nên cả đất trời, Đấng làm cho người mù được thấy, người điếc được nghe, kẻ chết sống lại. Trước một vị Thiên Chúa như thế, quý bạn sẽ có tâm tình nào xứng hợp nhất khi Ngài ban phép lành cho quý bạn. Theo đa phần các tôn giáo, tâm tình chiêm ngưỡng, cúi đầu cảm tạ trong tâm tình thờ lạy sát đất là tâm tình xứng hợp nhất trước sự hiện diện của một vị thần mà mình là thụ tạo thấp hèn. Nhưng Thiên Chúa chúng ta không chỉ là thần là chúa nhưng là Chúa Các Chúa, là Thiên Chúa Quyền Năng Tình Yêu và Giàu Lòng Thương Xót.

Lúc này đây, khi quý bạn ở trước Thanh Nhan Ngài, trước Thánh Thể Ngài, trong tâm tình đức tin, còn hạnh phúc nào hơn nữa, quý bạn sẽ chú ý để chỉ một mình Ngài, ao ước được chìm đắm trong ân sủng Ngài, không còn những cử chỉ tay chân con người gây chia trí, chỉ tập trung vào Ngài mà thôi; lúc đó, quý bạn sẽ tìm trả lời được cho câu hỏi của quý bạn. Dấu Thánh giá sẽ trở nên một sự nhắc nhở cho bạn về sự hiện diện của Ngài khi bạn nhận phép lành từ Ngài, hay quý bạn có thể chìm sâu trong sự hiện diện trao ban ân sủng của Ngài mà không còn cử chỉ nào thiết yếu nữa. Quý bạn để ý khoảng lặng khi linh mục dần tiến lên để nâng cao Mình Thánh Chúa, khoảng lặng khi Mình Thánh Chúa ghi dấu Thánh giá trên Dân Chúa, khoảng lặng sau khi ban phép lành Mình Thánh Chúa. Đó có thể là khoảng lặng của sự chuẩn bị tâm tình, đó có thể là khoảng lặng Chiêm Ngưỡng Thờ Lạy Cảm Tạ Chúa chí thánh, ngàn trùng chí thánh, khoảng lặng của việc ở bên Chúa sâu thẳm tâm hồn mà không cử chỉ bên ngoài nào diễn ta được, khoảng lặng của phó dâng cuộc đời cho Chúa, khoảng lặng ao ước được rước Chúa trong Bí tích Thánh Thể tình yêu của Người trong Thánh lễ.

Phần trả lời cho thắc mắc của quý bạn tới đây đã khá dài, BBT xin chúc cho quý bạn được tràn đầy hồng ân của Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh. Mỗi ngày, mỗi khám phá ra sự hiện diện đơn sơ nhưng quyền năng tình yêu của Chúa Giêsu Thánh Thể để viếng thăm Ngài, yêu mến thờ lạy Ngài mỗi hơn. Là người Kitô hữu, BBT chúng tôi xin được cùng quý bạn là những người con của Thiên Chúa cùng nhau tuyên xưng đức tin và tín thác cuộc đời mình cùng thờ lạy yêu mến Ba Ngôi Cực Thánh:

“NHÂN DANH CHA V CON V THÁNH THẦN V. AMEN.”


Các bài viết mới hơn
     Thắc mắc 30: Bí Tích Rửa Tội, Bí Tích thêm Sức và Bí Tích Truyền Chức Thánh.
     Thắc mắc 29. Hành trình Đức tin nghĩa là sao?
     Thắc mắc 28. "Mầu nhiệm" được hiểu như thế nào?
     Thắc mắc 27. Ý nghĩa và Sơ đồ Năm Phụng Vụ
     Thắc mắc 26. Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong các cử hành Phụng vụ của Hội Thánh
     Thắc mắc 25. Cách thức Cầu nguyện - Khẩu nguyện và Tâm Nguyện
     Thắc mắc 24. Ấn tín của Bí tích Rửa Tội
     Thắc mắc 23. Việc Xông Hương trong Thánh Lễ
     Thắc mắc 22. Lương dân và Ơn cứu độ
     Thắc mắc 21. Tội nguyên tổ

Các bài viết cũ hơn
     Thắc mắc 11. Danh xưng "CHA" trong Giáo Hội Công Giáo
     Thắc mắc 10. Câu Tung Hô Lời Chúa
     Thắc mắc 9. Tại sao người Công giáo sùng kính Đức Mẹ
     Thắc mắc 8. Chức tư tế của người tín hữu giáo dân
     Thắc mắc 7. Kinh Lạy Cha P.2
     Thắc mắc 7. Kinh Lạy Cha. P 1
     Thắc mắc 6. Linh hồn
     Thắc mắc 5. Linh mục và chiếc áo màu đen
     Thắc mắc 4. Cầu nguyện
     Thắc mắc 3.Tiếng Lương Tâm